Đọc và viết, hiển nhiên đó là hai hoạt động khác nhau, chứ
không phải một. Theo cách hiểu thông thường, đối với một người sáng tác văn
chương (người viết) bất kì, đọc nằm ở quá trình “nạp”, còn viết là “xả”, là
“trút” cái sự ngấm từ việc đọc của mình vào một sáng tạo ngôn từ mới mẻ. Điều
đó cũng có nghĩa là, đối với người viết, đọc và viết tuy khác nhau song lại rất
gần nhau. Sự đọc cần cho tất cả những ai yêu chuộng tri thức, yêu chuộng một đời
sống tinh thần phong phú; riêng với người viết, đọc trở thành một điều kiện
mang tính cốt tử nếu người viết thực sự muốn sống chết với nghề viết, thực sự
muốn tạo lập những giá trị văn chương có thể không bị bụi thời gian che phủ;
nói cách khác, phải đọc, nếu người viết muốn hiện diện với tư cách một người viết
chuyên nghiệp.
Không có gì khó hiểu khi người viết chuyên nghiệp bị điều
kiện hóa bởi việc đọc. Hãy thử chứng minh điều đó bằng những giả định.
Trước hết, nếu không đọc (hoặc ít đọc) người viết sẽ chỉ
có thể viết bằng chút ít tài năng trời cho (với điều kiện là anh ta có thứ tài
năng ấy, tất nhiên) và bằng những kinh nghiệm đời sống hết sức hữu hạn của
riêng mình, chứ không phải bằng bề dày của cái vốn liếng văn hóa về văn học. Thực
tế cho thấy, cái vốn liếng văn hóa về văn học này chính là nguồn “nhiên liệu”
giúp cho một người viết đi bền, đi xa trên con đường văn chương thiên lí. Không
có nó, may ra người viết chỉ đạt được một vài thành công ban đầu rồi sau đó
nhanh chóng lê mình trong bóng tối của sự lặp lại chính mình, cũ kĩ và nhàm
chán.
Thứ hai, nếu không đọc (hoặc ít đọc) người viết sẽ không
thể biết được ở cái thế giới văn chương ngoài mình, người ta đã và đang viết
như thế nào, làm được những gì, tiến đến đâu. Và do vậy, rất dễ xảy ra một bi
hài kịch là người viết sẽ tự thỏa mãn với việc mở những cánh cửa đã được mở rồi,
đi trên những con đường đã trở thành lối mòn, để rồi đến lúc phát hiện ra sự thực,
anh ta sẽ phải sống trong tâm trạng vỡ mộng đầy chán nản.
Thứ ba, nếu không đọc (hoặc ít đọc) người viết sẽ không
thể có niềm hạnh phúc đặc thù đối với một người viết là được gợi ý, được kích
thích tiềm năng sáng tạo trong chính mình từ những sáng tạo của người khác.
(Tôi không nói đến việc học theo, bởi với những người viết có bản lĩnh, học
theo, ngay trong trường hợp tốt nhất, cũng chỉ là hành vi tự biến mình thành bản
dập của những người khác. Tôi nói tới việc được gợi ý, được kích thích, và
tôi nhớ đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khi ông viết trong nhật kí, năm 1933: “Ta
đây tuổi còn trẻ, tính còn ngây thơ, đọc sử Bình Nguyên mà lòng yêu quý non
sông phơi phới, trong lúc thán phục các vị anh hùng, muốn nêu các vị vào khúc
anh hùng ca để truyền về hậu thế, cho muôn nghìn đời soi vào. Than ôi! Công
nghiệp không phải là dễ, mà ta vốn là kẻ ngu muội, há có thể đảm đang mà nhận
cái chức làm thi sĩ của non sông như Homère của Hi Lạp, Virgile của La Mã,
Camoens của Bồ Đào không?”).
Tuy vậy, cũng không hiếm người quan niệm (thường là ngấm
ngầm chứ rất ít khi công khai) rằng người viết chỉ nên đọc một cách… vừa phải
thôi, nếu không, chưa biết chừng lợi bất cập hại. Họ giải thích, đọc thì có ích
thật đấy, nhưng nó sẽ khiến cho phần “nhân vi” nơi người sáng tạo dày lên và
làm mỏng đi cái phần “tự nhiên” tươi tắn, trinh nguyên, rốt cuộc là cái được
không bù đủ cái mất. Một lí do khác cũng thường được dùng như cột đỡ cho quan
niệm này, là việc đọc nhiều, trong nhiều trường hợp, sẽ khiến người viết dễ bị
“ngợp”, và sợ, và rồi không dám viết nữa. Vì nhìn chân trời nào cũng thấy có người
bay (và có không ít người bay khổng lồ), nhìn con đường nào cũng thấy chi chít
những vết chân (và có không ít những vết chân như tạc vào đá). Kiến bò miệng
chén, có loay hoay mãi cũng sẽ chẳng đi đến đâu; đến nước như vậy cũng là do sự
đọc mà ra!
Về quan niệm này, xin được bình luận một cách ngắn gọn,
đó là con đẻ của một thứ chủ nghĩa mà tôi tạm gọi là “sáng tạo trong sự vô
minh”. Người ta tự ru ngủ mình bằng sự khước từ việc phải nhìn vào người khác,
theo cách nói của K.Marx, như nhìn vào một tấm gương để thấy bản lai diện mục của
mình trong đó. Hậu quả của chủ nghĩa “sáng tạo trong sự vô minh” này, như tôi đã
nói ở trên, là đến một ngày đẹp trời (hoặc xấu trời) nào đó, khi nhận ra sự thực,
người viết sẽ phải sống trong một tâm trạng vỡ mộng đầy chán nản (vì anh ta biết
mình là người thứ n ví người đẹp với bông hoa!).
Nói chung, với những người viết có tài năng, có bản lĩnh,
việc đọc chẳng bao giờ là thừa. Càng đọc nhiều càng tốt. Bằng cái đọc, anh ta sẽ
biết được trong thế giới văn chương tự cổ chí kim có biết bao tượng đài, anh ta
sẽ biết được kích thước thực sự của những tượng đài ấy. Biết để kính trọng, chứ
không phải biết để khiếp sợ. Biết để nuôi trong mình niềm khát khao vươn tới trở
thành một tượng đài mới, chứ không phải biết để trở thành bản dập của một tượng
đài đã có (điều này tôi cũng đã nói ở trên qua trường hợp của nhà văn Nguyễn
Huy Tưởng) hoặc để bị tượng đài đó làm cho nghẹt thở. Một ví dụ cho chuyện này,
khi mới bước chân vào sáng tác văn chương, Victor Hugo tuyên bố rất hùng hồn:
“Là Chateaubriand, hoặc không là gì cả”. Dĩ nhiên là phải đọc Chateaubriand thì
Hugo mới nói như vậy. Nhưng sau rốt, như thực tế lịch sử văn chương lãng mạn
Pháp cho thấy, Hugo đã vượt qua thần tượng thuở thiếu thời của mình một khoảng
rất xa.
Liên quan tới câu chuyện về cái đọc đối với người sáng
tác văn chương (người viết), xin được nhắc qua một chút tới những nghiên cứu gần
đây của hai tác giả Việt Nam: Ngô Tự Lập (“Điển tích và sự mở rộng khái niệm điển
tích”, “Văn chương như là quá trình dụng điển” - trong sách Minh triết của giới
hạn, Nxb Hội Nhà văn, 2005) và Nguyễn Thị Từ Huy (sách Alain Robbe Grillet: Sự
thật và diễn giải, Nxb Hội Nhà văn & Đại Việt Books, 2009).
Ngô Tự Lập quan niệm điển tích bao gồm cả điển tích văn
chương và điển tích đời sống, và sáng tác văn chương (viết) chính là quá trình
mà người viết buộc phải dụng điển, hoặc cái này hoặc cái kia hoặc cả hai. Quan
niệm về điển tích như vậy dường như hơi rộng (chữ “điển” tự thân nó đã mang một
nghĩa hết sức cụ thể: sách vở). Nhưng ít nhất, ở khía cạnh điển tích văn
chương, nó khẳng định một sự thực rằng đã là người viết thì phải đọc, như một bắt
buộc. Trong văn học trung đại (Trung Quốc và Việt Nam) chúng ta thấy rất rõ điều
này. Truyền thống của văn học trung đại khiến cho một người viết sẽ trở nên rất
“nhẹ đồng cân” nếu anh ta không dụng điển khi viết, nói cách khác, nếu trong
cái viết của anh ta không phản ánh cái đọc. Vấn đề ở đây không đơn giản chỉ là
sự “khoe” kiến văn của người viết, mà còn là, và chủ yếu là việc dụng điển sẽ tạo
ra một tác động thẩm mĩ đặc thù trên người đọc. Đọc một văn bản, qua những điển
tích được người viết sử dụng, người đọc sẽ được sống trong một mạng lưới những
dẫn chiếu rất phong phú tới những văn bản khác (lí luận hiện đại gọi đó là liên
văn bản). Anh ta tự tìm lấy những sắc thái nghĩa của điển tích (cũ) trong khuôn
khổ của văn bản (mới) và anh ta sẽ được hưởng khoái thú của việc hiểu và trở
thành kẻ đồng sáng tạo với tác giả. Điều đó cũng lặp lại trong văn học hiện đại.
“Những người không đọc văn học cổ Việt Nam và Trung Quốc không thể cảm nhận hết
cái hay của thứ văn được Nguyễn Huy Thiệp khai quật và phả vào một tinh thần mới
trong Vàng lửa hay Kiếm sắc. Thậm chí nhiều tên nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp
cũng chứa đựng những ám chỉ mà khó một dịch giả nào có thể chuyển tải trọn vẹn
đến cho những người đọc không được chuẩn bị” (Ngô Tự Lập, sđd, trang 70-71).
Nhưng trước khi người đọc tự trang bị cho mình để tiếp cận với văn bản, thì hiển
nhiên là người viết phải đọc, phải ngấm đến cùng các giá trị của văn chương quá
khứ cái đã!
Trong nghiên cứu về Alain Robbe Grillet - ông trùm của Tiểu
thuyết Mới, một quái kiệt của văn chương phương Tây hiện đại - Nguyễn Thị Từ
Huy không nói đến khái niệm “điển tích”, mà nói tới khái niệm “tái diễn”, “tái
lặp”. Tôi muốn đơn giản hóa vấn đề bằng cách nói rằng trên một phương diện nào
đó, những khái niệm này có sự giao thoa nhất định. Khi đề cập sự phá vỡ diễn giải
về lịch sử tính trong tác phẩm của Robbe Grillet, Nguyễn Thị Từ Huy nêu vấn đề:
“Trong việc hiểu tác phẩm, những nghiên cứu về thời đại của tác giả còn có ý
nghĩa gì khi mà không gian sống của nhân vật được miêu tả cùng một cách thức như
trong văn bản của một tác giả khác ở một thế kỉ trước? Bối cảnh lịch sử liệu còn
có ý nghĩa gì khi mà nhân vật được miêu tả như là con người của mọi thời?”
(Nguyễn Thị Từ Huy, sđd, trang 371). Và đưa ra dẫn chứng: “Chẳng hạn, bối cảnh
của Tái diễn (một tác phẩm của Robbe Grillet) không được xác định bằng giai đoạn
lịch sử lúc cuốn sách được viết ra - cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI - cũng
không phải là giai đoạn lịch sử lúc câu chuyện diễn ra: tháng 11 năm 1949. Nhờ
những dấu hiệu cụ thể, có thể nói bối cảnh của nó trên thực tế được tạo thành bởi
Tái diễn của Kierkegaard, Oedipe làm vua của Sophocle, Câu cầu của Kafka, bởi
các tác phẩm trước đó của Robbe Grillet, đặc biệt là Những chiếc tẩy và bộ ba
tác phẩm có tính tự thuật” (sđd, trang 373). Nhà nghiên cứu lí giải điều đó:
“Trong quan niệm của Robbe Grillet, đó luôn là cùng một câu chuyện, được viết bởi
nhiều tác giả khác nhau, qua nhiều thời kì khác nhau, và mỗi phiên bản xuất hiện
như một cái gì đó mới mẻ. Viết tạo ra một không gian chung nơi cùng tồn tại nhiều
cấp độ của quá khứ: quá khứ so với hiện tại, quá khứ gần hơn so với quá khứ xa
hơn, và điều đó tiếp tục cho tới khi xóa bỏ cả thời gian tính lẫn lịch sử tính”
(sđd, trang 374).
Quan niệm này, như nó thể hiện qua thực tế sáng tác, cùng
nhiều quan niệm gây bất ngờ khác của Alain Robbe Grillet đã góp phần mang lại
hào quang cho tên tuổi của ông. Nhưng trong câu chuyện cái đọc với người viết
mà chúng ta đang bàn ở đây, quan niệm này liệu có thể đi đến đâu, có giá trị
hay không nếu nhà văn tiên phong của Tiểu thuyết Mới không “nạp” một khối lượng
tri thức đồ sộ nhờ việc đọc? (Hỏi, cũng tức là đã trả lời. Riêng với trường hợp
của Alain Robbe Grillet, phải mở ngoặc đơn để nói thêm rằng cái đọc của ông
cũng rất đáng tham khảo đối với người viết nói chung, nhà văn này đọc các triết
gia nhiều hơn đọc các nhà văn cổ điển. Dường như Milan Kundera và Octavio Paz
cũng vậy).
Chẳng ai có thể làm được, sáng tạo được một cái gì đó mới
mẻ từ một kí ức trống rỗng. Cái đọc và cái viết đối với một người viết cũng
liên quan với nhau theo cách thức như vậy. (Diễn đạt theo cách của J.Kristeva,
nhà kí hiệu học nổi tiếng thế giới, thì chẳng có lời nào là lời đầu tiên được
nói ra; mỗi lời đều vang vọng trong nó những lời đã được nói ra từ trước đó). Hồi
kí hay tự thuật của các nhà văn lớn ở Việt Nam và trên thế giới đều cho thấy họ
sở hữu các thư viện lèn chặt sách và họ đã “ngốn” sách vở các loại khủng khiếp
đến thế nào. Phần nào đó, họ đã trở thành “lớn” là vì thế. Liệu người ta có thể
trở thành nhà văn lớn bằng những con đường nào khác chăng?
HOÀI NAM
Nguồn: VNQĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét