Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

TIA NẮNG THU BỒN…

Năm 1972 tôi được phân công dạy văn lớp 10 (hệ 10 năm) ở trường cấp III Quốc Oai, Hà Tây. Trong chương trình văn học hiện đại có Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn. Trong lời giới thiệu tác phẩm, sách giáo khoa viết: “Thu Bồn là một nhà thơ miền Nam trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài ca chim Chơ rao là bản trường ca ca ngợi tinh thần đấu tranh quật khởi của đồng bào Tây Nguyên, ca ngợi mối tình đoàn kết Kinh Thượng”.

Lúc ấy tôi không hề biết Thu Bồn là ai chỉ đoán rằng Thu Bồn là một nhà thơ từ miền Bắc vào lấy bút danh Thu Bồn, tên một dòng sông miền Trung, như Xuân Thiều lấy bút danh Nguyễn Thiều Nam… Và rồi suy nghĩ ấy cứ định vị trong tôi nhiều năm. Nhưng có một điều: đọc và dạy Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn tôi thật sự cảm phục, ngạc nhiên đến sững sờ. Hồi đó tôi chưa hề đến Tây Nguyên, chỉ biết Tây Nguyên qua Trường ca Đam Sam và nhất là qua tác phẩm Đất nước đứng lên... Thế mà đọc Bài ca chim Chơ rao, tôi đã cảm nhận được chất bi tráng, dữ dội, chất Tây Nguyên thấm đẫm trong từng lời thơ. Đến nay đã hơn 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ đoạn trích nói về cái chết của hai chiến sĩ cách mạng: Hùng người Kinh và Rin người Thượng.
Nhà thơ Thu Bồn

Đây là đoạn mở đầu:

Máy rú xe từ từ lăn bánh
Hai chiến sĩ điềm nhiên đến pháp trường
Hùng và Rin nhìn trời mây cây cỏ
Lần cuối cùng vĩnh biệt quê hương
Hai chiến sĩ bị kẻ thù trói chặt vào cây để hành hình
Trên nương sáng nay lúa vừa ngậm sữa
Chúng đem Hùng, Rin trói chặt vào cây
Thu Bồn ca ngợi tinh thần dũng cảm bất khuất của hai anh
Ôi chim đại bàng trong bão tố
Đầu sắp rơi mà cánh vẫn tung bay

Trước cái chết Rin nhớ về người mẹ đã cơ cực suốt đời để nuôi anh:

Mẹ ơi! Con vẫn ở giữa lòng đất nước
Trời nắng thiêu nghe rìu mẹ chém cây
Chiếc rìu cùn như đời mẹ cực
Đã cho con bao bát cơm đầy

Anh xót xa nhớ tới người yêu, cô Sao, đang bị giặc giam cầm:

Sao ơi! Em là con bướm trắng
Mắc giữa cành gai sắc dập vùi
Bao giờ em thoát đời tù ngục
Về với lũ làng múa hát vui

Rin nuối tiếc vì đã không còn được trở về quê Hùng uống nước dừa và gặp người con gái đẹp, người yêu của Hùng, Rin nghĩ về mối tình đoàn kết Kinh Thượng:

Thôi, những người con dân tộc
Sẽ thay Rin đi uống nước dừa
Nước ngọt như mối tình Kinh Thượng
Gạt hết hiềm thù cay đắng năm xưa

Kẻ thù man rợ tra tấn Hùng và Rin và chúng thiêu sống các anh. Giọng thơ Thu Bồn vừa đau đớn vừa hào sảng:

Sợi dây trói cháy thành tro bụi
Nhưng tim anh hùng còn đập giữa khói đen
Hai ngọn đuốc rùng rùng tiến lại
Cái chết đâu làm ta phải yếu hèn

Lửa rực hai khuôn mặt bầu rạng rỡ
Hai vòng tay lửa siết vào nhau
Người anh em ơi ! Đây là lời của Đảng
Gắn bó đến cùng cả lúc thương đau

Hai chiến sĩ hy sinh rồi, Thu Bồn đã miêu tả một cách thật gợi cảm sống động nỗi đau thương uất hận. Đây là của con người:

Ơi ới tiếng người tiếng cồng gào thét

Và của cảnh vật:

Dừa réo lên vuốt cong ngàn tia kiếm

Loài vật cũng tỏ thái độ:

Con hổ gầm rung vách núi
Bầy voi đi phun nước trắng dòng sông

Tình thương yêu của dân làng với hai chiến sĩ người Kinh và người Thượng khiến linh hồn các anh luôn được sưởi ấm:

Lệ dân làng thấm sâu vào đất
Ủ nóng hai anh giữa núi đồi
Hãy nhận lấy những hoa rừng đẹp nhất
Cả quê hương vùng dậy kia rồi

Toàn bộ đoạn trích trong sách giáo khoa hay từng câu từng chữ, từng hình ảnh. Nhưng tôi thấy Thu Bồn đặc biệt xuất thần trong đoạn kết:

Chim Chơ rao ơi! Bay về buôn vắng
Báo tin buồn đi khắp mọi nơi
Mặt trời đã rụng hai tia nắng
Rừng Tây Nguyên lửa đỏ sáng ngời

Người ta thường ví kẻ thù là bóng tối, bóng đêm và cách mạng là ánh sáng, ánh nắng. Ví hai chiến sĩ cách mạng người Kinh và Thượng như hai tia nắng nhà thơ muốn nói: họ là những người góp phần làm nên ánh sáng, nắng ấm trong cuộc đời này. Họ đã hy sinh, như hai tia nắng rụng nhưng ánh sáng, nắng ấm của cách mạng thì còn mãi. Sự hy sinh của hai anh càng làm ánh lửa của tinh thần bất khuất của người dân Tây Nguyên thêm rạng rỡ.

 Bài ca chim Chơ rao để lại trong tôi ấn tượng về tài thơ độc đáo của Thu Bồn. Tuy câu chữ, hình ảnh không mới lạ nhưng đọc lên thấy cả một không khí Tây Nguyên đầy bi tráng, giọng thơ cuồn cuộn như nước sông Ba… Sau đó tôi còn được nghe nhiều chuyện về ông. Chuyện ông cõng con vượt Trường Sơn ra Bắc, chuyện càng uống rượu nói càng hay và những mối tình thường xuyên thay đổi của ông. Đến khi Thu Bồn vào Sài Gòn rồi về Bình Dương đóng đô ở suối Lồ Ồ thì tôi mới có dịp gặp. Lúc ấy tên tuổi nhà thơ, đại tá Thu Bồn lan rộng cả dải đất miền Đông. Ông đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, giao tiếp bằng rượu, thơ và… cải lương cùng vợ ông, nghệ sĩ cải lương Lý Bạch Huệ biểu diễn. Ở Đồng Nai, vợ chồng ông thường tham gia sinh hoạt ở Hội Văn nghệ. Các buổi họp mặt anh em văn nghệ Đồng Nai, lễ mừng thọ nhà văn Hoàng Văn Bổn 70 tuổi, các trại sáng tác do Hội văn nghệ tổ chức tại Đà Lạt đều có mặt. Ông có mối quan hệ thân thiết với nhiều anh em văn nghệ Đồng Nai, trong đó nhà văn Hoàng Văn Bổn là bạn viết cùng trang lứa. Ngoài ra còn có các cây bút đàn em khác như Nguyễn Đức Thọ, Phạm Thanh Quang, Xuân Bảo, Hiền An Giang, Đặng Minh Hân, Hải Ba… đều coi ông như người thầy, người anh. Ông đã từng giới thiệu chất lính trong thơ Phạm Thanh Quang, phóng xe đến nhà Hải Ba để lấy bài thơ in trong một tuyển tập, uống rượu và nói chuyện văn cùng nhà văn Nguyễn Đức Thọ. Các cây bút Đồng Nai vẫn nhớ những lời nhận xét thẳng thắn, thấu lý đạt tình của ông về thơ trong trại sáng tác ở Đà Lạt năm nào. Trên dọc đường đi và khi tới Đà Lạt ông gặp từng người trao đổi về sáng tác của họ nhằm giúp anh em văn nghệ nâng cao chất lượng thơ lên. Vợ chồng ông còn rất thân thiết với Trường trung học sư phạm Đồng Nai, Sở giáo dục đào tạo Đồng Nai, đã từng đi biểu diễn giao lưu ở một số trường trong tỉnh. Không chỉ giới văn nghệ sĩ, các nhà giáo mà cả những người làm kinh tế cũng biết đến Thu Bồn. Ông là một nhà thơ đầy cá tính. Vóc dáng cao lớn, tóc bạc phơ phủ kín gáy, giọng Quảng Nam đặc sệt. Ở ông, người ta vừa thấy sự tinh tế, thông minh, tài hoa của một người có tầm văn hóa sâu rộng lại vừa đậm chất Tây Nguyên: bộc trực, chân thật, hoang dã… Sự tinh tế, tài hoa thể hiện rõ nét trong bài thơ Tạm biệt, một tuyệt bút của ông. Bao nhiêu người làm thơ về Huế, về sông Hương thấy ở sông Hương dòng sông thơ mộng, trữ tình. Nhưng ít người như Thu Bồn, phát hiện ở dòng sông này cái khía cạnh văn hóa, lịch sử:

Con sông dùng dằng con sông chẳng dứt
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Con sông chảy vào lòng tạo nên nét thâm trầm, sâu lắng, dịu dàng của xứ Huế, con người Huế.

Chất Tây Nguyên thì đã thành gốc rễ của đời ông. Đến nhà Thu Bồn chúng ta sẽ thấy cả Tây Nguyên giữa đồi núi Bình Dương. Một căn nhà rông với đủ gùi, rựa, cồng chiêng, rượu cần. Nghe đâu bằng sức lao động của mình ông đã dựng nên căn nhà này, Thu Bồn rinh cả Tây Nguyên về nhà ông. Còn chất bộc trực, chân thật thì nhiều người phải ngạc nhiên, buồn cười. Ông đã không ưa ai thì nói vỗ vào mặt, không ngại ngùng nể nang, nhưng ông lại là người rất tình nghĩa, quý trọng nghĩa tình đồng đội, quý trọng bạn văn.

***

Cuộc đời và tác phẩm của Thu Bồn là một minh chứng cho sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với nhân dân, với Tổ quốc và cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhờ sự gắn bó đó Thu Bồn đã có hàng chục tập trường ca, thơ, tiểu thuyết, tiểu luận có giá trị. Sinh ra ở quê hương Quảng Nam, nhập ngũ từ năm 16 tuổi, tập kết ra Bắc trở về chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên vào năm 1960, anh bộ đội Hà Văn Trọng đã viết nên bản  trường ca Bài ca chim Chơ rao. Cái bút danh Thu Bồn có từ đó. Cánh chim Chơ rao đã đưa Thu Bồn ra nước ngoài nhận giải thưởng Văn học Á-Phi, đưa thẳng Thu Bồn vào Hội nhà văn Việt Nam, chẳng phải qua thủ tục hai người giới thiệu. Thu Bồn trở lại Tây Nguyên tiếp tục sáng tác và sau đó trở ra Hà Nội làm giáo vụ ở trường viết văn Nguyễn Du (cùng nhà văn Phan Tứ). Với năng khiếu bẩm sinh cộng với sự trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm văn hóa Thu Bồn luôn có một bút lực dồi dào. Tiếp theo Bài ca chim Chơ rao, ông đã viết nhiều trường ca và tập thơ, tiểu thuyết và tập sách cuối cùng của ông là tập tiểu luận Đánh đu cùng dâu bể. Con người sức vóc ấy, hăm hở đi, hăm hở viết, hăm hở làm kinh tế vườn đã phải dừng lại ở cột mốc 69 tuổi vào ngày 17/6/2003. Sau chuyến đi thực tế Tây Nguyên bị đột quỵ, ông yếu dần. Ngày Hội thơ Việt Nam đầu tiên ở Đồng Nai tổ chức ở Trung tâm văn hóa tỉnh, ngồi cạnh giáo sư Trần Thanh Đạm, ông còn gật gù khen nghệ sĩ Hồng Vân ngâm bài thơ Tạm biệt hay. Khi bước lên bục để chụp ảnh chân ông cất bước nặng nề, nhọc nhằn. Một thời gian sau trong buổi liên hoan tổng kết ở Hội văn nghệ Đồng Nai ở khách sạn 57 tôi để ý thấy ông buồn lặng lẽ không nói.

Bây giờ ông đã về trời. Cuối năm 2002 chúng ta mất nhà thơ lớn Tố Hữu, đầu năm 2003 nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi ra đi. Giữa năm 2003 nhà thơ Thu Bồn rời khỏi cõi đời. Một thế hệ nghệ sĩ cách mạng đã từng góp phần làm hưng phấn cả dân tộc trong chiến tranh và cách mạng lần lượt ra đi. Nhớ đến ông tôi nhẩm đọc câu thơ tuyệt vời của ông viết về cái chết:

Mặt trời đã rụng hai tia nắng

Mỗi nghệ sĩ chúng ta bằng tác tác phẩm của mình đã chiếu rọi vào tâm hồn, trí tuệ người đọc. Cái tia nắng lộng lẫy có tên Thu Bồn ấy đã rụng xuống nhưng ánh sáng từ những vần thơ của ông thì còn mãi.

BÙI QUANG TÚ
Nguồn: Văn Nghệ số 30/2019

TIN KHÁC:



Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

NHÀ VĂN HỒ ANH THÁI: MỘT MÌNH QUA ĐƯỜNG

Người đàn ông này không thuộc về bất cứ đám đông nào. Và dường như anh không có thú vui nhậu nhẹt của đàn ông. Có người nói anh yêu vẻ cô đơn đẹp đẽ của mình. Anh như một hòn đá chìm trong lòng suối sâu, phải ngắm rất lâu ngày nước lặng mới gặp. Nhưng chỉ cần mỗi tác phẩm mới của anh xuất hiện, ngay lập tức có những dư luận trái chiều.
Nhà văn Hồ Anh Thái

Người khen cũng nhiều, kẻ chê cũng lắm. Nhưng tuyệt nhiên không có những lời nổi đoá hay thanh minh. Im lặng sống. Im lặng viết. Một mình. Chỉ có những con chữ xôn xao...

Đầu năm 2008, Hồ Anh Thái trả lời tạp chí Văn hoá Phật giáo: "Khi mới đến Ấn Độ, tôi vẫn còn nóng tính lắm. Ỷ mình có chân lý, nhiều khi không chịu ai, đấu tranh với xung quanh, từ sếp cho đến ông lái xe trong cơ quan. Việc không chạy thì "trị" cả người bản xứ cho đến khi việc được làm đúng mới thôi.

Người ấn rất tốt nhịn, cộng với ý thức đẳng cấp mấy nghìn năm khiến họ có lối sống khoan dung, bình yên, bất bạo động. Nên hiểu rằng tính cách ấn hoàn  toàn trái ngược với những vụ việc của các tổ chức ly khai, khủng bố, gây mất ổn định. Rất tự nhiên, dần dà mình cũng thiền đi, và khi trở về Việt Nam, chất ấn Độ đã ngấm vào tôi từ lúc nào.

Hầu như tôi không nhận lời đăng đàn diễn thuyết, hoặc giao lưu với độc giả. Trước mọi sự bao giờ cũng tự dặn mình, không đôi co tranh cãi, không hơn gì nhau câu nói. Quyền lợi chia bôi, nhường mọi người nhận trước. Người ta ghen ghét, đố kỵ, bịa đặt công kích mình hoặc làm ác với mình, cứ lấy sự ôn hòa mà đáp lại. Ôn hòa, cũng bởi vì tin vào điều nhà Phật nói: những người ấy trong đời tự họ đã và sẽ phải chịu luật nhân quả rất nặng nề rồi...".

Đã có người nói anh nói "xạo", bằng chứng là bằng cách này hay cách khác, anh vẫn muốn phản bác lại những gì người ta nói về mình không chính xác. Như một cách "đáp trả" với những bài viết không thiện cảm về cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh "Đức Phật, nàng Sivitri và tôi". Nhưng tôi tin là anh nói thật, bởi Hồ Anh Thái không phải là người sợ dư luận.

Anh chỉ muốn bảo vệ đứa con của mình trước những đòn roi mà thôi. Những đòn roi ấy anh biết trước nó sẽ xảy ra, nhưng không thể nào ngăn được. Tác phẩm và dư luận, người khen kẻ chê, người ghét kẻ yêu, nó như sau buổi sáng sẽ có buổi chiều. Chuyện bịa đặt, công kích đến với Hồ Anh Thái không chỉ một lần.

Chẳng hạn như chuyện một ngày đẹp trời rất nhiều người là bạn bè anh nhận được một tin nhắn rất vô văn hoá của một kẻ giấu tên nói rằng anh phải vào bệnh viện vì những lý do rất... kinh khủng, trong khi anh đang đi du lịch nước ngoài. Hay một người nào đó suốt ngày nhắn tin chửi mắng anh chỉ vì một việc anh làm không đúng ý họ.

Cuộc tấn công bằng tin nhắn ấy nhiều ngày sau vẫn không chấm dứt. Thế nhưng, Hồ Anh Thái đã không "phản đòn". Sự im lặng của anh có lẽ cũng là một câu trả lời.

Hồ Anh Thái sống một mình trong căn nhà nhỏ, lối đi vào phải dắt khéo mới được một chiếc xe. Anh hiếm khi mời ai về nhà. Có thể coi đó là "tổ kén", hoặc là "nơi trú ẩn" của anh. Căn nhà nhỏ, các lối đi âm u, đường lên cầu thang lành lạnh, chiếu nghỉ là chỗ xếp đầy giá và chân nến, như thể một thứ nghi lễ.

Anh sống trọn vẹn trên căn gác, với bốn bề là sách và băng đĩa. Sách tiếng Anh, sách ấn Độ nhiều. Mảng đồ sộ là sách văn hoá ấn Độ, trong đó của nả khá lớn là những cuốn thơ cổ ấn Độ. Và những cuốn sách của anh, cả tiếng Việt, cả tiếng Anh được xếp gáy đều tăm tắp. Trước tivi là một rổ đĩa phim cực lớn. Hồ Anh Thái có một tiệm đĩa quen tút hút trên một căn gác sâu phố Hàng Bài.

Mỗi khi có đĩa phim mới, phim độc, chủ tiệm đĩa lại nhắn tin cho anh. Ba chục phút sau, anh có mặt, ngồi mân mê chọn lựa, phim nào hay mua cho bằng hết, có phim mua vài chục đĩa, hôm sau đóng gói đem biếu bạn bè. Hồ Anh Thái xem rất nhiều, từ Oscar cho đến Cành cọ vàng, từ bom tấn Mỹ đến phim Iran, từ hoạt hình Nhật Bản cho đến phim bộ Hàn Quốc.

Thế nên không có gì lạ lẫm khi thấy anh xem cả "Những đứa trẻ thiên đường" với "Bản tình ca mùa đông". Và cũng không có gì ngạc nhiên khi anh sẵn sàng tiếp nhận cả sang lẫn sến, cả những ngôn ngữ điện ảnh bậc cao cho đến drama tình - tiền  - tù - tội đẫm lệ sầu Hàn Quốc. --PageBreak--

Có thể đó là cách để anh không tách bỏ mình khỏi đời sống. Và cũng có thể là một thứ giải trí trong giờ tập thể dục buổi chiều, trên chiếc xe đạp anh đặt ở góc phòng. Không ai biết Hồ Anh Thái vui hay buồn với cuộc sống ấy. Chỉ biết rằng anh đã ở đó, tĩnh tại như thế trong nhiều năm, sống và viết, tác phẩm ra đều đặn, tác phẩm nào cũng xôn xao.

Trong căn phòng bộn bề sách của Hồ Anh Thái có một gia tài quý giá mà tôi nghĩ rằng hiếm có người Việt nào có được, đó là bộ băng đĩa trọn vẹn tiếng hát NSND Lê Dung. Những chiếc băng cassette cũ được thâu lại, có cái từ Đài Tiếng nói Việt Nam, có cái từ các album cũ.

Hồ Anh Thái yêu mến tiếng hát Lê Dung vì lẽ gì, đã nhiều lần tôi định hỏi. Nhưng rồi thôi. Bởi rốt cùng, vì lẽ gì thì cũng đâu cần, chỉ nhìn cái gia tài kia là biết lòng người, như cách người ta nâng niu một chú họa mi.

Tôi nhớ khi đám trẻ chúng tôi nhìn thấy những cái băng của Lê Dung, Hồ Anh Thái như thể muốn vội ôm lấy, như thể sợ rằng trong chốc lát tình yêu ấy sẽ bị chúng tôi chiếm đoạt và mang đi mất...

Về sau thì tôi hiểu, Hồ Anh Thái có một niềm vui là đi sưu tầm các ấn phẩm văn nghệ hay và muốn giữ lại thành bộ sưu tập. Cái gì hay anh sẽ chia sẻ với mọi người bằng cách... mua thêm để tặng chứ không cho mượn.

Với đám viết trẻ, có lẽ Hồ Anh Thái là một người anh nhiệt tình. Khi anh "tung hô" Nguyễn Thế Hoàng Linh như một thiên tài, bị không ít người mỉa mai và cho rằng anh đang làm công việc đánh bóng một thỏi vàng chưa đủ tuổi. Về một mặt nào đó, những lời ngợi ca của anh dành cho cậu thanh niên trẻ đã gây hiệu ứng với bạn đọc.

Nhưng nó chính là một gánh nặng cho người viết ấy. Anh ta sẽ phải gánh vác hai chữ thiên tài trong suy nghĩ và thể hiện trước mọi người. Nhưng, với Hồ Anh Thái, đã yêu ai là yêu hết lòng, giúp bằng mọi nhẽ. Anh thấy việc làm của mình là phải đạo thì sẽ làm đến cùng.

Tôi nghĩ rằng, có thể anh chỉ nghĩ đơn giản đến việc giới thiệu được một tiềm năng mới sau nhiều năm văn học buồn tĩnh lặng. Và anh làm công việc đó như anh vẫn từng làm, âm thầm gom nhặt những tác phẩm mới có ít nhiều sáng tạo để gom thành một tập sách.

Hay đọc được một cái gì lý thú trên mạng, ngay lập tức anh gửi file tới tất cả bạn bè trong list địa chỉ email. Hay như khi đọc một truyện ngắn mới, thấy phù hợp với một cuộc thi truyện ngắn trên báo, anh âm thầm gửi tới người biên tập, khi báo đăng lên anh lại âm thầm đi lấy nhuận bút rồi ra bưu điện gửi cho tác giả.

Và đến khi truyện ngắn đoạt giải, anh lại là người tất tả gọi điện chia vui, như thể chính anh mới là người được giải vậy! Khi tuyển cuốn truyện ngắn "Văn mới 5 năm đầu thế kỷ", Hồ Anh Thái có đề nghị tôi gửi cho anh một truyện ngắn. Anh đọc rất nhanh, bôi đỏ choe choét trên bản thảo. Anh đề nghị tôi sửa. Anh nói, nhà văn phải là người sáng tạo ngôn ngữ, phải dùng từ ngữ cho thật chuẩn.

Và khuyên, dù không có hứng cũng phải tập cho mình một thói quen, mỗi ngày viết một đến hai tiếng. Văn chương cũng cần sự kiên trì tập luyện. Lời khuyên của anh đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được, dù tôi biết đó là sự thật, bằng chứng là chính anh với tác phẩm ra đời đều đặn hàng năm.

Khi tôi viết bài này thì Hồ Anh Thái đang chu du tận Thụy Điển. Những chuyến đi nước ngoài với anh như một nhu cầu thường xuyên. Có khi là công việc. Nhưng cũng có khi là đi chơi. Anh đi nhiều. Và đi một mình. Tôi cho rằng, anh là người cảm nhận rõ nhất sự cô đơn, đến mức nhận ra được vẻ đẹp của nó.

Những ngày Tết, anh thường trốn đi đâu đó một mình. Anh nói, cảm giác một mình ở một nơi xa lạ, không quen biết ai, tự mình tìm hiểu và sống trọn vẹn với chính mình là một cảm giác không tồi. Chuyện về Hồ Anh Thái quả là những chuyện mơ hồ. Không ai biết về gia đình, vợ con anh.

Cũng không ai biết anh đang làm gì. Khi viết là anh tắt điện thoại. Như một thứ kỷ luật để hết mình với những con chữ. Hồ Anh Thái đang viết một cuốn tiểu thuyết mới. Anh không nói về cuốn tiểu thuyết của mình. Đã có người đặt ra câu hỏi xung quanh chuyện đời riêng của anh.

Nhưng tôi lại không muốn bắt đầu viết về anh theo con đường ấy. Mỗi người có quyền giữ cho mình những khoảng riêng cần thiết. Họ không muốn cho ai biết. Và họ không cần ai biết. Vậy hãy để họ được sống cho chính mình. Tôi chỉ biết cảm giác đón đợi những tác phẩm của anh là có thật. Và sự đón đợi ấy minh bạch, công khai...

THIÊN Ý
Nguồn: ANTG



Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

PHẠM PHƯƠNG LAN - XÁC TÍN LỜI RU

Ai cũng biết làm cả một tập thơ tình là rất khó, nếu không tinh, dễ bị lặp trạng huống, mô típ. Khâu tình là một nỗ lực của Phạm Phương Lan, hy vọng những mũi khâu đan của chị cho tấm thảm thơ, cho tấm thảm tình yêu… ngày càng đẹp lên.
Nhà thơ Phạm Phương Lan

Cái tựa sách Khâu tình của Phạm Phương Lan quả khiến cho người đọc có một chút tò mò.

Tình của nàng ra sao nhỉ, nó “rách” thế nào, và cái sự khâu tình là lạ, nghe cũng có vẻ đa đoan rồi. Nàng khâu được không đây? Bởi, tình yêu không phải lúc nào cũng cơm ngon canh ngọt như người ta mơ ước, nhất là với những người đẹp, lại có cá tính mạnh mẽ?

60 bài thơ trong Khâu tình, chủ yếu là thơ tình; một đôi bài viết về mẹ, tình mẹ; một vài bài viết về mùa, mùa thu, vận khí của trời đất trong “thời tiết yêu”, nhiều mơ ước… Và ở đây, Phương Lan sử dụng khá nhiều thơ ngũ ngôn truyền thống, theo lối “thung thăng” kể dẫn và vần điệu, giàu nữ tính, nhiều cảnh ngộ, tình huống, buồn vui giằng xé trong những đợi chờ, nhớ nhung, thất vọng và hy vọng như là thuộc tính của người phụ nữ đa đoan, yêu thương diết dóng.

Nhưng thực ra, tình yêu ở Khâu tình không đến mức chao chát, “ngầu” và “phơi tông” như tôi tưởng ban đầu mà nó “da diết lành”, nữ tính và hồn hậu hơn; như Em & ngày không anh chẳng hạn: “Ngày không anh và gió/ Nắng hờn đôi môi xinh/ Tóc loà xoà sợi nhỏ/ Vương mắt nào long lanh”. Hờn một chút xíu thôi, với thi ảnh đẹp “Nắng hờn đôi môi xinh” và sau đó tự bộc bạch nỗi niềm tâm sự của mình trong bẫng lẫng trống vắng, dễ thương làm sao: “Em tâm hồn cỏ dại/ Em gót chân phố đông/ Lạc loài như cơn gió/ Giữa ngày hè không anh/ Lạc loài như cỏ dại/ Giữa phồn hoa thị thành”.

Thế mà anh không đến, thế là em lạc loài, dù đã “Hây hẩy tóc em thơm mùi tắm gội/ Nức những ái ân” (Thơm mùi tắm gội). Lại đây, một ngày không anh nữa nhưng là “Ngày mai không anh”, nghĩa là cái chưa đến, cái giả định của tình yêu, Phạm Phương Lan đã biểu lộ cảm xúc và trạng huống hiện tại của tương lai. Lúc ấy nàng thơ đang: “Khát cháy ruột gan/ Bờ môi khô vắng nụ cười vang/ Vắng nụ hôn nồng hương say cuồng dại/ Mái tóc mây sóng xoài thẫn thờ khờ dại”. Trong cảm giác cô đơn, trống rỗng vắng tình: “Em đi về phía ấy hương say/ Khật khưỡng ngày không anh/ Không tình yêu/ Không mây chiều/ Không lời hẹn hò, lả lơi luyến ái/ Không một sợi buồn vắt ngang cơn mưa rồ dại/ Chỉ có áng chiều rơi trên hai vai”. Đi mãi, đi mãi trong cái chiều tương lai lạ lùng, khát vọng và cô hoang ấy, đến nỗi: “Chiều nay/ Bờ môi vỡ rạn/ Hạn hán nỗi buồn, trống rỗng mi cay”.
Tập thơ "Khâu tình" của Phạm Phương Lan

Đến cả nỗi buồn cũng hạn hán, nhưng không khô héo đến tuyệt vọng, bởi có niềm tin tự tại và tiếp tục hy vọng: “Máu chảy mềm tim/ Em ở trong mình/ Ngực tràn hơi ấm/ Như lá hoa đón chờ làn sương ẩm”. Cái làn sương ẩm của tâm hồn, của tính nữ làm dịu đi “hạn hán nỗi buồn”! Chính vì có niềm tin yêu trong tình yêu, rộng lớn hơn là tin yêu vào tình người, mặc dù tình người trong xã hội đương đại cũng đang bị thách thức bởi sự vô cảm, bởi cái ác… làm băng hoại đạo đức xã hội ghê gớm; nhưng người thơ tự “trấn an” mình, tự ru cái sự lận đận, có màu sắc đa đoan, nhiều nếm trải của mình: “Ru tình nào sợi mây/ Ru đời làn môi ấm/ Ru ta thôi lận đận/ Vùi vào giấc mơ ngày./…/ Mi thèm giấc ngủ say/ Tóc thèm hương yên ấm/ Ta thèm mùa sâu đậm/ Giọt yêu thương vơi đầy” (Giọt yêu thương vơi đầy).

Cả đây nữa, dù có nếm trải cay đắng thế nào thì xác tín của lời ru, tức sự tĩnh tại và niềm tin vào cái tình, cái đẹp… thêm một lần được Phạm Phương Lan khẳng định rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, mà vẫn “ngào ngạt” hương vị cuộc đời: “Ru tình nhé một đời ngào ngạt/ Ru mình nhé dẫu lòng tan tác” (Trầm tích không lời). Thơ tình Phạm Phương Lan nhiều ru, nhiều say, nhiều mùa bảng lảng, nhiều thảng thốt của trái tim dịu dàng, ẩn giấu “trầm tích” nữ hơn là sự “dấn thân” bạo liệt. Nói thế, không phải Phạm Phương Lan thiếu mạnh mẽ, thiếu nhiệt năng bùng cháy của tình yêu, và đây là một hiển lộ như vậy: “Em muốn là con sóng/ Vùi giấc ngủ mệt nhoài/ Sau đêm tình bỏng cháy/ Ai cứ cười mặc ai” (Tình ơi tha thiết).

Ai cũng biết làm cả một tập thơ tình là rất khó, nếu không tinh, dễ bị lặp trạng huống, mô típ. Khâu tình là một nỗ lực của Phạm Phương Lan, hy vọng những mũi khâu đan của chị cho tấm thảm thơ, cho tấm thảm tình yêu… ngày càng đẹp lên.

TRẦN QUANG QUÝ
(Lời tựa tập thơ Khâu tình)

TIN KHÁC:



BIỂU TƯỢNG “GIÓ” TRONG BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ CỦA PHAN HOÀNG

Nhân dịp trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng vừa được Ủy ban nhân dân TPHCM trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm lần thứ II, xin đăng lại bài viết nghiên cứu công phu sâu sắc của PGS.TS. Cao Thị Hồng từ Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học, Đại học Khoa học Thái Nguyên.
Nhà phê bình Cao Thị Hồng

Xuyên suốt trường ca Bước gió truyền kỳ(1) của Phan Hoàng là biểu tượng gióGió được coi như là trục vận hành chính, là tâm điểm phát sáng nhiều thông điệp. Gió hiện diện trong tác phẩm với vai trò nối kết năm phân khúc rõ rệt: Những ngọn gió vô danh/ Gió tiếp sức ước mơ/ Bước gió truyền kỳ/ Gió dựng thành lũy biên cương/ Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại. Ứng với mỗi bước gió là một chủ đề lớn hàm chứa những chủ đề nhỏ hơn. Đặt trong tổng thể của tác phẩm, tất cả cùng hòa âm - những âm thanh của tưởng tượng vang lên như một bè hợp xướng đa thanh, lắng nghe sẽ thấy dàn hợp âm vang lên lúc êm ái, dịu dàng, lúc hào hùng, dữ dội, lúc trầm lắng, suy tư, lúc xót xa, đau đớn, lúc tha thiết tự hào…  đó chính là những cung bậc cảm xúc của tác giả cũng như của bất cứ người con đất Việt nào khi ngược dòng thời gian, sống cùng những sự kiện lịch sử của dân tộc, dõi theo từng bước đi của sinh thể Mẹ - Tổ quốc từ thuở ông cha “mang gươm đi mở cõi” (Huỳnh Văn Nghệ) cho đến hôm nay.

Trong văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới biểu tượng gió có ý nghĩa khác nhau. Kinh Coran lấy các cơn gió làm sứ giả của Chúa Trời, tương đương với các thiên thần. Thần của Chúa Trời bay lượn trên mặt nước nguyên thủy được gọi là gió. Trong hệ biểu tượng Hindu, gió (vâyu) là khí vũ trụ và là lời Thượng đế; gió là chúa tể của lĩnh vực tế vi, trung gian giữa Trời và Đất. Theo các truyền thuyết Hindu về nguồn gốc vũ trụ trong Luật của Manu, gió được sinh ra từ thần linh và gió sinh ra từ ánh sáng. Thần linh được kích thích bởi ước muốn sáng tạo đã sinh ra không gian. Từ vận động của cái không trung này, đã sinh ra gió. Gió chứa đựng tất cả các hương trong sạch, mãnh liệt, có đặc tính của xúc giác. Trong các truyền thuyết của Kinh Thánh, những cơn gió là hơi thở của Chúa Trời. Hơi thở của Chúa đã đưa trật tự vào hỗn mang nguyên thủy, hơi thở đó đã đem lại sinh khí cho người đầu tiên. “Những cơn gió cũng là những công cụ của quyền lực thần thánh; chúng truyền sinh khí, trừng phạt, giáo huấn, chúng là những dấu hiệu và cũng như các thiên thần, chúng mang những thông điệp. Chúng là một dạng biểu hiện của thần linh, muốn truyền đạt những cảm xúc của mình”(2).

Dựa trên nền tảng quan niệm của văn hóa nhân loại về biểu tượng gió, với chủ đích mượn gió để gửi gắm thông điệp nghệ thuật, trong Bước gió truyền kỳ Phan Hoàng đã xây dựng biểu tượng gió theo cách riêng của trái tim nghệ sĩ đầy mẫn cảm với một trí óc tưởng tượng bay bổng, phong phú. Gió trở thành nơi phát lộ những bí ẩn của vô thức, của hành động, khai mở trí tuệ về cái chưa biết và cái vô tận. Gió gợi cho người đọc suy ngẫm về cuộc đời của mỗi người Việt Nam qua tầng tầng lớp lớp thế hệ. Và thân phận mỗi cá thể vô danh ấy gắn liền với mỗi bước đi nhọc nhằn của mảnh đất quê hương hình chữ S - nơi mỗi chúng ta chôn nhau cắt rốn, cất tiếng khóc chào đời. Chạm đến tình cảm thiêng liêng ấy nên gió trong tác phẩm của Phan Hoàng đã lay động tâm thức người đọc ở vùng thăm thẳm nhất. Thổi qua nhiều miền tối sáng suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nhưng không ồn ào mà rất khiêm nhường, điềm tĩnh, những Bước gió truyền kỳ đúng như tên gọi của nó đưa người đọc vào một hành trình kỳ lạ, vừa thực vừa mơ để khám phá những vẻ đẹp của văn hóa, khí phách và ý chí của dân tộc với nhiều cung bậc cảm xúc thẩm mỹ khác nhau.

Trong cảm thức của tác giả, gió là một biểu tượng luôn luôn động, luôn luôn biến hình hài, đổi trạng thái và mỗi bước gió là một sự tiến triển của đất trời, con người và vạn vật sinh linh…  

Mở đầu trường ca gió là tâm điểm hội tụ sức mạnh hồn thiêng dân tộc. Những ngọn gió vô danh gọi những linh hồn vô danh quần tụ, họ là những chàng trai và những cô gái mang trong mình “Ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân” Họ đã sống từ bao đời trước: Xác hóa mây bay hồn về đất mẹ/… Người từ ngàn năm người quên tên tuổi...” Nhưng chính những con người giản dị và bình tâm  ấy là những con người đã làm nên đất nước (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm).

Gió được thổi hồn và hiện diện như một sinh thể sống, gió là người và người là gió, gió quấn quýt, chia sẻ vui buồn cùng con người, gió mở đường bay, gió đồng hành cùng người từ những bước chập chững đầu đời, từ tuổi thơ hồn nhiên khát vọng truy tìm, khám phá những bí ẩn của cuộc sống. Với nhiều thủ pháp tu từ được sử dụng linh hoạt như dùng xen kẽ liên tục câu dài/ ngắn, câu khẳng định/phủ định, câu kể, câu cảm thán, câu hỏi…, âm hưởng chậm rãi, trầm lắng của khúc ca đưa mỗi chúng ta trở về với tuổi thơ của mỗi người và tuổi thơ của dân tộc. Đó là thời khởi sinh trong trẻo hồn nhiên, đầy ắp kỷ niệm ngây thơ êm đềm nhưng cũng đã biết “khóc người lớn cười/ cười người lớn khóc”. Từ thuở mới khai sinh lập địa, thuở hồng hoang mới biết hát đồng dao, người Việt Nam đã biết phân biệt phải/ trái, đúng/ sai, nuôi khát vọng, mơ ước, biết suy tư trăn trở tìm đường để hướng đến những giá trị sống cao đẹp: “bay đường nào con người bớt khổ đau?/ bay đường nào con người bớt nghèo đói?/ bay đường nào con người bớt phản trắc?/ bay đường nào con người tin được nhau? ”.  
   
Có thể nói bốn tiểu khúc trong phần Gió tiếp sức ước mơ: Gió mở đường bay/ Đồng giao nghịch gió/ Cuộc trò chuyện giữa gió và núi/ Gió tiếp sức ước mơ là những khúc đoạn vừa bay bổng, lãng mạn vừa giàu chất triết luận. Đáng chú ý là Cuộc trò chuyện giữa gió và núi được hình dung trong giấc mơ của người kể chuyện: “Nhiều đêm trong mơ ngược dòng ấu thơ đuổi bắt sao trời, ta trộm nghe núi mở lòng với gió”.

Các nhà phân tâm học cho rằng về ý nghĩa giấc mơ là sự thỏa mãn một ước vọng.  Theo S. Freud, ước vọng là yếu tố chính tạo nên giấc mơ, ước vọng bị dồn nén được thỏa mãn một cách tượng trưng và “trá hình” trong giấc mơ. Mọi giấc mơ là sự thực hiện tưởng tượng hay biểu tượng của ước muốn. Giấc mơ “nghe núi mở lòng với gió” của Phan Hoàng là một giấc mơ đẹp, lạ. Giấc mơ mang theo hình hài địa lý của Tổ quốc, có “Biển Đông, có đồng bằng, có con đường xuyên sơn ngoằn ngoèo”… giấc mơ tái hiện lịch sử bi hùng “một thời đội sấm đội chớp mở đường” của cha ông… Phải chăng thông qua giấc mơ về Cuộc trò chuyện giữa gió và núi tác giả trường ca Bước gió truyền kỳ muốn góp thêm tiếng nói khẳng định một giá trị thuộc về truyền thống văn hóa của những con người được nuôi dưỡng từ cái nôi của nền văn minh lúa nước trên dải đất hình chữ S: dẫu trải qua bao dâu bể thăng trầm và biến thiên của lịch sử, người Việt Nam luôn sống thuần phác, nhân hậu, bao dung, phóng khoáng,  luôn mong muốn “bắc yêu thương những nhịp cầu đồng dao!…” và “lấy cây rừng làm bút/ lấy đá núi làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng xanh…”. Đó là giấc mơ thấm đẫm khát vọng hòa bình và tự do, tinh thần ấy là sợi dây bền chặt “nối ngàn xưa cho đến mai sau”.

Khúc thứ hai cùng tên tác phẩm: Bước gió truyền kỳ - đây là khúc trọng yếu của thiên trường ca. Với những thức nhận sâu sắc về văn hóa, lịch sử dân tộc, tác giả đã tái hiện bức tranh hoành tráng về quá trình bảo vệ và khẩn hoang mở rộng bờ cõi của cha ông qua bốn tiểu khúc: Bước gió truyền kỳ/ Gió khẩn hoang/ Gió xuôi chín khúc sông rồng/ Tây Nam mùa gió chướng. Âm hưởng hào sảng, tha thiết tự hào bao trùm khúc ca. Câu thơ ngắn, dài, biến ảo linh hoạt, gợi hình ảnh;  nhịp điệu nhanh, dồn, mạnh mẽ và hối thúc. Biện pháp điệp từ, ngữ được sử dụng một cách triệt để và đắc địa. Quá khứ lịch sử dân tộc với những bước chân huyền thoại thuở hồng hoang trở về rõ mồn một sau từng câu chữ…
Trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng

Như sự đặt để của số phận, dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc phải đối mặt với nhiều cuộc chiến tranh nhất để mở cõi và giữ nước. Trong kết tinh của đất và nước có rất nhiều máu, mồ hôi và nước mắt: “máu/ máu/ máu/ mở cõi/ máu/ máu/ máu/ giữ nước… lớp lớp người/ tay cuốc tay cày/ lớp lớp người/ tay chèo tay lưới/ chém cá tràng kình/ mắt xua mây xám biển Đông/ lưng bóng nắng/ mồ hôi lạnh/ ngực dằn cơn ho cơn sốt…/ chân ngăn từng dòng nước khách lũ/ vật vã/ kiên trì/ tự lực/ khẩn hoang”… âm hưởng của lời ca nghe như có tiếng nấc, như có tiếng khóc, xót xa nhưng không hề bi lụy… Hiện lên trước mắt người đọc là trùng trùng lớp lớp những con người bé nhỏ, vô danh nhưng dũng cảm gánh trên vai một sứ mệnh lớn lao mà lịch sử dân tộc giao phó. Cuộc thiên di về phương Nam nhọc nhằn, gian khó nhưng những con người lao động chỉ có tay cuốc, tay cày, tay chèo, tay lưới cùng với ý chí kiên cường, đức nhẫn nại, hy sinh của người dân nước Việt. Họ đã làm nên truyền thống, làm nên lịch sử cho xứ sở này - truyền thống ấy mãi mãi âm vang bước gió truyền kỳ, tạc khắc trong hiên ngang dáng núi, bao dung tình sông

Xét trong chỉnh thể của tác phẩm, như bản nhạc vang ngân, khi tiểu khúc Bước gió truyền kỳ và Gió khẩn hoang với âm hưởng hào hùng, bi tráng “cuồn cuộn chuyển động sắc màu vũ trụ” tạm lắng xuống, thì tiểu khúc Gió xuôi chín khúc sông rồng vang lên với âm hưởng chậm rãi khoan thai, có những nốt lặng lắng sâu nhiều suy tư về cuộc sống “phía sau nỗi đau trận mạc”.

Đất nước hòa bình, con người lại trở về với những giấc mơ hoa đời thường mà do chiến tranh ngăn trở nên đã không thể thực hiện. Hạnh phúc đáng nói nhất là “tình yêu lứa đôi không còn bão lửa cắt chia”. Tâm điểm của bức tranh hòa bình là hình ảnh quấn quýt hòa trộn nhau thắm thiết, nồng nàn của đôi lứa yêu nhau được Phan Hoàng phác họa sinh động mang sắc màu “nhục thể lành mạnh” (F.Engels): “Thịt da nhiệt đới/ hừng hực ngực lửa/ hừng hực đùi hương/ bềnh bồng suối tóc/ bồng bềnh môi trầm/ bềnh bồng mông núi/ bồng bềnh lạch hoa/ bồng em lốc xoáy/… em làm vợ ta làm chồng/ yêu nhau thì cứ bềnh bồng bập bênh”. Ở đây  khát vọng hướng đến những giá trị nhân bản, nhân văn nhất của con người được thành thực trải lòng. Kiến tạo văn bản theo một sơ đồ chủ ý trộn lẫn giữa truyền thống và hiện đại nên có lẽ vì vậy trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng đã không bị sa vào khuôn mẫu xơ cứng, đơn điệu của kiểu viết trường ca theo “cảm hứng sử thi” đầy sắc màu “lý tưởng” tạo khoảng cách quá xa vời giữa con người trong tác phẩm và con người của cuộc sống đời thường.

Thế giới nghệ thuật vốn bao giờ cũng là thế giới trung gian giữa thực tế và mơ mộng. Nhiều khi thế giới thực không thỏa mãn được ước vọng của người đời, thế giới mơ tưởng có thể thực hiện được những ước vọng đó. Và ở khúc đoạn này, Phan Hoàng đã thành công khi mơ một “giấc mơ sinh trưởng” lãng mạn nhưng cũng rất chân thực với cách diễn đạt tưởng chừng tưng tửng, dí dỏm, nhưng ám gợi sâu sắc tâm thức người tiếp nhận.

Phần thứ ba mang tên Gió dựng thành lũy biên cương gồm ba tiểu khúc: Linh hồn gió/ Gió cõng hương qua núi đồi/ Gió dựng thành lũy biên cương.

Chiến tranh dẫu đã đi qua, nhưng trong mỗi ngày của cuộc sống hòa bình những ám ảnh, đau thương mất mát vẫn nhức nhối khôn nguôi, “cái ác mang mặt nạ hữu nghị viển vông” vẫn lởn vởn. Đêm đêm linh hồn của những chàng trai, cô gái “hồn phách tinh anh mỉm cười bước ra chuyện trò cùng với gió (…) bao linh hồn trẻ hóa gió hiên ngangcanh giữ giấc ngủ bình yên đất mẹ”. Đến đây, gió trở thành biểu tượng của sức mạnh tâm linh huyền diệu, thần kỳ. Sức mạnh ấy được khởi nguồn từ tình yêu đất nước của lớp lớp thế hệ đi trước, họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân vì bình yên của mảnh đất này, vì “cuộc sống những đứa trẻ không còn mồ côi đói khát…/ mùa trăng mật dâng hiến lứa đôi/ mùa sinh nở dâng tặng tiếng khóc những ngôi sao hy vọng...”. Trên nền âm hưởng trầm lắng, man mác buồn, hoài niệm, tiếc thương người đã khuất, nổi bật hình tượng Gió cõng hương qua núi đồi thấm đẫm sắc màu kỳ ảo: “Dường như có bóng ai lướt nhanh trong màn sương đục/ bóng của hôm qua bóng của hôm nay hay bóng của mai sau? gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc/ gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?”. Trước thế giới tâm linh thiêng liêng, những dấu hỏi như găm vào lòng người sống hôm nay bao ngẫm ngợi, suy tư, khắc khoải về thân phận con người…

Với độ lùi thời gian, điềm tĩnh nhìn lại những “bước gió” bi hùng của lịch sử dân tộc, tác giả trường ca xác quyết một sự thật: “không dân tộc nào/ không đất nước nào/ hiếm hoi thế hệ bình yên/ nối nhau quẫy đạp bóng đêm/ đứng lên” như dân tộc Việt Nam; và “không dân tộc nào/ không đất nước nào/ oằn vai/ gánh/ mười bốn cuộc chia ly không hẹn ngày về/ không dám bày tỏ nỗi niềm nhớ thương/ không biết cha con đối đầu/ không ngờ anh em bắn nhau/ máu đỏ oán sông/ xương trắng hờn than núi/ bao tinh hoa hóa thành cát bụi/ bao bà mẹ tim ngừng đập vẫn mở mắt đợi con/ bao người vợ úp mặt chờ chồng lửa lòng đông cứng!”. Chiến tranh là máu và nước mắt, là cái chết, là chia ly, tan tác, chia lìa. Người dân đất Việt đâu có mong muốn chiến tranh, nhưng “cực chẳng đã” buộc phải đứng lên để “giành lại từng dấu chân giao chỉ/ giành lại từng viên đá cuội in bóng chim lạc chim hồng/ giành lại từng hạt cát mang hình đảo chìm đảo nổi/ giành lại từng tia sáng cánh cò cánh vạc/ giành lại từng tiếng khóc bình yên tao nôi” . Và dòng hào khí kết tinh từ tinh hoa của lớp lớp người mãi trường tồn, vút bay cao “hóa thân bước gió truyền kỳ, cùng những vì sao nhấp nháy nhấp nhổm nụ cười” để làm nên Những cơn vượt thoát sinh tồn vĩ đại của dân tộc.

Nếu quan điểm của tư duy lý luận hiện đại cho rằng chức năng cơ bản của biểu tượng là sự phát hiện hiện sinh của con người cho chính mình thì ở Bước gió truyền kỳ biểu tượng gió giúp người đọc nhận ra chính bản thân mình từ những phát hiện về phẩm chất của dân tộc từ góc nhìn nhân văn nhất về lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt. Xoay xung quanh biểu tượng này chúng ta có thể suy ngẫm để khám phá nhiều ý nghĩa về thực tại cuộc sống: đó là mối quan hệ ràng buộc và những ứng xử mang giá trị văn hóa sâu sắc giữa cá nhân và cộng đồng, cộng đồng và cá nhân… Sử dụng biểu tượng gió như một thủ pháp nghệ thuật để thể hiện những ẩn dụ cảm xúc từ trìu mến, yêu thương thiết tha nhất đến giận dữ, uất nghẹn, sôi sục nhất, tác giả Phan Hoàng đã thành công trong lối dẫn dụ người đọc đi vào thế giới cảm xúc cùng những suy tư về văn hóa, lịch sử và vận mệnh của dân tộc một cách tự nhiên trên tinh thần “tự cảm hóa”. Với cách xử lý nghệ thuật khéo léo, tinh tế, sáng tạo, trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng đã vượt qua giới hạn của lối tư duy tụng ca về những vấn đề đại tự sự một cách đơn giản, sáo rỗng, vô hồn, thiếu thuyết phục mà bạn đọc vẫn còn bắt gặp đó đây trong sáng tác hôm nay. Và đó chính là một trong những nguyên nhân sâu xa, cơ bản nhất khiến tác phẩm này hàm ẩn nhiều thông điệp nghệ thuật, tiếp tục “vẫy gọi” bạn đọc đồng sáng tạo.

Tháng 3.2016
PGS.TS. CAO THỊ HỒNG
(Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học,
Đại học Khoa học Thái Nguyên) 

Chú thích:

 (1) Phan Hoàng, Bước gió truyền kỳ, Nxb. Hội Nhà văn, 2016.
 (2) Jean Chevalier, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997, tr.363.     



Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

NGUYỄN TẤT NHIÊN - THÀ NHƯ GIỌT MƯA VỠ TRÊN TƯỢNG ĐÁ

Tài hoa một cách kỳ diệu trên sáng tác, một cách ngông nghênh của thi sĩ, và cái nhìn tình yêu bằng đôi mắt châm chọc, đập vỡ cả não cân xé tung cả thân xác… để so sánh bản thể si mê ngập ngụa điêu tàn. Trong khối tình mà Nguyễn Tất Nhiên bắt phải dại khờ vì ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh…

Cách đây hơn 40 năm, những năm đầu thập niên 70, trong giai đoạn đất nước dầu sôi lửa bỏng, những tác phẩm phản chiến được phát triển rầm rộ. Một phần, trước cuộc chiến càng ngày càng leo thang một cách cùng cực, sinh mệnh người dân như tấm bia thử nghiệm cho những thể chế, không biết ngày nào hy vọng bình yên trở lại quê hương. Một phần sự loạn ly làm đình trệ tư tưởng, đời sống và văn minh văn hóa khoa học, đem lợi ích phát triển hơn là sự tàn phá nghiệt ngã vô ích. Thơ văn là tiếng nói của người làm văn nghệ, được bày tỏ bằng những bức xúc, chứa đầy cảm năng đối thoại với chiến tranh đang phủ chụp khắp xóm làng. Thật vậy, nghệ sĩ với lửa con tim đều biểu lộ bằng những sáng tác trên hội họa, văn chương, âm nhạc,…Trịnh Công Sơn là một hình ảnh tượng trưng về nét phản chiến thực tiễn trong những thập niên 60-70. Chuỗi tác phẩm của Trịnh Công Sơn đã ghi lại những dấu ấn siêu việt ảnh hưởng từ trong và ngoài nước, mà bất cứ hàng quán nào kể cả tư gia của người thôn dã đều chất đống âm vang những ca khúc giữa đời sống hằng ngày…
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên

Nghệ sĩ miền Nam có một tư thức sáng tạo và bày tỏ riêng mình, tất cả những khuynh hướng sáng tác đều không quy củ trong một phương hướng chủ đạo, rập khuôn như nhau. Chính vậy, sự đa năng được bộc phát một cách kỳ diệu, dù trong những thời khắc đầy khói lửa, nhưng bước tiến của nghệ thuật miền Nam lại đa dạng. Mỗi khuynh hướng lại là một sự tinh khôi bù đắp làm phong phú cho văn chương phía Nam. Dù trong thời buổi chiến tranh, cũng rộ nở đầy những vườn hoa khoe muôn màu sắc, đậm nét bác học không thua sút văn hóa văn chương thế giới.

Trong môi trường thi ca, bên cạnh thơ lửa, chất đầy ngôn ngữ bày tỏ trước thời cuộc, mà sự sống thì còn cần chứa chan thêm một hạnh phúc tinh yêu và trong lành ở viễn cảnh xô bồ hằng ngày. Tuổi trẻ phần đông cũng biết chọn cho thế hệ mình phần hồn, để bộc lộ những khoảnh khắc của con tim. Nét lãng bạt vẫn là yếu tố phong lưu trong hàng trăm nét sống tư thức dấu yêu. Sự phơi phới hồn nhiên trong tình yêu giúp bảo tồn được nét thuần khiết chân thành trong bản năng con người. Vì vậy, nếu những thi phẩm chan đầy nét kỳ diệu long lanh sinh khí từ trái tim yêu thương, thì được đón nhận như cơn mưa rào thấm đất. Đầu thập niên 60, Nhất Tuấn xuất bản thi phẩm Chuyện Chúng Mình, ba thi tập nối tiếp trong một thời gian ngắn, đã tạo cho thơ tình một sức hút dữ dội. Tập thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của nhà thơ Kiên Giang tức khắc được độc giả đón nhận nồng nhiệt, cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn tái bản với 2000 đến 3000 bản. Thơ Nguyên Sa cũng là một dòng thơ tình quý phái, trí thức và lãng mạn.

Tất cả những thi nhân kể trên, đều ít nhiều kỷ niệm và có kinh nghiệm tình trường, nên sự chiêu niệm của độc giả chỉ hướng về nét sáng tạo tích cực trong văn chương. Ngôn ngữ tích lũy trong thi phẩm đều nhiều ẩn dụ gần như giả định, dù rằng thi hóa một cách tuyệt vời. Năm 1969, lúc nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên xuất bản tự lực với những tập thơ còn mang nặng nét học trò, tôi và Lưu Nhữ Thụy nhiều phen bay về Biên Hòa tìm thăm, để trả lễ những dịp Nhiên về Sài Gòn thăm tôi. Sự bộc phát hình như là một định mệnh, không thể ngờ trước được, khi tập Thiên Tai ra đời năm 1970 lúc Nguyễn Tất Nhiên vừa 18 tuổi, bỗng nhiên tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên bùng vỡ một cách ngoạn mục. Nhac sĩ Phạm Duy bằng sự lão luyện tài hoa cùng cực, đã làm say mê những dòng thơ tình đầy ngây thơ, ngộ nghĩnh, ông đem hết tâm huyết phổ nhạc cho nhà thơ nhiều bài, và thành công một cách kỳ diệu, đặc thù. Thời đó, nhạc Trịnh Công Sơn chiếm lĩnh hầu hết thị trường, đi đâu cũng chất đầy ngôn ngữ Trịnh Công Sơn, làm quánh đặc cả không gian bão táp giữa lòng người điên đảo. Thì sự thanh thoát tươi trẻ của hơn mươi bài nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, được quảng bá rộng rãi không thua kém, bằng cách giới thiệu xen kẽ thay thế dòng nhạc Trịnh Công Sơn, một dòng nhạc cô đọng âm hưởng monotone bấy lâu vưởng vất quanh đời sống…Sự giải tỏa uẩn ức của cuộc sống, bằng sự huyền diệu thanh khiết và ngây thơ cực điểm của dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên, và âm thanh phù thủy Phạm Duy, thì không gian như trôi chảy giữa bốn bề âm vọng tình yêu, mà những ví von so sánh lạ lùng, ngây dại trong ngôn ngữ chứa đầy biểu tượng sáng hóa: người từ trăm năm/về ngang sông rộng/ ta ngoắc mòn tay…, hoặc nào hay đời cạn vì người từ trăm năm/ về khơi tình động/ ta chạy vòng vòng/ ta chạy mòn chân.(Khúc Buồn Tình). Thơ Nguyễn Tất Nhiên có không khí bừng nở đầy trí tuệ liên tưởng tự nhiên, đưa đẩy sự phá cách của tưởng tượng, mà tha nhân không thể dõi bước kịp ý tưởng của dòng thơ vừa băng mình chưa hết lộ trình thơ mộng, bỗng nhiên đóng khung ở một lý luận ví von như những giải đáp lạ thường ngộ nghĩnh: đời chia muôn nhánh khổ/ anh tận gốc gian nan/ cửa chùa tuy rộng mở/ tà đạo khó nương thân/ anh đành xưng quỷ sứ/ lãnh đủ ngọn dao trần/ qua giáo đường kiếm Chúa/ xin được làm chiên ngoan/Chúa cười run thánh giá/ bảo: đầu ngươi có sừng! (Đám Đông).

Ngoại trừ những năm 60-70, với một khí thế hực lửa của những biến động thời cuộc, sự say mê nhạc Trịnh làm bừng cháy ý thức phản kháng một cách quy mô. Thì ta không ngạc nhiên, để hiểu rằng sự hòa đồng nhiều lúc cũng xu hướng, mà lịch sử còn phải xâm soi định vị cả một khoảng thời gian sau, mới khẳng định được đúng sai trong quá trình vừa trôi qua. Ảnh hưởng của nhạc Trịnh đã bước vào tâm thức của tầng lớp thanh niên, giục giã cái nhìn nhân chứng, sáng hóa hòa quyện giữa thi ca và âm nhạc, nhưng không biết có tác động được để vượt thời gian, đó là điều nan giải! Thanh lịch của thi ca cũng như những bộ môn nghệ thuật khác, là sự tinh túy, tạo lập chân tướng bằng tất cả phương pháp sáng tạo tùy tài năng và chân tâm của nghệ sĩ. Bởi cái giả không là thật, mà cái thật không được là giả, người ta thường khoác lên vai nghệ sĩ bằng y phục lòe loẹt, còn trái tim thì treo trên cành cây trước gió. Chính vậy, sáng tác có thể dùng hết lửa để thai sinh, nhưng cũng có lúc lửa cũng hủy diệt sáng tác. Cái tâm không của nghệ sĩ thật cần thiết. Tôi cảm nhận thơ Nguyễn Tất Nhiên có những ý hướng vô ngã, chỉ cần đạt đến một điều là hóa hiện bản ngã, bằng những hình tượng lập dựng để dánh dấu cho một ý niệm bừng rõ nét tình yêu. Chính vậy, nhiều lúc tôi so sánh giũa hai ý thức sáng tác thơ tình của Nguyễn Tất Nhiên và Trịnh Bửu Hoài, một đàng chân thật xem tình yêu như một thánh tượng, lãng đãng giữa không gian đầy hoa cỏ, gió và mây. Một đàng xé nát vật thể, kể cả bản thân để phát minh cho thơ một sự khắc nhập, hoá hiện lại cùng cực bản thể tình yêu và tình người. Nhiều lúc, có người đọc thơ Nguyễn Tất Nhiên, những ví dụ ngây thơ, phù thủy làm đánh động sự phân tâm, bởi những ngôn ngữ tân lập cho hình ảnh lạ lùng Thơ. Giống như một hình ảnh tân lập thật bình dân của Bùi Chí Vinh, khiến thơ Vinh có một nét ngông linh động và hoạt bát, mà có lúc tôi đùa với Vinh, như hai mặt đồng tiền, mặt phải là Bùi Giáng, mặt trái là Bùi Chí Vinh. Còn thơ Nguyễn Tất Nhiên hẳn nhiên có nét sáng tạo thật lạ, cung cách so sánh làm câu thơ bừng lên một nét kỳ diệu, nhưng thật đau thương. Khác với cung cách hoa dạng trong thơ tình Nguyên Sa, với cuộc đời và trái tim, Nguyễn Tất Nhiên đã xé nát hết tư tưởng và bản thân, để tung rải cạn láng chân khí đem đối chiếu tình yêu so sánh những dị thường: dĩ vãng là địa ngục/ giam hãm đời muôn năm/ tôi-người yêu dĩ vãng/ nên sống gần Satan/ ngày kia nghe lời quỷ/ giáng thế thêm một lần/ trong kiếp người linh mục/ xao gầy cơn điên trăng……………… vì tôi là linh mục/ giảng lời tình nhân gian/ nên không có thánh kinh/ nên không có bổn đạo/ nên không có giáo đường/( một tín đồ duy nhất/ vừa thiêu hủy lầu chuông!) (Linh Mục).

Sự hóa thân cho chính nhà thơ đã vỗ về cho thơ xuất hiện trong một lớp áo biến đổi bản ngã, sự nhị trùng thật ra chỉ là chiếc bóng của một hiện thân duy nhất. Mà chính tác giả độc thoại trong sự phân vai giữa bản thân cô độc, lạnh lẽo ở một không gian tưởng tượng trù dập tận cùng cái si mê ngây dại, bởi ru ta suốt cuộc đời/ (cuộc đời tên vô đạo/ vết thương hành liệt tim). (Ma Soeur)…

Tài hoa một cách kỳ diệu trên sáng tác, một cách ngông nghênh của thi sĩ, và cái nhìn tình yêu bằng đôi mắt châm chọc, đập vỡ cả não cân xé tung cả thân xác… để so sánh bản thể si mê ngập ngụa điêu tàn. Trong khối tình mà Nguyễn Tất Nhiên bắt phải dại khờ vì ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh.

Năm 1979, buổi sáng còn vang vọng tiếng loa tuyên truyền nhức óc của Ban Thông tin Văn xã Phường, thì thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá bỗng dưng xuất hiện trước cửa Thư trang. Nguyễn Tất Nhiên với y trang đơn giản hơn ngày xưa, sơ mi bỏ ngoài loáng thoáng theo cơn gió nhẹ, chờ tôi trước cửa còn khép hờ. Tôi khoác vai Nhiên bước vội về một quán cà phê, cách nhà chừng 100m, với sự chào đón im lìm và cuộc thăm viếng cũng như một cuộc giấu giếm với thế gian. Bản thân Nguyễn Tất Nhiên thư sinh ốm yếu cao nghệu, nhưng hiện tại càng thu liễm hơn, với vẻ mặt xanh xao giữa mái tóc lòa xòa bất cần nhân thế. Tuy vậy Nguyễn Tất Nhiên cũng giữ lại được nét liếng thoắng, và nụ cười nở đầy trên môi. Nhiên bắt xe từ Biên Hòa lúc 4 giờ sáng, tâm sự ghé thăm tôi, sau gần 4-5 năm không gặp mặt: “kỳ này em chắc ít có dịp về thăm anh”. Nguyễn Tất Nhiên vẫn cười nói thản nhiên, suốt buổi tri ngộ thâm tình giữa huynh đệ tin yêu. Tôi lại cứ ngỡ Nguyễn Tất Nhiên và gia đình về khu kinh tế mới, như bao nhiêu gia đình khác được vận động di dân lập nghiệp, nên trả lời : “Nhiên muốn về thành phố thì xin một giấy giới thiệu, đóng mọc đỏ của một hợp tác xã nơi ở, sẽ đăng ký được giấy xe, lo gì. Tôi phục vụ bên y tế nên cũng cấp cho nhân viên như vậy”. Nghe tôi phân trần, Nguyễn Tất Nhiên vẫn cười cười nói nói, không bộc lộ một ý hướng gì hơn nữa. Thời gian khoảnh khắc lại là một cách biệt ngàn trùng, đằng đẵng đến ngày hay tin Nguyễn Tất Nhiên cư trú tại Pháp qua đài BBC, tôi không có dịp thư tín trò chuyện với nhau. Sự cật lực sống trong một xã hội xa lạ, Nguyễn Tất Nhiên không hội nhập được, bởi bản chất nghệ sĩ chan đầy ý tưởng huyễn hoặc, không có thời gian thực tiễn, khiến nhà thơ chìm ngấm trong cơn lốc trầm cảm cách biệt đời thường… Thỉnh thoảng cũng được truyền thông Nguyễn Tất Nhiên còn hoạt động văn nghệ, xuất bản được vài tác phẩm, tôi đón nhận như tin vui chia sẻ với cố nhân…

Tất cả đều trong nghiệp chướng vô thường, không ai thoát khỏi thành trụ hoại diệt, nhưng sao tôi vẫn thảng thốt khi nghe đài VOA báo tin, Nguyễn Tất Nhiên vừa giã biệt cõi đời lúc 14 giờ 30 ngày 03 tháng 08 năm 1992, bằng thuốc ngủ trong một chiếc xe hơi Toyota cũ kỹ đầy hoa, và một bài thơ mới sáng tác có chữ ký còn giữ kỹ trong túi áo. Ngày giã từ cõi đọa đày suốt một đời thơ, Nguyễn Tất Nhiên gởi lại nhân thân giữa thơ và hoa, tại sân Chùa Việt Nam, do Thượng Tọa Thích Pháp Châu trụ trì, ở thành phố Garden Grove, Nam California như trở lại chính bản thể và đạo pháp: đường không gian- đã phân ly/ đường thời gian- đã một đi không về…

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
 (Mùa đông, 1992, nhuận sắc tháng 7/2011)

_____________________________________

NGUYỄN TẤT NHIÊN (1952 - 1992)

Tên thật: Nguyễn Hoàng Hải

Sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, Biên Hòa.

Mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại Califonia, Hoa Kỳ vào lúc 14 giờ 30, Nguyễn Tất Nhiên lái xe vào thành phố Garden Grove đến chùa Việt Nam tại Nam California, tự tử bằng thuốc ngủ. Trong giây phút tuyệt cùng, phát hiện trong túi áo dạ phục Nguyễn Tất Nhiên còn để lại một bài thơ tình ký tên trang trọng.

Bút hiệu đầu tiên của Nguyễn Tất Nhiên là Hoài Thi Yên Thi. Anh làm thơ từ năm 13 tuổi bằng sự lãng bạt của một hồn thơ tài hoa.

Các tác phẩm đã in:

1966, thi phẩm Nàng Thơ Trong Mắt (in chung Đinh Thiên Phương)

1968, thi phẩm Dấu Mưa Qua Đất

1970, thi phẩm Thiên Tai

1980, Thơ Nguyễn Tất Nhiên (NXB Nam Á, Paris, Pháp)

1984, thi phẩm Những Năm Tình Lận Đận (gồm những nhạc tuyển, NX B Tiếng Hoài Nam, Mỹ)

1989, thi phẩm Chuông Mơ (NX B Văn Nghệ, California, Mỹ)

1989, thi phẩm Tâm Dung (NXB Người Việt, Mỹ)

Ngoài ra, Nguyễn Tất Nhiên còn một số nhạc phẩm được chú ý như nhạc bản Chiều Trên Đường Hồng Thập Tự. Anh đã hoàn chỉnh thi tập Tâm Khúc, gồm 10 bài thơ photo vài bản để lưu trữ.

Nguyễn Tất Nhiên có thơ được phổ nhạc do các nhạc sĩ Phạm Duy, Anh Bằng, Nguyễn Đức Quang…




Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

NHÀ THƠ HUY CẬN LÀM VIỆC TRONG BỆNH VIỆN

Huy Cận ngồi yên lặng, gương mặt chìm đắm xa xăm, mấy sợi tóc bạc trên vầng trán rịn mồ hôi của ông lay động khẽ. Cặp môi dày của ông mấp máy như định nói gì. Tôi nâng lên ông một chén nước nóng thoảng thơm mùi hoa cúc. Nhà thơ đỡ lấy hít hà mấy nhịp rồi uống một hơi, như cách nhà văn Tô Hoài dạo nào uống rượu vang một mạch gần cạn cả cốc.
Nhà thơ Huy Cận với các nhà thơ trẻ Sài Gòn 5-1994:
Nguyễn Thái Dương, Phan Hoàng, Trần Hữu Dũng ở Hà Nội

Một lần trước giờ họp, tôi được hầu chuyện nhà thơ Huy Cận và các giáo sư Đoàn Trọng Truyến, Nguyễn Văn Chiển, Hà Học Trạc, Hoàng Minh Thảo… Họ đứng lên ngồi xuống thoải mái. Thấy các ông nhắc nhau việc nọ việc kia thật từ tốn mà ý tứ đâu ra đấy cả, được một lát, không khí có vẻ nghiêm nghiêm như sắp vào đoạn kiểm điểm, tôi thưa với nhà thơ: "Các lão gia ghê quá!". Giáo sư Đoàn Trọng Truyến bảo: "Lão gia à? Cổ kính như Tàu như kinh đô Huế hề, nhưng tôi và ông Huy Cận đây là người của lịch sử từ 1945, 1946… Chúng tôi là đại lão gia đó nghe!". Mọi người cười vui.

Đi công tác về, được cơ quan báo là nhà thơ Huy Cận ốm, tôi liền cùng anh em vào bệnh viện Hữu Nghị thăm. Nghe tiếng chúng tôi ở hành lang, nhà thơ nói vọng ra:

- Mình ở đây, Huy Cận ở đây!

Tiếng ông trầm vang, dõng dạc, mà hơi rè. Tôi chợt nghĩ: Chắc lão gia đang làm ra vẻ khỏe mạnh đây. Quả nhiên, khi bốn năm anh chị em cơ quan Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa Việt Nam người ngồi, người đứng chưa yên vị, ông cũng vừa kịp cài nốt, cài lại cái cúc áo ngực, người nhà đến chăm ông chưa kịp lấy nước hay làm gì để ông tiếp khách, thì ông hỏi ngay:

- Các cậu đến đây có mất công lắm không? Phải hỏi đến mấy người? Này, mà đến đây thì đừng ồn ào quá nha…

Một chị trong đoàn đến thăm nhẹ nhàng:

- Dạ thưa bác, chúng cháu cũng không vất vả gì đâu ạ, mà cũng không làm ồn gì đâu ạ.

- Ờ, thế thì được.


Nhà thơ Huy Cận và nhà thơ Ngô Thế Oanh (bên trái). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Tưởng nhà thơ sẽ im lặng chờ, tôi chuẩn bị nói lời thăm hỏi, ông đã tiếp luôn:

- Cái Hội đồng Từ điển Bách khoa làm được nhiều việc, nhiều việc rất lớn, đáng được Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Đảng khen thưởng tập thể Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học, nhưng chúng ta làm ồn quá, mất trật tự quá…

Ông nói liền một hơi, mặt đỏ dần lên, tay trái vẫn để yên trên đầu gối bên trái, còn tay phải giơ lên hạ xuống mấy lần rồi đặt yên trên đầu gối bên phải, cả tay và gối đều rung rung giật giật. Tôi hơi hoảng, vội đứng dậy, đi vòng ra sau lưng ông. Tôi úp ướm nhẹ cả hai bàn tay lên bờ vai vậm vạp của nhà thơ, chốc lát, tay tôi rập rờn theo nhịp thở của ông. Thốt nhiên, tôi như thấy lại cái cảm giác vừa ngỡ ngàng, vừa thương cảm, lại vừa lo lắng một điều gì như cái lần tôi và nhà văn Hồ Khải Đại đến thăm nhà thơ Xuân Diệu dạo trước. Hôm đó anh Đại đã cầm cái khăn bông to lau mồ hôi cho Xuân Diệu, còn tôi thì cầm tờ báo Nhân Dân gấp gấp lại làm quạt phe phẩy gió, nhà thơ Xuân Diệu dịu dàng: "Em lấy cái quạt kia kìa, báo để cho phẳng phiu rồi còn đọc, còn cắt ra mà lưu giữ, mà gói đồ ăn…".

Huy Cận là nhà thơ, nhà văn hóa lừng danh, ông là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm tại Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. Trong những năm Hội đồng này có chuyện mất đoàn kết, tiếng nói của ông đã góp phần làm ổn định tình hình. Thời gian tôi mới về làm giám đốc Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa Việt Nam, trực tiếp tổ chức, điều hành việc làm bộ sách Từ điển Bách khoa Việt Nam và các sách từ điển khác ở đây, ông đã chỉ bảo cho tôi rất nhiều…

Quả thật, nhờ có sự hậu thuẫn và chỉ đạo kiên quyết của ông và các GS như Hà Học Trạc, Đoàn Trọng Truyến, Hoàn Minh Thảo, Nguyễn Văn Trương… mà các tập 1 và 2, tập 3 của bộ "Từ điển bách khoa Việt Nam" đã được biên soạn xong rồi được xuất bản vào các năm 2002, 2003 sau gần 10 năm bị ngưng trệ. Cơ quan đã đoàn kết lại, sự hào hứng của các nhà khoa học và biên tập viên được nâng lên…Mới hồi tưởng một tí thế, rồi nhìn ông ngồi, nghe ông nói, một nỗi thổn thức dâng lên ngực, tôi cố trấn tĩnh nhìn ra xung quanh, kịp thấy cặp mắt của chị bạn lúc nãy như có nước, tôi vội báo cáo cho ông yên tâm:

- Dạ, em mới đi công tác về, được anh em cho biết là việc phát hành "Từ điển Bách khoa Việt Nam" tập 3 do Văn phòng Hội đồng lo đã ổn dần theo kế hoạch, còn tập 4 thì mọi người cũng đang tìm gom về một đợt nữa, chắc cuối tháng này sẽ tạm đủ bản thảo thô đời mới, anh em đang biên tập và trình duyệt dần từng vòng.

Nhà thơ ngồi yên trên ghế, kéo cái khăn bông to xụ quàng thêm một vòng qua cổ, nói theo kiểu lão gia ban bảo nghiêm nghiêm mà vẫn thân gần:

- Được rồi, được rồi… ông đi vắng mấy tuần mà công việc cơ quan vẫn chạy theo kế hoạch, thế là ông biết tổ chức sắp xếp quản lý như người ta nói với tôi rồi. Tôi nằm đây mà tôi vẫn biết hết, để hôm nào tôi nói thêm cho ông rõ nữa, ông chưa hiểu lịch sử của Hội đồng chỉ đạo Từ điển Bách khoa này đâu ông nhà văn giám đốc ạ!

Chúng tôi im lặng, vừa muốn can ngăn ông hãy nghỉ cho khỏe đã, lại vừa muốn ông phân tích dặn dò. Một người trong đoàn, nhớ ra việc vào đây là để thăm nhà thơ bị ốm, kêu lên:

- Chúng cháu vụng quá, có hoa đây, để cháu thay cho bác nhé!

Rồi mấy chị em anh em người đi xúc lọ, lấy nước, người cắm hoa mới, người bày các thứ quả lên bàn. Ríu rít mấy phút, căn phòng như sáng đẹp hơn. Gương mặt nhà thơ tươi trẻ lại lạ kỳ, ông nhìn hoa, nhìn sang mọi người, nhìn đăm đăm vào tôi, giọng dịu lại:

- Đẹp quá, đẹp rồi đấy, có thích nghe thơ không?

Chúng tôi như cùng reo lên: "Có ạ". Tôi gợi:

- Bài gì vui vui thơ tình ấy ạ.

- Thơ tình mà vui được à? Ông làm lý luận phê bình chắc có biết người ta bảo vẻ đẹp trong thơ Huy Cận là nỗi buồn nhân gian cảm quan vũ trụ chứ?

Hỏi xong, nhà thơ ngồi ngay ngắn lại, hai tay ông nâng lên chén nước nóng, chiêu một ngụm, ông chẹp chẹp miệng. Nhìn tất cả mỗi người, ông nhấp thêm một ngụm nữa, rồi thong thả đọc, giọng trầm nặng thổ âm xứ sở:

- Anh biết yêu em đã muộn màng
Nhìn em trăm bận chỉ nhìn ngang
Biết rằng nhìn thẳng thêm đau đớn
Anh sợ tình ta sẽ dở dang…

Đoạn, dừng lại một tí, ông hỏi: "Xuân Diệu từng nói tình đẹp là tình dang dở phải không?", rồi đọc tiếp:

- Muốn trốn em, mà trốn được nào
Mắt em thầm gọi sắc như dao
Mỗi lần gặp lại lòng đau điếng
Trốn cả lòng anh, trốn được sao
Em hỡi, lòng anh yêu đã sâu
Yêu em ngay tự thuở ban đầu
Gặp em như níu lòng anh lại
Em đẹp, lòng anh lại nhói đau

Em hỡi! Yêu em chẳng muộn màng
Lửa bền trong đá mấy muôn năm
Lửa đôi ta chẳng cùng nhau đượm
Sẽ đốt lòng ta ra bụi than.

Chúng tôi im nghe, im nghe. Tôi ngỡ là tiếng đọc thơ chậm rãi trầm đục mà như vội vã níu kéo, mà như có gì thống thiết kia đang phát ra từ một khối đá nâu đen có đỉnh bồng bềnh mây trắng bay, có cặp mắt nhỏ tinh anh đượm buồn đang lấp lóe sáng.

Tôi nhìn ra phía cửa, có mấy người bệnh, có mấy người đến thăm ông hay thăm ai đó đang sẽ sàng đứng nghe ông đọc thơ. Hình như nắng mùa đông có rực lên ở ngọn cây cao cao rì rào ngoài kia, hình như có làn gió nào đưa hương hoa lan vào phòng thoang thoảng. Tôi biết là sẽ còn lâu, còn chưa biết đến bao giờ mới lại được chính nhà thơ đọc cho nghe thơ ông, lại được xem công chúng nghe thơ như thế này nữa, nên rất muốn ông tiếp tục. Nhưng trông cái dáng ngồi đã chùng xuống của Huy Cận, biết là ông đã mỏi lắm, tôi định nói lời hẹn một dịp khác, thì đã có tiếng ai đó: "Bác đọc bài gì về quê hương đi!", nhà thơ giơ bàn tay to bè vỗ vỗ vào tay tôi: "Mình chưa mệt, chưa mệt đâu…", rồi ông đọc luôn:

- Ông đồ xưa xứ Nghệ
Càng dạy chữ càng nhiều
Tính tình người xứ Nghệ
Càng biết lại càng yêu

… Tình xứ Nghệ không mau
Nhưng bén rồi sâu lắng
Quen xứ Nghệ quen lâu
Càng tình sâu nghĩa nặng

Ôi tâm hồn xứ Nghệ
Trong hồn Việt Nam ta
Ôi tâm hồn xứ Nghệ
Trong hồn Việt Nam ta…

Biết ông đọc theo kiểu nhảy cóc trích đoạn, tôi thấy hay hay, nhìn ông hồn nhiên mê say giữa sự chăm chú của mọi người, tôi trộm nghĩ: Có ai hạnh phúc như nhà thơ không? Nhưng nghe và thấy ông đọc mấy dòng cuối theo kiểu vè xứ Nghệ, như luyến láy nhấn nha nhấn nhứ, mà giọng trầm đục nhỏ dần, tôi biết là ông mệt thật rồi.

Huy Cận ngồi yên lặng, gương mặt chìm đắm xa xăm, mấy sợi tóc bạc trên vầng trán rịn mồ hôi của ông lay động khẽ. Cặp môi dày của ông mấp máy như định nói gì. Tôi nâng lên ông một chén nước nóng thoảng thơm mùi hoa cúc. Nhà thơ đỡ lấy hít hà mấy nhịp rồi uống một hơi, như cách nhà văn Tô Hoài dạo nào uống rượu vang một mạch gần cạn cả cốc.

Nhà thơ tự sửa lại dáng ngồi duỗi ngửa ra sau, mái đầu hơi cúi xuống, cặp mắt lim dim khép dần như muốn ngủ. Có lẽ ông đang tự lắng nghe lại tiếng thơ tiếng hồn còn âm vang đâu đó cùng chúng tôi. Cặp lông mày lốm đốm bạc có mấy sợi dài hơn xòe ra rung rung bỗng nhướng lên. Tiếng một phụ nữ: "Chào nhà thơ! Anh khỏe rồi à?". Giọng Huy Cận trầm ấm, hơi ngân nga: "Ai đó? Mời vào, mời vào".

Chúng tôi nuối tiếc đứng dậy chào ông ra về, để người khác còn được trò chuyện với ông. Chẳng biết họ có nghe ông đọc thơ nữa không? Kể cũng mong họ được như mình, nhưng lại sợ ông mệt quá.

Mấy hôm sau tôi vào thăm ông lần nữa, nhà thơ bảo: "Hôm ấy các ông về rồi, bọn mình còn vui mãi đấy! Tôi sắp được ra viện ông Nguyên An ạ!". Ông vịn bàn tay to mập ấm mềm lên vai tôi bảo: "Dạo ở đây một tí đi".

Cây cỏ trong khuôn viên bệnh viện lao xao theo bước chân lệt xệt tập tễnh của Huy Cận. Hình như cái lao xao ấy đã gợi ông nhớ đến một vạt đồi xanh sơn cước ở quê với tuổi ấu thơ bảy tám mươi năm về trước thì phải.

NGUYÊN AN
Nguồn: VNCA






NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU