Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

MỘT XUẤT PHÁT MỚI TRONG THƠ PHAN HOÀNG

Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012 vừa được NXB Văn Hoá Văn Nghệ tái bản trong bộ sách Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 5 năm qua (2010-2015).
Nhà thơ Phan Hoàng

Thói quen, nói cho cùng, là sản phẩm của quá khứ, là những gì lặp đi lặp lại, không dễ từ bỏ. Và tôi tin, khi càng ngày càng lớn tuổi, cái phần quá khứ trong mỗi con người ta cũng ngày một nặng nề thêm. Rồi nó đeo bám chúng ta, không dễ dàng gì buông tha chúng ta. Rồi chúng ta sống với nó và trở thành “một phần nó” tự lúc nào không hay. Khi ấy, có khi chính chúng ta bị nó điều khiển, trở thành “nạn nhân” của nó mà không chịu chấp nhận những gì mới mẻ, khác lạ.

Trong Chất vấn thói quen, ban đầu, Phan Hoàng cũng vậy.

Đó là thói quen sáng sáng “ngồi vào chiếc ghế ấy”, “nhâm nhi ly cà phê chồn” ấy, “đọc báo” ấy và “nhìn cô chủ quán nở nụ cười hàm tiếu” ấy. Khi mọi thứ bị đảo lộn (cho dù không ảnh hưởng nhiều đến “tình hình thế giới“ lắm): “Chiếc ghế đã có người đến ngồi”, “mùi cà phê không chồn” nữa, “quán không tờ báo” nữa, “cô chủ quán kiêu kỳ miệng im như thóc”… Và cách hành xử cuối cùng và quen thuộc của Phan Hoàng là “Tôi bối rối bỏ đi”, “Tôi uống qua loa bỏ đi”, “Tôi buồn buồn bỏ đi”, “Tôi bỏ đi bỏ đi bỏ đi”…

Cả 6 khổ thơ đầu của Chất vấn thói quen, nội dung chỉ có vậy. Nhưng chính 6 khổ thơ này lại là “chất dẫn” cần thiết để “bùng nổ” ở khổ thơ thứ 7, đồng thời cũng là khổ thơ kết, khổ thơ sống còn của một tứ thơ:

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi
tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen
không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

Chính sự “mắc cười” và tự chất vấn mình (cũng là chất vấn thói quen) đã giúp Phan Hoàng tìm cách học “con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước” mà giúp anh thay đổi và chuẩn bị cho mình một xuất phát mới.

Rồi cũng từ xuất phát này mà anh thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy trong thơ.

Từ xuất phát mới này, trong bài Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, anh phát hiện ra “mặt trời mọc trong ngôi nhà thân thuộc của mình” vừa “đầy tiếng sóng”, vừa “đong đầy tiếng gió”, vừa “mỗi ngày một sáng hơn” (theo nghĩa đen) và “mặt trời vẫn không ngừng mọc lên trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình (theo nghĩa bóng), để rồi “thay đổi cảm hứng bầu trời, thay đổi tư duy từng ngọn núi, con sông”.

Từ xuất phát mới này, trong Tiếng thì thầm, anh nghe được những âm thanh không phải ai cũng nghe được: “Ở giữa sấm chớp và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở”.

Từ xuất phát mới này, trong Hoa của đá, anh nhìn ra “vẻ đẹp sinh từ chuyển động lặng im/ chân lý khởi nguyên từ nghịch lý bất ngờ”.
Tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng 
được NXB Văn Hoá Văn Nghệ tái bản 2015

Trong sự thay đổi quyết liệt đến mức sát ván ấy, mừng hơn là Phan Hoàng vẫn có những quan niệm rất gần với Phật.

Anh nhìn ra sự bình đẳng giữa con người và vạn vật chúng sinh trong Cần Giờ ngơ ngácbằng những câu thơ cật vấn đến thảng thốt:

Chúng ta khác gì những con khỉ?
Chúng ta khác gì những con sấu?
Chúng ta khác gì những con muỗi?
Chúng ta khác gì
Không cần giờ…

Anh nhìn ra cái “nhân - quả” và hệ lụy của nó trong việc con người ngày càng sa lầy vào việc khai thác, bóc lột tự nhiên vì lợi ích và ham muốn muôn thuở trong Mắt gỗ thật sắc sảo:

Những vân gỗ quý
trong ngôi nhà sang trọng
như những con mắt lửa giấu kín hơn căm
chờ ngay phát hoả.

Có cảm giác: Khi Phan Hoàng “hướng ngoại” cũng là lúc anh đang “hướng nội”.  Đọc Chất vấn thói quen, người đọc như bắt gặp những củi, những than, những lửa, những khói trong thơ anh lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Rồi những củi, những than, những lửa, những khói ấy đã cháy lên thành thơ trong một “văn bản không khuôn thước/ văn bản không văn bản” (Văn bản dở dang).

Chính thói quen mới mang tên Chất vấn thói quen đã làm nên một Phan Hoàng khác biệt hơn, mới mẻ hơn, hiện đại hơn.

Và tôi mơ: Có một ngày, Phan Hoàng sẽ vượt lên sự chất vấn, sự độc thoại để đối thoại với hư vô kia.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến mấy câu kết trong bài thơ Tặng người sinh sau viết cách nay đã gần một thế kỷ của thi sĩ lừng danh người Đức Bertolt Brecht:

Khi mọi lỗi lầm tiêu tan hết
Người bạn sau cùng
Ngồi đối mặt với chúng ta
Là Hư Vô.

ĐẶNG HUY GIANG
Nguồn: Sông Hương 3.2016


Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

HIỆN TƯỢNG LÊ MINH KHUÊ

Trong số các nhà văn đương đại Việt Nam, nếu có thể nói, Lê Minh Khuê là một hiện tượng văn chương đáng quan tâm vì nhiều lẽ.
Nhà văn Lê Minh Khuê

ĐẶT VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Trong số các nhà văn đương đại Việt Nam, nếu có thể nói, Lê Minh Khuê là một hiện tượng văn chương đáng quan tâm vì nhiều lẽ. Trước hết bà là một nhà văn “trụ hạng” được với truyện ngắn, một thể loại vốn rất khắt khe với những ai dễ dãi trong sáng tác. Đã có không ít người lầm tưởng truyện ngắn chỉ là “bài tập”, chỉ là “giấy thông hành” để bước vào làng văn. Thậm chí có người còn nói quá lên rằng truyện ngắn chỉ là “dao găm súng lục”, đánh gần mà không đánh xa được. Tinh thần trụ hạng này là nhờ chủ yếu vào sức bền của ngòi bút, phẩm tính này giúp bà chung thủy chỉ với truyện ngắn và thành danh nhờ nó. Sự nghiệp văn chương của Lê Minh Khuê gắn với những thành công, thành tựu về truyện ngắn. Cho đến nay bà đã sở hữu 12 tập truyện ngắn, mỗi tập đánh dấu một bước đi vững chắc trong nghề văn: Những ngôi sao xa xôi (1973), Cao điểm mùa hạ (1978), Đoạn kết (1980), Một chiều xa thành phố(1986), Bi kịch nhỏ (1993), Lê Minh Khuê - Truyện ngắn (1994), Trong làn gió heo may (2000), Những dòng sông buổi chiều cơn mưa (2001), Màu xanh man trá (2005), Một mình qua đường (2007), Những ngôi sao, trái đất, dòng sông(2008), Nhiệt đới gió mùa (2012).
         
Trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa sôi động, văn chương Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi tình trạng “nhập siêu” để tiến đến một sự cân đối khi có thể “xuất khẩu” ra thế giới với ý nghĩa là một thị trường khó tính. Theo thời gian, các tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam đã có cơ may “đổ bộ” vào lãnh thổ các nước có truyền thống văn chương lớn như Pháp, Mỹ, Anh,…Truyện ngắn Lê Minh Khuê đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ. Tập truyện ngắn Những bi kịch nhỏ đã được dịch ra tiếng Đức, đoạt giải thưởng xuất bản sách tại Hội chợ sách Frankfurt. Nhờ truyện ngắn mà Lê Minh Khuê đã đặt chân được đến nước Mỹ. Báo chí Mỹ nhận xét khá tinh về tác phẩm của bà: “Độc giả Mỹ của ngày hôm nay đã đến mức đòi hỏi tính ẩn dụ tinh tế. Lê Minh Khuê thực sự làm chủ được phép so sánh chính xác. Dưới ngòi bút của bà, lối so sánh này không gì khác hơn là mang tính giản dị…Từng truyện ngắn khuấy động để người đọc nghĩ ngợi xa hơn, đưa con người đến một tương lai mà nhà văn hàm ý hơn là nói trực diện” (Báo Tin Sáng Dallas), “Đây là những truyện nên được dạy trong những giờ văn học và lịch sử trên toàn nước Mỹ, cả ở trường trung học phổ thông lẫn đại học” (Báo The Pilot), “Qua bản dịch, hiện lên hình ảnh tác giả, một người có văn phong đẹp, nghiêm trang, cùng với sự châm biếm tinh tường, đồng thời có khả năng trong những nhận xét đầy sức khơi gợi” (Thời báo New York).
         
Những cống hiến của Lê Minh Khuê trong lĩnh vực văn chương đã giúp bà nhận được những giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1987 cho tác phẩm Một chiều xa thành phố, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 cho tác phẩm Trong làn gió heo may, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Năm 2008 Lê Minh Khuê đã nhận được Giải thưởng văn học quốc tế mang tên Byeong Ju Lee (nhà văn lớn Hàn Quốc, 1921-1992) cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông.
         
Lê Minh Khuê thuộc số ít các nhà văn đương đại Việt Nam có tác phẩm được chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9 (truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi). Giả sử nếu chỉ được phép chọn năm tác giả truyện ngắn thời kì đổi mới văn chương rất có thể Lê Minh Khuê sẽ nằm trong “top” đó: Nguyễn Minh Châu – Nguyễn Huy Thiệp – Lê Minh Khuê – Trần Thùy Mai – Phan Thị Vàng Anh.
         
Sở dĩ nói Lê Minh Khuê là một hiện tượng còn vì sáng tác của bà thường hay “chia đôi dư luận” (ví dụ như Bi kịch nhỏ, Đồng đô la vĩ đại, Những kẻ chờ sung, Anh lính To-ny D, Nhiệt đới gió mùa, Ráp Việt…). Sáng tác của Lê Minh Khuê là đối tượng nghiên của nhiều khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sỹ ở các trường đại học, viện nhiên cứu văn học. Truyện ngắn Lê Minh Khuê có nhiều độc giả, đặc biệt nhiều độc giả trung thành với nhà văn mấy chục năm qua, kể cả những người thích đọc nhanh hoặc đọc chậm. Điều đặc biệt đáng nói hơn là sáng tác của nhà văn thường “gây hấn cảm xúc”, tạo nên những cuộc tranh luận thú vị (chẳng hạn xung quanh Bi kịch nhỏ xuất hiện vào đầu những năm chín mươi thế kỉ trước, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau). Gần đây nhất tập truyện Nhiệt đới gió mùa(2012) sau buổi giới thiệu sách ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội lập tức hâm nóng dư luận.

CẢM HỨNG THẾ SỰ
         
Có thể nói cảm hứng thế sự là cảm hứng chủ đạo trong sáng tác  truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Cảm hứng thế sự trong sáng tác của nhà văn thể hiện ở tinh thần dấn thân, nhập cuộc; ở cái cách “áp sát đời sống”, biết lắng nghe, biết quan sát tất cả mọi diễn biến phức tạp của nhân tình thế thái. Trong truyện ngắn Một ngày đi trên đườngnhân vật Tôi (người kể chuyện) vừa ở chiến trường ra Hà Nội, đến thăm một người bạn tên Đức “Không khí chiến trường còn chế ngự toàn bộ con người tôi. Tôi tới nhà Đức rất mong thấy một cái gì mới mẻ ở anh. Nhưng tôi thấy anh đang ngồi ở hàng hiên có treo nhiều phong lan. Con rùa tha thẩn gần anh (…). Mình ở chiến trường về cứ tưởng ở đâu cũng bốc lửa. Thì ra đây là cái góc bé nhỏ của Hà Nội và tiếng súng ở chiến trường rất xa, ở đây không nghe thấy được. Anh lấy chân đẩy con rùa ra xa. Con rùa rụt cổ vào mai nhưng rất nhanh, nó thò cổ ra ngay và đi vào phòng Đức. Cũng như con rùa, Đức đủng đỉnh đi vào nhà (…). Tôi bất giác lật một cuốn sách của anh, thấy một câu của ai đó, được anh ghi vào lề cuốn sách: “Chúng ta biết những sự bất hạnh tồi tệ và trước hết là sự bất hạnh phải sống”.
         
Cũng trong truyện ngắn này độc giả chứng kiến cái nhìn “áp sát đời sống” của Lê Minh Khuê khi nhà văn miêu tả cái cảnh sống nhếch nhác của những thị dân của một thành phố lớn “Khu nhà tôi ở rất đông người, phải ngăn, phải chia ra nhiều khu vực, nhiều phòng tạm. Ban đêm chuột hoành hành dữ dội. Nó bò cả lên chân, nó lách qua người đang ngủ để tìm lối đi, giấc ngủ cứ bị ngắt quãng luôn. Sáng dậy đã nghe tiếng cãi nhau. Mang chậu quần áo xuống nhà làm vệ sinh thì gặp quá đông người. Ai cũng vội, ai cũng cần, có hôm chỉ rửa mặt qua loa rồi lên thôi còn phải nhường người khác vì nước trong máy chảy nhỏ ra nhỏ như cái đũa…”. Cái cảnh sống tập thể nhếch nhác sau này còn được nhà văn tả rất kĩ trong truyện Nhiệt đới gió mùa “Suốt ngày lối đi lênh láng nước. Nhiều gia đình chứa đồ bằng cách đóng đinh chi chít lên tường loại tường phải khoan bằng máy để treo bị treo túi đựng quần áo sách vở”. Sự nhếch nhác hình như cứ đeo bám những con người ở phố thị trong truyện Những kẻ chờ sung “Hơn chục năm sau, đám người mới đến đã sinh sôi nảy nở như ruồi, biến cái  nhà này thành một cái nhà ga, thành khu ổ chuột chính cống. Cái nhà xí máy trước kia sạch như li như lau bây giờ phải hút một tuần một lần mà cứt đái cứ ngập ngụa ra cả lối đi, và chuột bọ cũng sinh sôi nhanh như người. Đêm đêm chuột cống to xù  như cái vại ngang nhiên  đi dạo ở cá lối đi. Người thì suốt ngày chí chóe chuyện điện nước, chuyện rác rến và đã có vụ đâm chém nhau vì tranh chỗ để xe đạp”. Và đây là cảnh sống của sinh viên ở ký túc xá thời bao cấp trong truyện Bi kịch nhỏ: “Tôi nằm tầng giường dưới và bị dị ứng mũi vì hứng trọn số bụi giát giường trên, vì cô bạn gái ở tầng trên không bao giờ giũ giường trước khi đi ngủ. Thời đó, bọn con trai đi ăn cơm ở bếp tập thể không cần bát. Cơm đổ vào chậu, thức ăn đổ vào cùng, và các chàng mỗi người một thìa cắm đầu vào múc. Những cầu thang ký túc xá sinh viên ngập ngụa rác và nước tiểu. Những trí thức tương lai suốt ngày ngồi uống chịu nước trà ở cổng, tóc tai bù xù, mặt mũi xanh xao vì thiếu ăn. Có những bữa cơm không có, mỗi người được một quả đấm – một nắm bột mì cứng như đá, cắn một miếng kéo ra được cả một cọng rau muống dài hàng sải, dùng làm nhân”.
         
Nói nhà văn “áp sát đời sống” không có nghĩa là chỉ có nhìn gần, nhìn kĩ sự nhếch nhác của đời sống mà còn nói đến cái nhìn xuyên thấu tim đen quá trình tha hóa của con người thời đại. Trong sự tha hóa của con người, nhà văn chú ý đến hai “chủng loại” chính: do lòng tham vật chất và do lòng tham quyền lực. Lòng tham là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bi kịch đời sống. Cảm hứng thế sự trong sáng tác của Lê Minh Khuê hiển thị qua những bi kịch, tiêu biểu nhất phải kể đến truyện Bi kịch nhỏ. Ông Tuyên là một cán bộ cao cấp (nhà ông ở có lính gác, ông đi xe vonga), ông là người thành danh và thành đạt trên quan lộ. Nhưng ông rơi vào bi kịch khi chính mình là nguyên nhân sâu xa gây nên cái chết của Quang –đứa con trai năm xưa ông cố tình xa lánh cùng người mẹ xấu số của nó. Ông quyết xa lánh vợ con vì “ngửi thấy mùi tử khí bắt đầu tỏa ra trong không khí chính trị ở nông thôn, đã viết thư cho vợ là yên tâm chờ, ông sẽ về khi nào yên hàn” Nhưng ông Tuyên đã “lặn mất hút trong cái biển chính trị sôi sục lúc ấy”. Sự chia cắt về không gian và thời gian khiến cho hai anh em cùng cha khác mẹ (Quang và Cay) không nhận biết gốc tích để rơi vào nghịch cảnh trở thành vợ chồng. Nhận ra sự thật thì đã quá muộn. Phải có một người ra khỏi “cuộc chơi của số phận” đắng cay này, không ai khác chính là Quang. Anh ta đã tự sát. Tác giả viết: “Chuyện đó có lẽ kết thúc như thế. Nhưng tôi không thể chịu được cái ấn tượng về khuôn mặt đẹp đẽ của anh tôi sẽ dần tan đi, rữa nát trong đất đen”.
         
Một dạo Bi kịch nhỏ đã gây sóng gió cho nhà văn. Nhưng với thời gian, bây giờ nhìn lại, mới thấy cách đặt vấn đề của nhà văn trong truyện quả thật là gai góc, động chạm đến không ít người có địa vị - sự mất nhân cách do tha hóa, sự tha hóa do dục vọng quyền lực. Có một kiểu tha hóa khác gây nên do lòng tham vật chất. Lòng tham khiến đạo đức con người bị méo mó, biến dạng như trong Những kẻ chờ sung, Đồng đôla vĩ đại, Anh lính To-ny D,…Cha con, anh em có thể chơi xấu nhau vì đồng tiền. Vì đồng tiền huynh đệ có thể tương tàn, cảnh “nồi da nấu thịt” là điều không khó xảy ra. Tinh thần phê phán quyết liệt cái xấu, cái ác trong truyện ngắn Lê Minh Khuê vì thế có thể nói lên tới cao trào. Không ít độc giả cho rằng nhà văn quyết liệt đến mức cay nghiệt trong phê phán đồng loại. Điều đó không sai. Nhưng cần khách quan khi phân tích thái độ phê phán của nhà văn  như một sự tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của cái thiện chống lại cái ác đang diễn ra  từng ngày xung quanh chúng ta.
         
Cảm hứng thế sự trong nhiều trường hợp giúp nhà văn nhìn ra cái không bình thường trong đời sống. Trên tinh thần “phóng đại thẩm mỹ”, trong nhiều trường hợp nhà văn đã soi chiếu những trường hợp đời sống mang màu sác khác lạ như trong các truyện Ronan Keating, Thầy giáo dạy triết, Đồ cũ,…Nhân vật con người không hợp thời ở đây là những thầy giáo dạy văn học, dạy triết học, một viên chức về hưu. Họ là những con người tốt, có thể nói là mẫu mực cũng được, xét từ phạm trù đạo đức. Nhưng họ đôi khi đóng vai “người thừa”, “kẻ bảo thủ” trong xã hội vì cái tư chất kẻ sĩ của mình – giữ tiết tháo, lòng trung thực và tinh thần nhân văn. Nhưng trong dòng đời cuộn chảy hôm nay họ đôi khi tỏ ra ngây thơ và lạc lõng một cách đáng yêu. Họ trở thành những người chỉ có thể “kính nhi viễn chi” mà thôi.
         
Gần đây nhất khi tập truyện Nhiệt đới gió mùa của bà ra mắt, bạn đọc một lần nữa lại cảm nhận được một cách rõ ràng cảm hứng thế sự thấm đượm trong từng trang viết. Nhưng nổi bật nhất có lẽ phải kể đến truyện Nhiệt đới gió mùa được dùng dặt tên cho cả tập. Chất liệu là chất liệu của một cuốn tiểu thuyết nhưng được dồn nén tối đa trong hình thức một tuyện ngắn có “mầm mống tiểu thuyết” vì tôn trọng độc giả (không muốn làm mất thời gian đọc của các “Thượng đế”), như lời trần tình của nhà văn trong buổi giới thiệu sách ngày 27-12-2012 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Qua câu chuyện của một gia đình tác giả muốn đặt ra một vấn đề còn khiến 90 triệu người Việt Nam suy nghĩ và trăn trở dù chiến tranh đã trôi qua mấy thập kỉ - xóa bỏ hận thù, cùng nhau hòa giải và hòa hợp dân tộc. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây cũng đã nhấn rất mạnh đến vấn đề này: “Nếu nhìn vào những hi sinh mất mát to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua. Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”. Đó chính là “tinh thần đại xá” của người Việt Nam (Vietnamnet.vn, 27-4-2015). Bằng con đường văn chương nhà văn Lê Minh Khuê đã góp phần vào hóa giải hận thù, khơi thông lòng người thuộc hai chiến tuyến cả trong chiến tranh và thời hậu chiến qua câu chuyện cảm động của hai anh em cùng cha khác mẹ do hoàn cảnh chiến tranh đã rơi vào cựu thù: “Vùng nhiệt đới gió mùa mang theo hơi ẩm từ biển vào luôn gây ra cho con người những cơn bức bối khó chịu không biết trút vào đâu người ta hay trút vào nhau. Dải đất hẹp trần trụi chạy dọc biển Đông nhiều khi nhìn trên bản đồ thấy mong manh như làn khói gió biển thổi mạnh là có thể cuốn phăng, con người lại không biết sự mong manh đó cứ cố sống cố chết chạy theo thù hận. Thù hận làm đời ta ngắn lại”.

NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN
          
Thế giới nhân vật mà nhà văn Lê Minh Khuê tạo ra trong truyện ngắn hết sức đa dạng, phong phú. Trong giai đoạn sáng tác đầu (vào những năm bảy mươi đến đầu những năm tám mươi thế kỉ XX), Lê Minh Khuê viết nhiều về những người trẻ tuổi, tự nguyện dấn thân, tham gia cuộc chiến tranh ác liệt với tất cả sức mạnh của lí tưởng cách mạng và sức trẻ có thể dời non lấp biển. Trong Cao điểm mùa hạ (1978) và Đoạn kết (1980) – hai tập truyện đã khẳng định tên tuổi Lê Minh Khuê trên văn đàn – người đọc thường bắt gặp những nam nữ thanh niên xung phong, những người lính trẻ trên các cung đường Trường Sơn thời chiến tranh. Họ tươi tắn, trẻ trung, yêu đời và vô tư lự. Giữa tác giả và nhân vật có một mối đồng cảm lớn vì cùng đều thế hệ và cùng trải nghiệm chiến tranh. Những ngôi sao xa xôi là một ví dụ sinh động, ở đó độc giả bắt gặp những con người của một thời trong sáng, vô tư, sống hết mình. Họ mang vẻ đẹp thuần khiết của một thế hệ sống quên mình vì nghĩa lớn (có lẽ vì thế truyện này được chọn đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9). Sau chiến tranh họ may mắn trở về với đời sống thường nhật với bao nhiêu lo toan, buồn vui rất thực tế. Nhìn bề ngoài tưởng như họ bị nhấn chìm vào đời thường và lãng quên quá khứ. Nhưng thực ra không phải như thế, trái lại họ đang “chiến đấu” với chính mình để vươn lên. Trong truyện Một ngày đi trên đường, độc giả thấy có một chàng trai đẹp đẽ làm nghề phiên dịch. Bề ngoài anh ta rất hào hoa phong nhã, lại có nhiều tiền (qua quần áo và trang sức). Nhưng thực ra thì chàng trai đó đã được thử thách qua” lửa đỏ và nước lạnh” của chiến tranh – trước đây anh từng là lính tên lửa. Từ chiến  trường trở về anh đã kịp học xong đại học ngoại ngữ, đã tìm được việc làm phù hợp. Họ là những người có tinh thần dấn thân, nhập cuộc.
         
Chiến tranh kết thúc, đời sống hòa bình mở ra nhiều phía, con người dễ dàng thay đổi theo nhiều hướng phức tạp. Nhà văn coi tâm hồn con người cũng như một dòng sông: khúc khuỷu, bên lở bên bồi, chỗ rộng chỗ hẹp, nơi nước chảy xiết nơi lặng lờ…Tìm cho mình sự cân bằng tâm thế  luôn là hành xử tích cực của nhân vật trẻ tuổi trong truyện ngắn Lê Minh Khuê giai đoạn đầu sáng tác. Một chiều xa thành phố (1986) là tập truyện thể hiện cuộc bứt phá của Lê Minh Khuê trong truyện ngắn. Nhà văn quan sát sự chuyển động âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt “cơn lũ quét” của đời sống hiện đại đang cuốn phăng con người vào những “mê cung” của nó (đời sống tiện nghi, tâm lí tiêu dùng, thói lãnh cảm với đồng loại…).
          
Bi kịch nhỏ (1993) thật sự là lối rẽ trong sáng tác truyện ngắn của Lê Minh Khuê, nơi mà phê phán là âm điệu chủ yếu và con người tha hóa hiện lên như một nhân vật trung tâm của tác phẩm. Vì địa vị xã hội và tham vọng quyền lực mà ông Tuyên đã nhận lấy cái kết cục bi đát khi đứa con đẻ của mình tự tử. Một cái chết có tính “ân oán giang hồ”, “cha ăn mặn con khát nước”. Trong truyện Anh lính To-ny D nhà văn miêu tả mối quan hệ cha con bị rạn nứt và băng hoại vì đồng tiền. Vì tiền mà đứa con trai ép cha đẻ mình phải thề thốt, phải chặt đứt một ngón tay để chứng minh lòng trung thực của mình. Vì tiền mà thằng Thán, đứa con bất hiếu đã đay nghiến, dồn ép ông Thiến - cha đẻ của mình : “Thề đi! Chặt đi đồ sâu bọ. Chặt ngay không là thụt lưỡi với thằng này”. Trong truyện Đồng đôla vĩ đại nhà văn miêu tả cảnh “huynh đệ tương tàn”, anh em trong một nhà vì đồng tiền mà nhẫn tâm sát hại nhau (thằng An giết vợ thằng Khang, tức chị dâu của mình đang mang thai, nó lĩnh án tử hình vì một lúc tước đoạt mạng sống của hai người).
         
Trong truyện ngắn Lê Minh Khuê xuất hiện kiểu nhân vật cô đơn mang nỗi buồn vốn được coi như là biểu hiện của một trạng thái tinh thần xã hội. Trong truyện Mong manh như là tia nắng, nhân vật người mẹ lúc nào cũng buồn: “Tôi vẫn không hiểu sao vào những lúc rỗi rãi, mẹ vẫn buồn. Gia đình như vậy là khá giả (…). Nhưng không hiểu sao mẹ vẫn buồn”. Đoạn kết truyện ngắn lại vẫn ngân lên một điệu buồn: “Mẹ vẫn cứ buồn vào những lúc không phải cắm cúi kiếm ăn. Mỗi người có một bí mật, một nỗi buồn, một kỉ niệm. Tôi biết mẹ sống đến hôm nay mà được như vậy chắc nhờ những bí mật, nỗi buồn và niềm khao khát ấy”. Trong những truyện khác như Một buổi chiều thật muộn, Cơn mưa cuối mùa,  Trong làn gió heo may,…với điệu cảm trữ tình, Lê Minh Khuê đã khá tinh tế trong việc khắc họa “gương mặt buồn” của các nhân vật nữ. Buồn có thể là sự nuối tiếc những kỉ niệm đẹp đẽ, buồn cũng vì con người cố gắng giãy giụa để thoát khỏi sự thiếu thốn tình cảm, nhưng cuối cùng hóa ra hạnh phúc là một cái gì đó hết sức mong manh, dễ vỡ, vụt đến vụt đi. Nhưng đến Nhiệt đới gió mùa thì dường như nỗi buồn  lại càng trĩu nặng hơn trên đôi vai của những người đàn ông. Không còn là nỗi buồn của “phái yếu” nữa, giờ đây “phái mày râu” lâm trận và đa mang nỗi buồn xứ sở bị chia cắt vì thế lòng người phân tâm, bao nhiêu là nghịch cảnh trớ trêu và phi lí đổ ập xuống những thân phận như Hiếu, như Phong (là anh em cùng cha khác mẹ). Cả hai đã giáp mặt nhau trong tư thế là đối phương, thậm chí  là kẻ thù của nhau. Hiếu là người lính giải phóng, còn Phong là lính quốc gia của Việt Nam Cộng hòa. Có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn do cảnh “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu thịt” đến với không chỉ anh em Hiếu và Phong. Nỗi buồn ở đây sâu lắng và đau đớn hơn với Hiếu và những người có lương tâm- làm thế nào để xóa bớt lòng thù hận vì  “thù hận làm đời ta ngắn lại”.
          
Những kẻ kì dị cũng là một nét đặc sắc trong thế giới nhân vật của Lê Minh Khuê. Nhà văn đã vận dụng cái gọi là “nghịch dị ” (grotesque) trong quá trình xây dựng nhân vật. Lão Luốc trong truyện Bến tàu mùa đông là một ví dụ. Lão có một hành tung bí ẩn, có một cuộc sống đượm vẻ giang hồ phiêu lưu. Trong căn bản lão là một người tốt, ít nhất trong con mắt mẹ con mụ Tư Héo. Lão phải chạy trốn cái ác do đồng loại sẵn sàng đổ lên đầu: “Cách đây một năm cháu ạ, ta còn ở đoàn kịch. Ta may quần áo cho cánh diễn viên. Rồi ta phát giác ra một đường dây làm ăn kinh tởm (…). Họ đi lùng ta mấy tháng nay. Ta đã phải bán nhà, ta đã cho vợ con đi vào Nam. Ta còn ở đây đến hôm nay vì có việc. Xong việc rồi vì thế họ càng muốn giết ta.. Nói cho đúng ra họ sẽ không giết. Họ dọa thôi. Họ muốn biết một điều mà chỉ ta nắm được. Nhưng đừng hòng, ta sắp đi”. Thằng Nghẽo tàn tật, dị dạng đáng thương trong truyện Đồng đôla vĩ đại cũng là một điển hình của những kẻ kì dị: “Thằng Nghẽo bị bệnh gì mà lở lói khắp người (…). Nó rét. Nó cũng biết ra vườn nhặt củi vào đốt lửa sưởi, người ngứa thêm. Nó cởi quần áo ra, và nó bóc từng mảng vẩy đóng tren người nó. Bỏ vào than nướng cháy khét lẹt rồi cho vào mồm ăn. Nó ăn vẩy của nó có vẻ ngon lành lắm”. Thằng Cảnh trong truyện Ráp Việt cũng là một “kì nhân”. Hắn giết người không ghê tay, người bị hắn giết là một cô gái tên Lan Hương, người đoạt giải thưởng trong cuộc thi kể chuyện truyền thống. Người trở thành tấm gương để mọi người noi theo là ông nội Cảnh. Vì thế Cảnh cho rằng Lan Hương đã xúc phạm ông nội hắn, một người mà “cả quê hương tôn vinh suốt những năm chiến tranh”.
          
Chi tiết nghệ thuật không phải là cứu cánh nhưng là nét đặc sắc trong truyện ngắn Lê Minh Khuê. Trong bài Hỏi chuyện Lê Minh Khuê (Báo Văn hóa Chủ nhật, số 967 năm 2004) do Bùi Việt Thắng thực hiện, nhà văn xác nhận: “ Với tôi, chi tiết đóng vai trò quan trọng trong truyện ngắn. Bởi vì muốn truyện ngắn gây ấn tượng không thể không có chi tiết đặc sắc (…). Truyện ngắn của các tác giả cổ điển trong nước và ngoài nước, từ trước đến giờ, tôi vẫn thích Sêkhôp, Lỗ Tấn, Nam Cao. Truyện của họ giàu các chi tiết đặc sắc. Đọc họ, ấn tượng đọng mãi không phai là nhờ các chi tiết”. Trong truyện Bi kịch nhỏ, có chi tiết bức ảnh lúc nào Quang cũng mang theo bên mình chụp anh lúc còn nhỏ, trong đó có hình người đàn bà và phía sau có dòng chữ “Cu Tỵ ơi, con giữ lấy ảnh này để biết mẹ con, hãy thương mẹ Hàn như mẹ. Làng Sầm – 1953”. Nhờ tấm ảnh này mà ông Tuyên nhận ra Quang (tên ở nhà gọi là Tỵ), chính là con trai của mình sau mấy chục năm cách biệt. Còn Cay là em của Quang (cùng cha khác mẹ), suýt nữa thì thành vợ thành chồng. Bi kịch đổ ập xuống gia đình ông Tuyên, và Quang là người  phải ra đi. Anh đã tự tử để giải thoát cho mình và cho người khác. Trong truyện Nhiệt đới gió mùa có chi tiết Hiếu bị kẻ thù móc mắt: “Hai thằng nhân viên lực lưỡng nhảy như con báo về phía Hiếu đang ngồi, xô ngã cái ghế và một thằng ôm cứng vai anh thằng kia lấy con dao biệt kích nhọn hoắt làm một động tác thành thạo. Ngửa đầu Hiếu ra sau nó thọc mũi dao vào một bên mắt khoét một vòng rồi hất một cục như hòn bi cùng với da thịt dính theo xuống nền xi măng. Hiếu chưa kịp hiểu vì sao chúng cầm dao nhọn về phía anh thì toàn thân thân anh như bị ném ở độ rất cao xuống vì cơn đau của mũi dao đâm vào vùng mắt (…). Thế là huề nhá, anh Hiếu! Tôi xin một mắt của anh đền cho mẹ tôi! Phong nhặt cái cục thịt đẫm máu trong đó có con mắt của Hiếu cho vào túi ni lông như giữ tang vật”. Hai anh em cùng cha khác mẹ vì một mối hận trong nội bộ gia đình nay đối xử với nhau như thế  đã để lại “thù hận trong lòng Hiếu mới nảy sinh mạnh mẽ từ lúc ấy”.
         
Tuy nhiên cũng phải nói rõ hơn: Chi tiết đôi lúc như con dao hai lưỡi nếu nhà văn không biết tiết chế. Trong một vài trường hợp, những chi tiết rùng rợn hay tự nhiên chủ nghĩa đã làm tổn hại đến hình tượng nhân vật cũng như chủ đề tác phẩm. Trong một số truyện như Đồng đô la vĩ đại, Anh lính To-ny D, Những kẻ chờ sung, Chó điên, Ráp Việt, …Lê Minh Khuê tỏ ra hứng thú chạy theo các chi chi tiết gây cấn, tạo cảm giác mạnh, thậm chí gây sợ hãi, mà quên mất cái “ngưỡng” cần thiết của nó, nói cách khác là “độ dừng” của nó. Truy tìm nguyên nhân của khía cạnh này, theo chúng tôi, có thể xuất phát từ một cái nhìn của nhà văn thường nghiêng về phát hiện cái bản năng, phần hoang dã tự nhiên trong bản tính con người thời hiện đại. Đôi chỗ nhà văn thậm chí còn áp sát miêu tả cái tâm lí bầy đàn như một động lực xui khiến con người hành động trong vô thức và bản năng.
          
Đoạn kết truyện ngắn Lê Minh Khuê khá độc đáo khi bà ý thức được nó như một “cú đấm nghệ thuật” có thể chinh phục hoàn toàn độc giả khi tiếp xúc với tác phẩm. Có thể dẫn ra những đoạn kết hay, nhiều ấn tượng trong Bi kịch nhỏĐồng đô la vĩ đại, Bến tàu mùa đông, Nhiệt đới gió mùaMàu xanh man trá,…Những đoạn kết được Lê Minh Khuê viết ra một cách tự nhiên  như thể cuộc sống ắt phải diễn ra như thế, giản dị và không hề gò ép, khiên cưỡng. Không ít người viết non tay phải ghen tị về cách viết đoạn kết truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Bi kịch nhỏ là một ví dụ về cách dẫn dắt truyện ngắn đi nhanh tới một kết thúc “không có hậu”, một lối kết thúc “phi truyền thống” (mặc dù truyện khá dài, gần 50 trang). Tốc độ phát triển của cốt truyện, sự nối kết các tình tiết, cách tạo dựng tình huống bất ngờ cố kết tạo nên một sức mạnh tổng lực khiến cho sức nặng của câu chuyện được kể ngưng đọng và tạo trọng lực ở đoạn kết. Đó là cách tạo những “bước hụt”, tạo bất ngờ như khi chứng kiến cái chết của Quang: “Tôi mở cửa vào nhà. Một bức điện luồn qua dưới khe cửa, nằm ngay ở lối vào. Tôi mở xem: “Quang tự tử tại khách sạn M. Tầng 5 phòng…Nạn nhân đề nghị nhân viên khách sạn báo cho cô. Mời cô vào giải quyết…”. Trong truyện Màu xanh man trá, cũng bằng thủ pháp tạo “bước hụt”, nhà văn gây bất ngờ cho độc giả khi đang theo dõi một “pha” trốn vợ đi theo người tình của một người đàn ông tên Đạt. Nhưng trước giờ máy bay cất cánh, anh ta đổi ý muốn trở về nhà vì có hẹn mang thuốc về cho con trai. Trở về nhà  gần gũi vợ con, anh ta lại một lần nữa đổi ý với Sương – người tình: “Thôi, mọi chuyện khoan khoan em ạ. Thằng Tuấn nó đau! Đạt biết sau câu ấy là nước mắt của sương. Nhưng rồi chắc sẽ nhẹ đi”. Có thể nói nhà văn rất có thức tìm “lối thoát” cho nhân vật của mình, lối thoát đó thường được mở ra đúng lúc ở những đoạn kết truyện ngắn “Chuyện đó có lẽ kết thúc như thế”. Hai chữ “có lẽ” trong trường hợp này hay khác hàm ý nghĩa giả định nhưng lại như một khẳng định, tuân thủ theo chân lí nghệ thuật.
         
Có thể nêu một nhận xét khác về đoạn kết trong truyện ngắn Lê Minh Khuê thường để lại một cái gì đó chưa thành, chưa tới, nó cứ lơ lửng và thách thức cả nhân vật lẫn độc giả. Nói cách khác đó chính là những giả thiết tạo ra khoảng rộng cho suy tư về tương lai (thường mờ mịt) của nhân vật, kiểu như “Ngày mai sẽ chuyện gì (…). Ngày mai lại lo tiếp” (Xe Camry ba chấm), “Chờ đứa trẻ ra đời để xem nó là trai hay gái. Cũng chưa biết làm gì tiếp theo” (Lãng mạn nửa mùa).
          
Đối thoại được Lê Minh Khuê quan tâm trong sáng tác truyện ngắn, được coi như một cách thức “đưa đẩy” câu chuyện. Được biết bà rất mê nhà văn Mỹ E.Hêminguê, đặc biệt mê lối viết đối thoại ngắn gọn, sắc bén và làm nổi bật thần thái nhân vật và câu chuyện. Bà cho biết đã đọc đi đọc lại nhiều lần truyện Những rặng đồi tựa đàn voi trắngcủa E. Hêminguê, coi đó là một mẫu mực viết đối thoại truyện ngắn. Trong truyên Anh lính Tô-ny D, đối thoại giúp bộc lộ “chân tướng” nhân vật: Thằng Thán là đứa con bất hiếu, còn ông Thiến là người bố nhu nhược và tội nghiệp. Đây là cuộc đối thoại giữa hai cha con nhân một vụ  thằng con kêu mất tiền: “Thằng Thán về nhà trước và khi bố nó vừa bước qua cái cửa cót ép, nó túm cổ lão Thiến:

-Tiền đâu?
Lão Thiến sửng sốt:
-Sao lại hỏi tao tiền?
-Tiền tôi để dưới cục gạch này, bố đem đâu rồi?

Lão Thiến chỉ biết lắc đầu, lùi xa bàn tay cứng như gọng sắt của thằng con. Lão không nói nên lời. Thằng Thán thấy bố như vậy càng nghi ngờ một cách điên dại.

-Ông nôn ra. Tiền mồ hôi nước mắt của thằng này, ông nuốt không trôi đâu. Ba triệu đồng của tôi không phải của thiu thối!

-Tao không lấy!
-Ông không lấy thì chó vào đây à? Nôn ra!”.
         
Đoạn văn đối thoại trên giống như một tiểu phẩm đầy kịch tính phản ánh sự băng hoại đạo đức, sự tha hóa của con người dưới áp lực của đồng tiền.
         
Lê Minh Khuê có ý chăm chút cho đối thoại trong truyện ngắn. Có truyện như Cơn mưa cuối mùa, chỉ có 20 trang mà chứa đến 130 dòng đối thoại. Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét: “Lê Minh Khuê khéo viết đối thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và có ấn tượng. Những đối thoại chính xác, chứa đầy thông tin và ngổn ngang tâm lí”. Khi nói về “tốc độ” như một đặc điểm của văn phong Lê Minh Khuê chính là nói về ưu thế viết đối thoại của nhà văn trong truyện ngắn.

BÙI VIỆT THẮNG
 Nguồn: Tạp chí NV&TP


Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

TRẦN MAI NINH - NGỌN GIÓ CHUYÊN CẦN VÀ PHÓNG TÚNG

Nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh từ năm 1948. Thế mà, sau hơn nửa thế kỷ, chúng tôi mới có những dòng tưởng niệm đơn sơ và ứa lệ này. Không dám nói đến các đồng chí lão thành cách mạng cùng sống và hoạt động với ông từ buổi ban đầu, chỉ xin nói riêng phần chúng tôi, những người được ông dìu dắt trên đường cách mạng, đến với văn học và báo chí, chúng tôi đều thấy mình có lỗi.
Nhà thơ Trần Mai Ninh

Chiến trường ai khóc chia phôi*. Khi được tin ông hy sinh những người lính trẻ chúng tôi oà khóc. Khải hoàn ai nhắc tới người hôm qua*. Suốt mấy thập kỷ nay, từ cuộc đại khải hoàn 30 tháng Tư năm 1975, không lúc nào chúng tôi không nhớ tới ông. Lịch sử vốn khắc nghiệt như chính nó. Khải hoàn được đánh dấu, được báo hiệu vang dội như tiếng rền của đại bác. Nhưng mấy lớp người nối nhau làm nên lịch sử lại nằm sâu trong lòng đất như những cổ vật biết nói mà ngồi im, như những lớp trầm tích đắp dày đáy biển cho đại dương bao la còn đó, mà âm thầm, mà lặng lẽ.

Nhà thơ Trần Mai Ninh tên khai sinh là Nguyễn Thường Khanh, sinh vào lúc 11 giờ 25 ngày mồng 10 tháng 6 năm Ðinh Tỵ, tức là ngày 28 tháng 7 năm 1917, tại Hương Khê, Hà Tĩnh, trưởng nam của cụ ông Nguyễn Xuân Tuyển và cụ bà Phạm Thị Nhạ. Cụ ông, gốc ở làng Ðộng Giả, xã Ðỗ Ðộng, cụ bà là con gái cụ Thám hoa Vũ Phạm Hoàn ở làng Ðôn Thư, hai cụ cùng quê huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông (nay thuộc Hà Tây). Ngày mồng 4 tháng 9 năm 1921, cụ bà mất, năm ấy Nguyễn Thường Khanh mới 4 tuổi. Năm 1925 cụ ông cưới vợ kế.

Cụ ông làm nghề cầu đường, nay đây mai đó, sinh con mỗi người một nơi. Năm 1929, gia đình cụ về định cư ở Thanh Hóa. Nguyễn Thường Khanh có tất cả tám anh chị em, sáu gái và hai trai. Thuở nhỏ Nguyễn Thường Khanh học tại Vinh rồi vào học trường trung học Thanh Hoá và tốt nghiệp tại đó.
Năm 1934, gia đình cho ông ra Hà Nội tiếp tục con đường khoa cử. Năm 1936 ông đậu tú tài phần thứ nhất.

Những năm ấy, tai họa phát-xít ập đến. Nhân loại chưa thoát khỏi bàng hoàng khiếp đảm trước cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933, một cuộc khủng hoảng thừa, mà người ta đục hàng triệu hộp sữa đổ xuống biển. Văn chương thời ấy miêu tả: Mặt nước Ðại Tây Dương từ mầu lục biển trở thành mầu sữa nhạt. Mặt trận chống phát-xít đòi hòa bình và dân chủ dấy lên khắp toàn cầu ở Pháp, Ðảng Xã hội lên cầm quyền. Ở Việt Nam, Ðảng ta lập Mặt trận Dân chủ, xuất bản báo chí công khai, biểu tình, hội họp, lập nghiệp đoàn, hội ái hữu, truyền bá chữ quốc ngữ, giáo dục yêu nước và chủ nghĩa xã hội, phong trào đấu tranh công khai cả nước sôi nổi chưa từng có. Sách báo cách mạng tựa như không khí. Lớp trẻ lao vào hít thở tràn trề. Nguyễn Thường Khanh bỏ học, tìm người cùng chí hướng lập thành một nhóm nghiên cứu mác-xít, bạn bè hồi đó thường gọi là nhóm: Khanh, Tri, Kỳ, Quảng (Nguyễn Thường Khanh, Trần Ðình Tri, Ðào Duy Kỳ, Thành Ngọc Quảng).

Họ làm thơ, viết báo, dịch sách, đem các sáng tác nóng hổi tinh thần chiến đấu đến các tòa báo của Ðảng. Tại trụ sở tờ Tin tức đóng ở ngôi nhà số 105, đường Cửa Ðông Gầm Cầu (Hà Nội) theo cách gọi hồi đó, Nguyễn Thường Khanh gặp đồng chí Trần Huy Liệu mới ở tù Côn Ðảo ra, đồng chí Trường Chinh, và một lớp bạn mới. Nguyễn Thường Khanh có sức làm việc lạ thường, viết điều tra, phóng sự, tiểu luận, truyện ngắn, làm thơ, dịch Người Mẹ của Marxim Gorky, đăng nhiều kỳ ở Tiểu thuyết thứ năm, cùng với Thép Mới dịch Thép đã tôi thế đấy, vẽ tranh biếm họa, đi nhà in sửa bản thảo, trình bày báo, đến các nhóm thanh niên, các xóm nghèo vận động quần chúng, và đi dạy thuê để kiếm sống, gia đình không còn gửi tiền như trước nữa. Ông làm việc âm thầm, không ưa phô trương.

Trong bận rộn và vất vả ấy, ông đã viết hai tiểu thuyết đầu tay Rạng Ðông và Thằng Tuất. Cùng với các bút danh khác: TK, Tố Chi, Hồng Diện, Thảo Hoa, Nguyễn Thường Khanh, Mạc Ðỗ... Tên Trần Mai Ninh xuất hiện từ đó cho đến hai bài thơ cuối cùng của ông mà chúng ta còn lưu được.

Ông nhận ra đời:

Cạnh đường và gác rộng mênh mông
Ta còn thấy túp con và ngõ hẹp
Bên những tiệc trà trang trọng
Rượu sâm banh tưới ướt mặt bàn
... Những thân hình vàng bủng
bên lề đường bới rác vụn nuôi thân**

Ở tuổi hai mươi, ông "đập phá" dữ dội với chính mình, đập vỡ cái gương tàn hạn hẹp của cá nhân riêng lẻ để nhận ra cái lớn lao, không bờ, không bến, không đo lường được, ấy là sức mạnh của công nông, của lao động, thay cuộc đời và cải tạo nhân tâm, qua năm tháng xiết lòng mình đến rớm máu vào hòn đá mài tranh đấu, mà nhận ra chính mình, nhận ra lẽ sống, hy sinh đời xây đắp cái vui chung.

Hồi đó chúng tôi chưa được đọc tiểu thuyết Thằng Tuất của ông. Thằng Tuất rất buồn khi thấy trong làng, người ta cứ hay chửi nhau, đánh nhau đến vỡ đầu. Mẹ thằng Tuất mất cái cơi trầu. Cuộc ẩu đả chắc chắn sẽ xảy ra. Thằng Tuất lầm lũi tìm được thủ phạm. Ðó là thằng Xương, con của lão Bá, giàu nhất xóm. Làng vui mừng gọi thằng Tuất là dây tơ hồng kết tất cả người nghèo trong xóm lại cho họ yêu nhau.

Ông đau đớn khi Ðội quân quốc tế chống bọn phát-xít ở Tây Ban Nha thất bại, hình ảnh của những chiến sĩ tình nguyện phải quay trở về, người lính già oà khóc, cắt lòng ta.

Năm 1938, Ðoàn Thanh niên Dân chủ được thành lập. Trần Mai Ninh được chỉ định vào Ban lãnh đạo và cùng với đồng chí Ðào Duy Kỳ ra tờ Bạn Dân.

Ngày 31 tháng 7 năm 1939, Trần Mai Ninh bị thực dân Pháp bắt. Chúng giam ông tại Hoả Lò. Mấy tháng sau, Trần Mai Ninh được thả ra và bị quản chế. Ðầu năm 1940 Trần Mai Ninh trốn về Thanh Hoá, nằm trên gác xép của gia đình.

Ông thao thức:

Lìa đàn con chim sầu bi
Thấy đời tẻ lạnh bởi vì cô đơn...
Ðau thương trộn với căm hờn...

Ít lâu sau, ông bắt được liên lạc với đồng chí Ðào Duy Kỳ, xuất bản công khai tờ Bạn Ðường. Năm 1940 ông được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương.

Lúc ấy, chiến tranh thế giới thứ hai đã bắt đầu. Ðức đánh Pháp. Pháp đầu hàng, Nhật đưa quân vào Ðông Dương. Ở phía bắc, Bắc Sơn, ở phía nam, Nam Kỳ khởi nghĩa. Trung ương ra lời kêu gọi: Cả nước ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ.

Tỉnh ủy Thanh Hoá được đồng chí Nguyễn Văn Linh phái viên của cấp trên về truyền đạt chỉ thị của Trung ương.

Tỉnh ủy xuất bản tờ báo Tự Do, Trần Mai Ninh được cử làm biên tập. Ông viết tiểu thuyết Ngơ ngác, vở kịch Mộ phu và kịch thơ Hai con sâu. Báo Tự Do số 3 ra ngày 26.1.1940, Trần Mai Ninh vẽ bức tranh cổ động với hình ảnh người chiến sĩ du kích giương cờ đỏ sao vàng đuổi đánh quân chính phủ phản động.

Ngày 10 tháng 7 năm 1941, chiến khu Ngọc Trạo thành lập. Trần Mai Ninh được điều động lên chiến khu vừa làm báo, vừa làm đội viên đội du kích.

Chiến khu Ngọc Trạo là chiến khu du kích đầu tiên do Ðảng ta lãnh đạo ở miền Bắc Trung Bộ. Thực dân Pháp run sợ, tập trung quân khủng bố, các chiến sĩ du kích chiến đấu cực kỳ dũng cảm. Cao Ngọc Oanh đã vung dao chém tên lính mang số hiệu 44, cướp được khẩu súng trường. Nhưng vì bị cô lập và không cân sức, người hy sinh, những người khác lần lượt bị bắt. Tháng 10 năm 1941 Trần Mai Ninh bị bắt và bị phạt tù 10 năm, giam nhà lao Thanh Hoá. Ðến đầu năm 1943 chúng đày ông đi Buôn Ma Thuột.

Ngày 9.3.1945 Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị nhà lao Buôn Ma Thuột đấu tranh đòi Nhật phải thả. Như những cánh đại bàng, các chiến sĩ cộng sản bay về các tỉnh miền Trung. Trần Mai Ninh được phân công về Ninh Hoà vận động khởi nghĩa.

Tháng 5.1946 ông được cử về làm trưởng Ban Tuyên truyền Ðại đoàn 27, sở chỉ huy đóng ở Tuy Hoà. Ông lại làm tất cả mọi việc như trước đây ông đã làm với say mê cuồng nhiệt, một cường độ chóng mặt và những ý tưởng dữ dội, không khoan nhượng với cái hèn nhát, cái run sợ trước hiểm nguy và khó khăn. Ông giới thiệu ba cán bộ của Ðại đoàn 27 ra Ủy ban Kháng chiến miền nam Việt Nam (lúc này gồm có Khu 6 và Nam Bộ) xuất bản tờ Xung Phong. Sau khi Ủy ban Kháng chiến miền nam Việt Nam vào Nam Bộ, Ðại đoàn 27 chuyển thành Khu 6, ông lập lại tờ báo của Khu lấy lại tên Xung Phong.

Ông đọc mấy câu thơ:

Mưa lùa tắm lạnh khoai lang
Gội đường cát bụi gọi chơn anh hùng
Nhà đầy ấp những tim lành
Những đầu chiến sĩ những hình xung phong

Trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến, trong không khí hừng hực: độc lập hay là chết, thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ, ông viết Nhớ máu và Tình sông núi. Ông viết kịch và các bài cổ động, cùng với tổ hội họa vẽ tranh phát động toàn dân kháng chiến, tổ chức các đội tuyên truyền xung phong và các buổi diễn thuyết trước hàng nghìn người. Có một thời gian ngắn, ông phụ trách tờ báo Phấn Đấu của Tỉnh ủy Phú Yên, và một mình làm một tạp chí văn nghệ lấy tên là Mới.

Hồi ấy, một phần Quảng Nam và Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên là vùng tự do, cực Nam Trung Bộ là vùng bị tạm chiếm.

Hằng ngày tin tức trong đó gửi về. Ông đã từng sống ở Ninh Hoà, đã từng vào Diên Khánh, nơi có gốc dầu đôi mấy trăm năm, đã đến Ðại Ðiền Ðông và Ðại Ðiền Tây, gặp Nha Trang trong những ngày trước khởi nghĩa. Ông đã thấy các vết máu khô đặc quánh trên bức tường phía trước trụ sở bỏ phiếu ở xã Ninh An ngày Tổng tuyển cử đầu tiên mồng 6 tháng Giêng năm 1946, máy bay Pháp đến đó dội bom. Thùng phiếu và những con người cầm cờ đỏ sao vàng, lá phiếu trên tay loang lổ máu. Những cuộc lùng ráp, khủng bố man rợ của bọn Pháp và Việt gian bắt đầu. Song song với tất cả những điều ấy là các tiểu đoàn Lương Ngọc Quyến, Võ Quốc Thụ, Ðô Văn... sau khi vỡ mặt trận Buôn Ma Thuột và Nha Trang rút ra Ðồng Bò, Phú Yên củng cố lại vượt Dốc Mõ trở vào. Các đội cảm tử quân được thành lập.

Hôm thành lập Ðại đội Quyết tử quân của Khu 6, khi đội diễu hành trên quốc lộ số 1, xã Hòa Xuân, ông đứng bên lề đường. Thân người chắc nịch, mặt chữ điền, mắt sắc, cánh tay vạm vỡ. Ống tay áo xắn gọn. Tiếng nói vang và rền, ông hô to và bà con, hàng mấy nghìn người, cùng hô theo:

Tinh thần Quyết tử quân muôn năm!
Tiêu diệt giặc Pháp xâm lược và bè lũ Việt gian bán nước!

Ai từng trúng đạn quân thù, đều biết một điều giản dị: máu chảy từ trong cơ thể, nóng nồng nàn, nóng như nước ấm. Ông đã thấy, đã biết, đã vuốt, đã lau những giọt máu tù của chính mình và đồng chí, đã từng ẵm và khiêng thi thể Phạm Văn Hinh, người chiến sĩ Ngọc Trạo hy sinh đầu tiên. Ông đã đọc những khẩu hiệu rớm máu trên các vách tường giam do những người tù cộng sản gửi lại lời trăn trối, lá cờ Tổ quốc mà ông vẽ đăng lên báo Tự Do, lá cờ mang hồn nước, cũng là ngọn cờ pha máu.

Ngày ấy Tuy Hoà hẹp hơn bây giờ. Ông sống trong cái không khí hừng hực lửa, hừng hực gió. Ơ, cái gió Tuy Hoà.

Thơ ông không biết đã bao nhiêu lần nhắc đến gió. Gió gợi vui hay gió gợi buồn. Ngày qua gió lạnh thở dài. Hôm nay gió múa quyện lời nhạc xuân. Trông chờ tin gió góc trời... Như một chuyến tàu vun vút gió, Tương lai - Kiến thiết.

Ở trong tù ông mơ trăng, ông mong gió. Bây giờ ngọn gió Tuy Hoà đang lồng lộng đó, ngang tàng, phóng túng, yên làm sao được lúc gió lên?

Gió đang thôi thúc, bồn chồn mãnh liệt. Gió gọi, gió đòi. Cũng như máu, máu đòi trả máu, gió đang đòi, gió đang hỏi, đòi và hỏi chính ông. Nhà văn trước hết phải là một con người hành động. Ông là một con người hành động, can trường, sôi nổi, ráo riết, đã từ chối là từ chối sòng phẳng, đã lựa chọn là dứt khoát lựa chọn, căm ghét sự hèn nhát, phỉ báng không thương tiếc sự thỏa hiệp, sự dối mình. Ông chế giễu những kẻ ngồi đếm lông chân mà quên cái huyệt đen ngòm trước mặt. Ông chỉ mong sao đi suốt đến cùng một tâm hồn. Bởi vậy ông không thể không tự vấn, không thể không trả lời. Ông đã chứng kiến những sự phản bội quanh mình và tự cảnh báo: con người ta dễ phản bội biết bao nhiêu. Mà sự phản bội bắt đầu là sa ngã, không dám khước từ dục vọng thấp hèn. Ông biết, ở nơi đó, Nha Trang, cũng như Ngọc Trạo xưa kia, có những con người đã từng lấy mồ hôi và máu đào nuôi ông. Cơm ăn không cả muối vừng, với tim đau thương, với đời khổ ải, những con người loem ngoem dầu mỡ, tay ghì cán thuốc, tay ghì tay xe, đen như mực, đặc thành keo, khoai ngô còn đượm hương nồng hy sinh, những đứa con bạc, con vàng, sống trong đáy của âm thầm mà tiếng cười vang lệch đất.

Ông không thể không cầm tim đặt trên ngọn bàn tay.

Ơ hỡi Nha Trang
Cái đô thành vĩ đại
Ta gần máu,
Ta gần người,
Ta gần quyết liệt.

Sao ta không trở về đó, nơi vĩ đại nhất mà lòng ta hôm nay hướng tới. Chỉ có ở đó, ở đó mà thôi, ta mới có thể làm người, theo lẽ sống mà ta đã chọn. Ông để lại ngọn gió Tuy Hoà chuyên cần phóng túng và ra đi.

Theo sự nhớ lại của anh em cùng cơ quan, ban đầu ông định đi đường bộ, qua Dốc Mõ, một con dốc núi dài, đi hết hai ngày đường. Dãy Trường Sơn ở đây nhô ra phía đông, Ðèo Cả hiểm trở lượn quanh, có hòn vọng phu lặng lẽ. Nhưng sau, ông quyết định đi đường biển, từ cửa Tiên Châu thuộc xã An Ninh, huyện Tuy An, tàu thuyền vận chuyển bí mật của ta ở bắc vào và ở Nam Bộ ra vẫn thường ghé lại.

Cho đến nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua, người còn kẻ mất, không ai nhớ rõ ngày tháng ông ra đi vào cực Nam công tác. Chỉ biết ít lâu sau cơ quan Khu bộ nhận được tin ông bị bắt. Chị Võ Thị Tri Túc hồi ấy là tình báo viên của Trung đoàn 803 náu mình ở Nha Trang, sau ngày tập kết ra Bắc là cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Chị cho biết: Ông bị bắt ngoài khơi hòn Hèo.

A, gần lắm
Còn mấy bước tới Nha Trang

Chúng nhốt ông ở nhà lao thành phố. Chị Tri Túc kể lại: Chúng tra tấn ông, khoét mắt ông, đôi mắt long lanh, nhìn thiên nhiên âu yếm và nâng niu, nhìn sâu thẳm vào nỗi đau của nhân quần và đau bằng nỗi đau ấy.

Chúng kéo lê ông trên đường phố Nha Trang. Lúc ấy ông có còn thấy được Nha Trang thân yêu của ông hay không, ngày nay ai nào biết rõ.

Ông bị bắn chết, ở bãi Chụt, gần Viện Hải Dương học Nha Trang, hay ở Diên Khánh, nơi có gốc dầu đôi mấy trăm năm, bọn Pháp đã chém Trần Quý Cáp, hay chúng giết ông rồi quăng ngoài khơi xa, như sau này bọn lính Nam Hàn vẫn làm. Dùng trực thăng ném xuống biển thi thể của những người mà chúng gọi là Việt cộng? Chúng ta đều chưa biết. Ðến cả ngày ông mất, trong dịp tưởng niệm này, chúng tôi thấy cần phải thưa rõ: bởi một lẽ, bình thường và cũng thực là nghiêm khắc, muốn xác nhận là liệt sĩ thì phải có ngày hy sinh. Sau ba năm tìm kiếm, tất cả tài liệu bạn bè cung cấp đều chưa đầy đủ xác minh ngày tháng ông hy sinh. Cuối cùng gia đình ông, và chúng tôi, những người được ông khêu gợi lẽ sống làm người và đưa đến với Ðảng, đã thắp một nén hương, xin ông tha thứ cho và xin được lấy ngày 27 tháng 7 năm 1948 là ngày ông vĩnh biệt.

Cho đến hôm nay, chúng ta nào có biết được trong những giờ phút cuối cùng của đời, ông đã nghĩ gì, đã nói gì, đã trăn trối những gì với chúng ta.

10 năm bước vào cách mạng thì 5 năm ông bị tù đày. Ông tâm niệm: sống đã rồi hãy viết... Nhân loại luôn luôn mới. Nhân loại luôn luôn sâu. Nhân loại luôn luôn mãnh liệt. Xin chớ sợ Ðời nghèo. Chỉ sợ anh không đủ nghị lực để bước vào Ðời, nghiến răng mà học như vác nặng, một ngày nặng nề thêm một chữ... Xin chớ sợ Ðời chật hẹp, chỉ sợ anh không phóng khoáng kết duyên với nghìn khuôn khổ của Ðời... dồn dập theo ngàn vạn lớp sóng của Ðời, chiết vào tảng đá mài vô tận vô biên của Ðời mà hiểu sâu sắc cõi lòng ta và cõi lòng đồng loại... Ông hy sinh năm 31 tuổi. Ðôi môi chưa ấp hương nồng. Ðời ông, ông chưa đi tới nửa con đường. Ông để lại cho chúng ta cùng với 10 năm tranh đấu là ba cuốn tiểu thuyết, dăm truyện ngắn, mấy chục bài thơ, hàng trăm bài báo, trên 30 ký họa, với hàng nghìn công việc đẫm mồ hôi không kể xiết, gộp chung lại thành một cái tên Trần Mai Ninh vĩnh hằng trong lòng chúng ta, trong lòng dân tộc, trong nỗi nhớ của giai cấp cần lao và các thế hệ trẻ.

Có lẽ các nhà nghiên cứu văn học và các tổ chức có trọng trách thưởng phạt đối với làng văn sẽ dành thì giờ nghiên cứu về ông. Phải chăng ông là nhà văn cách mạng đầu tiên viết tiểu thuyết cách mạng ở nước ta? Phải chăng, sau trào lưu thơ mới thời Xuân Diệu, Thế Lữ... Trần Mai Ninh là người đột phá làm thơ "phá thể" trong dòng thơ cách mạng?

Lời đáp còn đang ở phía trước. Nhưng chắc chắn một điều, ấy là: Ông từng để lại cho ta một câu hỏi, câu hỏi xoáy sâu, bao la và vô tận như không gian và thời gian, trường tồn, mãi mãi, như chính lẽ sống và non sông Việt Nam ta, cho suốt thế kỷ 20 và các thiên niên kỷ mới, cho các cháu ngoan của nhà, của nước, cho các bậc cha mẹ, cho những người lính Cụ Hồ, cho lớp lớp thanh niên tình nguyện đang xông pha như một thời Trần Mai Ninh, sôi nổi, hết mình, tràn đầy nhiệt huyết.

Câu hỏi đó vĩnh hằng.
Có mối tình nào hơn Tổ quốc
Trộn hoà lao động với giang sơn.

Ông mong ước, ông dự báo, ông gửi lại cho chúng ta một niềm tin. Năm 1975, và hôm nay đây, chúng ta đang chứng kiến.

Các anh hùng tay hạ súng trường
Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu
Họ cười vang rung lớp lớp địa cầu...

Việt Nam rồi đứng dậy
Sáng vô chừng!
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm
tương lai

Ông không còn tiếp tục làm thơ và đọc thơ, ông không còn có thể gửi lòng mình vào trang giấy chép trọn những gì ông đã sống, không thể tiếp tục hành động để đem sinh lực và hân hoan khắp mặt địa cầu, không còn được nhớ ngàn tay bạn buổi xưa chung thuyền.

Tưởng niệm nhân 90 năm ngày sinh của ông, lẽ sống, tình yêu, sợi dây tơ hồng trên tay ông và niềm tin mãnh liệt của ông vẫn còn đó, trong muôn người, ở hòn Vọng Phu trầm mặc trên đất nước bốn bể cần lao của chúng ta, thúc giục chúng ta, chuyên cần, mãnh liệt, tiến vào một cuộc khai phá mới, sáng tạo một đoạn đường mới cho Văn học, cho Ðời và cho Ta.

NGUYỄN CHÍ TRUNG
Nguồn: Nhân Dân 

_____________
*  Thơ Hồ Thấu.
** Thơ, văn của Trần Mai Ninh.


Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

NHÀ VĂN DẠ NGÂN: NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG DẤU CHẤM THIÊN DI

Đời Dạ Ngân, kể cả văn chương, cái gì cũng muộn. Nhưng trong những cái mất, cái thua thiệt của tiền vận lại có cái viên mãn của hậu vận. Người đàn bà bé nhỏ, ngồi trong góc quán cà phê, nói những câu chuyện đời mình bằng những tiếng nói dịu dàng. Nhưng không thỏa hiệp. Giống như nhân vật Tiệp của tiểu thuyết "Gia đình bé mọn", một đời không ngừng vượt những ngáng trở. Để được làm chính mình.
Nhà văn Dạ Ngân

Sông Hậu nuôi Dạ Ngân lớn lên và nuôi chị một chặng đường văn chương dài. Đời người đàn bà viết văn như gió trên dòng sông, hun hút thổi những đam mê mà đôi khi người ta cũng cần một nơi neo giữ lại.

Chị nặng tình với con sông Hậu bởi nó mang một phần máu thịt của chị. Ở cuối dòng sông ấy, chị vẫn còn hai đứa con đã trưởng thành và biết hiểu cho mẹ.

Thu Uyên, cô con gái chia sẻ với mẹ như một người bạn lớn trong đời sống, cả về văn chương, tiền bạc và chuyện hạnh phúc, tình yêu. Cho đến bây giờ, khi chị đã trở thành bà ngoại và mọi chuyện đã bình yên, Thu Uyên vẫn là người bạn tâm giao, nghe cạn mọi điều, lấp vào khoảng trống tâm hồn của mẹ những điều ấm áp.

Con trai, có hiếu theo kiểu khác, ngoan lành, chí thú, đang đi Cao học ở Australia. Chị đã có cả thảy 10 đầu sách, hai lần đò, những đứa con hiếu đễ và ba đứa con riêng của chồng cũng hiếu đễ nốt, được thế cũng có thể xem là may mắn lớn.

Bởi thế, dù giữa Hà Nội 15 năm, giọng Dạ Ngân, cả trong văn và trong đời, vẫn hồn hậu, chất phác, nghe như cất lên từ đồng bãi, từ phù sa của dòng sông. Dòng sông ấy cho chị cả một cách nhìn đời, không nghiệt ngã mà luôn "tự AQ" theo phép "thắng lợi tinh thần", để khi rơi vào vực sâu nhất của bi kịch, người ta vẫn không gục ngã.

Cuộc đời chị, như một sự báo trước của số phận, là một cuộc đời không suôn sẻ. Người đàn bà mang cái bớt thiên di giữa gan bàn chân của mình. Cái bớt ấy mang đến cho Dạ Ngân một tính cách độc lập, mạnh mẽ và quyết liệt.

Chị cười nhẹ, nói cũng nhẹ, nhưng luôn dứt khoát và khẳng định với những lập luận chắc chắn. Chị bảo, nếu như thuận theo ý Tổ chức, nếu chị không quyết liệt con đường văn chương, có thể chị đã trở thành một quan chức, sự nghiệp sẽ hanh thông nhiều. Nhưng chị là một người viết.

Khi Sở Văn hóa Thông tin Cần Thơ muốn đưa chị đi Trường Chính trị quốc gia để thành cán bộ nguồn thì chị khóc, năn nỉ để được sang Hội Văn nghệ để ngồi viết văn. Khi chị quyết theo nghiệp văn chương (năm 1981 có truyện in ở Văn nghệ) cũng là lúc chị nhận ra chị và chồng là hai đường thẳng song song không có chỗ gặp.

Hoàn toàn không phải là chuyện mâu thuẫn mang tính nhật thường của một gia đình trẻ, mà là ở ý hướng trong cuộc sống không trùng nhau. Giờ Dạ Ngân đã nói về những năm tháng ấy thật nhẹ nhàng, bởi mọi chuyện đã ở một ngăn xa của ký ức.

Nhưng khi ấy, tôi đồ rằng, chị đã phải vật vã nhiều, nghĩ suy đến còm cõi, để đưa ra một quyết định mà sau này, như một cái án treo lơ lửng trong lương tâm khi nghĩ đến quyền lợi của những đứa con.

Chia tay nhau, chị mang con đến ở nhờ cơ quan Hội Văn nghệ, sống và viết. Trong mắt của một số người, chị giống như một "con chiên ghẻ" của Chúa, một công chức với 7 năm không được nâng một bậc lương nào.

Vậy mà chị vẫn cứng cỏi sống, vượt mọi dư luận, cả những ngáng trở để đến với sự chọn lựa của đời mình, văn chương và sự tri kỷ đôi lứa.

Nói về những năm tháng bị lên án mạnh mẽ trong một tỉnh nhỏ của người phụ nữ viết văn, tôi lại liên tưởng tới Nguyễn Ngọc Tư của năm 2006. Sự so sánh nào cũng khập khiễng.

Dạ Ngân và Nguyễn Ngọc Tư ở hai thế hệ khác nhau, hai hoàn cảnh khác nhau và dư luận phản ứng về những vấn đề cũng khác nhau. Nhưng họ đều là những người phụ nữ miền Tây viết văn bằng bản năng và trải nghiệm của chính mình.

Nguyễn Ngọc Tư khi bị rắc rối bởi sức nặng của những con chữ vẫn còn điểm tựa là gia đình và bạn bè văn chương, những người yêu mến chị tạo nên sức mạnh thông qua kênh Internet một cách nhanh chóng và không kém phần hiệu quả.

Còn hai chục năm trước, khi Dạ Ngân bị "ném đá" vì đã viết "Con chó và vụ ly hôn", chắc chị cũng phải kiêu hãnh lắm mới tồn tại được. Những năm đầu của thập niên tám mươi ấy, "Con chó và vụ ly hôn" gây ồn ào cho người đọc ngang bằng với dư luận ồn ào về cuộc tình của chị, nghẹt thở chứ chẳng chơi.

Dạ Ngân hay nói về bản lĩnh và số phận, chị kết luận, tính cách chị là tính cách động, mọi thứ đều động và chị rút ra kết luận, mình phải lập nghiệp xa quê.

Người viết văn tỉnh lẻ có một cái hạnh phúc là được yên tĩnh, nếu họ đủ bản lĩnh thì họ sẽ là một con cá lớn trên dòng sông của mình. Nhưng đôi khi người ta sẽ hoảng, sẽ thấy ngợp và không biết mình ở đâu và mình là ai nữa.

Chị ra Hà Nội, 41 tuổi mới bắt đầu đi học đại học, bắt đầu một chặng trần ai khác.--PageBreak--

Tôi cứ hình dung Dạ Ngân chính là nhân vật Tiệp trong tiểu thuyết "Gia đình bé mọn" của chị. Tiệp là đại diện cho khao khát sống bản năng và thành thật của con người trước những biến động xã hội và cả những lề thói đôi khi hủ lậu và khắc nghiệt, biến con người hành xử với nhau một cách bạo tàn, giả dối.

Tất nhiên, cuốn tiểu thuyết ấy không phải là một cuốn tự truyện và hình dung của tôi chỉ là mong ước của một người đọc. Dạ Ngân nói, chị không viết tự truyện mà đã tiểu thuyết hoá một mặt cắt của đời sống mà chính mình và nhiều người thân là nguyên mẫu.

Nói như nhà văn Trần Thiện Đạo, "Gia đình bé mọn" là lời tự thú chân thật. Người phụ nữ nhỏ bé ba mươi tám cân, sống trong một vùng đất nhỏ, vùng vẫy khỏi những ràng buộc để đi đến đích hành trình mà mình tìm kiếm.

Dạ Ngân nói, chị đặc biệt thích cuốn "Người tình" của Marguerite Duras, nhưng Marguerite Duras là một đẳng cấp nhà văn của một nền văn minh lớn.

Chị là người phụ nữ đi từng nấc một trong cuộc sống, bươn chải và tìm kiếm cho mình một cuộc sống vừa đủ để tồn tại.

Chiến tranh, thất học, mặt bằng tri thức chung quá thấp, mình tài thì cũng tài vừa chứ lấy đâu ra ánh sáng của Paris? Cuộc sống Hà Nội dữ dằn, luôn thách thức tính cách động đậy và trung thực đến mức chát chúa của chị.

Bốn năm học Trường Viết văn Nguyễn Du rồi những năm đầu làm việc ở một tờ báo luôn bị xem là "trung tâm của nhạy cảm và phức tạp", chị phải gò mình để sống và viết cho báo khác bằng những bút danh khác để có tiền vào Nam ra Bắc, ngoài mươi truyện ngắn mà tự chị thấy chúng khó vượt "Con chó và vụ ly hôn".

Mãi đến năm 2002 đến nay, Dạ Ngân bảo chị mới thu xếp ổn thỏa hơn với môi trường thủ đô nên viết được nhiều hơn.. "Miệt vườn xa lắm", "Gia đình bé mọn", hàng trăm tản văn và hàng ngàn kỳ thư Tư vấn gia đình với cái tên Dạ Hương đã dần thoát ra khỏi cái khuôn của Báo Nông nghiệp Việt Nam, cái chính vẫn là sự gánh vác thầm lặng nhưng hết sức gian nan của mảng văn xuôi Tuần báo Văn nghệ.

Chị khiến độc giả tìm thấy lại chị sau mấy tập truyện viết ở Cần Thơ, bền bỉ, chân thực, cuối cùng chị đã bật lên bằng ánh sáng mới của tình yêu và những va đập tất yếu của đất thủ đô.

Tất cả những điều đó làm nên một Dạ Ngân khác, neo đậu lại  với bạn đọc, bởi sự chân thực chứ không phải vì những kỹ thuật tiểu thuyết hay những ý tưởng đao to búa lớn nào.

Tôi đọc chị, nghe chị nói về công việc viết văn bằng lời lẽ khiêm nhường, bỗng nhận ra người đàn bà này rất biết mình biết người, vì vậy mà chị được tiếng là dễ sẻ chia với thành công của người khác.

Dạ Ngân nói, chị sắp chia tay Báo Văn nghệ, nơi chị đang làm Trưởng ban Văn xuôi. Chị về hưu, để viết văn.

Vậy là chị đã ở Hà Nội tròn 15 năm, đủ để viết một cuốn tiểu thuyết chắc sẽ có tên là "Sống ở Hà Nội", chị cười, bảo chắc nó cũng sẽ ngổn ngang như Hà Nội vậy. Biết bao chi tiết của một thời.

Và cái cảm giác của người làm biên tập, là người gác đền trong một ngôi đền đã không còn thiêng như mình mong ước nữa. Mà lỗi lại không phải ở mình, mà ở những khâu nào đó khiến sự bộc trực, thẳng thắn của một người phụ nữ Nam Bộ cứ bị tà đi, như là mình đang đi lạc vậy.

Cũng hay, chị lại ngậm ngùi AQ, nhà văn mà không có cái gì để bức xúc thì lấy động lực đâu để viết văn đây? Chị muốn rời bỏ công việc công chức, để viết 3 cuốn tiểu thuyết mà chị đang ấp ủ.

Khi tôi viết những dòng này thì Dạ Ngân đã "bỏ trốn" khỏi Hà Nội. Chị đã đặt phòng tại một khu nghỉ dưỡng, trốn ông chồng hiếu động gấp trăm lần mình, trốn bếp núc, trốn những cuộc điện thoại và trốn cả những buổi họp hành, để một mình với một cuốn sổ và vài cây bút.

Chị đang viết cuốn tiểu thuyết về hậu chiến. Chị sẽ "mất tích" trong hai chục ngày và một đứa con tinh thần nữa chắc sẽ được sinh thành như cái cách mà chị đã sinh thành "Gia đình bé mọn"…

Rồi sang đầu năm 2008, chị cùng chồng sẽ "thiên di" vào Sài Gòn. Chị AQ: "Ở xa thì Hà Nội sẽ rõ hơn, chắc sẽ dễ viết về nó hơn".

Chị bảo: "Con chăm cha không bằng bà chăm ông", miền Nam có lợi cho sức khỏe người già, nhà văn Nguyễn Quang Thân U70 rồi, và di chuyển để về gần với các con, xa nhau như thế đủ rồi.

Không đi không được, vì đó là số phận, bởi chị trót mang trên mình dấu chấm thiên di…

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN
Nguồn: ANTGCT 2007


LINH MỤC LƯƠNG KIM ĐỊNH - TRIẾT GIA VIỆT ĐẦY TRÀN TINH THẦN DÂN TỘC

Tôi phải xấu hổ mà thú thật rằng, dù cùng là đồng hương Bùi Chu, cùng đồng đạo Công Giáo và cũng theo đuổi môn triết học với ông mà chúng tôi không biết ông là ai vì trước những năm 2000, ở miền Bắc chẳng sách vở nào nhắc đến tên ông. Gần đây, chúng tôi mới tìm hiểu về ông và thật ngưỡng mộ ông. Đó là một triết gia lớn của dân tộc Việt Nam, tràn đầy tinh thần dân tộc, tràn đầy lòng yêu nước. Ông là Linh mục Lương Kim Định.
Linh mục Lương Kim Định

Ông sinh ngày 15-6-1915 (có tài liệu nói năm 1914), tại Trung thành, Hải Hậu, Nam Định. Ông đi tu và được phong linh mục năm 1943. Ông học Triết tại Giáo hoàng học viện Alber le Grand, sau đó về dạy Triết tại Đại chủng viện Quần Phương. Năm 1947, được gửi đi học ở Học viện Công Giáo Paris (Institus de Paris) và Học viện Cao học Trung Hoa Paris (Institut des Hautes Etudes Chinoises, Paris). Năm 1958 về nước là Giáo sư Triết học Đông phương tại Học viện Bảo Tịnh, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Viện đại học Vạn Hạnh… Ông cùng vài giáo sư khác như Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Đăng Thục sáng lập ra khoa Triết học phương Đông ở Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1958. Sau 30-4-1975, ông qua Hoa Kỳ rồi mất ngày 25-3-1997 trong đau yếu, bệnh tật. Ông để lại 45 tác phẩm (không kể một số tác phẩm thất lạc) và gây ra tranh cãi cho nhiều người cho đến tận hôm nay. Nhưng dù thế nào cũng phải công nhận ông là triết gia lớn của Việt Nam của thế kỷ XX, tràn đầy tinh thần dân tộc mà như GS Trần Văn Đoàn (Đài Loan) nhận xét trong cuộc hội thảo ngày 18-1-1997: “Kim Định vượt xa Trần Đức Thảo trong lĩnh vực suy tư và trong tinh thần ái quốc cũng như sự nhiệt tâm của kẻ sỹ”. Sách báo ở Việt Nam hiện nay chỉ ghi nhận GS Trần Đức Thảo là triết gia duy nhất. Như vậy là chưa đủ và làm nghèo triết học Việt Nam.

1- Lương Kim Định là triết gia lớn

Ông không chỉ là một trong những người sáng lập ra khoa Triết học Phương Đông ở Đại học Văn khoa Sài Gòn mà còn là người để lại nhiều tác phẩm triết học sâu sắc. Trong đó, tác phẩm đầu tiên ra đời năm 1965 là cuốn “Nhân bản”, ông đã phác thảo nên một ngành triết học mới. Đó là Triết Việt hay Việt Nho hay An Vi. Ông viết:

“An Vi tương đương với an hành. Vô vi sẽ là đối cực với hữu vi. Nói An Vi chính là quân bình đang đứng giữa hữu vi và vô vi. Còn nói chung vì nó là đợt trung dung: hữu nhược vi, thực nhược hư (có mà như không, thực mà như giả). Phải tế vi lắm mới đạt được cái rất mỏng manh nhỏ bé và vô ý một chút là ngả sang hữu hoặc vô” (1).

Ông chỉ ra đặc điểm của Triết Việt, liên quan trực tiếp đến nền văn hóa phương Đông:

“Triết Việt cũng đã vươn lên đến đợt tâm linh nên đã đi từ thơ ca, vũ nhạc đến minh triết, không duy lý hay duy tình nhưng tình lý bao lấy nhau. Dẫu bên ngoài của sứ vụ đó theo như tục lệ ông bà vươn lên lễ gia tiên. Dù Thượng Đế nhân hành vươn lên Hạn Thiên “vô thành vô xứ”. Chỗ nào cũng suy ra nét song trùng dọc với ngang, trên với dưới, nhờ vậy tránh được nạn duy lý để trở nên nền triết lý nhân sinh toàn diện. Đó là nhân chủ, tức con người, không bị tước đoạt mà còn giữ được, còn làm chủ được mệnh hệ của mình” (2).

Trước đây, nhiều người tin rằng triết học chỉ có ở phương Tây, còn phương Đông cùng lắm chỉ có triết lý. Lương Kim Định cũng cho rằng, Đông phương thiên về minh triết và triết lý, còn Tây phương thiên về triết học. Trong cuốn “Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây”, ông đã chứng minh khá rõ những điều khác biệt giữa Đông và Tây nhưng đã khẳng định phương Đông trong đó có Việt Nam có một nền triết học sâu sắc, biết vượt lên những hạn chế của triết học Tây phương, một nền triết học vĩ đại nhưng theo ông là một chiều hoặc duy tâm hoặc duy vật:

“Nói vắn tắt thì từ ông tổ triết học Tây Âu cho đến nay chỉ có thứ triết học một chiều thôi. Tuy cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng nó chỉ như cánh nhạn lẻ loi giữa tiết đông tuyết lạnh, không làm nên được mùa xuân với muôn hoa sắc vì không được chính quyền công nhận nên đời sống xã hội vẫn nằm bẹp dưới đất như chính triết học… Thế nghĩa là văn minh Tây Âu có rực rỡ huy hoàng đến đâu, cũng mới là cái ngai vàng của Oedipe không mang lại hạnh phúc trường tồn, còn làm thui chột con mắt thứ ba, chính là tuệ nhãn nên chỉ nhìn thấy nhị kháng mà không thấy ra chỗ hòa, đành chọn một bỏ một, thành ra đủ thứ duy, mà đã duy kiểu này hay duy kiểu khác đều quanh quẩn từ 1 sang 4 và từ 4 về 1 hoài mà không tìm ra đàng thứ 3. Ôi triệt tam, triệt tam”(3).

Logic của Aristos dứt khoát khẳng định hoặc có hoặc không chứ không có dạng vừa có vừa không, tức là triệt tam. Triết học phương Tây cũng rất sâu sắc khi bàn về quan hệ của các sự vật, hiện tượng trong không gian, thời gian nhưng rất ít quan tâm đến con người. Lương Kim Định cho rằng, triết học phải lấy con người làm trung tâm. Ông viết:

“Muốn hiểu biết về con người, cần phải biết địa vị của con người trong trời đất, trong vũ trụ hay nói theo triết học là trong không gian. Nhận thấy cơ cấu Thời – Không đang sụp đổ, tác giả đi gõ cửa những nhà khoa học lớn như Enstein với thuyết tương đối trong không gian, thời gian như chiều kích thứ tư của vạn vật, rồi đi gõ cửa các triết gia hiện đại nhất như Heidegger, tác giả cuốn “ Hữu thể và thể giác”. Sau đó trở lại với Đông phương, khảo sát quan niệm chữ Thời trong Kinh Dịch, Kinh Thi, chúng ta sẽ có được sự thích thú khi nhận ra sự gặp gỡ Tây Đông trên bậc tối thượng. Chúng ta khám phá ra những ý tưởng sâu thẳm tiềm ẩn trong Tam tài, Ngũ hành, Hồng nhạn, Thái thất…Với nền triết lý của lịch pháp phương Đông, đặt nền trên huyền sử, cung cấp cho chúng ta chìa khóa để mở kho tàng bí ẩn của nền văn hóa nước nhà nhằm xây đắp một nền triết lý Việt Nam mới hợp với cảm quan của con người thời đại” (4).

Vì vậy, Lương Kim Định chủ trương xây dựng một thứ đạo đó là “Đạo Nhân”, đạo của con người. Xưa nay, các lý thuyết triết học chia ra ba loại: lấy Thượng đế làm chủ gọi là Thiên chủ. Có loại lấy vũ trụ vạn vật là chủ gọi là vật chủ. Còn ông, lấy con người là chủ nên gọi là nhân chủ. Ông đưa ra câu ca dao: “Có trời mà cũng có ta/ Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” để khẳng định, người Việt đã biểu thị ý thức nhân chủ từ lâu rồi. Tư duy đó mềm dẻo:

“Sự vật có là có, không là không nhưng với con người thì là uyển chuyển, có mà không, không mà vẫn có. Nói theo huyền số thì đó là con số 3. Tất cả túi khôn Đông phương nằm trong số 3 đó… Để thấy rõ sự uyển chuyển của cơ chế này cần đối chiếu với cơ chế Tây Âu đi theo lối 2 là 2 mà cụ thể là tư sản với quyền tuyệt đối nên chỉ có nhị đối kháng là tư sản với vô sản. Đó là đầu mối gây tai họa trầm trọng cho đến ngày nay giữa tư bản và vô sản… Chính sự bám víu nọ gây ra nạn vô sản tức cảnh huống những người không có tài sản. Đã không có tài sản tất trở nên nô lệ. Thế là trong xã hội phân ra có chủ nô, có giai cấp tiếp đến là có giai cấp đấu tranh liên tục. Trái lại Việt xưa theo lối vào uyển chuyển nên không theo tư bản hay vô sản mà theo lối bình sản tức là đứng giữa tư bản và vô sản, uyển chuyển giữa có với không” (5).

Số 3, chính là triết lý An Vi mà ông khởi xướng và có hàng trăm nhóm An Vi sau này đã thành lập theo tư tưởng của ông xuất hiện ở nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp… Ông viết:

“Một trời, hai đất, ba người”. Ba người là một nét đặc trưng cho triết lý An Vi, coi người như một tài ngang với trời, đất nên còn gọi là “tham thông”, cả ba cùng tham dự. Nếu trời làm thì đất làm và con người cũng làm. Có làm mới tham thông, mới là một tài trong ba tài. Con người khác con vật ở chỗ tham dự, cùng làm đó nên còn gọi là nhân chủ. Con người làm chủ sự vật. Không giữ được điều đó thì là vật chủ tức con người để cho sự vật sai khiến. Ví dụ coi tiền tài sản vật cao hơn mình, hơn người, hơn những mối nhân luân. Đó là vật chủ. Còn tin tưởng vào số mệnh, định mệnh, con người không còn giữ lại cho mình quan hệ nào để có thể sửa phận mình. Đấy gọi là thiên chủ, thần chủ” (6).

Ông vẫn quan niệm triết học là một khoa học hiểu biết chắc chắn, nguyên nhân sâu xa về sự vật hiện tượng nhưng triết Tây hiểu thế giới nhưng quên biến cải con người, triết Ấn Độ thì trốn đời tìm nơi cực lạc. Để khắc phục những thiếu sót của các lý thuyết triết học trên thế giới, cả Đông lẫn Tây, theo Lương Kim Định là phải từ bỏ triết học một chiều, tiếp nhận triết học hai chiều, phải kết hợp cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt triết Việt phải có chiều kích tâm linh. Ông khẳng định:

“Karl Marx chê ông Hegel là đi ngược: đầu ở dưới đất, hai chân giơ lên trên nên chữa lại cho biện chứng đi hai chân lên đất thành ra duy vật biện chứng. Mao Trạch Đông đã triển khai cuộc cách mạng của ông bằng quyển “Mâu thuẫn luận” theo đúng tinh thần của Hegel và Marx. Đó là đối kháng, thiếu vòng sinh… Phương Tây đã đánh mất nét song trùng mà Heidegger gọi là đánh mất nét gấp đôi (two foldness), nên dùng làm túi, đồng hóa người với vật, biến người thành công cụ sản xuất, không thấy con người là vật linh thiêng nữa. Đánh mất nét song trùng rồi còn thấy sao được chiều kích tâm linh. Chỉ nhìn bằng con mắt duy vật thì tất nhiên con người xuất hiện như những con vật và Nhà nước tha hồ quản lý mặt hàng”(7).

Lương Kim Định cho rằng, chính số 3 làm nên sự khác biệt của Triết Việt. Từ trong các truyện thần thoại, dã sử cho đến các hiện vật văn hóa của Việt Nam như cái đình, trống đồng, cúng gia tiên… đều thấm đẫm con số 3 huyền thoại đó. Ông viết:

“Số 3 chỉ nhân chủ là người tự làm lấy vận mệnh của mình, không quá suy phục trời như duy tâm, cũng không quá phục tùng đất như duy vật mà cư xử như một chủ trong ba chủ, một tài trong ba tài: trời, đất, người. Nhờ đó con người có thêm tự do hay làm cho con người biết liên đới vô cùng mà không bị vong thân đặt tiền tài trên con người. Trái lại, con người là nhân chủ luôn biết trọng nhân nghĩa hơn tiền tài. Lập trường này bao hàm: một là có, hai là không và ba là vừa có vừa không một trật” (8).

Nói về triết gia Lương Kim Định sẽ có nhiều ý kiến tranh biện. Đây là cơ hội rất tốt, để những quan niệm của ông có dịp được đào sâu. Nói như GS Nguyễn Ngọc Bích ở Đại học Georgetown, Hoa Kỳ sẽ công bằng hơn:

“Nếu có ai hỏi tôi rằng, có nên đọc (Lương Kim Định) hay không thì tôi xin thưa ngay, dứt khoát là có. Tại sao, tại vì nếu ta không nhất thiết phải đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng là của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc cũng không khác gì tôi sẽ trả lời cho câu hỏi: có nên đọc Platon hay Aristos không? Đã nhất thiết gì chúng ta đồng ý với Platon trong tác phẩm Le Republique, nhưng ai không đọc tác phẩm đó chắc chắn sẽ mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học phương Tây. Cũng như không đọc Kim Định cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà an vi nhưng một ngày kia, người ta sẽ tỉnh mộng nhìn thấy cái mất mát to lớn của mình” (9).

2- Một triết gia đầy tinh thần dân tộc

Đọc các tác phẩm của Lương Kim Định thấy đa số đều xuất phát từ hiện thực của Việt Nam. Từ những câu ca dao, chuyện truyền thuyết, thần thoại trong kho tàng cổ tích Việt. Từ chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh đến chuyện Nữ Oa vá trời, chuyện Quả dưa hấu… Từ chuyện của người Kinh đến chuyện của các dân tộc thiểu số như Đẻ trứng, đẻ nước, Dam Dông, sông Ba… Chuyện nào ông cũng nhìn thấy triết lý sâu sắc của ông cha gửi gắm lại. Theo ông:

“Huyền thoại chính là tự truyện của một dân tộc bao hàm những kinh nghiệm tích lũy từ trong sản xuất, lao động tiên tổ kết tinh lại. Xuyên qua đó thường được kể lại bằng những nét lung linh cái sứ mệnh của dân tộc nên đó quả là những di bảo thiêng liêng chứa chấp những miền tinh thần của tiềm thức” (10).

Chỉ một đoạn đồng dao: “Phụ đồng phụ chổi/ Thổi lổi mà lên. Ba bề bốn bên/ Soi lên cho chóng…” là ông đã nhìn thấy cái ẩn ý triết lý sâu sắc của cha ông về hồ Ba Bể, nguyên lý Tam tài, nguyên lý Mẹ… những tinh hoa của triết lý Việt:

“Việt Nam đã có triết lý. Không những thế, nó có cả triết lý bình dân và nó đặc biệt ở chỗ nó không khác triết học bác học về nội dung mà chỉ khác về trình độ và ngôn ngữ. Đấy là nét đặc trưng… Bác học hay bình dân cũng thế cả chỉ khác nhau về sự trình bày để thích nghi với trình độ học thức mà thôi” (11).

Suy tư bất cứ hiện vật văn hóa nào, ông cũng nhận ra cái hồn của người Việt. Chẳng hạn biểu tượng của nước Pháp là con gà, Ấn Độ là con voi, Đức là chim ưng, Anh là sư tử. Trung Quốc trước là hổ sau là rồng. Chỉ có Việt Nam là nhận cả đôi là tiên, rồng. Người Việt cũng thích nói kép: đình đám, học hành, cưới xin. Trung Quốc chỉ có đơn âm… Về cái đình làng, ông viết:

“Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Việt. Nền văn minh này đặt trên nền tảng gia đình, nhiều gia đình họp thành khu, xóm, ấp và đặt đến cùng là làng. Nhà của làng là đình. Đấy là nền văn hóa xây trên đất tha nhân, trời hòa, đất hòa. Nói cụ thể là hòa đạo với đời, hòa siêu nhiên với tự nhiên” (12).

Ông trăn trở về tình yêu nước nhạt phai trong một số người nhất là lớp trẻ. Chỉ ra nhiều hiện tượng đáng buồn nhưng không phải là quy tội, bắt bẻ trách nhiệm của ai mà mục đích là thức tỉnh người Việt trong cũng như ngoài nước để “gọi hồn nước về”. Cái hồn đó siêu việt không hiện hữu nhưng cũng chẳng phải vô hình như gió thổi vô hình nhưng làm lay động cây cối và người ta lại rất dễ nhận ra đặc trưng của nước Việt:

“Thực trạng tình huống nước ta mấy chục năm qua. Cũng có đủ cả việc cướp nước, bán nước và bán hồn nước. Vì có một số người vào hùa với ngoại bang làm giàu trên xương máu đồng bào và đau thương của dân tộc. Cũng từ đấy xảy ra việc nhiều người xem vào gương tiên tổ thì chẳng còn thấy bóng dáng của mình đâu nữa. Thấy sao được vì đã bị ngoại bang lấy đi rồi và hồn cũng có phải là vật cụ thể hiện ra thù lù trước mắt đâu, nhưng là cái siêu linh như ẩn như hiện, có mà không, không mà có. Nếu tấm lòng yêu nước thương nòi đã phai nhạt thì xem vào tấm gương mới mẻ là cái nước chậm tiến, lạc hậu này thấy sao được hồn nước. Nếu nước Việt không có hồn, dân tộc Lạc Việt không có tính chất đặc trưng” (13).

Khi đã định cư tại Hoa Kỳ nhưng ông vẫn canh cánh tấm lòng với nước. Năm 1989, ông thành lập hội Việt Linh chủ trương dạy tiếng Việt cho lớp trẻ con cái người Việt sinh ra ở Hoa Kỳ. Ông cũng kêu gọi thành lập các ban nghiên cứu các lĩnh vực, quy tụ những nhà khoa học người gốc Việt làm việc với nhau để có thể giúp cho trong nước những lĩnh vực còn yếu nhất là về khoa học kỹ thuật. Ông cũng quan tâm nhiều đến giáo dục nước nhà để làm sao tạo ra những thế hệ vừa thành nhân vừa thành công.

Ông cũng đưa ra nhiều tiên đoán như đến năm 4047 thì sự khác biệt Tây Đông sẽ không còn nữa mà cả nhân loại là khối thống nhất và đến năm 5047 người ta không còn chú trọng vào vấn đề kinh tế, chính trị khoa học kỹ thuật nhiều nữa mà chú trọng vào lĩnh vực tinh thần nhất là tôn giáo. Trên tinh thần dân tộc, ông đưa ra hai giả thuyết khoa học làm đảo lộn những nếp nghĩ lâu nay đã hằn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người trong đó có cả giới nghiên cứu. Ông cho rằng, cả chữ Nho lẫn đạo Nho đều do người Việt đặt ra trước rồi người Tàu mới công thức hóa lại sau nghĩa là làm cho chau chuốt, nuột là hơn. Vì thế Nho là của chung Tàu Việt và ông gọi là Việt Nho:

“Một là Bách Việt làm chủ khu vực nước Tàu trước người Tàu. Hai là người Bách Việt chủ xướng ra Nho giáo, người Tàu chỉ làm cho hoàn bị cũng như làm cho sa đọa ra Hán Nho… Triết học của Nho giáo chính là của Việt giáo hay nói cách khác Nho là Việt, Việt là Nho và vấn đề khẩn thiết lúc này phải tìm ra phương cách khai quật lên cho bằng được đạo lý của Việt Nho. Nhất là phần cơ cấu của Việt Nho đã bị Hán Nho vùi dập. Âm dương, ngũ hành bị biến cách tới độ phù phép, còn Tam tài thì không ai nhận ra ý sâu xa của nó nữa” (14).

Khoa lịch sử khảo cổ học cũng như di truyền học ngày nay với những phát hiện mới đang chứng minh những giả thuyết của Lương Kim Định hoàn toàn không phải là hoang đường.

Có những phê phán của Lương Kim Định với triết học Mác hay Chủ nghĩa xã hội gây nghi ngại trước đây, bây giờ chính những người nghiên cứu triết học Mác xít cũng gạt bỏ nó như vấn đề mâu thuẫn đối lập, chuyên chính vô sản... Cho nên đã đến lúc cần đặt ra là tái bản các tác phẩm của Lương Kim Định và nghiên cứu về ông nhất là cho giới triết học và văn hóa, giáo dục.

Hà Nội, nhân 20 năm mất của Lương Kim Định (1997-2017)
  PHẠM HUY THÔNG


Chú thích:

1- Định hướng văn học, Ra khơi Nhân ái xuất bản, Sài Gòn 1969, tr.83-84.
2- Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc, vietnamvanhien.net, tr.7
3- Kinh Hùng Khải Triết, vietnamvanhien.net, tr.13

4- Bìa 3 cuốn “Chữ Thời”, Ấn quán Thanh bình, Sài Gòn 1967
5- Kinh Hùng Khải Triết, Thanh niên QG, USA xuất bản 1989, s đ d, tr.15
6- Kinh Hùng Khải Triết, s đ d, tr. 42

7- Kinh Hùng Khải Triết, s đ d, tr. 6
8- Cẩm nang Triết Việt, s đ d, tr. 18
9- Báo Ngày nay số 121 ở Texas năm 1998.

10- Lời Phi lộ cuốn Kinh Hùng Khải Triết, s đ d
11- Triết lý cái đình, Nxb Hội nhà văn in lại bản 1971, Tp HCM 2016, tr.13
12- Triết lý cái đình, s đ d, tr.29-31

13- Hồn nước với lễ gia tiên, Nam Cung xuất bản 1979, http//tieulun.hopto.org, tr.2
14- Nguồn gốc văn hóa Việt Nam, Nguồn Sáng xuất bản, Sài Gòn 1973, tr.6

Nguồn: Vietcatholic.net/ VHNA



NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU