Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

NHÀ VĂN KIM LÂN: DỊ ỨNG VỚI CÁI GIẢ, CÁI NHẠT

Cũng do sự viết ít đi ấy của nhà văn Kim Lân mà dư luận trong báo giới, văn giới tốn không ít giấy mực luận đàm về việc này. Âu đó cũng là việc thiên hạ cứ luận bàn, mà ai cấm được họ nhưng bàn về một tài năng như nhà văn Kim Lân thì cũng là một sự lạ…

1. Tôi đọc tác phẩm Con chó xấu xí của nhà văn Kim Lân đã lâu nhưng chỉ đến khi ban trù bị thành lập Hội văn nghệ Hà Bắc ra đời mới được gặp ông. Được biết ông là người được nhà văn Nguyên Hồng đưa đi hoạt động văn hóa cứu quốc trước 1945, quê ông ở Phù Lưu - Tân Hồng - Bắc Ninh trù phú có đủ ngành nghề, buôn bán, không chỉ thuần nông và có chế độ khuyến học đặc biệt nên trí thức ở đây thành đạt khá nhiều.
Nhà văn Kim Lân

Ông có em ruột là bà Uyên phụ trách thư viện, nơi chúng tôi thường ra đọc sách báo. Cảm giác gặp nhà văn Kim Lân thấy ông nói chậm rãi, thấu nghĩa thấu tình. Có lần ban trù bị thành lập Hội văn nghệ Hà Bắc tổ chức cuộc gặp mặt thân mật với các nhà văn quê Kinh Bắc sống và công tác tại Hà Nội, tôi được đề nghị đọc bài thơ: “Về Hải Phòng nhớ nhà văn Nguyên Hồng” viết khi một lần về chơi nhà anh bạn ở thành phố Cảng. Sau cuộc tiếp xúc, ông chủ động bắt tay tôi thật chặt và nói: Bài thơ này Kim làm sống lại cái thần của nhà văn. Tính Nguyên Hồng là vậy quyết liệt và có thái độ lắm: đã ghét ghét cay đắng - đã yêu yêu hết lòng - trái tim ông run rẩy - nước mắt ông lưng tròng. Khi đọc tác phẩm của nhà văn Kim Lân ngẫm lại tôi thấy ông cũng có phẩm chất như Nguyên Hồng nghĩa là ông rất dị ứng với cái nhạt cái giả trong văn chương. Ông viết ít đi có lẽ do ông nhận thức rất sâu sắc về nghiệp văn đầy rủi ro và bất trắc. Cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên.

2. Cũng do sự viết ít đi ấy của nhà văn Kim Lân mà dư luận trong báo giới, văn giới tốn không ít giấy mực luận đàm về việc này. Âu đó cũng là việc thiên hạ cứ luận bàn, mà ai cấm được họ nhưng bàn về một tài năng như nhà văn Kim Lân thì cũng là một sự lạ. Cũng sau một buổi hội thảo về văn xuôi do Hội văn nghệ Hà Bắc tổ chức trước đây, tôi có đưa nhận định này ra để hỏi nhà văn. Cũng là để giải đáp thắc mắc không những của nhiều người mà cũng là của riêng tôi. Nhà văn Kim Lân cười mủm mỉm, nét vui ánh lên sau cặp kính lão: Tôi vẫn viết đấy chứ. Chỉ có điều không công bố trên báo chí thôi. Sáng tác thì có ít đi nhưng mình vẫn viết hồi ký Những đêm mất ngủ. Cứ nhớ đến đâu, viết đến đó để ghi lại cái thời mình sống. Theo mình chắc cũng có ích đấy. Và tôi cứ đợi hoài đợi mãi không thấy nhà văn Kim Lân công bố hồi ký này kể cả khi đưa in tuyển tập của ông!?

3. Vốn quê vùng Kinh Bắc văn hiến, nhà văn Kim Lân là người rất mê quan họ. Không hiểu chất quan họ đã “ngấm” vào ông tự khi nào mà bất cứ canh hát quan họ nào mà ông được mời hoặc chủ động đề xuất ông đều rất sốt sắng. Hội Nhà văn Việt Nam có cuộc hội thảo hoặc các nhà văn nước ngoài đến thăm muốn thưởng thức sinh hoạt văn hóa quan họ nhờ đến ông thì ông sẵn lòng “phone” cho Đoàn quan họ Bắc Ninh ra Hà Nội phục vụ ngay không một chút nề hà. Nhà văn Kim Lân thuộc khá nhiều các làn điệu quan họ, tôi đã được nghe ông hát cùng một “liền chị”. Giọng ông khàn đục nhưng ấm áp như vọng về từ một thuở nào đó xa xăm:

Nay nhớ thương tôi phải đi tìm
Mai người nhớ người lại sang chơi
(Buôn bấc buôn dầu)

Ông có thể giải thích cho các bạn bè văn nghệ xa gần khi có dịp tiếp xúc với những lề lối quan họ, cách ăn mặc, ứng xử giao tiếp của người quan họ cặn kẽ tỉ mỉ như một người sành quan họ. Có dịp nào sang Bắc Ninh chơi, nhà văn Kim Lân cũng đến thăm vợ chồng Khánh Hạ - một “liền chị” ông nhận làm con nuôi. Và tất nhiên không thể thiếu một canh hát quan họ với lối hát giao duyên cất lên hồn vía của dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

4. Khi chuyển về Hà Nội, thỉnh thoảng tôi có đến thăm nhà văn Kim Lân ở ngõ Hạ Hồi. Nhà ông nép vào một ngõ nhỏ trong cái “bành trướng” của nhà cao ốc xô bồ và nhộn nhạo. Khuôn viên ông ở dù chật mấy cũng đủ bồn hoa, chậu cảnh, bể cá làm sáng lên cái ánh nắng yếu ớt cuối ngày. Chậm rãi sau một hơi thuốc lào thật đã, ông kể tôi nghe những ngày ở ấp Sậu (Bắc Giang) với các nhà văn tài danh một thuở: Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Anh Thơ với biết bao ân nghĩa. Ông bảo những năm tháng ấy thấm vào trang viết như có thần nhập, không phải muốn mà có được đâu. Nhà văn Kim Lân tâm sự: Bạn bè khuất núi cả, nghĩ cũng buồn. Mà không khí chung quanh cứ ào ào thế, nó không hợp với tạng của mình. Thích nghĩ ngợi, ngại nơi ồn ã. Cũng là bệnh già đấy thôi. Đỗ Chu thỉnh thoảng có qua lại chỗ mình, hai ông con ngồi đàm đạo sự đời lẽ đời, chán thì đi dạo phố, ngồi quán nhìn thiên hạ đổ ra đường cho vui.

5. Bây giờ ông đã thanh thản về nơi vĩnh hằng. Tôi lại nhớ đến khuôn mặt nửa mờ nửa tỏ trong chiều muộn của ông. Không hiểu những nhân vật ông Cản Ngũ, Nhược Nhự… mà ông dựng lên đã từng thấm đẫm tính cách người xứ Bắc in dấu trong lòng bao thế hệ bạn đọc có phần nào an ủi ông trong nghiệp văn của mình. Riêng tôi nghiệm rằng trong đời Nhà văn Kim Lân cũng từng đã có lúc tận hưởng cái giờ phút yên bình nhất khi hóa thân vào nhân vật do mình tạo ra: “Từ phút ấy, ông mới thấy mình thật sống, mình thật là mình, yên ổn thoải mái. Một nỗi vui phấn chấn tràn vào đầy ngập trong người. Cứ thế ông đứng lặng trong bóng chiều, chìm đắm trong những tiếng xao động từ mặt đất bay lên quấn quít, bao quanh lấy ông, tận hưởng cái giờ phút yên bình nhất của một ngày gác máy bay căng thẳng trên ngọn núi Côi Kê này (Bố con ông gác máy bay trên núi Côi Kê).     

NGUYỄN THANH KIM
Báo ANTĐ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU