Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC SINH THÁI NGA

Quan hệ giữa con người và tự nhiên luôn là một trong những chủ đề quan trọng nhất của văn học Nga. Văn học sinh thái Nga trải qua ba giai đoạn phát triển mạnh mẽ, bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn manh nha của văn học Nga, cho đến nửa đầu thế kỷ 19 của chủ nghĩa lãng mạn và thời kỳ nửa sau thế kỷ 20.
Nhà thơ Nga Puskin

Trong những tác phẩm văn học cổ, ảnh hưởng rộng nhất là tác phẩm “Tráng sĩ ca”, nhân vật chính là người văn võ song toàn, người thường không thể sánh kịp. Nhân vật chính của “Tráng sĩ ca” có năng lực kết nối vạn vật, có năng lực hóa thân thành các sự vật khác nhau, điều này rất giống với quan niệm vạn vật nhất thể của văn học đương đại. Sự ra đời của dũng sĩ Volkh có liên quan mật thiết tới rắn thần, trong đêm có thể biến thành sói xám bắt dã thú, có thể biến thành ngựa nửa đêm lẻn vào doanh trại của kẻ địch đển thăm dò thực hư, có thể biến thành chim cắt bay vào cửa sổ dò nghe cuộc trò chuyện của vua và hoàng hậu, có thể hóa thành chồn sóc bí mật luồn vào kho vũ khí của kẻ địch, phá hoại vũ khí của chúng.

“Cuộc viễn chinh của binh đoàn Igor” là tác phẩm văn học cổ điển khuyết danh xuất sắc nhất của Nga, trong đó, thế giới tự nhiên tràn đầy sự sống, là bạn của những người lương thiện. Trước khi xuất chinh, “Mây đen bay lên từ mặt biển, che khuất bốn mặt trời”, đây dường như là tín hiệu cảnh báo của tự nhiên. Theo sử sách ghi lại, nhật thực phát sinh ngay sau khi xuất chinh, tác giả đã thay đổi thời gian diễn ra của sự kiện, vừa làm nổi bật khí phách anh hùng của nhân vật chính, cũng thể hiện quan hệ mật thiết của thế giới tự nhiên và người dân Nga. Sau khi xuất chinh, Igor bị bắt làm tù binh, được sự trợ giúp của một vị phu nhân để chốn thoát về nhà, nhưng tác giả đã chen vào hình ảnh vợ Igor, Yaroslavna vào sáng sớm đứng trên tường thành, cầu nguyện cho chồng, và đã được thế giới tự nhiên ban ơn, cuối cùng thì Igor cũng thoát hiểm và trở về nhà.nTư tưởng sinh thái trong văn học Nga không phải chủ động manh nha, mà là sự phản ánh bị động của phái yếu, nhưng tựu chung lại cũng là sự phản ánh quan hệ cộng sinh giữa con người và tự nhiên.

Tư tưởng văn học sinh thái lãng mạn bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19 trong tác phẩm của văn hào Pháp Rousseau, được mệnh danh là cha đẻ của chủ nghĩa lãng mạn, là một chuyên gia có tư tưởng “xanh”. Ông chủ trương đời sống vật chất được đơn giản hóa, còn đời sống tinh thần thì phong phú vô hạn, kêu gọi con người trở về với tự nhiên. Quan niệm trở về với tự nhiên của Rousseau được kế tục và phát huy, các tác giả thiên về mô tả phong cảnh tự nhiên, đem tư tưởng ký thác vào tự nhiên, dùng vẻ đẹp của tự nhiên để phản ánh những xấu xa của xã hội, coi tự nhiên là vườn hoa tinh thần của loài người. Nếu như trong văn học nguyên thủy, con người bị động trước tự nhiên, thì tới thời kỳ lãng mạn, con người trở về với tự nhiên bằng trạng thái chủ động hơn.

Người đặt nền móng cho chủ nghĩa lãng mạn hồi thế kỷ thứ 19 là Puskin. Trong thơ của mình, Puskin phục dựng lại hình ảnh chán bỏ văn minh, khát vọng trở về với tự nhiên của nhân vật chính. Trong “The Prisoner of the Caucasus” và “The Gypsies”, nhân vật chính là người văn minh chốn bỏ giới thượng lưu, phương thức bỏ chốn chính là du ngoạn, sau này bị người trong núi bắt làm tù binh. Nhân vật chính luôn coi mình ở địa vị người đứng ngoài, đeo gông cùm mà nhìn nhận về nhân sinh. Nhân vật chính không chấp nhận tình yêu của cô thôn nữ, cảnh cô thôn nữ bị đuối nước làm cho trái tim anh trào dâng cảm xúc, nhưng cũng không làm lay động điều gì. Trong The Gypsies, Aleko là một tội phạm bị truy nã, gia nhập đội ngũ của những người Gypsies, lấy người con gái Gypsies làm vợ, theo bộ lạc lang thang khắp nơi, tham gia diễn xuất. Nhìn từ bên ngoài, nhân vật triệt để là một người tự nhiên, nhưng trong thâm tâm chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi xã hội văn minh. Điều này khiến anh ta giết chết người vợ theo đuổi tự do tuyệt đối, cắt đứt mối liên hệ của mình với người tự nhiên.

Văn học Nga thế kỷ 19 xuất hiện nhiều nhà thơ ca ngợi tự nhiên, bảy tỏ tình cảm lãng mạn, trong đó Fedor Ivanovich Tyutchev là một nhà thơ kiệt xuất. Tác phẩm thơ của ông mô tả tự nhiên một cách sinh động, tao nhã, đem tình cảm ký gửi vào tự nhiên. Trong đó có những câu thơ như cảnh báo trước về sự phá hoại tự nhiên của con người, nhà thơ coi thế giới tự nhiên bình lặng ẩn chứa sự phán quyết của tự nhiên.

Thế kỷ 20, ý thức sinh thái trong văn học hiện đại Nga là tự giác và rõ ràng, là nơi hội tụ của nỗi đau tinh thần, là ánh sáng triết xạ của tinh thần và lý trí.

Trong tác phẩm của Prishvin, là sự âu lo cho vận mệnh của tự nhiên, bị phá hoại không chỉ là tự nhiên, mà chính tinh thần, đạo đức, thẩm mỹ của con người cũng bị bào mòn. Tác phẩm “Bốn mùa-Lịch thiên nhiên” tràn đầy niềm vui, ánh sáng và tình yêu đối với sự sống. Tiểu thuyết “Nhân sâm” của ông mô tả cảnh sắc tươi đẹp của chốn núi rừng phương Bắc, dùng hình tượng nhân sâm để đại diện cho sức sống mãnh liệt của tự nhiên, ca ngợi sức sáng tạo của con người, có suy nghĩ mang tính triết lý đối với quan hệ của con người và tự nhiên.

“Vĩnh biệt Matyora” có khuynh hướng chống lại văn minh công nghiệp, nhưng Rasputin lo âu sự xung đột giữa xu hướng tiến bộ và truyền thống, giữa cái mới và cái cũ, đồng thời tạo dựng nên hình ảnh của “Vua Cây”. Con người tìm mọi cách để phá hủy Vua Cây, nhưng không làm nó đổ xuống được. Trong cuộc đối đầu với tự nhiên, thắng lợi cuối cùng luôn luôn thuộc về tự nhiên. Matyora trong tiếng Nga có nghĩa là mẹ. Trong quan niệm về sinh thái của Rasputin, con người giống như bào thai nằm trong tử cung của mẹ, mọi hành động làm tổn thương đến mẹ chỉ có thể là tự diệt vong. Cuốn sách có thể coi như “Vĩnh biệt tự nhiên”. Rasputin lấy hình ảnh cuồn cuộn chảy của sông Angara tượng trưng cho bước chân tiến bộ của lịch sử loài người, con người không ngừng lấy văn minh mới để thay vào văn minh cũ, mỗi lần thay đổi như vậy làm cho con người càng trở nên siêu nhiên.

Con người và tự nhiên là chủ đề chưa từng bị phai nhạt, quan hệ giữa con người và tự nhiên liên tục có những thay đổi nhỏ, thái độ của con người đối với tự nhiên từng trải qua nhiều cung bậc, đó là sự bị động, sự tôn trọng và phụ thuộc, cũng có lúc chủ động ca ngợi, trở về với thiên nhiên. Hiện nay, các nhà văn hy vọng từ bỏ chủ nghĩa duy con người, thiết lập quan niệm mới, cho rằng cả sinh quyển có chung một lợi ích. Trong con mắt các nhà văn Nga, “Con người và tự nhiên” được diễn tả chính xác hơn là “Tự nhiên và con người”.

Tiểu luận của VŨ MINH THANH, PHẠM HUY QUỲNH (dịch)
Nguồn: QĐND


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU