Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

NHÀ THƠ PHAN HOÀNG: THAY ĐỔI CẢM HỨNG BẦU TRỜI

Điều để Phan Hoàng có thể Chất vấn được thói quen, tìm được cơn bão mới là nhà thơ quyết tâm dứt bỏ nhiều điều tưởng như rất đỗi thân thiết với cuộc đời mình. Cái thế giới trần gian phàm tục không thể thay đổi dù chúng ta có cố gắng dùng toàn bộ trí lực. Thay đổi chỉ đến từ bên ngoài, nói đúng hơn là đến từ cái siêu tại, đến từ cái bầu trời thần thánh mà chúng ta bỏ quên từ rất lâu, rất lâu trong tâm hồn chúng ta”.
Nhà thơ Phan Hoàng ở Moskva 8-2018

Đối với những người dậy sớm, còn điều gì tuyệt diệu hơn khi trên đầu mình một con đường rực sáng đang lộ dần ra, dưới chân mình là những con đường đính đầy sương lóng lánh. Vũ trụ giống được tái sinh trở lại khi cảm hứng trần tục của chúng ta biến đổi, thậm chí không cần biến đổi mà chỉ cần rũ bỏ những thói quen thân thiết với bóng tối.

Điều “chỉ cần” ấy hầu như rất nhiều những ai gọi là nhà thơ đều không làm được. Phía trước Phan Hoàng, phía sau Phan Hoàng, và cả vùng xung quanh nhà thơ này, theo cảm nhận của riêng tôi, không mấy người hiểu được cái lẽ tự nhiên huyền diệu ấy của cảm hứng. Cái cảm hứng trần tục, lơ mơ, khao khát trở về tuổi thơ một cách buồn cười, hay những cung bậc cảm xúc nhẹ bẫng chế ngự họ hoàn toàn. Mà không phải chế ngự, tôi nói sai, nó là hoà làm một, thành hơi thở, thành nhịp sống trong những ngôn từ mà chúng ta quen gọi ấy là thơ!

Trong cái nền hoang vu thơ ca ấy, Phan Hoàng đã im lặng khá lâu. Dường như nhà thơ hiểu rằng, chỉ cần lên tiếng, rất dễ sẽ bị đồng hoá nhanh chóng với miền hoang vu ấy!

Đối với những dục năng đang ngùn ngụt trong đất, không có gì mạnh mẽ hơn, thân thiết hơn, và đôi lúc còn là duy nhất đối với chúng: Đó chính là những thói quen. Cuộc sống lặp đi lặp lại, không cảm hứng, không tươi mới, không ước mơ. Nó lặp đi lặp lại những thời gian sống cũ kỹ, những thời gian sống đã bị hút sạch tuỷ sống, hút sạch cảm giác sống, hút sạch những gì tươi đẹp vì chúng ta đã sống qua nó một lần. Đấy đấy, cuộc đời đã trôi qua một lần. Dòng sông đã trôi qua một lần. Không thể lấy lại, không thể sống lại chính đoạn đời đó, chính khúc sông đó. Điều ấy ai cũng hiểu. Thế nhưng sức mạnh của thói quen - sức mạnh của sự lười nhác, mệt mỏi, lo sợ, thoái lui đã tóm lấy chúng ta và xoay ngược chúng ta lại, bắt chúng ta đối mặt triền miên với những điều đã đi qua đời sống chúng ta từ rất lâu, rất lâu. Thường các nhà thơ đều ôm mặt đứng khóc ở đây. Nước mắt của họ chảy dài trên các tờ báo bằng những bài thơ xinh xinh thổn thức. Giữa thời khắc bi kịch của thơ ca hiện đại, tôi thấy cuộc chiến khắc khoải của Phan Hoàng:

…“bỏ đi bỏ đi bỏ đi…

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?”

                                                       (Chất vấn thói quen)
Tập thơ Chất vấn được thói quen của Phan Hoàng

“Bỏ đi bỏ đi bỏ đi…”- Như một lời thơ nhật tụng khi phải đối mặt với những thói quen u tối của tinh thần. Bỏ đi một thói quen trong đời sống thường nhật đã khó, bỏ đi một thói quen u mê trong tâm hồn còn khó hơn rất nhiều. Và đa số chúng ta đều không làm được điều đó một cách trọn vẹn bởi vì cái thời gian để chúng ta nhận biết được đâu là thói quen u mê, đâu là dòng sống thực sự trong tâm hồn chúng ta mất gần hết cuộc đời. Dường như chỉ khi bắt đầu đổ ngã, chúng ta mới kịp nhận ra một chút gì đó thực sự về cuộc sống vì phần lớn thời gian sống chúng ta ăn uống, vui chơi và than khóc. Vậy làm thế nào để nhận biết được một cách nhanh chóng điều đó? Làm thế nào để từ bỏ những thói u mê trong tâm hồn? Phan Hoàng có một câu trả lời trong thơ ca của mình.

cơn bão nổi mạnh dần lên
thế giới ký tự mới mở ra
mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu

                       (Cơn bão ký tự mới)

Đây là câu trả lời. Cần một cơn bão lớn, cơn bão của lòng can đảm, cơn bão của cảm hứng vô độ. Cần bão tố, cần một sức mạnh vô biên để đảo ngược lại số phận đã bị nô dịch vào những thói quen. Chúng ta hình dung tâm hồn mình giống như một rừng cây rậm rạp. Hoa cỏ nở tưng bừng. Cây lá xanh tươi khoe sắc. Nhìn xa giống như một cánh rừng hoa tràn ngập những cảm xúc mới mẻ và yêu kiều. Thế nhưng đến gần lại, sâu bên trong rừng, dưới những lớp lá mục dày, những xác thú chết thối rữa vẫn còn ở đấy. Và bao nhiêu những điều u tối, nhơ nhớp không thể gọi tên dưới đáy sâu tâm hồn. Vậy thì cơn bão cảm hứng đâu? Cơn bão vô độ của lòng quả cảm đâu? Cơn bão sẽ thốc tất cả khu rừng lên, lay giật từng thân cây cành lá, thổi bay sạch những xác thú thối rữa. Và cho dù cành cây có bị bẻ gãy, lá cây xanh có bị bứt tung bay thì chúng ta cần phải hiểu, sau cơn bão cảm hứng ấy, chúng ta được sống, được cảm xúc bằng những vết thương trinh bạch nhất của đời mình.

Điều để Phan Hoàng có thể Chất vấn được thói quen(*), tìm được cơn bão mới là nhà thơ quyết tâm dứt bỏ nhiều điều tưởng như rất đỗi thân thiết với cuộc đời mình. Cái thế giới trần gian phàm tục không thể thay đổi dù chúng ta có cố gắng dùng toàn bộ trí lực. Thay đổi chỉ đến từ bên ngoài, nói đúng hơn là đến từ cái siêu tại, đến từ cái bầu trời thần thánh mà chúng ta bỏ quên từ rất lâu, rất lâu trong tâm hồn chúng ta. Lâu đến nỗi mặc dù nó thuộc về bản chất của chúng ta, nhưng khi quay lại, chúng ta thấy nó lạ lẫm hoàn toàn. Ấy đấy, cảm hứng phải làm lại, không ở đâu hết mà ở chính trong tâm hồn mỗi chúng ta “thay đổi cảm hứng bầu trời/ thay đổi tư duy từng ngọn núi con sông”(Ký ức hoa hồng).

NGUYỄN QUYẾN
Nguồn: Báo Đất Việt


______________

(*) Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2012.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU