Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

NHỚ PHAN VŨ - NGHỆ SĨ CỦA NHÂN DÂN

Phan Vũ không chỉ là nhà viết kịch, viết truyện, làm thơ, mà còn là họa sĩ vẽ chân dung và phong cảnh. Việc hội họa của Phan Vũ không nhiều người biết. Cách đây mấy năm, Phan Vũ đưa tranh đi triển lãm ở Pháp. Về nước, Phan Vũ cho tôi biết bà con đến xem rất đông, nhất là Việt kiều.
Vợ chồng nhà thơ Phan Vũ.

Trưa ấy, tôi ghé nhà Phan Vũ theo lời nhắn của một người bạn. Cùng ngồi chơi với Phan Vũ có nhà văn Phạm Gia Thanh - biên tập viên kịch bản Xưởng Phim truyện Hà Nội. Phạm Gia Thanh hỏi tôi sao lại đến giờ này, không đi uống bia à? Tôi bảo: “Vừa từ hàng bia về đây!” “Sao về sớm thế?”. “Hết tiền thì về”. “Thế mai lấy tiền đâu mà uống?” - Tôi nói. “Vừa gặp Cao Nhị bên Báo Văn hóa, Cao Nhị nói: “Ngày mai tới đây viết cho tớ một bài về hành khách đi tàu, tớ sẽ ứng trước cho cậu 20 đồng”.

Phan Vũ liền rút ra 20 đồng đưa cho tôi và bảo: “Đây là tiền để chiều nay cậu uống bia, tớ biết cậu không có bia là người lờ đờ”. Nhận tiền bỏ vào túi, tôi hỏi ngay: “Ông nhắn tôi đến là có việc gì?”. Vũ che miệng húng hắng ho, rồi bảo: “Tớ sẽ nói ngay, việc cũng quan trọng đấy, nhưng trước khi nói, tớ đọc cho cậu nghe cái trường ca vừa làm xong. Trường ca có tên: "Hà Nội phố”. Nói rồi, Phan Vũ lên giọng. Trường ca dài hơn 1000 câu, Phan Vũ đọc một mạch. Tôi bảo:

- Hay lắm! Tớ thích cái điệp khúc “Em ơi! Hà Nội - phố”. Câu này có thể hiểu theo 2 cách: Em là người Hà Nội và Em cũng là Hà Nội phố.

Phan Vũ cười:

- Cách hiểu của cậu hơi lạ so với những người khác, nhưng lại hợp với suy nghĩ của tớ.

Tôi bảo:

- Gửi cho Báo Văn nghệ đăng.

Phan Vũ cười nhạt:

- Chẳng có cái văn bản nào về việc cấm đăng bài của bọn tớ, nhưng tác phẩm của bọn tớ sáng tạo ra gửi đến các báo đều ít khi được in. Thế nhưng báo cho cậu một tin vui là vẫn có nơi họ sử dụng bài viết và kịch nói của tớ. Hai hôm nữa, tức là 8 giờ sáng ngày mốt, thứ Sáu, bên Đài Tiếng nói Việt Nam dựng vở kịch nói của tớ viết về Cụ Hồ và Lê Quảng Ba từ Trung Quốc về nước. Họ đề nghị tớ nhờ cậu làm cố vấn về ngôn ngữ và sự kiện, vì cậu có thâm niên ở Việt Bắc hơn 10 năm, và lại là tác giả của cuốn sách viết về Hoàng Văn Thụ. Xuân Đài nhớ đến đúng giờ giúp mình nhé!

Hai hôm sau, tôi đến đúng giờ ở phòng thu phố Bà Triệu. Anh biên tập viên Phòng Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam đã ngồi sẵn. Các diễn viên vào phòng thu âm diễn kịch chỉ bằng tiếng. Đó là đặc trưng của kịch truyền thanh. Họ diễn đến đâu, anh biên tập ra hiệu dừng lại đến đó và đề nghị tôi có ý kiến. Thực ra ý kiến của tôi cũng không nhiều, lúc này tôi chỉ nhớ 1 chi tiết.

Tôi bảo với họ: “Trong tiếng Tày, “Pác” là mồm, “Pắc” là “cắm”! Các bạn phải gọi là “Pác Pó”, tức là cái miệng hang, còn “Pắc Pó” là sai”. Biên tập viên và Phan Vũ tiếp thu ngay, buộc diễn viên phải diễn lại.

Theo anh biên tập viên, vở kịch của Phan Vũ sẽ phát vào tối thứ Bảy (vào giờ nào thì lúc này tôi quên mất rồi). Chiều hôm đó, tôi đến báo cho ông Nguyễn Chí Kim – Vụ trưởng Vụ Tuyên giáo Ban Dân tộc Trung ương, đề nghị anh báo cho anh Lê Quảng Ba – Trưởng ban Dân tộc (tương đương Bộ trưởng) và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong Ban đón nghe. Sáng thứ Hai, ông Kim báo cho tôi biết ông Lê Quảng Ba rất khen kịch của Phan Vũ, hay về nghệ thuật, lại chính xác về sự việc. Tôi rất mừng và đề nghị ông Kim nên cấp cho Phan Vũ một cái giấy khen và ít tiền gọi là để động viên.

Ông Kim cười: “Giấy khen thì dễ rồi, còn tiền theo Xuân Đài bao nhiêu thì vừa?”. Tôi bảo: “Chút ít gọi là động viên thôi ông, khoảng 100 đồng là vừa”. Ông Kim bảo: “Tôi sẽ báo cáo với ông Lê Quảng Ba và xuống phòng tài vụ làm ngay”.

Tôi nhớ thêm kỷ niệm nữa về Phan Vũ hồi đó. Số là có cháu Nguyễn Thu Quyên, nhà ở phố Nguyễn Thái Học, vừa tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong một lần tìm gặp tôi, bảo: “Cách đây mấy hôm, chú Phùng Quán - bạn của bố cháu đến chơi, chú đọc thơ cho cả nhà nghe, sau đó chú đọc trường ca "Hà Nội phố" của ông Phan Vũ mà không cần bản thảo cầm tay. Chú Đài ơi, cháu muốn ông Phan Vũ cho cháu 1 bản chép tay thì làm sao ạ? Chú giúp được không?”. “Được! Chú sẽ viết vài dòng giới thiệu cháu với ông Phan Vũ và đề nghị ông ấy chép cho cháu. Ông Phan Vũ là người thoải mái, rất quý mến bạn đọc nên chú tin ông ấy sẽ chép cho cháu”. Tôi viết vài dòng cho Phan Vũ và chỉ số nhà ở phố Hàng Bún cho cháu Quyên.

Mấy hôm sau, cháu Thu Quyên đến gặp tôi, hớn hở khoe bản thảo "Hà Nội phố" do chính tay Phan Vũ chép, và nói: “Trước lúc đi, cháu có nhét vào phong bì một chút tiền và viết mấy dòng: Thơ chú các báo không chịu đăng, cháu là nhân dân, nhân dân yêu chú, đây là số tiền nhuận bút của nhân dân, mong chú không từ chối!”. Cháu nói dối chú Phan Vũ sau khi đưa bì thư: “Trong đây là bài thơ cháu mới làm, lúc nào cháu về chú hãy đọc”. Nói rồi cháu ôm tạm biệt chú và đi ngay.

Tôi gõ đầu cháu Quyên: “Con ranh, khôn thế! Biết cách cư xử của một người Hà Nội gốc!”.

Phan Vũ không chỉ là nhà viết kịch, viết truyện, làm thơ, mà còn là họa sĩ vẽ chân dung và phong cảnh. Việc hội họa của Phan Vũ không nhiều người biết. Cách đây mấy năm, Phan Vũ đưa tranh đi triển lãm ở Pháp. Về nước, Phan Vũ cho tôi biết bà con đến xem rất đông, nhất là Việt kiều.

Từ dạo đó, tôi và Phan Vũ hay gặp nhau ở căng tin Hội Văn nghệ uống bia. Mỗi lần, Phan Vũ lại đọc cho tôi nghe vài bài thơ, tôi thấy thơ Vũ hay, ý ở ngoài lời, ẩn dụ rất kín đáo. Tôi bảo Vũ: “Sao không in một tập thơ?” - “Không nhà xuất bản nào chịu chi tiền in cho mình, muốn in mình phải xuất tiền, mà tiền thì mình không có. Xuân Đài in tập thơ "Tạ tội" chắc cũng phải tự xuất tiền ra…”.

Gần đây Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cộng tác cùng Nhà xuất bản Hội Nhà văn in tập thơ cho Phan Vũ, tập thơ tên là “Ta còn em” (trong đó có trường ca “Hà Nội phố”). Thế là thơ Phan Vũ đã đến với bạn đọc một cách đàng hoàng.

Chuyện về Phan Vũ nếu kể ra còn rất nhiều…

Tôi chỉ thêm 1 chuyện nhỏ. Cháu Việt Nga (con gái Phan Vũ) nhiều lần gọi tôi lên chơi với bố cháu, bố cháu hay nhắc đến bạn bè cũ. Có lần cháu nhắn tôi xuống Vũng Tàu chơi với bố, hai ông già ngồi trong căn hộ, ngắm biển trò chuyện hẳn thú vị lắm. Tôi bảo cháu: “Bây giờ chú còn mệt, bao giờ khỏe hơn chú sẽ đi”. Vậy là chẳng bao giờ gặp được anh nữa… Hẹn gặp anh nơi anh vừa mới đến, chờ nhé!

XUÂN ĐÀI
Nguồn: VNCA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU