Nhà phê bình Cao Thị Hồng
Xuyên suốt trường ca Bước gió truyền kỳ(1) của
Phan Hoàng là biểu tượng gió. Gió được coi như là
trục vận hành chính, là tâm điểm phát sáng nhiều thông điệp. Gió hiện
diện trong tác phẩm với vai trò nối kết năm phân khúc rõ rệt: Những ngọn
gió vô danh/ Gió tiếp sức ước mơ/ Bước gió truyền kỳ/ Gió dựng thành lũy biên
cương/ Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại. Ứng với mỗi bước gió là
một chủ đề lớn hàm chứa những chủ đề nhỏ hơn. Đặt trong tổng thể của tác phẩm,
tất cả cùng hòa âm - những âm thanh của tưởng tượng vang lên như một bè hợp xướng
đa thanh, lắng nghe sẽ thấy dàn hợp âm vang lên lúc êm ái, dịu dàng, lúc hào
hùng, dữ dội, lúc trầm lắng, suy tư, lúc xót xa, đau đớn, lúc tha thiết tự
hào… đó chính là những cung bậc cảm xúc của tác giả cũng như của bất cứ
người con đất Việt nào khi ngược dòng thời gian, sống cùng những sự kiện lịch sử
của dân tộc, dõi theo từng bước đi của sinh thể Mẹ - Tổ quốc từ
thuở ông cha “mang gươm đi mở cõi” (Huỳnh Văn Nghệ) cho đến
hôm nay.
Trong văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới biểu tượng gió có
ý nghĩa khác nhau. Kinh Coran lấy các cơn gió làm sứ giả của Chúa Trời, tương
đương với các thiên thần. Thần của Chúa Trời bay lượn trên mặt nước nguyên thủy
được gọi là gió. Trong hệ biểu tượng Hindu, gió (vâyu) là khí vũ trụ và là lời
Thượng đế; gió là chúa tể của lĩnh vực tế vi, trung gian giữa Trời và Đất. Theo
các truyền thuyết Hindu về nguồn gốc vũ trụ trong Luật của Manu, gió được sinh
ra từ thần linh và gió sinh ra từ ánh sáng. Thần linh được kích thích bởi ước
muốn sáng tạo đã sinh ra không gian. Từ vận động của cái không trung này, đã
sinh ra gió. Gió chứa đựng tất cả các hương trong sạch, mãnh liệt, có đặc tính
của xúc giác. Trong các truyền thuyết của Kinh Thánh, những cơn gió là hơi thở
của Chúa Trời. Hơi thở của Chúa đã đưa trật tự vào hỗn mang nguyên thủy, hơi thở
đó đã đem lại sinh khí cho người đầu tiên. “Những cơn gió cũng là những
công cụ của quyền lực thần thánh; chúng truyền sinh khí, trừng phạt, giáo huấn,
chúng là những dấu hiệu và cũng như các thiên thần, chúng mang những thông điệp.
Chúng là một dạng biểu hiện của thần linh, muốn truyền đạt những cảm xúc của
mình”(2).
Dựa trên nền tảng quan niệm của văn hóa nhân loại về biểu
tượng gió, với chủ đích mượn gió để gửi gắm thông
điệp nghệ thuật, trong Bước gió truyền kỳ Phan Hoàng đã xây dựng
biểu tượng gió theo cách riêng của trái tim nghệ sĩ đầy mẫn cảm
với một trí óc tưởng tượng bay bổng, phong phú. Gió trở thành
nơi phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa
biết và cái vô tận. Gió gợi cho người đọc suy ngẫm về cuộc đời
của mỗi người Việt Nam qua tầng tầng lớp lớp thế hệ. Và thân phận mỗi cá thể vô
danh ấy gắn liền với mỗi bước đi nhọc nhằn của mảnh đất quê hương hình chữ S -
nơi mỗi chúng ta chôn nhau cắt rốn, cất tiếng khóc chào đời. Chạm đến tình cảm
thiêng liêng ấy nên gió trong tác phẩm của Phan Hoàng đã lay động
tâm thức người đọc ở vùng thăm thẳm nhất. Thổi qua nhiều miền tối sáng suốt chiều
dài lịch sử dân tộc, nhưng không ồn ào mà rất khiêm nhường, điềm tĩnh, những Bước
gió truyền kỳ đúng như tên gọi của nó đưa người đọc vào một hành trình
kỳ lạ, vừa thực vừa mơ để khám phá những vẻ đẹp của văn hóa, khí phách
và ý chí của dân tộc với nhiều cung bậc cảm xúc thẩm mỹ khác nhau.
Trong cảm thức của tác giả, gió là một biểu tượng
luôn luôn động, luôn luôn biến hình hài, đổi trạng thái và mỗi bước gió là một
sự tiến triển của đất trời, con người và vạn vật sinh linh…
Mở đầu trường ca gió là tâm điểm hội
tụ sức mạnh hồn thiêng dân tộc. Những ngọn gió vô danh gọi những linh hồn
vô danh quần tụ, họ là những chàng trai và những cô gái mang trong mình “Ước
mơ căng tràn ngực gió thanh xuân”… Họ đã sống từ bao đời trước: “Xác
hóa mây bay hồn về đất mẹ/… Người từ ngàn năm người quên tên tuổi...” Nhưng
chính những con người giản dị và bình tâm ấy là những con người đã làm
nên đất nước (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).
Gió được thổi hồn và hiện diện
như một sinh thể sống, gió là người và người là gió, gió quấn quýt, chia sẻ
vui buồn cùng con người, gió mở đường bay, gió đồng hành cùng người
từ những bước chập chững đầu đời, từ tuổi thơ hồn nhiên khát vọng truy tìm,
khám phá những bí ẩn của cuộc sống. Với nhiều thủ pháp tu từ được sử dụng linh
hoạt như dùng xen kẽ liên tục câu dài/ ngắn, câu khẳng định/phủ định, câu kể,
câu cảm thán, câu hỏi…, âm hưởng chậm rãi, trầm lắng của khúc ca đưa mỗi chúng
ta trở về với tuổi thơ của mỗi người và tuổi thơ của dân
tộc. Đó là thời khởi sinh trong trẻo hồn nhiên, đầy ắp kỷ niệm ngây thơ êm
đềm nhưng cũng đã biết “khóc người lớn cười/ cười người lớn khóc”. Từ
thuở mới khai sinh lập địa, thuở hồng hoang mới biết hát đồng dao, người Việt
Nam đã biết phân biệt phải/ trái, đúng/ sai, nuôi khát vọng, mơ ước, biết suy
tư trăn trở tìm đường để hướng đến những giá trị sống cao đẹp: “bay đường
nào con người bớt khổ đau?/ bay đường nào con người bớt nghèo đói?/ bay đường
nào con người bớt phản trắc?/ bay đường nào con người tin được nhau? ”.
Có thể nói bốn tiểu khúc trong phần Gió tiếp sức
ước mơ: Gió mở đường bay/ Đồng giao nghịch gió/ Cuộc trò chuyện giữa gió và
núi/ Gió tiếp sức ước mơ là những khúc đoạn vừa bay bổng, lãng mạn vừa
giàu chất triết luận. Đáng chú ý là Cuộc trò chuyện giữa gió và núi được
hình dung trong giấc mơ của người kể chuyện: “Nhiều
đêm trong mơ ngược dòng ấu thơ đuổi bắt sao trời, ta trộm nghe núi mở lòng với
gió”.
Các nhà phân tâm học cho rằng về ý nghĩa giấc mơ là
sự thỏa mãn một ước vọng. Theo S. Freud, ước vọng là yếu tố chính tạo nên
giấc mơ, ước vọng bị dồn nén được thỏa mãn một cách tượng trưng và “trá hình”
trong giấc mơ. Mọi giấc mơ là sự thực hiện tưởng tượng hay biểu tượng của ước
muốn. Giấc mơ “nghe núi mở lòng với gió” của Phan Hoàng là một giấc mơ đẹp,
lạ. Giấc mơ mang theo hình hài địa lý của Tổ quốc, có “Biển Đông,
có đồng bằng, có con đường xuyên sơn ngoằn ngoèo”… giấc mơ tái hiện
lịch sử bi hùng “một thời đội sấm đội chớp mở đường” của cha ông… Phải
chăng thông qua giấc mơ về Cuộc trò chuyện giữa gió và núi tác
giả trường ca Bước gió truyền kỳ muốn góp thêm tiếng nói khẳng
định một giá trị thuộc về truyền thống văn hóa của những con
người được nuôi dưỡng từ cái nôi của nền văn minh lúa nước trên dải đất hình chữ
S: dẫu trải qua bao dâu bể thăng trầm và biến thiên của lịch sử, người Việt Nam
luôn sống thuần phác, nhân hậu, bao dung, phóng khoáng, luôn mong muốn “bắc
yêu thương những nhịp cầu đồng dao!…” và “lấy cây rừng làm bút/ lấy đá
núi làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng
xanh…”. Đó là giấc mơ thấm đẫm khát vọng hòa bình và tự do, tinh thần ấy là
sợi dây bền chặt “nối ngàn xưa cho đến mai sau”.
Khúc thứ hai cùng tên tác phẩm: Bước
gió truyền kỳ - đây là khúc trọng yếu của thiên trường ca. Với những
thức nhận sâu sắc về văn hóa, lịch sử dân tộc, tác giả đã tái hiện bức tranh
hoành tráng về quá trình bảo vệ và khẩn hoang mở rộng bờ cõi của cha ông qua bốn
tiểu khúc: Bước gió truyền kỳ/ Gió khẩn hoang/ Gió xuôi chín khúc sông
rồng/ Tây Nam mùa gió chướng. Âm hưởng hào sảng, tha thiết tự hào bao trùm
khúc ca. Câu thơ ngắn, dài, biến ảo linh hoạt, gợi hình ảnh; nhịp điệu
nhanh, dồn, mạnh mẽ và hối thúc. Biện pháp điệp từ, ngữ được sử dụng một cách
triệt để và đắc địa. Quá khứ lịch sử dân tộc với những bước chân huyền thoại
thuở hồng hoang trở về rõ mồn một sau từng câu chữ…
Như sự đặt để của số phận, dân tộc Việt Nam là một trong
những dân tộc phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh nhất để mở cõi và giữ nước.
Trong kết tinh của đất và nước có rất nhiều
máu, mồ hôi và nước mắt: “máu/ máu/ máu/ mở cõi/ máu/ máu/ máu/ giữ
nước… lớp lớp người/ tay cuốc tay cày/ lớp lớp người/ tay chèo tay
lưới/ chém cá tràng kình/ mắt xua mây xám biển Đông/ lưng bóng nắng/ mồ hôi lạnh/
ngực dằn cơn ho cơn sốt…/ chân ngăn từng dòng nước khách lũ/ vật vã/ kiên trì/
tự lực/ khẩn hoang”… âm hưởng của lời ca nghe như có tiếng nấc, như có tiếng
khóc, xót xa nhưng không hề bi lụy… Hiện lên trước mắt người đọc là trùng
trùng lớp lớp những con người bé nhỏ, vô danh nhưng dũng cảm gánh trên vai một
sứ mệnh lớn lao mà lịch sử dân tộc giao phó. Cuộc thiên di về phương Nam nhọc
nhằn, gian khó nhưng những con người lao động chỉ có tay cuốc, tay cày, tay
chèo, tay lưới cùng với ý chí kiên cường, đức nhẫn nại, hy sinh của người dân
nước Việt. Họ đã làm nên truyền thống, làm nên lịch sử cho xứ sở này - truyền
thống ấy mãi mãi âm vang bước gió truyền kỳ, tạc khắc trong hiên
ngang dáng núi, bao dung tình sông…
Xét trong chỉnh thể của tác phẩm, như bản nhạc vang ngân,
khi tiểu khúc Bước gió truyền kỳ và Gió khẩn hoang với
âm hưởng hào hùng, bi tráng “cuồn cuộn chuyển động sắc màu vũ trụ” tạm
lắng xuống, thì tiểu khúc Gió xuôi chín khúc sông rồng vang
lên với âm hưởng chậm rãi khoan thai, có những nốt lặng lắng sâu nhiều suy tư về
cuộc sống “phía sau nỗi đau trận mạc”.
Đất nước hòa bình, con người lại trở về với những giấc mơ
hoa đời thường mà do chiến tranh ngăn trở nên đã không thể thực hiện. Hạnh phúc
đáng nói nhất là “tình yêu lứa đôi không còn bão lửa cắt chia”. Tâm điểm
của bức tranh hòa bình là hình ảnh quấn quýt hòa trộn nhau thắm thiết, nồng nàn
của đôi lứa yêu nhau được Phan Hoàng phác họa sinh động mang sắc màu “nhục thể
lành mạnh” (F.Engels): “Thịt da nhiệt đới/ hừng hực ngực lửa/ hừng
hực đùi hương/ bềnh bồng suối tóc/ bồng bềnh môi trầm/ bềnh bồng mông núi/ bồng
bềnh lạch hoa/ bồng em lốc xoáy/… em làm vợ ta làm chồng/ yêu nhau
thì cứ bềnh bồng bập bênh”. Ở đây khát vọng hướng đến những giá trị
nhân bản, nhân văn nhất của con người được thành thực trải lòng. Kiến tạo văn bản
theo một sơ đồ chủ ý trộn lẫn giữa truyền thống và hiện đại nên có lẽ vì vậy
trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng đã không bị sa vào
khuôn mẫu xơ cứng, đơn điệu của kiểu viết trường ca theo “cảm hứng sử thi” đầy
sắc màu “lý tưởng” tạo khoảng cách quá xa vời giữa con người trong tác phẩm và
con người của cuộc sống đời thường.
Thế giới nghệ thuật vốn bao giờ cũng là thế giới trung
gian giữa thực tế và mơ mộng. Nhiều khi thế giới thực không thỏa mãn được ước vọng
của người đời, thế giới mơ tưởng có thể thực hiện được những ước vọng đó. Và ở
khúc đoạn này, Phan Hoàng đã thành công khi mơ một “giấc mơ sinh
trưởng” lãng mạn nhưng cũng rất chân thực với cách diễn đạt tưởng chừng
tưng tửng, dí dỏm, nhưng ám gợi sâu sắc tâm thức người tiếp nhận.
Phần thứ ba mang tên Gió dựng thành lũy biên
cương gồm ba tiểu khúc: Linh hồn gió/ Gió cõng hương qua núi đồi/
Gió dựng thành lũy biên cương.
Chiến tranh dẫu đã đi qua, nhưng trong mỗi ngày của cuộc
sống hòa bình những ám ảnh, đau thương mất mát vẫn nhức nhối khôn nguôi, “cái
ác mang mặt nạ hữu nghị viển vông” vẫn lởn vởn. Đêm đêm linh hồn của những
chàng trai, cô gái “hồn phách tinh anh mỉm cười bước ra chuyện
trò cùng với gió (…) bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngang/ canh
giữ giấc ngủ bình yên đất mẹ”. Đến đây, gió trở thành biểu
tượng của sức mạnh tâm linh huyền diệu, thần kỳ. Sức mạnh ấy được khởi nguồn
từ tình yêu đất nước của lớp lớp thế hệ đi trước, họ đã dâng hiến tuổi thanh
xuân vì bình yên của mảnh đất này, vì “cuộc sống những đứa trẻ không còn mồ
côi đói khát…/ mùa trăng mật dâng hiến lứa đôi/ mùa sinh nở dâng tặng
tiếng khóc những ngôi sao hy vọng...”. Trên nền âm hưởng trầm lắng, man mác
buồn, hoài niệm, tiếc thương người đã khuất, nổi bật hình tượng Gió
cõng hương qua núi đồi thấm đẫm sắc màu kỳ ảo: “Dường như có bóng
ai lướt nhanh trong màn sương đục/ bóng của hôm qua bóng của hôm nay hay bóng của
mai sau? gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc/ gió nói gì
với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?”. Trước thế giới
tâm linh thiêng liêng, những dấu hỏi như găm vào lòng người sống hôm nay bao ngẫm
ngợi, suy tư, khắc khoải về thân phận con người…
Với độ lùi thời gian, điềm tĩnh nhìn lại những “bước gió”
bi hùng của lịch sử dân tộc, tác giả trường ca xác quyết một sự thật: “không
dân tộc nào/ không đất nước nào/ hiếm hoi thế hệ bình yên/ nối nhau quẫy đạp
bóng đêm/ đứng lên” như dân tộc Việt Nam; và “không dân tộc nào/
không đất nước nào/ oằn vai/ gánh/ mười bốn cuộc chia ly không hẹn ngày về/
không dám bày tỏ nỗi niềm nhớ thương/ không biết cha con đối đầu/ không ngờ anh
em bắn nhau/ máu đỏ oán sông/ xương trắng hờn than núi/ bao tinh hoa hóa thành
cát bụi/ bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con/ bao người vợ úp mặt chờ chồng
lửa lòng đông cứng!”. Chiến tranh là máu và nước mắt, là cái chết, là chia
ly, tan tác, chia lìa. Người dân đất Việt đâu có mong muốn chiến tranh, nhưng
“cực chẳng đã” buộc phải đứng lên để “giành lại từng dấu chân giao chỉ/
giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc chim hồng/ giành lại từng hạt cát
mang hình đảo chìm đảo nổi/ giành lại từng tia sáng cánh cò cánh vạc/ giành lại
từng tiếng khóc bình yên tao nôi” . Và dòng hào khí kết tinh từ tinh
hoa của lớp lớp người mãi trường tồn, vút bay cao “hóa thân bước gió truyền
kỳ, cùng những vì sao nhấp nháy nhấp nhổm nụ cười” để làm nên Những
cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại của dân tộc.
Nếu quan điểm của tư duy lý luận hiện đại cho rằng chức
năng cơ bản của biểu tượng là sự phát hiện hiện sinh của con người cho chính
mình thì ở Bước gió truyền kỳ biểu tượng gió giúp
người đọc nhận ra chính bản thân mình từ những phát hiện về phẩm chất của
dân tộc từ góc nhìn nhân văn nhất về lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt.
Xoay xung quanh biểu tượng này chúng ta có thể suy ngẫm để khám phá nhiều ý
nghĩa về thực tại cuộc sống: đó là mối quan hệ ràng buộc và những ứng xử
mang giá trị văn hóa sâu sắc giữa cá nhân và cộng đồng, cộng đồng và
cá nhân… Sử dụng biểu tượng gió như một thủ pháp nghệ thuật để
thể hiện những ẩn dụ cảm xúc từ trìu mến, yêu thương thiết tha nhất đến giận dữ,
uất nghẹn, sôi sục nhất, tác giả Phan Hoàng đã thành công trong lối dẫn dụ người
đọc đi vào thế giới cảm xúc cùng những suy tư về văn hóa, lịch sử và vận mệnh của
dân tộc một cách tự nhiên trên tinh thần “tự cảm hóa”. Với cách xử lý nghệ thuật
khéo léo, tinh tế, sáng tạo, trường ca Bước gió truyền kỳ của
Phan Hoàng đã vượt qua giới hạn của lối tư duy tụng ca về những vấn đề đại tự sự
một cách đơn giản, sáo rỗng, vô hồn, thiếu thuyết phục mà bạn đọc vẫn còn bắt gặp
đó đây trong sáng tác hôm nay. Và đó chính là một trong những nguyên nhân sâu
xa, cơ bản nhất khiến tác phẩm này hàm ẩn nhiều thông điệp nghệ thuật, tiếp tục
“vẫy gọi” bạn đọc đồng sáng tạo.
Tháng 3.2016
PGS.TS. CAO THỊ HỒNG
(Khoa Báo chí - Truyền
thông và Văn học,
Đại học Khoa học
Thái Nguyên)
Chú thích:
(1) Phan
Hoàng, Bước gió truyền kỳ, Nxb. Hội Nhà văn, 2016.
(2) Jean
Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới,
Nxb. Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997, tr.363.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét