Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

NHÀ VĂN TRẦM HƯƠNG: KIÊU HÃNH VÌ ĐƯỢC LÀM ĐÀN BÀ

Làm phụ nữ giữa làng văn quả là việc khó. Trầm Hương đã vượt mọi bi ai đời thường, vững vàng sống và sáng tạo, xuất bản đều đặn tác phẩm. Mới đây tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ của nhà văn Trầm Hương đã nhận giải ba Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ nhất (2006 - 2011), cùng lúc một tiểu thuyết khác của chị là Người cha hiện đại và tập truyện ngắn Nếu như có linh hồn được ra mắt bạn đọc.
Nhà văn Trầm Hương

Từng con chữ biến thành sữa nuôi con

Một phụ nữ có nhan sắc, đa năng, đa cảm. Không chỉ viết văn làm thơ mà Trầm Hương còn viết sử, kịch bản phim, làm truyền thông, thuyết minh bảo tàng… Trong đời thường, tác giả của Người đẹp Tây đô đã yêu là yêu say đắm và quyết liệt, đến nỗi phải cam chịu nuôi con trong khổ đau đơn độc. Chị quan niệm rằng tình yêu là sự hy sinh. Điều đó phần nào thể hiện qua đoạn kết bài thơ Vết nhẫn trên ngón tay thiếu nữ tâm đắc của chính Trầm Hương:

“Có một lần biết anh rất cần tiền
Chị nhìn xuống bàn tay lặng lẽ
Khi trao cho anh giấy, màu và cọ vẽ
Vật kỷ niệm của người mẹ thân yêu đã không còn
Dấu chiếc nhẫn bệch bạc hằn trên ngón tay gầy?
Chị nhìn anh mỉm cười không nói
Chị si tình ư?
Không.
Hoặc là có thể!
Nhưng tôi tin chắc một điều
Bàn tay của người đàn bà si tình kia
Nâng trái đất này tồn tại”.

Trầm Hương muốn nói đến vẻ đẹp “cho đi” của người phụ nữ. Một vẻ đẹp ẩn chứa nghị lực và lòng kiêu hãnh rất đàn bà. Chia sẻ với chúng tôi về tình yêu và hạnh phúc, chị còn thổ lộ:

- Hồ Nguyệt cô hoá cáo làm người ta rưng rưng vì nàng đã yêu người đàn ông hơn cả bản thân mình. Đàn bà khi yêu là đốt cháy hết mình, là dâng hiến, vô điều kiện. Họ bị lên án dại traingu xuẩn. Nhưng trái đất sẽ ra sao khi vắng bóng những người phụ nữ hy sinh và cam chịu, những người phụ nữ sẵn sàng lui vào một góc khuất cho sự toả sáng, thăng hoa của người đàn ông mà họ yêu thương, cho sự thành đạt của những đứa con?!”

* Đối với một phụ nữ viết văn, theo chị, có gì khó khăn hoặc khác biệt so với đồng nghiệp nam giới?

- Thế giới nhìn qua lỗ kim đàn bà cho tôi cái nhìn sâu thẳm, đa chiều về đàn ông. Phụ nữ viết văn nhờ tinh tế nên cảm nhận, phát hiện được nhiều điều mà đàn ông ông “ngửi” tới được! Phụ nữ tuy yếu mềm nhưng trong nhiều tình huống trở nên dũng cảm, quyết liệt đến không ngờ. Tôi kiêu hãnh vì được làm đàn bà, nói rất thật đó!

* Bằng kinh nghiệm của mình, chị có thể cho biết cụ thể sự “dũng cảm, quyết liệt đến không ngờ” của đàn bà viết văn…

- Tôi nhớ thời sinh đứa con đầu lòng, mới 20 ngày, tôi ngồi viết kiếm tiền nuôi con. Hồi đó tôi chưa đủ tiền mua máy vi tính. Mười ngón tay mong manh của tôi gõ lên phím. Chiếc máy chữ cũ kỹ, khô dầu, cọc cạch. Từng con chữ biến thành sữa nuôi con. Nước mắt trộn lẫn mồ hôi làm mắt tôi cay sè. Tôi đưa tay vuốt mặt, chợt nhận ra mặt mình đầy máu. Tôi nhìn xuống đôi bàn tay mình, chợt nhận ra mười ngón tay mình mưng mủ, tứa máu. Lúc ấy, tôi mới chợt nhớ ra lời khuyên của người lớn, sinh con còn  non ngày tháng rất kỵ đánh máy chữ, bởi những đầu dây thần kinh lúc đó rất mong manh, sẽ ảnh hưởng tim. Tôi không biết lời khuyên ấy có đúng không nhưng nhìn bàn tay túa máu của mình, tôi cảm thấy vừa ngậm ngùi vừa kiêu hãnh. Thật tuyệt vời khi tôi là phụ nữ. Bởi sự dấn thân, hy sinh, tinh tế của người phụ nữ cũng là tài năng của họ. Tình mẫu tử đã giúp họ làm nên nhiều điều kỳ diệu.

Vẻ đẹp “cho đi” của người phụ nữ

Điều bất ngờ ở một người phụ nữ đa cảm và quyết liệt như Trầm Hương, khi viết văn lại không sa vào những câu chuyện tình ly kỳ, mà lại thường hướng ngòi bút của mình vào nỗi đau mang tính sử thi của người phụ nữ Việt Nam đương đại, đặc biệt là xây dựng hình tượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng tất cả tình yêu, niềm say mê, sự chân thành. Với Trầm Hương, tình yêu ấy mang tính “định mệnh”. Thấm thoát chị đã gắn bó với Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hơn 20 năm. Đó là nơi chị được cọ xát, lớn lên, trưởng thành, được sống trong lòng tin yêu để đi đến những chân trời, đến với những nẻo đường đất nước. Trầm Hương trải lòng: “Tôi đã đi trên con đường không bằng phẳng, không có hoa hồng, không ít nước mắt, đau thương, uẩn khúc. Nhưng trên con đường gập ghềnh thiên lý ấy, tôi hạnh phúc biết bao khi được lắng nghe, đồng cảm, ghi chép những câu chuyện bi hùng từ quá khứ. Tôi được thanh lọc tâm hồn từ những giọt nước mắt sáng trong của những người mẹ, người chị - những bông hoa của đất. Sự đa cảm - gia tài quý báu nhất của cha mẹ cho khiến tôi giàu có biết bao khi chạm tay vào những số phận con người”.

Khi đến với “những bông hoa của đất” anh hùng ấy, Trầm Hương càng tìm thấy nhiều hơn vẻ đẹp “cho đi” của người phụ nữ, tất nhiên ở một tầm vóc khác, tầm vóc sử thi và Tổ quốc.

Thế mạnh của một phụ nữ cũng giúp Trầm Hương dễ dàng đồng cảm và nhận được những chia sẻ từ những người mẹ, người vợ chịu nhiều hy sinh, đau thương mất mát vì chiến tranh. Chẳng những là nguồn tư liệu quý cho văn học, mà cuộc đời của họ còn mang lại cho chị những bài học kinh nghiệm sống vô giá. Nhà văn Trầm Hương tâm sự:

- Tôi nhận được nhiều sự tin cậy, mở lòng của những nhân chứng chiến tranh. Hơn 20 năm, tôi không còn nhớ mình đã có bao chuyến đi, đến với những vùng đất xa xôi, ghi lại bằng hàng trăm quyển sổ tay. Những người mẹ, người chị đã không xem tôi là người xa lạ, đã nói những lời gan ruột tự đáy lòng. “Gan ruột” ấy mới làm nên hồn của những bài viết gởi đến độc giả, để kết nối những số phận con người.  “Gan ruột” của những người mẹ, người chị đã dấn thân, hy sinh cuộc đời cho đất nước làm tôi rung cảm, xót xa, phẫn nộ. Tôi tự nhủ “Mình phải làm một cái gì đó”, góp một bàn tay chia sẻ những mất mát, đau thương, bất công, quên lãng. Để làm được một cái gì đó, trước tiên là viết. Đó là công cụ, là vũ khí để tôi gõ những cánh cửa!

* Đã có bao giờ chị vừa viết vừa rơi nước mắt khi ghi chép hoặc hồi tưởng lại trên trang văn của mình?

- Rất nhiều lần tôi không ngăn được nước mắt ngay khi tiếp cận những người mẹ, người chị từng làm nên những kỳ tích trong chiến đấu, giờ có cuộc sống quá đỗi bi thương. Những quyển sổ ghi chép, nhật ký của tôi có nhiều đoạn nhoè đi vì nước mắt. Chính những giọt nước mắt đã khơi dậy sức mạnh từ bên trong của tôi.

* Nước mắt đã khơi dậy sức mạnh trong chị, cụ thể ra sao, thưa nhà văn?

 - Tôi đã nén lại nỗi đau của đời riêng, lau nước mắt của mình để viết. Và rồi tôi lại hoà nước mắt của mình với cuộc đời bi thương, đầy nỗi niềm, uẩn khúc của những người mẹ, người chị tôi được gặp. Kỳ lạ thay, chính nỗi đau, nước mắt và cuộc đời anh hùng của các nhân vật đã động viên tôi, an ủi tôi, nâng đỡ tôi; giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau cuộc đời riêng của mình. Trong sâu thẳm, tôi được truyền thêm năng lượng để vượt qua số phận. “Trầm Hương ơi, hãy can đảm lên. So với những người mẹ, người chị đã mất hết người thân, mất cả tình yêu, những năm tháng thanh xuân trong chiến tranh, những mảnh đời bất hạnh khác, mày còn có được rất nhiều thứ. Hãy lau nước mắt và làm một cái gì đó!”. Tôi đã từng tự nhủ mình như thế, và tôi đã vượt qua!

* Vâng, tôi nghĩ đó cũng là niềm hạnh phúc đối với một người cầm bút tận tuỵ với nghề như chị. Từ cuộc đời và lời khuyên cụ thể của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chị rút tỉa được những gì lớn lao?

- Tôi rất khâm phục những Bà mẹ VNAH trên những nẻo đường đất nước. Những bà mẹ quê kiểng, mất đến đứa con cuối cùng sao lại có những triết lý cuộc đời quá đỗi nhân văn. Bà mẹ Vũ Thị Quyên ở Bắc Kạn nói với tôi: “Buồn cũng đâu được cái gì, phải cứng lên để sống”. Mẹ Nguyễn Thị Liến ở Cao Bằng lý giải sức chịu đựng của mình khi chồng vì nhiệm vụ vào Huế hoạt động, lấy vợ con quan thượng thư, rồi lại về Sài Gòn, để lại mẹ với nỗi đau của người vợ đơn thân nuôi con. Và rồi con của mẹ cũng đã ngã xuống. “Mẹ đã gởi tình yêu vào non nước”. Vẻ đẹp, nỗi đau của mẹ khiến chúng ta phải cúi đầu ngẫm ngợi, nhìn lại chính mình!

Cảm nhận sự tha hoá của… quyền lực

Nhà văn Trầm Hương đã liên tục đi đến những vùng đất xa xôi của đất nước, ghi lại tài liệu trên hàng trăm quyển sổ tay, cho ra đời hàng ngàn bài viết và hàng chục cuốn sách. Sự thành công của tiểu thuyết Người đẹp Tây đô cách đây gần 20 năm là minh chứng thuyết phục. Cả tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ vừa được vinh danh bằng Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM cũng nằm trong mạch đề tài ấy, cụ thể là cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân - 1968. Quá khứ hào hùng và bi thương sống lại, không chỉ bằng ký ức và hiện vật mà còn trong tính cách, số phận của những con người hôm nay, qua những nhân vật điển hình như Kim, Dũng, Trang, Nguyệt, Hồng Tâm, Thiên Hồng,… và đặc biệt là Thẩm Bình. Tôi hỏi:

* Đại biểu Quốc hội Thẩm Bình trong tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ là một nhân vật được chị xây dựng khá thành công. Đối với những nhân vật VIP khó tiếp cận như vậy, chị có gặp nhiều khó khăn khi xây dựng nhân vật điển hình?

- Tôi không gặp khó khăn vì số phận run rủi cho tôi được sống cùng những nhân vật ấy. Thẩm Bình trong tác phẩm là tổng hợp của nhiều Thẩm Bình ngoài đời. Họ đều có một mẫu số chung: xuất thân là con em những nhà yêu nước, nhà cách mạng nổi tiếng. Xuất phát điểm của họ thật đáng ngưỡng mộ, có lý tưởng, trong sáng, nhiệt tình khi dấn thân vào con đường cách mạng. Rồi… thật buồn, thật đáng tiếc. Tôi tự hỏi điều gì đã dẫn đến sự thay đổi ấy. Và nhận ra sự tha hoá của quyền lực. Thật không dễ khi người ta từ bỏ quyền lực, từ bỏ lợi ích nhóm… Sức mạnh quyền lực đôi lúc dẫn họ đi đến sự tàn nhẫn, từ chối cả máu thịt của chính mình. Nhưng vì họ là những con người cũng còn có trái tim. Vì thế, họ không tránh được giằng xé, đau khổ…

* Chị cảm nhận được sự đau khổ của những nhân vật quyền lực à?

- Có chứ! Đôi lúc tôi hoá thân vào họ để cảm nhận sự giằng xé, đau khổ ấy. Nếu có khó khăn là tôi phải biết tiết chế như thế nào trong tác phẩm, để những nguyên mẫu ngoài đời đọc sách tôi tìm thấy sự chia sẻ, thấu hiểu để điều chỉnh hành vi, tự cảnh tỉnh và sống tốt hơn!

* Vâng, có lẽ đó cũng là một điểm khác biệt của phụ nữ so với đồng nghiệp nam giới. Đối với tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ viết về Mậu Thân 1968, một sự kiện lịch sử nhiều tranh luận, có lẽ chị cũng muốn phát đi tín hiệu khác so với tác phẩm của các nhà văn từng viết về sự kiện này?

- Tôi không thuộc thế hệ được trực tiếp tham gia vào Chiến dịch Mậu Thân 1968, nên cũng có cách nhìn khác với các nhà văn đi trước. Lịch sử Mậu Thân 1968 đã được nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu, những nhà lãnh đạo viết lại, thể hiện, đánh giá dưới những góc nhìn khác nhau, những chính kiến khác nhau. Tôi không muốn viết lại lịch sử. Tôi chọn cách viết tiểu thuyết để thể hiện những gì mình cảm nhận được về sự kiện này, từ những trang lịch sử thấm máu, đã ố vàng, cũ kỹ; từ những góc khuất số phận con người mà mình được gặp, được họ đón nhận, trải lòng, gửi gắm, tin cậy. Trong nhiều năm tôi đã đi tìm, gặp gỡ, tiếp cận những nhân vật đã làm nên lịch sử hào hùng, bi tráng của sự kiện lịch sử này. Những người sống nhớ về những người đã hy sinh. Đi tìm những người chết tôi lại được gặp những người đang sống… Trước đống tư liệu ngồn ngộn, chất nặng số phận con người, tôi không khỏi trăn trở. Và tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ ra đời trong hiện thực huyền thoại và bi tráng đó, tất nhiên qua góc nhìn của một người trưởng thành sau khi đất nước hoà bình là tôi.

* Không chỉ tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ mà đọc các tác phẩm khác của chị, tôi có cảm giác chị gửi gắm vào đó cả mồ hôi lẫn nước mắt của một người đàn bà giàu trải nghiệm. Nước mắt có ý nghĩa ra sao đối với cuộc sống lẫn nghề nghiệp của chị?

- Mỗi bước chúng ta qua đều bắt gặp đâu đó sự đau khổ. Đương nhiên nụ cười cũng quan trọng nhưng giọt nước mắt đáng để chúng ta suy gẫm hơn. Tôi ấn tượng câu nói của một triết gia: Nếu cộng lại những giọt nước mắt của nhân gian, có lẽ cũng đầy như đại dương! Tôi cảm nhận sâu sắc điều này để viết cho con: “Thế gian này thống khổ biết bao nhiêu”. Chính vì sự đa cảm ấy nên những tác phẩm của tôi thường nói về nước mắt. Nước mắt làm thanh lọc tâm  hồn, giúp người ta sâu thẳm hơn. Độc giả đồng cảm với tôi có lẽ đã hoà cùng tôi những giọt nước mắt đa cảm về thân phận con người. Từ góc khuất số phận của một người đàn bà, với trái tim đa cảm, tôi cảm nhận một thế giới bí ẩn và rộng lớn. Và tôi viết để khám phá nội tâm con người trong thế giới bí ẩn, rộng lớn đó. Tôi giàu có vì sự đa cảm ấy.

PHAN HOÀNG
Nguồn: VNCA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU