Nhà thơ Quang Dũng
Ông là người viết không nhiều, nhưng lại là nhà thơ
có những bài thơ đi sâu vào lòng độc giả. Nói đến Quang Dũng là nói đến
"Tây Tiến", "Đôi mắt người Sơn Tây", những bài thơ đã tạo nên thương hiệu của ông. Nếu "Đôi mắt người Sơn
Tây" có cái trữ tình da diết; "Tây Tiến" có nét kiêu bạc,
lãng tử; thì "Những làng đi qua" lại có vẻ đẹp hồn hậu, bình dị. Câu
chữ trong bài mộc, mà có sức tỏa lấp lánh.
Nhớ buổi trung đoàn
ta ra đi
Tháng chạp màn sương
trùm đất nước
Gió mùa chết héo mạ xanh non
Sương muối thấm vào bao đạn ướt.
Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Dân đang gánh gồng cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm năm thôi để lại
Lạc chủ, chó gầy mắt hoang dại
Mẹ địu con thơ, mang tiếng hát
Ru con gửi gấm những quê nhà
Nôi con đã chất cao thù hận
Thành luỹ ngăn đường
chặn chiến xa
Bài thơ viết
năm 1947, mô tả hậu phương đang rộn rịp chuẩn bị cho ngày tổng tấn công. Tinh
thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và tình quân dân trong bài thơ rất đẹp. Đặc biệt, tình cảm người dân với vị lãnh tụ thật gần
gũi, ấm áp.
Giầy vải Bác Hồ phơi
bờ ao
Câu thơ giản dị,
mà tình cảm thấm đẫm một niềm trân trọng. Đây là một câu thơ hay viết về lãnh tụ. Chỉ là viết
gián tiếp thôi, mà người đọc thêm
kính trọng vị lãnh tụ tài giỏi và rất gần gũi.
Cái hay trong
bài thơ "Những làng đi
qua" là cách tả. Chỉ là những cảnh vật thân thuộc, nhưng trước con mắt nhà
thơ thì mọi vật đều lung linh, sống động. Cái tài của nhà thơ là cách nói ngược, tạo ra sự hấp dẫn. Ví
dụ, một khổ thơ:
Khuya về chân
khoả vội cầu ao (Nói thuận: Cầu ao, khuya,
có người khỏa chân). Nghe tiếng sung rơi
miệng chiến hào (Nói thuận: Chiến hào, có tiếng sung rơi), Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch/ Vỡ lá bàng khô
bước du kích (Nói thuận: Bước chân du kích dẫm vỡ lá bàng khô).
Rõ
ràng, với cái tài biến hóa con chữ của nhà thơ, câu thơ bỗng trở nên kỳ ảo, thần thái biết bao nhiêu.
Những làng trung đoàn ta đóng lại
Tiếng nêu đưa khánh dưới mưa phùn
Hương đen ngũ quả, màu tranh Tết
Câu đối mực tàu bay xạ ngát
Cột nhà tre trúc giãi gan vàng
Mang câu đối đỏ niềm
son sắt
Tiếng hát hành quân
vui trong mưa
Gió bấc về sân buổi tiễn đưa
Nải chuối tiễn nhau em mới cắt...
Cả bài thơ
không nói điều gì to tát, không triết lý cao siêu. Chỉ tả những nét đời
sống giản dị, mà có sức gợi, sức mở cho cảm xúc người đọc. Cái tài của Quang Dũng, chỉ cần dùng những
ngôn ngữ rất mộc, dân dã, mà lại chứa chất cảm xúc thanh cao, sang trọng.
Nó tạo ra phong vị, phong cách riêng, mà chỉ riêng Quang Dũng mới có.
Thơ Quang Dũng
có vẻ đẹp trang trọng, kiêu sa được ẩn trong
vỏ bọc ngôn từ bình dị. Có người nói, đọc thơ (và văn) Quang Dũng, như thưởng thức vị kẹo bột, kẹo vừng. Nó mộc, dân dã, nhưng lại có vị sang riêng, không thua kém bất
kỳ hương vị tân kỳ nào khác. Ông là người
làm thơ sớm. 16 tuổi, ông có bài thơ "Chiêu quân".
19 tuổi, ông
viết "Cố quận". Đó là những bài thơ với bút pháp rất điêu luyện. Nếu
ông có ý thức lưu danh gửi
đăng những bài thơ này kịp thời, thì chắc ông đã được xếp vào hàng ngũ
các nhà thơ trước cách mạng, như
Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ...
Với nghệ thuật,
cả văn, thơ và nhạc, họa, Quang Dũng như một nghệ sỹ tài tử. Nhưng trong bất kỳ
thể loại nào, ông đều đạt ngưỡng bậc mà đồng nghiệp và độc giả kính nể. Đến
nay, qua thời gian sàng lọc, những bài thơ của ông, như "Tây Tiến",
"Đôi mắt người Sơn Tây" được xếp vào hàng các bài thơ hay của thời kỳ
chống Pháp đã được công nhận, như "Tình sông núi" của Trần Mai
Ninh, "Lên Cấm Sơn" của
Thôi Hữu, "Nhớ" của Hồng Nguyên, "Đồng chí" của Chính Hữu,
"Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm...
Nhà thơ Quang
Dũng là người không có ý thức lưu giữ bản thảo của mình. Ngay bài thơ "Những làng đi qua" của ông, được công bố trên sách báo là nhờ
công nhà thơ Hoài Anh. Ngày ấy, Hoài Anh đi sưu tập, tuyển chọn những bài thơ
hay về Hà Nội, để Hội Văn nghệ Hà Nội in tập thơ tuyển kỷ niệm 20 năm ngày giải
phóng Thủ đô.
Khi đến nhà
Quang Dũng, nhà thơ giở cuốn sổ tay chữ nhòe nhoẹt vì nước mưa, đọc cho Hoài Anh chép lại. Ông và Hoài
Anh phải luận ra từng chữ. Bài thơ được công bố rộng rãi và bạn đọc thêm
biết bài thơ từ đó.
Ngoài làm thơ,
Quang Dũng còn viết văn. Văn của ông cũng có phong vị đặc biệt. Hai tập
ký "Rừng về xuôi" và "Nhà đồi" của ông, thẫm đẫm cảm xúc của
một nhà thơ viết văn xuôi. Bài ký
viết về số phận con tàu bị chìm khuất dưới lòng sông, như ông viết
về số phận một con người. "Hoa lại vàng tháng chạp", bài ký bảng
lảng nỗi niềm kiếp người trước thời
gian.
Ông là người
tài hoa. Những bức tranh bột màu, một vài ca khúc của ông sáng tác chứa chất một
phong vị rất Quang Dũng. Ông tự nhận mình như đám mây đầu ô lang thang "Mây ở đầu ô mây
lang thang/ Ôi! chật làm sao/ Góc phố phường...".
Ông là người
chịu nhiều thăng trầm. Nhưng ông luôn biết tạo ra niềm vui nho nhỏ trong đời sống
thường nhật. Những ngày gia đình ông còn ở căn buồng trên gác ngôi nhà
cuối phố Bà Triệu, sáng sáng ông vào công viên Thống Nhất tập thể dục, đồng thời
hồn nhiên mang theo bao tải để một công hai việc. Chả là ngày đó tem phiếu còn
khó khăn, gia đình ông phiếu dầu không đủ đun, thường phải đi kiếm củi, lá khô
về đun thêm.
Nhà chật chội, ông rất thú vị được ra công viên hít thở.
Ông thường nói vui, ấy là đi "tẩm
bổ... ôxy!". Đã thế, sau mấy động tác thể dục buổi sáng, là ông đi
nhặt lá rụng cho đầy bao tải, khoác về nhà, đem phơi, để thêm thắt đồ đun cho
gia đình. Nom dáng to lớn của ông, khoác vai bao tải lá, thật là cảm kích. Ông
sống, làm việc bình dị. Hẳn trong công viên và phố xá, ít người biết ông là nhà thơ, nhà văn danh tiếng.
Ông là người
biết coi nhẹ việc đời, mà có thể người khác cho là nặng nhọc, nhếch nhác. Với
ông, tự thấy mình là người bình
thường, thì lo lắng việc bình
thường, giúp vợ con được chút gì,
là tốt điều đó.
Ngày ấy, nhà ông ở gần nhà ông Lữ Giang. Nhóm bộ ba của
ông thi thoảng lại tụ tập nhà ông Lữ Giang. Ông nhà thơ Lữ Giang có bài thơ "Tiếng đàn bầu" được
nhạc sỹ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc thành ca khúc rất ngọt ngào. Nhà ông
là cái tum trên sân thượng một tòa
nhà, thành ra các nhà thơ nhà văn
hay tụ họp. Những bữa "liên hoan" của các ông tại nhà ông Lữ Giang,
thật đến linh đình.
Ấy là nồi nước
chè xanh đặc xít và xoong lạc luộc, khoai lang luộc và hạt mít luộc. Tôi đã
mấy lần được dự "liên hoan" thân mật
của các ông. Ông Ngô Quân Miện, ông Trần Lê Văn từ Bà Triệu, Hàm Long
kéo xuống.
Ông Yên Thao, nhà thơ châm biếm, trong kháng chiến chống Pháp có bài thơ "Nhà tôi ở mé bên
đồi/có giàn thiên lý..." bên Phố Huế kéo sang. Ông Tạ Hữu Yên, nhà
thơ đại tá quân đội, luôn xẻ tem phiếu
thực phẩm cho nhà thơ Lữ Giang đông con, ở dưới Trương Định ngược lên. Mỗi bận
ông lên, thường mang theo mấy chiếc bánh đa nướng ròn. Nhà thơ Quang Dũng chỉ việc đi mấy bước qua đường,
là có mặt trên cái tổ chim cu sân thượng của ông Lữ Giang.
Có bữa, có ông
mang gói kẹo bột, kẹo vừng đến góp vui. Những bữa liên hoan thường tổ chức vào
những đêm trăng sáng. Sân thượng nhà ông Lữ Giang tràn ngập ánh trăng. Khuôn mặt
các nhà thơ nhà văn thân hữu cũng ngập tràn ánh trăng. Khoai lang luộc bở, lạc
luộc bùi, nước chè xanh thật quyện, thật linh đình.
Sự thanh đạm của các ông cho tôi cảm giác vật chất là thứ
các ông hình như không màng tới. Cái
chính là gặp gỡ nhau, được trò chuyện với nhau đôi câu. Tôi thấy tình cảm
của các ông vô cùng yêu thương và
thuần khiết. Hầu như mỗi ông có cái vất vả riêng, nhưng không thấy ông nào kêu
ca chuyện vất vả. Họ trò chuyện ôn hòa, đôi lúc pha trò cười nhẹ nhàng. Không thấy ai to tiếng, mặc dầu mỗi
ông đều có cảnh ngộ thua thiệt riêng biệt.
Tôi cũng có
đôi ba lần được đi theo các ông "giang hồ, xê dịch" đó đây. Nào có đi
xa xôi gì đâu, chỉ quanh quanh Hà Đông, Sơn Tây, hoặc sang đất Kinh Bắc
quê tôi. Không xe cộ ôtô đưa đón gì, mà thũng thẵng mấy bác cháu đạp xe đạp.
Một chuyến đi khó quên. Ấy là mấy bác cháu đạp xe về thăm
chùa Tiêu bên Từ Sơn. Cảnh trí chùa
Tiêu dễ gợi cho mấy bác cháu liên tưởng tới tiểu thuyết "Tiêu Sơn tráng
sĩ" của Khái Hưng thuở nào. Rồi trên đường về, mấy bác cháu ghé thăm ngôi
nhà thầy đẻ tôi ở quê Trang Liệt. Vừa dắt xe vào đầu ngõ, thấy lố nhố người vận áo xô trắng, chất khăn tang trắng.
Mấy bác cháu sửng sốt, nhà tôi đột ngột có tang? Thì ra, không phải, mà
nhà bên kẽ ngạch có người mất. Việc
tang lễ quê tôi vẫn có thói quen ngồi nhờ cả mấy nhà hàng xóm.
Mấy bác cháu vừa
vào nhà, nhà thơ Quang Dũng khởi xướng cùng sang nhà đám viếng lễ. Theo tập tục,
mấy bác cháu đứng vái vong hồn người quá cố. Ông con trưởng nhà đám, vốn là bộ
đội chống Pháp, mặc áo xô chít khăn trắng đứng đáp lễ bên linh cữu. Khi nghe
tôi giới thiệu nhà thơ Quang Dũng, ông liền tiến tới cúi gập mình, vái
ba vái nhà thơ, thay cử chỉ bắt tay.
Ông nói rằng, thời trẻ, đã thuộc làu bài
thơ "Đôi mắt người Sơn
Tây" và bài thơ "Tây Tiến". Ông và đồng đội vẫn nhẩm đọc trên đường
hành quân. Phục nhà thơ quá, ông lại cúi
lạy tiếp ba lạy. Nhà thơ Quang Dũng quá bất ngờ, vì có người vái sống mình, liền cúi đầu, khoanh tay
vái tạ ba vái. Thấy nghĩa cử bất ngờ, nhiều người nhà đám ngỡ ngàng, không rõ đầu
đuôi. Riêng tôi, tôi cảm kích vô cùng.
Tôi hiểu, thơ là cầu nối cho con người
gần nhau và tôn kính nhau.
Mỗi lần nhớ lại
một vài kỷ niệm nhỏ về nhà thơ Quang Dũng, tôi lại thấy xốn xang vô cùng. Những
kỷ niệm nhỏ bé, nhưng tôi thấy đó là hạnh phúc lớn của nhà thơ mà không phải ai
cũng có được. Như thế, tôi thấy mọi thua thiệt này khác của người cầm bút cũng
chả nghĩa lý gì. Hạnh phúc cao nhất của người viết, là
khi tác phẩm của mình viết ra, được bạn đọc
quý mến, trân trọng. Tôi thêm nhớ những vần thơ ông viết
trong bài "Đôi mắt người Sơn
Tây".
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?...
Tôi đã
nhiều lần về phố Phùng, quê hương
nhà thơ Quang Dũng. Mỗi lần qua đoạn sông uốn mình bên phố huyện, lại nhớ câu thơ nao lòng của ông.
Sông Đáy chậm nguồn
qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt
thổi đêm trăng
Câu thơ mộc, mà da
diết biết chừng nào.
Tháng 6-2019
VŨ TỪ TRANG
Nguồn: VNCA
XEM BÀI KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét