Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

NHÀ VĂN TRẦN NHÃ THỤY: LÀM THƠ TẶNG VỢ RỒI VỀ… NẤU CƠM

Được độc giả biết đến với những tập truyện ngắn, tản văn đặc sắc, và một vài tiểu thuyết gây được tiếng vang, đã chuyển thể thành phim nhưng với nhiều anh em làm báo Sài Gòn, nhà văn Trần Nhã Thụy lại là người thích làm thơ, có những câu thơ rất hay, rất thú. Đặc biệt, anh thường làm nhiều thơ về vợ, người phụ nữ quê đất võ Bình Định nhưng rất dịu dàng. Người phụ nữ không chỉ là một nửa cuộc đời mà còn mang đến hạnh phúc cả phần đời còn lại cho anh, cùng hai cậu con trai kháu khỉnh và một gia đình hạnh phúc, để anh mặc sức “ngoại tình” với chữ nghĩa đêm đêm.
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

Gã giang hồ mê chơi nhưng… nhớ nhà

Như lần làm thơ về vợ, Trần Nhã Thụy đã viết thế này, “Cùng nhau một chặng đường trần/Mình đưa tay nắm những lần ngã đau/Đắng cay nuốt đã nhiều rồi/Thì thôi nước chảy qua cầu ngày xanh”. Dường như, với một người viết văn như anh, những câu thơ chân thành và đắm đượm nhất chính là thơ về vợ, người đã gắn bó với anh từ những ngày mới chân ướt chân ráo mưu sinh ở mảnh đất phồn hoa này. Dù chưa từng kể hết những cơ cực trên đường đời nhưng tôi phần nào hiểu được hoàn cảnh của đôi vợ chồng trẻ ấy. Sống bằng ngòi bút cả nghĩa bóng và nghĩa đen, nuôi hai con nhỏ, ở trong một căn phòng thuê lợp tôn đâu đó ngoại thành. Dần dần, anh chị mua đất, rồi dựng nhà và hồi cuối năm ngoái, căn nhà lại được hoàn chỉnh cho ngăn lắp, to đẹp hơn một chút nữa để những ngày hè oi bức, anh không phải ở trần trên gác viết văn mà mồ hôi lẫm chẫm như chính Trần Nhã Thụy từng tâm sự đâu đó. Có lẽ, thời gian nhiều năm ấy, với vô vàn khó khăn mà những người tỉnh lẻ lập nghiệp ở thành phố phải đổi mặt, nếu không có sự cảm thông, chia sẻ, gắng gượng thì tình yêu không thể nào dìu dắt người ta bước tiếp được. Và, sau nhiều những cay đắng nuốt sâu vào trong lòng ấy, anh chị càng hiểu, càng yêu và thương nhau hơn.

Nhưng, làm người cầm bút anh ý thức rằng. Cuộc sống dù cay đắng hay hạnh phúc thì vẫn phải sống, mà còn cố gắng sống tốt hơn. Vì vậy, anh chọn cách mỉm cười với tất cả mọi thứ, với thơ và đời. Như anh từng viết: Chiều chiều vo gạo nấu cơm/Ngồi trong xó bếp nghe thơm nỗi buồn. Có lẽ, đó là câu thơ tự đáy lòng, thốt chân thực về cảm xúc của anh. Như lần anh bật lên, sau những buổi sáng tập thể dục ở con đường nhỏ trước nhà. Người ta đi Mỹ đi Tàu/Còn mình quanh quẩn cái cầu Gò Dưa. Những câu thơ của Trần Nhã Thụy không nhiều, không cầu kỳ bóng bẩy nhưng cứ làm người ta nhớ mãi, ám ảnh như uống ly cà phê thơm ở một góc quán thơ mộng đâu đó không bao giờ quên. Và khá đặc biệt, bạn bè chỉ đọc thơ anh ở trang facebook cá nhân chứ ít bao giờ anh đưa lên báo, ngoài một lần các đồng nghiệp cũ ở tờ Tuổi Trẻ in một chùm giới thiệu mà thôi.

Thú thật, tôi ít thấy ai tài hoa mà lại chung thủy như anh. Có lẽ đó là cách để anh giữ gìn cuộc sống hôn nhân gia đình. Và thật kỳ lạ, không biết đùa hay thật nhưng dù là người am tường khá nhiều lĩnh vực, Trần Nhã Thụy bảo anh không biết dùng thẻ…ATM, nghĩa là tiền trong tài khoản tất cả đều do vợ giữ, bạn bè các báo chi trả nhuận bút, lương thưởng anh đều không biết. Hỏi thêm, anh cười hóm hỉnh, mình thì được vợ nuôi, tiền ăn sáng, ăn trưa hay cà phê đều có vợ đưa cho mỗi ngày mà chiều chiều lại đón con về ăn cơm vợ nữa thì cần chi tiền? Vậy mà lần nào ngồi nhậu với anh em, bè bạn, khi tính tiền thì anh đều giành trả, bảo mình…mới có tiền!

Cách đây ít bữa, trong dịp đại hội nhà văn thành phố, Trần Nhã Thụy được đông đảo đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn TP HCM. Anh bảo, mình cả đời ở nhà cơm canh, làm ô-sin cho vợ con thì nay lại được làm ô-sin cho anh em trong hội, không biết có mấy năm tới, có làm được gì cho mọi người không. Hình như, sâu thẳm trong anh, cái chức danh ấy là vì bạn bè, vì anh em tình nghĩa nên Trần Nhã Thụy nhận lời chứ với anh, nó không phải là mục đích của người cầm bút.

Chiều nay ngồi rót quê nhà vào ly

Tôi quen anh cũng qua những bài báo. Dần dà, anh em không hẹn nhưng thi thoảng vẫn ngồi bên nhau, ở một quán quen bên bờ kênh Nhiêu Lộc, lặng lẽ nhìn dòng nước phía xa xa, ngắm con kênh từng trong xanh, rồi ngầu đục và lại trong xanh, như những thăng trầm hưng thịnh của thành phố non trẻ này. Cũng như tôi, dù có một căn nhà, một gia đình lẫn cuộc sống khá ổn định giữa Sài Gòn nhưng trong anh chưa bao giờ thôi khắc khoải về nỗi nhớ quê, vùng đất Quảng Ngãi nắng gió sinh ra, nuôi dưỡng anh suốt một tuổi thơ khốn khó. Anh vẫn kể, mình đam mê nhiều thứ. Đó không phải là tính cách mà phần nhiều do đòi hỏi của công việc khiến anh luôn tỉ mỉ, cặn kẽ tất cả những gì mình đặt bút viết, dù là một cái tản văn nho nhỏ in báo hay một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang giấy. Ví như viết về người chơi đàn, anh kỳ công quan sát, học hỏi cách chơi đàn. Có khi anh tới tận xưởng đàn, tìm hiểu và chơi thử. Rồi viết về những người đi hát, anh cũng kỳ công vào quán karaoke nghe hát, cảm nhận bằng tất cả cơ học của giọng hát chứ không đơn thuần là âm điệu. Đó không chỉ đơn giản là sự đam mê, là tinh thần trách nhiệm, là hứng thú với trang viết của mình mà hơn tất thảy, với Trần Nhã Thụy, đó là trách nhiệm của mình với con chữ, với độc giả mỗi khi đặt bút trước trang giấy.

Với những người làm báo trẻ có chút nấn níu với văn chương ở thành phố này, nhiều người coi Trần Nhã Thụy là người anh trong cuộc sống, người thầy trong cầm bút và đối thủ trên…bàn nhậu. Dường như, trong làm báo, viết văn hay đời thực, anh đều để lại những ấn tượng khá riêng với người đối diện. Một nét riêng lặng lẽ, trầm trầm của người đã trải qua nhiều biến cố cuộc đời. Anh kể, mình làm báo đã hơn hai mươi năm, kinh qua nhiều cơ quan nhưng phần vì cái cái tôi quá lớn, phần nữa có khi chẳng vì lý do gì khiến anh ít khi nào trụ lâu ở một nơi nhất định, dù nghề báo đã nuôi sống anh, và gia đình lẫn cả văn chương. Vài năm trở lại đây, anh làm trưởng đại diện cho một tờ báo thị trường khá lớn nhưng ít người biết. Ai hỏi, anh bảo mình chỉ là “thằng viết dạo”, rồi cười. Có lẽ, Trần Nhã Thụy là vậy, anh ít khi nhận về mình những xưng danh, chức tước mà cứ vui vẻ ngước nhìn cuộc đời, như một đứa trẻ tò mò muốn tìm những trái chín trên cao vậy. Cái tâm thế luôn hàm ơn tất thảy mọi thứ xung quanh mình của người thành danh cùng văn chương nhưng dường như lại đi bên lề văn chương khiến Trần Nhã Thụy lúc nào cũng thong thả, thảnh thơi và ít bị cuốn vào vòng phù hoa ảo vọng. Anh viết nhiều, mà thật lạ là lại ít kỳ vọng, chả ham nổi tiếng. Đôi lần ngồi cà phê, tôi vẫn cười. Người như anh, văn như anh, đất Sài Gòn giờ hiếm lắm. Hiếm bởi cái tình với anh em, với đồng nghiệp khi văn chương đang ngày một mất đi tính nhân bản vốn có của nó, là làm đẹp cho cuộc đời. Ngay chính nhiều người cầm bút đang hằn học, đua ganh với nhau. Sống với đồng loại nhiều người còn ác lắm, cầm bút mà làm gì?

Rồi, như trong một lần tâm sự rất thật với chính mình và bè bạn, anh viết “Đời tôi là những vỉa hè/Cà phê cà pháo ngồi nghe chuyện đời”. Nếu biết nhiều về anh, có lẽ ai cũng hiểu điều này bởi sau hơn 20 năm cầm bút ở Sài Gòn, anh đã quá am hiểu, tường tận con người và vùng đất này. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất trong cuộc đời Trần Nhã Thụy vẫn là quê nhà. Và ước mơ ám ảnh anh, lại là sau này được về quê, được sống giữa một vùng tuổi thơ, trong căn nhà có mấy câu cau khẳng khiu mà năm nào cũng trĩu quả, có đồng lúa xanh xanh trước cửa mà lần nào về quê cũng đương thì con gái… Thế nên, anh viết “Bạn bè dăm đứa bôn ba/ Chiều nay ngồi rót quê nhà vào ly”.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ
Nguồn: Tinh hoa Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU