Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền ngày trẻ.
Đọc thơ Thanh
Tâm Tuyền, dù ở lứa tuổi nào, thời đại nào, vẫn cảm nhận được sự mới mẻ riêng
biệt, cách cảm thấu cuộc đời dù trong thời khắc bi lụy nhất vẫn hiển hiện một
tâm thức phóng khoáng, một tài thơ khó lẫn với bất kì một nhà thơ Việt nào khác. Những thi phẩm của Thanh
Tâm Tuyền đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như: Bài ngợi ca tình yêu, Dạ
tâm khúc, Đêm màu hồng… và nổi bật phải kể đến Lệ đá xanh đã được các nhạc sĩ
Phạm Đình Chương, Cung Tiến và Phạm
Quang Tuấn phổ nhạc. Trong đó nguyên tác bài thơ “Lệ đá xanh” được Cung Tiến giữ
nguyên tựa thơ, còn Phạm Đình Chương lấy tựa cho nhạc phẩm của mình với tên gọi “Nửa hồn thương đau”, có lẽ bản của Phạm Đình
Chương là được nhiều người biết hơn
cả: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa /Cho tôi về đường cũ nên thơ/Cho tôi gặp người xưa ước mơ/Hay chỉ
là giấc mơ thôi/Nghe tình đang chết trong tôi/Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời/Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng
thương đau/Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau/Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào/Em
ở đâu? Anh ở đâu?…” (Nửa hồn thương đau).
CÁCH TÂN THƠ TÁO BẠO
Thanh Tâm Tuyền sinh ngày 13-3-1936 tại Nghệ An, tên thật
là Dzư Văn Tâm. Năm 16 tuổi, ông đã
dạy học tại trường Minh Tân (Hà
Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên tuần báo Thanh Niên (Hà Nội). Năm
1954, ông hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội, cùng với Trần Thanh Hiệp,
Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa Việt. Năm 1955, ông vào Sài Gòn. Năm 1956, mới
hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền cho in cuốn sách đầu tay Tôi không còn cô độc
(thơ), và Bếp lửa (văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diên mạo văn học
miền Nam, đến thời đó vẫn còn chịu ảnh hưởng của dòng lãng mạn tiền chiến: “Cửa sổ trời những mắt chưa quen/trán hoang đồng cỏ/run đường môi kỷ
niệm/đi qua những thành phố đầy tim/cười đổ mưa một mình/trái tim ngọn lửa
xanh/áo mùa đông/ngón tay út ngây thơ nền vải/buổi chiều/quá lạnh những hàng chấn
song/đã yêu nhau muôn vàn mái nhà/những người vô tội chối từ khí giới/chấp hai lòng tay lò sưởi/không nỡ làm rối mi mắt khép/gửi một tiếng cười
và mùa thu/và một lá thư học trò” (Của em - Tôi không còn cô độc, 1956).
Thật thú vị khi biết rằng bài thơ được viết từ những năm 50 của thế kỉ trước lại
có những thi ảnh hiện đại, gợi mở với cách diễn đạt phóng khoáng, tự do đến thế!
Nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Với Nguyên Sa, thơ tự do là thơ phá thể, trong khi Thanh Tâm Tuyền
đi xa hơn, thơ hôm nay không dừng lại ở thơ phá thể, thơ hôm nay là thơ tự do
mà cao điểm sẽ là thơ văn xuôi.” Còn nhà phê bình Đặng Tiến thì nhận định:
“Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo
trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ.
Thơ xưa đem tư tưởng ra “ diễn ca “,
còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp
ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.” Nhiều người tưởng rằng
thơ không vần điệu hoặc thơ văn xuôi mới xuất hiện gần đây, thực ra từ những
năm 1950, Thanh Tâm Tuyền đã quyết liệt cách tân để thơ được trình bày đến độc
giả một cách tự nhiên nhất nhưng
cũng đầy cảm xúc tinh tế của ngôn từ.
MỘT VÌ SAO CÔ ĐỘC
Để bước đi trên con đường sáng tạo riêng biệt, người nghệ sĩ thường trở nên một vì
sao lẻ loi giữa bầu trời sao để lắng nghe mình và tìm ra một sự tiếp cận độc lập.
Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền nhận thấy thi sĩ là một người có thi cảm phong phú, giao hòa ngôn ngữ
với âm nhạc và hội họa:
“Em là lá biếc là mây cao là tiếng hát/sớm mai khuya thức
nhiều nhớ thương/em là cánh hoa là
khói sóng/đêm màu hồng/Vòng tay dĩ vãng và bát ngát/chỗ yên nghỉ cuối
cùng/dưới mắt sao dưới bàn chân những
đứa con” (Trích Bài ngợi ca tình yêu, 1964)
Tiến sĩ Bùi Bích Hạnh - Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh nhận
định: “Như một nhu cầu hiện sinh đích thực, hoàn toàn tự do, người nghệ sĩ xác lập mối quan hệ giữa tôi với thực
tại, tôi với thế giới ngoài tôi, tôi và cái trong tôi. Thơ Thanh Tâm Tuyền là
tiếng nói đi đến cùng bản thể để tự tháo gỡ tôi ra khỏi đường biên của hai miền
cảm thức chông chênh cô độc và không còn cô độc.” Ảnh hưởng của văn
chương phương Tây khá rõ nét trong tư tưởng cũng như thủ pháp nghệ thuật trong thơ Thanh Tâm Tuyền. Vì
thế, những người theo lối thơ truyền
thống không ủng hộ lối cách tân đến mức nổi loạn của Thơ Thanh Tâm Tuyền và một
số nhà thơ cùng chí hướng. Tuy vậy,Thanh Tâm Tuyền đã để lại một dấu ấn
đậm nét cho thi ca Việt trong nửa sau thế kỷ XX và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ các nhà thơ trẻ sau này.
Thanh Tâm Tuyền cho rằng: “Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả thật là
thơ - nghĩa là đạt được đến ngôn ngữ mầu nhiệm không chỉ chuyên chở ý tưởng mà còn ám ảnh vang vọng mãi
trong tâm hồn – thì sớm muộn người đọc
cũng tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một
trình độ nghệ thuật cao hơn đối với nhịp điệu đơn giản rút gọn…” Thanh Tâm Tuyền
mất ngày 22-3-2006 tại Minnesota, Hoa Kỳ do bệnh ung thư phổi. Nhưng người đọc vẫn nhớ về ông qua những
câu thơ gợi mở đa tầng trước sự biến chuyển của cuộc đời: “tôi thèm sống như
thèm chết/giữa hơi thở giao thoa/ngực cháy lửa/tôi gọi khẽ/em/hãy mở cửa
trái tim/tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/trong sạch như một lần sự thật” (Trích Phục sinh).
VŨ THANH HOA
Theo BRVT
XEM BÀI
KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét