Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán  chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng vì nàng không chỉ xinh đẹp, thời trang có gout, luôn chọn những gam màu trang nhã, kiểu dáng sang trọng mà nàng còn có phong cách nho nhã của người Hà Nội một thời...
Nhà văn Thùy Dương

Cách đây ít ngày, có cuộc ra mắt sách của NXB Trẻ với 3 cuốn của 3 nhà văn nữ khả ái: Y Ban, Võ Thị Xuân Hà và Thùy Dương. Và, “Lạc Lối” của Thùy Dương có trong số đó. Đây là cuốn thứ 6 của chị, một nhà văn kiêm nhà báo, từng giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, nghĩa là một sức viết thật dồi dào, một khả năng lao động ở mức căng thẳng, nhưng thật ngạc nhiên, chị vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, gương mặt duyên dáng với thời trang lúc nào cũng quyến rũ.

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán  chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng vì nàng không chỉ xinh đẹp, thời trang có gout, luôn chọn những gam màu trang nhã, kiểu dáng sang trọng mà nàng còn có phong cách nho nhã của người Hà Nội một thời.

Cũng không phải không mạnh mẽ như hai người bạn thân, nhưng Thùy Dương có khả năng tiết chế cảm xúc, thậm chí dám hy sinh những cảm xúc nhất thời, dù rất đẹp để chọn lựa sự an bình, vốn là cái mà văn nghệ sĩ thường giễu cượt. Thùy Dương biết tổ chức cuộc sống riêng, biết để dành cảm xúc của mình đặt lên trang văn, còn ngày thường, trong cuộc sống thường Thùy Dương chọn những xúc cảm mang tới cho chồng con niềm vui sống, hạnh phúc.

Điều đó không chỉ thể hiện trong gia đình, nó còn giúp Thùy Dương thể hiện và hoàn thành tốt công việc của mình trên cương vị Phó tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và sau này phụ trách Văn phòng Công tác Hiệp hội thuộc VCCI, nơi không chỉ có những phóng viên, biên tập viên giỏi chuyên môn báo chí mà còn là nơi những người có tri thức sắc sảo về nhiều phương diện làm việc.  

Tôi quen thân với cả ba người đàn bà kể trên, thiện cảm với những sáng tác của họ. Hôm nay viết về Thùy Dương, bởi vừa đọc xong “Lạc lối”, cuốn sách mới nhất, cuốn tiểu thuyết thứ 6 sau “Tam giác muôn đời”, “Ngụ cư”, “Thức giấc”, “Nhân gian”, “Chân trần”... “Lạc lối” viết về những mảng đời mạt kiếp, trong khi  Thùy Dương có một đời sống khá ổn định, có thể nói là khá giả, ấm áp. Điều đó cho thấy, nhà văn có tâm hồn đa cảm, có tình yêu thương đồng loại, nhìn thấy góc khuất tăm tối đau khổ của cuộc sống, rồi đồng cảm và sẻ chia…

Thuỳ Dương cho rằng khi nhìn vào cuộc sống thực tế, nhiều người luôn lo lắng và bức xúc bởi thang giá trị bị đảo lộn, nhiều nghịch lý phơi bày, những mục tiêu tốt đẹp mà loài người hướng tới ngày càng trở nên xa vời, trong khi đó hằng ngày cái xấu, cái ác điềm nhiên trưng ra bộ mặt trần trụi nhơn nhơn của nó... Sao nhà văn có thể ngồi yên? Chị nghĩ đã là nhà văn với ý thức trách nhiệm phải không ngừng tự vấn, xông vào “cuộc chiến” với cái xấu, cái ác để bảo vệ cái Đẹp, văn chương phải kêu gọi lòng khoan dung, khơi rộng con đường đến với điều thiện, lay động con người nói vâng với điều thiện… một cách không mệt mỏi…

 Chị từng chia sẻ: “Văn chương đi đến tận cùng sẽ gặp thân phận Người. Nhà văn như một cái “máy chiếu” soi rọi và đưa ra dưới ánh mặt trời những khía cạnh còn bị giấu kín của mỗi thân phận và mỗi tâm hồn Người. Mà ở đó lịch sử đọng đầy trong mỗi số phận, với ký ức chưa bị xóa, với hiện tại ngổn ngang bất ổn và tương lai vẫn đầy hồ nghi…”. Chị xây dựng những nhân vật có số phận riêng, có ngôn ngữ riêng, có nỗi ám ảnh và khắc khoải riêng, có phần thiện và phần ác khác nhau… Chị đặt cho mình song hành trải nghiệm cùng nhân vật, nhọc nhằn tìm lại “Cái Tôi” đích thực của mình.

Chị bảo: “Đôi khi trong tác phẩm của mình, tôi phải trả cho nhân vật cuộc sống của chính nó - khác xa với những dự định ban đầu của tác giả”. Chị cho rằng ở khía cạnh nào thì nhà văn cũng mong muốn "Nghe thấy cuộc đối thoại của thời đại mình – nghe thấy thời đại mình trong một cuộc đối thoại vĩ đại…" thông qua các nhân vật mình sáng tạo. Đó là sứ mệnh của nhà văn - để thời đại mình sống hiện lên qua tác phẩm trong mỗi hơi thở, mỗi gương mặt Người, cả sự thiện và sự dữ đi qua trái tim mỗi ngày…”.

Đọc sách của Thùy Dương thấy được sự khoan dung, lòng khát khao công chính, nỗi quan tâm đến kẻ yếu, mong mỏi cái thiện, chia sẻ với mất mát đau thương… và thấy sự mong ước bày tỏ, phản đối, thậm chí là phẫn nộ… của tác giả. Tuy nhiên, giống như bản tính của mình, tác giả tiết chế những xúc cảm chua ngoa, mà giãi bày bằng những trang sách nhiều rung cảm lắng sâu.

Nếu nhân vật chính trong "Chân trần" (Nxb Trẻ, 2013) là một nhà báo kỳ cựu trong nghề, được xây dựng theo hình ảnh "rút ruột" từ bản thân ra mà viết, khai thác mình cho đến cạn kiệt với một lối uyển chuyển và thâm hậu, thì trong "Ngụ cư" chị để bản thân mình khuất sau nhân vật ("Ngụ cư" đoạt Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ II, 2002 -2004, của Hội Nhà văn Việt NamNam).
Các tác phẩm của nhà văn Thùy Dương.

Vẫn là cái nhìn đầy cảm thông với cuộc đời, trong "Ngụ cư", mãnh liệt hơn và có cái nhìn sâu xa hơn về nỗi mất mát của cuộc đời sau các cuộc chiến. Còn “Lạc lối” có lẽ chị lấy cảm hứng từ những trăn trở, đau đáu về cuộc sống, thông qua cuộc đời ba người bạn gái, đại diện cho ba tầng lớp, mỗi người mỗi vẻ, một số phận nhưng đều bị cuốn vào vòng tranh đoạt nghiệt ngã.

Tác giả mô tả những người đàn bà thời nay, không ngây thơ, cũng không mòn mỏi giấu nỗi đắng cay sau vạt áo mỗi ngày, mà là những người đàn bà biết yêu bản thân mình, biết chăm chút cho cái tôi và có khả năng chịu đựng và vượt qua mọi va đập đủ loại của  cuộc đời. Trong “Lạc lối”, nếu có sự ưu ái với các thân phận đàn bà, thì tác giả bày tỏ sự tiếc thương và buồn giận với những nhân vật tha hóa về nhân cách, buôn thần bán thánh. Dường như chị xa xôi gọi tên “thời mạt kiếp”. Dù có mạnh mẽ hơn, sắc lạnh hơn, nhưng “Lạc lối” vẫn là giọng văn của một người nhân hậu, không đao to búa lớn, cứ kể, cứ phơi bày và để cho chính người đọc thẩm thấu và tự gọi tên ra…

Đôi khi, người ta thấy văn nghệ sĩ rất khác với những gì được viết, vẽ, sáng tạo ra. Có người còn nói, tốt nhất không nên đến gần vì thần tượng (ấn tượng về nghệ sĩ của họ) dễ bị hạ bệ. Nhưng với Thùy Dương thì có vẻ như, nàng vẫn thế, nàng không lên gân dạy dỗ ai thông qua nhân vật của mình trong sách. Nàng chỉ giãi bày, thậm chí giống như một lời cầu xin: chúng ta, cả tôi và mọi người hãy nhìn nhận lại, hãy cùng làm gì đó để thay đổi. Chỉ thế thôi. Nàng đã nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục làm Tổng biên tập tờ Tạp chí Thương Gia mà nàng xây dựng từ lâu và gắn bó đầy tâm huyết.

Trong tòa soạn, nàng không ra vẻ là người có địa vị Sếp, nàng thân ái hòa đồng với anh chị em. Rời tòa soạn, nàng là người vợ “biết điều”, biết thu xếp cái tôi để có cái chúng ta bên chồng. Nàng cũng phải cùng chồng chăm lo cho một gia đình, con cái học hành đến nơi đến chốn, và một đời sống thanh lịch. Đến nhà nàng bao giờ cũng có cảm giác đến một nơi chốn bình yên.

Cuộc sống của gia đình nàng ấm áp gắn bó đầy tình cảm. Nàng rất phù hợp và làm cho không gian của nàng, phù hợp với một địa chỉ mà chồng nàng có những người bạn là Đại sứ, là nghệ sĩ đôi khi ghé thăm. Phù hợp cả phong cách ra vào, đi lại, nói năng và phù hợp cả sự bài trí, đồ dùng và ứng xử lịch lãm. Nàng có thể không giàu, nhưng đủ và hợp cách.

Đấy, Thùy Dương, nhà văn của những nỗi bức xúc về sự bất toàn của xã hội là một người như vậy. Đừng có ai nghĩ, nhà văn hoặc là những người có dung nhan xấu, hoặc viết chỉ là để giải tỏa những ẩn ức nghèo khổ hoặc duyên phận kém nhé. Sự bất toàn của xã hội và ước muốn nó được cải thiện luôn là nỗi băn khoăn lớn nhất của những người cầm bút đấy ạ.

TRẦN THỊ TRƯỜNG
Nguồn: VNCA

XIN XEM BÀI KHÁC:

·         THI SĨ DU TỬ LÊ QUA ĐỜI


Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

HÃY NÓI VỀ CUỘC ĐỜI

Xe vút đi trên những con đường cao tốc, còn tôi thì ngồi đó, lặng người trong giai điệu trầm bổng của Khúc Thụy Du. Mùa hạ California nở bung cơn gió, nhè nhẹ lay những vòm hoa phượng tím thẫm đang nhuộm đẫm cả vùng trời, cô bạn Jenny Nguyễn lái xe chở tôi đến thăm nhà thơ Du Tử Lê.
 
Nhà thơ Du Tử Lê

Khi những âm hưởng thơ Du Tử Lê vẫn còn vang trong tâm trí, xe đưa tôi tiến vào một con phố thanh bình, hai bên đường là những căn nhà nằm nguy nga giữa những khu vườn thênh thang cỏ. Rồi xe dừng lại trước khuôn viên rộng rãi của một ngôi nhà yên bình, lặng lẽ giữa con phố thưa người. Một nốt nhạc giữa thiên nhiên bao la và khoáng đạt. Một ngôi nhà nhìn bề ngoài rất Tây, rất Mỹ.

Nhưng cảm giác ban đầu về ngôi nhà "rất Mỹ" ấy hoàn toàn sai khi tôi bước chân vào tổ ấm của thi sĩ Du Tử Lê, nơi ông đã sáng tác nhiều tác phẩm trong gia tài hàng nghìn bài thơ, trong đó có hơn 300 bài đã được phổ nhạc. Đằng sau cánh cửa vững chãi vừa mở ra đón tôi và Jenny vẫn là dáng người dong dỏng gầy của thi sĩ 76 tuổi - người vừa trải qua cơn bạo bệnh. Nhưng bệnh tật và tuổi tác không hề hiện lên trên khuôn mặt sáng ngời, rạng rỡ nụ cười nồng ấm của ông.

Ông mời chúng tôi vào nhà bằng giọng trầm quen thuộc. Tiếng Việt thuần túy của ông cho tôi cảm giác chúng tôi đang gặp nhau ở quê cha đất tổ, chứ không phải ở Garden Grove - cách Sài Gòn hơn 13.000 km.

Chuyện trò với tôi và Jenny ở phòng khách, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục hỏi rất nhiềuvề đời sống văn học trong nước. Đã định cư ở Mỹ 43 năm nay, nhưng quê hương vẫn hiện diện trong từng nhịp tim, hơi thở của ông. Những tủ sách đồ sộ vây quanh chúng tôi minh chứng cho điều đó: trong hàng nhìn cuốn sách mà ông sưu tập cho công tác nghiên cứu và biên soạn, sách về Việt Nam và viết bằng tiếng Việt chiếm đại đa số.

Tôi lướt mắt qua hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật quý hiếm, rồi dừng lại trước hai quyển dày cộp, gáy đã sờn: Tục ngữ ca dao Việt Nam và Cây cỏ vị thuốc ở Việt Nam. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các tác phẩm thơ Du Tử Lê lại rộng và sâu đến vậy: chúng đã băng qua bao chân trời góc biển cùng ông, để rồi nảy nở sinh sôi giữa biển kiến thức mang tầm quốc tế nhưng vẫn mang theo hồn vía và tinh thần người Việt.

Quê hương hiện diện mọi nơi tại tổ ấm của ông. Bức tường rộng lớn cạnh phòng khách treo những thủ bút của bạn bè thân quý. Tôi không khỏi rưng rưng khi đọc những bài thơ viết tay của các nhà thơ Hoàng Cầm, Mai Thảo, Huy Cận... cùng những dòng chữ ghi trên gỗ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, họa sĩ Lê Thiết Cương... Dường như bút tích của những văn nghệ sĩ Việt Nam - những người đã ra đi mãi mãi hoặc đang sống ở bên kia đại dương - chính là những tác phẩm nghệ thuật mà nhà thơ Du Tử Lê nâng niu nhất.

Những người am hiểu về thơ Du Tử Lê hẳn cũng biết rằng ông còn là một họa sĩ tài hoa, với các tác phẩm được nhiều nhà sưu tập săn lùng. Được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh do ông sáng tác được bày trí trong nhà, tôi dừng lại hồi lâu trước những nét vẽ phóng khoáng, mới mẻ và đầy sinh lực. Không chỉ trẻ trung trong thi ca, nhà thơ Du Tử Lê dường như là một họa sĩ không có tuổi trong hội họa. Những tác phẩm mà ông vẽ để tặng vợ mình - bà Hạnh Tuyền - nói lên điều ấy. Đó là những bức tranh mê hoặc của tình yêu, được vẽ lên cùng với những câu thơ ghi nắn nót ở góc tranh: "Nhan sắc nàng duy nhất một ngôi thôi!".

Thi ca nở tung ở khu vườn xanh mát, nơi gần trăm gốc lan vươn những búp xanh mơn mởn, dưới bóng mát của giàn chanh leo. Ngồi đó cạnh ông, dưới những cây hoa lan rung rinh tỏa sắc xuống bể nước – nơi những chú cá vàng tung tăng và an nhàn bơi lội, tôi hiểu nhà thơ Du Tử Lê không chỉ yêu con người mà còn mê đắm thiên nhiên, vạn vật.

Khu vườn của ông, ngoài cây cỏ của Việt Nam, có cả những chiếc tổ chim bằng rơm mà ông đã kỳ công mang từ quê nhà sang. Dường như thời gian quay chậm lại ở nơi đây, cạnh những bức vẽ đang dang dở của ông và bức tường gỗ cạnh giá vẽ nơi ông đã nắn nót câu thơ: "Làm sao em biết khi xa bạn/tôi cũng như chiều tôi mồ côi".

Thành công trong sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, không cần bươn chải lo toan về tài chính, tưởng như nhà thơ Du Tử Lê đang có tất cả. Nhưng không. Khi trò chuyện, tôi nhìn thấy trong đôi mắt ông một nỗi đau đáu nhớ quê hương. Ông tâm sự rằng, nỗi nhớ đó luôn bùng lên trong dịp Tết, nhất là khi màn đêm buông xuống. Đặt chân sang Hoa Kỳ vào năm 1975, ông đã trải qua những cái Tết đầu tiên đầy khó khăn.

Tết là thời điểm đặc biệt của cuộc đời mỗi người. Nhưng đối với nhà thơ Du Tử Lê, kỷ niệm Tết đáng nhớ nhất của ông, thật không may, là một kỷ niệm kinh hoàng. Gần 60 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ rõ đêm mồng 3 Tết ở Kim Bảng, Hà Nam. Lúc đó ông còn rất nhỏ, chừng 7 tuổi và vẫn ngủ chung với mẹ. Thình lình có người dồn dập đập cửa nhà. Mẹ ông hấp tấp tung chăn đi ra. Ông cũng chạy theo, để rồi chứng kiến hình ảnh mẹ ngã quỵ xuống sân nhà. Người tìm đến nhà ông vào đêm đó, thay vì quà Tết, đã đem theo tin dữ: anh cả của ông đã bị máy bay Pháp bắn chết ở Khu Tư, Thanh Hóa.

Sự kiện đêm mùng 3 Tết ấy luôn dai dẳng đeo bám, ám ảnh nhà thơ Du Tử Lê, để rồi nỗi buồn cũng lan tỏa vào thơ ông. Trong một cuộc phỏng vấn với nhà thơ Mai Thảo, ông đã nói: "Tôi không có Nguyên Đán dù trong văn chương hay đời thường sau cái chết của người anh cả, vào ngày mồng 3 Tết ở Khu Tư".

Đi qua chiến tranh và bao biến động của cuộc đời, Du Tử Lê đã gieo trồng thi ca không chỉ với tình yêu dành cho quê hương mà còn trên khu vườn của buồn đau và nước mắt. Ông đã vắt kiệt mình, cần mẫn gạn lọc để dâng hiến cho đời những tinh hoa cảm xúc - những vần thơ dù buồn nhưng lóng lánh vẻ đẹp của tình yêu và nhân ái.

Trong những email gần đây, nhà thơ Du Tử Lê tiếp tục trao đổi với tôi về vấn đề văn học mà chúng tôi cùng quan tâm. Tôi hẹn sẽ cùng Jenny Nguyễn đến thăm ông vào tháng 3 năm 2020 khi tôi sang Mỹ ra mắt sách. Vì thế, việc ông rời xa cõi tạm khiến tôi không khỏi bàng hoàng.

Và tôi nhớ tới những câu thơ đầy khắc khoải về cái chết mà ông đã viết từ năm 1968: "Hãy nói về cuộc đời/ Khi tôi không còn nữa/ Sẽ lấy được những gì/ Về bên kia thế giới..."

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Nguồn: VNEX

___________
Tiêu đề bài viết là một câu thơ trong bài "Khúc Thụy Du" của nhà thơ Du Tử Lê.


XIN XEM BÀI KHÁC:

·         THI SĨ DU TỬ LÊ QUA ĐỜI




Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

TRAO GIẢI THƯỞNG CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải thưởng của một dự án thuộc Giải LiBeratupreis - Frankfurt 2018) đã kết thúc, với giải nhất thuộc về truyện ngắn “Tràng Phan”.

Sáng ngày 20-10, tại Đường sách TPHCM, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải sau 8 tháng diễn ra.

Theo đó, giải nhất trị giá 20 triệu đồng đã được trao cho truyện ngắn “Tràng Phan” của tác giả Tống Phước Bảo.
Tác giả Tống Phước Bảo nhận giải nhất cuộc thi "Một nửa làm đầy thế giới".

GS-TS Huỳnh Như Phương, một trong ba giám giảo chung khảo của cuộc thi nhận xét: “Đây là một tác phẩm có cốt truyện lạ, viết về một nghề lạ ngày càng mai một ở một góc nhỏ ít người biết của thành phố chúng ta: nghề may cờ phướn. Qua câu chuyện làm nghề truyền thống, tác giả thể hiện tự nhiên, chân thực và cảm động về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương lưu luyến trong xa cách của những người phụ nữ đã bền bỉ gìn giữ nếp nhà thời mở cửa”.

BTC cũng trao giải nhì (trị giá 15 triệu đồng) cho tác giả Võ Đăng Khoa với truyện ngắn “Con bén”. Hai giải ba (trị giá 10 triệu đồng) thuộc về tác giả Cát Lâm với truyện ngắn “Giấc mơ rơi ở chân cầu” và tác giả Phan Đức Lộc với truyện ngắn “Đường về Sai Chản”.

Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải tư (trị giá 5 triệu đồng/giải) cùng một giải do bạn đọc bình chọn (trị giá 5 triệu đồng) cho tác giả Bùi Mai Linh với truyện ngắn “Một đời”.
Nhà thơ Phan Hoàng trao giải cho các tác giả đoạt giải ba.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, từ ngày 22-12-2018 đến ngày 22-08-2019, BTC đã nhận được 1.419 bài dự thi của các thí sinh trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham dự.

Trang fanpafe của cuộc thi thành lập từ khi phát động cuộc thi đến nay đã thu hút được gần 6.000 thành viên với tần suất trung bình trên 10.000 lượt tiếp cận mỗi status trên fanpage.

Đã có 452 truyện ngắn được tuyển chọn qua vòng sơ khảo và được đăng trên fanpage cuộc thi. Hàng tháng, BTC mời một nhà văn tham gia chấm thi và quyết định giải thưởng của tháng như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà báo Lê Minh Quốc, nhà văn Trầm Hương, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà văn Từ Kế Tường, nhà văn Phan Hoàng, nhà văn Mường Mán.
Các giám khảo và thí sinh đoạt giải trong cuộc thi "Một nửa làm đầy thế giới".

Từ 1.419 bài dự thi, Ban Giám khảo gồm GS-TS Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo Đinh Thị Phương Thảo đã chọn ra 19 truyện ngắn xuất sắc nhất của 19 tác giả vào vòng chung kết. Các tác phẩm này được tập hợp xuất bản trong tập sách “Một nửa làm đầy thế giới”, cuốn sách cũng được kịp thời thực hiện và được ra mắt trong buổi tổng kết trao giải.

Theo GS-TS Huỳnh Như Phương, những người đàn bà trong tập truyện này tạo nên thế giới của riêng họ, đồng thời làm tròn đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh. “Một nửa” chỉ là cách nói hình ảnh. Thật ra, phụ nữ là tất cả cuộc đời này. Sự khiếm khuyết hay tổn thương của thế giới đó sẽ làm khiếm khuyết và tổn thương đến cả nhân loại. Có thể nói, nữ giới quang gánh trên vai và mang nợ cho cả loài người.
 
Tập truyện ngắn "Một nửa làm đầy thế giới", tập hợp 19 tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi cũng vừa kịp ra mắt bạn đọc.

“Những truyện ngắn trong tập này toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Sau chiến tranh và nghèo đói là nạn bạo hành, cạm bẫy, lường gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhờ sự nhạy cảm và thiên tính nữ giới, họ tìm cách chữa trị những vết thương, bổ sức cho chính mình và cho cả cuộc đời khốn khó này”, GS-TS Huỳnh Như Phương bày tỏ.

QUỲNH YÊN
Báo SGGP 20.10.19

XIN XEM BÀI KHÁC:

·         THI SĨ DU TỬ LÊ QUA ĐỜI


Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

PETER HANDKE XA LẠ TẠI VIỆT NAM NHƯNG LÀ KỲ NHÂN TRÊN VĂN ĐÀN THẾ GIỚI

Peter Handke vừa được tôn vinh tại giải thưởng Nobel Văn học 2019 vì một sự nghiệp mang tầm ảnh hưởng với ngôn ngữ trong sáng đã dò xét biên giới và đặc tính trải nghiệm nhân sinh. Có thể nhiều bạn đọc Việt chưa quen tên Peter Handke nhưng ở châu Âu nói chung và cộng đồng Đức ngữ nói riêng, Peter Handke rất nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sau Thế chiến thứ hai. Tại Việt Nam sách của Peter Handke đến nay mới chỉ tiêu thụ được khoảng 100 - 200 bản.
Nhà văn Peter Handke

Ông viết nhiều, tác phẩm phong phú, tại Việt Nam thì dường như ông vẫn còn rất "Mới"khi chỉ có một tác phẩm của ông mới được xuất bản: Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình (Ngụy Hữu Tâm dịch). Trong một đêm tối trời tôi rời khỏi căn nhà tịch mịch của mình kể về một dược sĩ sống ở Taxham với sở thích nghiên cứu các loại nấm, sống tách biệt với vợ con trong chính ngôi nhà nhỏ của mình.

"Họ sống tách biệt, mỗi người có khu vực riêng của mình; khi sang khu vực kia phải gõ cửa; ngay cả ở những không gian chung, chẳng hạn như lối vào, hầm, vườn vẫn có những vách ngăn hữu hình và vô hình, và ở những nơi mà điều đó khó thực hiện - chẳng hạn như trong bếp - họ sống lệch pha".

Trong một đêm tối trời, dược sĩ có cuộc gặp gỡ tình cờ tại quán rượu với một cựu vô địch Thế vận hội và một nhà thơ nổi tiếng trước đây. Ba người họ dấn thân vào một hành trình xuyên châu Âu để đến Alps. Dược sĩ bị mất tiếng nói bởi cú ra đòn từ một người phụ nữ lạ mặt - người mà Ngài tài xế-câm lặng tìm kiếm mãi hoài sau đó. Và để kết thúc cho hành trình bí ẩn của các nhân vật, Handke đã thực hiện như nhân vật dược sĩ của mình – bằng cách “Cứ để nó treo lơ lửng như vậy!”, mà chẳng tuân theo những quy tắc thời gian và không gian nào cả. Chính vì lẽ đó, nhiều độc giả cho rằng tác phẩm này khó đọc, nên đến nay mới chỉ tiêu thụ được khoảng 100 - 200 bản.

Peter Handke sinh năm 1942 tại ngôi làng Griffen, nằm ở vùng Karnten miền Nam nước Áo. Cha ông là một người lính Đức và mãi đến tuổi trưởng thành Peter mới được gặp cha mình. Sau một thời gian sống cùng mẹ ở Berlin, khi ấy chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, gia đình ông trở về định cư ở Griffen. Từ năm 1961, ông học luật tại Đại học Graz nhưng ngừng học vài năm sau đó, khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Die Hornissen xuất bản (1966). Đây là một tác phẩm hư cấu kép, một tiểu thuyết trong tiểu thuyết.

Vở kịch Publikumsbeschimpfung được dàn dựng năm 1969 giúp Peter Handke đặt dấu ấn của mình. Hơn 20 năm sau, Peter cho ra mắt số lượng lớn các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Ông tự khẳng định mình là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất châu Âu sau Thế chiến thứ hai.

Ông sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau, từ tiểu thuyết, tiểu luận, kịch bản, dịch thuật… Từ những năm 1990, ông sống ở Chaville, phía tây nam Paris.

Handke đã nói rằng, "những tác phẩm kinh điển đã cứu tôi". Điều này thể hiện trong những ghi chép của ông, trong cuốn sách gần đây Vor der Baumschattenwand nachts: Zeichen und Anflüge von der Perodesie (Trước bức tường bóng cây vào ban đêm: Các dấu hiệu và cách tiếp cận từ ngoại vi) 2007-2015. Tầm quan trọng của các tác phẩm kinh điển cũng được thể hiện rõ trong các bản dịch của ông từ tiếng Hy Lạp cổ đại, các tác phẩm của Aeschylus, Euripides, Sophocles.

Ông cũng đã dịch một loạt các tác phẩm từ tiếng Pháp và tiếng Anh, các sáng tác của Emanuel Bove, René Char, Marguerite Duras, Julien Green, Patrick Modiano, Francis Prid và Shakespeare. Song Handke vẫn được thế giới biết đến nhiều hơn trong vai trò là một nhà văn vô cùng hiện đại và một trong những khía cạnh thể hiện điều này là sự tương đồng của ông với Franz Kafka.

THẢO TRẦN/ VN tổng hợp

XIN XEM BÀI KHÁC:

·         THI SĨ DU TỬ LÊ QUA ĐỜI



Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

ĐẠO “HÒA HIẾU” CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

Hiểu người để ứng xử phù hợp với người, thấu hiểu tâm địa, “đi guốc vào bụng” kẻ thù để chiến thắng kẻ thù. Đó là bài học lịch sử cha ông ta để lại cho hậu thế.

Ở bài viết ngắn này chúng tôi xin chứng minh danh nhân Nguyễn Trãi đã dựng lên một mô hình tính cách “tiểu nhân” của bọn xâm lược nhà Minh qua năm đặc trưng cơ bản: hiếu sát, ngu dốt, tham lam, dối trá, hèn hạ. Năm nét tính cách này tương phản triệt để với năm phẩm chất Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người quân tử. Nguyễn Trãi không chỉ là quan toà công lý vạch tội kẻ thù mà còn là nhà giáo dục lớn chỉ ra những lỗi lầm của đám học trò ranh để chúng hối cải mà tiến bộ.

Đấu tranh với kẻ thù hiểm ác, trí trá, trắng trợn nên cha ông ta luôn tựa vào những điểm tựa chắc chắn của đạo lý, của chân lý chính nghĩa, điểm tựa của một kiến văn uyên bác thật sự hiếm có, điểm tựa của sự thật lịch sử cũng như sự thật hiển nhiên trong thực tế… Vì thế ta hiểu vì sao mở đầu mỗi lá thư, chiếu, biểu thường có mấy chữ tưởng chừng công thức: “Ta nghe…”; “Ta thường nghe…”; “Cổ nhân nói…”… nhưng chứa đầy sức mạnh của lẽ phải, của sự hiểu biết, của một tấm lòng yêu hòa bình đến vô cùng. Nguyễn Trãi cố ý dùng rất nhiều từ nói về chân lý, đạo lý, chính nghĩa như "Đạo trời, Thánh nhân, đại nhân, cổ nhân, trí giả, nhân giả, nghĩa giả, vương giả, quân tử, bực hào kiệt, đạo chí thành, chí nhân, thành thực"… để đối lập gay gắt làm bật ra bản chất tiểu nhân của đối phương.
Chân dung danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.

Trước hết là tội "hiếu sát". Tội này về sau được Nguyễn Trãi nhấn mạnh trong “Cáo bình Ngô” bất hủ với những hình ảnh mang tính tố cáo “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ”… Đó là tội diệt chủng. Ở đây ông vạch đích danh chân tướng Liễu Thăng “không xét thời trời, không biết việc người, chỉ lấy việc chém giết làm oai…”. Không xét thời trời là bất chấp đạo lý mà ngạo ngược, không biết việc người là bất chấp nhân luân mà tráo trở. Không chỉ thế còn “mạo hiểm tiến quân vào sâu "chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào”. Kẻ này hiếu sát đến mức mất hết nhân tính để trở thành loài quỷ!

Đó là tội "ngu dốt": “Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại kẻ vô tội, hãm người vào chỗ chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao kịp được! Huống chi bây giờ nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc, thế không thể chịu lâu được”.

Lừa dối là ngu, giết hại kẻ vô tội là ngu, hãm người vào chỗ chết là ngu, vì đó là những việc trái với lẽ trời (trời đất không dung), lẽ người (người mà đều giận). Kẻ ngu thì không thể thấu công lý, tình người và đâu có biết đến phận mình, phận người (tự cải quá), càng không phân tích được thời tiết, môi trường (mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc độc).

Đó là cái ngu không phân biệt được mục đích và phương tiện: “… cái nỏ nặng nghìn cân không vì con chuột nhắt mà nẩy máy…”. “Cái nỏ” dù có nặng nghìn cân cũng chỉ là phương tiện thế mà lại ngắm vào mục đích “con chuột nhắt” thì đúng là quá ngu, như… con vật vậy!

Đó là cái ngu không nhìn thấy quân ta có cả một nền văn hóa đánh giặc giữ nước: “nước An Nam binh tướng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng mạnh, kẻ sĩ trí mưu, các tướng vũ dũng, chẳng khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy… Thế mà không hề lấy làm lo, lại còn giương vây nói mẽ, có khác gì nhà đương cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm sao!”.

Đó là cái ngu của những kẻ kém hiểu biết, đã không biết thời thế lại “tùy tiện”: “Các ông là tướng lão luyện của Thiên triều… Sao không xét rõ thời nghi, tùy tiện sắp việc, lui quân ra ngoài bờ cõi, sai một viên sứ giả mang một lá thư đến đây…”.

Đã không biết đến người (tri bỉ), không biết đến thời (tri thời) lại không biết đến cả mình (tri kỷ) nên thất bại là chắc chắn: “Các mặt trông mong ấy đều đã tuyệt vọng, mà quân nhân mỗi ngày một bị chết, lương thực lại hết thì các ông còn đợi gì mà dùng dằng ở lại không đi chứ? Sao mà xét việc câu nệ, mưu việc không sớm thế? Than ôi, chén nước đã đổ khó mà vét lại được nữa…”.

Nguyễn Trãi đưa ra một tương phản trời vực, một bên là “đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của” một bên là hành động của tội lừa trời dối người. Đi cướp nước người, xét đến cùng cũng là ngu:  “Nước mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư? Nay ở nước mày, dân oán thần giận, kế tiếp đại tang, thế mà không biết tự xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ, cam lòng xâm lược phương xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân dân lầm bụi”. Ở đây Nguyễn Trãi vạch cho kẻ thù thấy rõ đối ngoại đã ngu, đối nội cũng ngu nốt, ở chỗ dân tình thì oán giận, lại liên tiếp có đại tang, thế mà vô đạo, vô luân, vô pháp vẫn khởi binh xâm lược!!!

Đó là tội "tham lam" vơ vét, bóc lột tàn ác. Giặc Minh sang xâm lược cướp phá, bóc lột nhưng mồm thì rêu rao “thừa tuyên” tức vâng mệnh Thiên triều “đi tuyên bố giáo hóa, đức hóa của triều đình”. “Kỳ thực”, chúng “chỉ vụ vét vơ”, “chuyên mặt thu lượm, bóc lột lương dân, bắt kiếm ngọc tìm vàng, kiệt chằm trơ núi, đòi hỏi nhặt nhạnh, không sót thứ gì. Muốn tiền của có nhiều, thì đục khoét của dân mà lấp hố dục; muốn nhà cửa cao đẹp, thì cướp việc mùa màng để bắt dựng xây… Quan lại thương dân chúng tuyệt không có ai, mà xem dân như cừu thù”.

Về hình thức, lời văn được tổ chức theo nguyên tắc mỉa mai làm nổi bật chân tướng kẻ nói một đằng làm một nẻo đầy mâu thuẫn. Nói “yên vỗ”, “chăn dân”, “vệ dân” nhưng thực tế, chỉ “chăm bóc lột dân để sung sướng cho mình”.

Đó là tội "lừa dối". “Điếu dân phạt tội” là thương dân mà vâng mệnh trời đánh kẻ có tội để cứu dân. Nhà Minh đã lấy danh nghĩa nhân đạo cao đẹp này để cướp nước ta. Đó là tội lớn nhất, tội lừa dối trời đất, lừa dối đạo lý. Tác phẩm có trên 70 bài viết, dài chưa đầy một trăm trang sách tập hợp những lá thư luận chiến đanh thép nhưng tần số xuất hiện các chữ lừa dối, dối trá, giả dối nhiều tới 36 lần: “…tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành, đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết”.

Lừa dối để hại người: “Thế là ngài không những lừa dối một mình tôi, lại còn lừa dối cả hơn sáu bảy nghìn người ở vệ sở các thành”. Mang một tội ác man rợ đến cướp một đất nước nhỏ bé yêu hòa bình công lý thì chúng phải có cả một “chiến lược” lừa dối. Nhưng đã phi nghĩa và giả dối thì không thể che mắt được chính nghĩa và sự thật: “…chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác…”.

Kẻ thù có dã tâm như thế thì đương nhiên là kẻ hèn hạ. Chúng được miêu tả bằng ngôn ngữ chỉ hành vi, tính cách của loài vật nhỏ bé, nhút nhát, yếu đuối, như con cá (trên thớt), con chuột (trong xó hang), con bọ ngựa (giơ càng)… Chúng là loài chim, loài thú “chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ”…

Hèn đến mức thà chịu “cái nhục khăn yếm” chứ không dám đương đầu với nghĩa quân “cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy”. “Khăn yếm” dịch thoát từ hai chữ Hán “cân quắc” chỉ đồ trang sức chung của phụ nữ. Trong "Tam quốc" có chi tiết Gia Cát Lượng làm nhục Tư Mã Ý bằng cách sai sứ đưa “cân quắc” đến, tức ví Ý như đàn bà. Trong quan niệm Nho giáo xưa, “đàn bà” thuộc “tiểu nhân” với những gì xấu xa, hèn kém, khó “giáo hóa”… Nguyễn Trãi rất hay ví quân giặc với loài chuột và “đàn bà”: “…không nên ở chúi trong xó hang cùng và bắt chước thái độ mụ già như thế!”.

Tôi cứ hình dung với tập sách này Nguyễn Trãi đã xây ngôi nhà tù cải hoá bằng ngôn từ mang tên BÌNH NGÔ có năm bức tường tính cách tiểu nhân (còn có thể gọi là Ngũ giác ngục) để nhốt bọn Vương Thông, Mộc Thạch, Liễu Thăng… Ngôi nhà này có cửa vào mang tên XÂM LƯỢC, cửa ra có tên HOÀ BÌNH…

Nguyễn Trãi đã thả chúng ra theo đạo HOÀ HIẾU của bậc đại nhân!

NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn: VNCA



Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

DU TỬ LÊ: NGƯỜI DÂNG HIẾN TRỌN ĐỜI CHO THI CA

Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên mấy tháng trước, ngày 9/10/2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.

Nhà thơ Du Tử Lê  (1942) vừa qua đời. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972). Ông có tới 70 tập thơ và văn xuôi. Du Tử Lê cũng là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Vĩnh biệt ông, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và ba bài thơ của ông.
Nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019)

Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên mấy tháng trước, ngày 9/10/2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.

Ngay sau ngày thống nhất, tôi đã đọc thơ Du Tử Lê in trên các tạp chí văn nghệ ở miền Nam trước 1975. Được biết ông đã đoạt giải văn chương năm 1972 do nhà thơ Vũ Hoàng Chương và nhà thơ Bàng Bá Lân làm chủ khảo. Tôi đồ rằng có lẽ Du Tử Lê rất thích bài hát “Lời du tử” của Nguyễn Đình Phúc nên mới lấy chữ “Du Tử” gắn với họ Lê của mình thành ra bút danh Du Tử Lê. Tôi gặp ông ở TP.HCM trong một cuộc bàn tròn trao đổi về thơ hồi cuối tháng 3/ 2007. Năm đó, tôi cũng sang Mỹ dự hội thảo về chủ nghĩa cổ điển tự nhiên tại đại học Dallas, người ta bảo Du Tử Lê cũng đã từng đến đây đọc thơ. Trong số các nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại, có lẽ thơ Du Tử Lê được quảng bá ở Mỹ và châu Âu khá nhiều.

Có lẽ vì hơi thơ lãng mạn hòa trộn với hiện đại ở thơ ông đã khiến cho bạn đọc nước ngoài chú ý. Tới năm 2014, khi Du Tử Lê ra mắt tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” ở Hà Nội, tôi mới có dịp đọc thơ ông nhiều hơn bởi được ông tín nhiệm để tôi giới thiệu thơ ông với mọi người. Ở tập thơ, tôi chú ý những bài viết về mảnh đất Gia Lai mà tôi đã từng gắn bó thời chiến tranh. Du Tử Lê cũng thế. Chỉ có khác là hai người ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Khác với Nguyễn Bắc Sơn trăn trở về cuộc chiến tranh thật rõ nét qua tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”,  Du Tử Lê luôn lãng mạn hóa vùng chiến địa này qua những bài thơ tình, như thể ở đó chưa hề xảy ra bom rơi, đạn nổ. Ngay cả đến dấu vết “mai xa lắc trên đồn biên giới” như Vũ Hữu Định, cũng không có trong thơ Du Tử Lê. Đọc bài “Khi ngang qua Pleime” – một địa danh nổi tiếng với chiến công thắng Mỹ cuối 1966, không thấy một tí ti ùng oàng nào trong thơ Du Tử Lê: “Khi ta đến cây im rừng nín thở - một mặt trời rực rỡ đỉnh truông xa – một hồn xanh gọi rét mướt hiên nhà – một tóc chảy theo trăm dòng suối lạ…” Ở bài “Pleiku và hoa quỳ” cũng thế. Đọc thơ Du Tử Lê, thấy rười rượi một màu vàng hoa quỳ trên đất đỏ bazan phố núi: “Khi ta trở lại rừng – chỉ còn nghe gió hú – núi trong buổi chiều nay – nhìn ta bằng mắt lạ - hoa nở vàng chân mây – tái tê từng cánh nhỏ”. Có lẽ bởi thế,  Du Tử Lê được phổ nhạc khá nhiều. Trong những tình ca ấy, ám ảnh nhất là “Khúc Thụy Du” qua giai điệu Anh Bằng. Bài thơ nói về việc tìm kiếm người yêu ở miền Phú Lâm (bây giờ thuộc quận 6) Sài Gòn sau đổ nát của cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968, từ đấy tác giả thấm thía về những mất còn mà chiến tranh mang lại.

Năm 2017, tôi sang Mỹ và ghé chơi quận Cam, lại gặp Du Tử Lê nhỏ thó nơi góc bàn cà phê quen thuộc. Cũng năm ấy, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã ấn hành trường ca “Mẹ về biển Đông” của ông. Trường ca lấy cảm hứng từ sự ra đi của chính mẹ ông. Nó gồm 5 khúc. Khúc thứ nhất “Ngôi nhà trắng, chiếc quan tài và những cây phong ở đường Beach”. Khúc thứ hai “”Những cánh cửa sổ, hồi chuông và buổi sáng”. Khúc thứ ba “Những bông hoa birdflower, nắm đất và sự trở lại”. Khúc thứ tư “Chuyến bay muộn ký ức và mẹ ở xa”. Khúc thứ năm “Cõi mẹ về”. Thật rưng rưng khi ông viết: “Những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước – ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam – không ai gọi, không còn ai nhắc nữa! dúm xương xưa tanh lợm, thiếu nguồn”.  Nỗi bi kịch sinh tử của người xa xứ hình như đã được ông cảm nhận trước khi bước đến khoảnh khắc làm bạn với cái chết. Vĩnh biệt ông. Cầu mong linh hồn ông sớm bay về đất mẹ Việt Nam.

Chùm thơ Du Tử Lê:

Chân dung

tôi ngồi trong nỗi tôi riêng
bên trong ghế lạnh, ngoài hiên bóng rời
phòng tôi trần thiết gương người
tường sơn kỷ niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy suốt cơn mưa
ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về

tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào
tưởng người ngọn sóng lao xao
biển muôn năm gọi tôi nào có vui
người về có nén hương, thôi
cắm lên phần mộ hồn tôi úa vàng


Chẳng lớn lao nào hơn nỗi cô đơn

cảm ơn kỷ niệm nuôi em lớn.
như bóng nuôi hình lúc thiếu nhau.
cảm ơn ngực ấm nuôi thương bạn.
giọt lệ nuôi tình sâu kiếp sau.

cảm ơn xa, vắng nuôi em lớn.
như lá nuôi rừng thuở thiếu niên.
cảm ơn chăn, gối cho mưa, nắng.
quá khứ như người có tuổi, tên.

cảm ơn định mệnh nuôi em lớn.
hạt giống u tình kia, tự tâm.
cảm ơn lênh láng / đêm / da, thịt.
những ngón tay thơm chọn lựa, mình.

cảm ơn thần thánh nuôi em lớn.
như gió nuôi trời lúc bão lên.
cảm ơn núi nhắc sông xa, nhớ.
chẳng lớn lao nào hơn cô đơn.

cảm ơn sách vở nuôi em lớn.
con chữ nuôi người trong giấc mơ.
hồn nuôi rưng rưng từng khối đá.
tôi trầm mình trong em, đời sau.

cảm ơn hiện tại không sau, trước.


Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
.
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn /.

(12-1977)

NGUYỄN THỤY KHA
Nguồn VietNamNet

XIN XEM BÀI KHÁC:

·         THI SĨ DU TỬ LÊ QUA ĐỜI


NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU