Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm viết thư pháp và cháu nội
Sự cầu thị đó biểu hiện rõ qua mọi lần ông tiếp bạn, tiếp khách. Ông là một ví dụ điển hình chứng minh ngược cho cái lý thuyết dễ dãi phải sống “dữ dội” thì thơ mới dữ dội. Hay nói cách khác, chính xác hơn, sự dữ dội nếu có, nó nằm ẩn khuất đâu đó trong tâm thức riêng của ông, chứ không qua hành vi, lời ăn tiếng nói, thái độ ứng xử. Hình như ông vẫn là một nhà giáo về mặt đời, nhưng chắc chắn luôn là một nhà đổi mới về sáng tạo và ý thức sáng tạo. Ý thức ấy mạnh đến đỗi nó khiến ông thường “bị” trở thành một thính giả thật thà, tội nghiệp trước mọi người khách, người bạn; cơ hồ như ai nói gì, bàn gì về thơ (nhiều khi rất… lung tung) là ông đều rất mực chăm chú lắng nghe. Thì ra ông sẵn sàng tiếp thu mọi “lý thuyết” để phục vụ cho việc thực hành sáng tạo (thơ) của mình. Có lẽ ông giống Henry Miller (nhà văn Mỹ) ở chỗ nhận ra: “Một đại nghệ sĩ trước hết phải là một đại thính giả”?
Tôi có vô số lần tham gia trò “biến” ông thành một thính giả ngờ nghệch như thế . Chỉ cần bạn đến nhà ông và nói “hôm nay tôi có tin mới về thơ”, hay “ông biết gì về chuyện nhà thơ X vừa cho ra một tác phẩm… kinh khủng?”, đại loại thế, là bạn đã nghiễm nhiên trở thành một khách quý của ông, thậm chí trong mắt ông lúc ấy, rõ ràng bạn sắp là một diễn giả tài hoa xứng đáng được ông trả cát-sê bằng một bữa rượu đậm đà.
Điều đáng nói, ông không phải dân rượu, cũng không nằm trong hội những người thích tán hươu tán vượn. Nhưng sự cầu thị đã “hành” ông tham gia… triền miên vào những cơn cuộc ấy. Ông sẽ mời bạn dùng rượu, hoặc bia – đương nhiên, và kèm theo đó là cái mà dân uống hay gọi là mồi nhậu, nhưng ở nhà ông, đó là những món ăn đầy tràn chất lượng. Ông chỉ nhấm môi, nhưng luôn không bỏ qua từng lúc cụng ly, vì sợ khách – tức diễn giả, mất hứng. Ông ăn ít, nhưng luôn gắp đều tay cho khách, cho mình để khách không cảm thấy có chỉ mỗi mình ăn. Ăn uống thoải mái mà vẫn “bị” chủ nhà trách cứ “sao chậm thế, ít thế”, hỏi vậy ai mà không khoái đến. Ông không hút thuốc, nhưng luôn nhờ người nhà kêu sẵn nhiều bao (đủ loại, tùy gu từng khách) để trên bàn. Không có gạt tàn, ông lấy luôn cả cái bình cắm nhang, nhổ chân nhang và đổ tro ra, làm gạt.
Cỡ gạt tàn ấy, vô tình cũng là cái cớ cho cuộc rượu thêm lâu vì khách thơ càng uống càng hút nhiều thì chuyện thơ càng thêm lai láng. Căn phòng ông tiếp khách có gắn máy lạnh, dị ứng với khói thuốc, nhưng ông không tắt, sợ khách “nóng nảy”. Đến chừng có người đề nghị tắt máy, mở cửa cho thông, ông làm theo ngay. Thế nhưng tiếng-ồn-của-thơ bên phòng này lại làm cho mấy đứa cháu nội bên phòng kia mất ngủ, hoặc chí ít, khó chịu. Dù thương cháu cực kỳ, lúc ấy ông lại nhờ người nhà “dắt chúng ra công viên chơi cho mát”. Trong lúc chuyện trò rôm rả, ông không quên lấy một xấp giấy và cây bút ra ghi những ý, những chuyện, những câu gì hay hoặc có ý nghĩa, giá trị với ông. Thậm chí sợ ghi sót, ông còn lấy ra cả cái máy ghi âm. Chuyện cái máy này, ban đầu chưa quen, vừa nhác thấy ông đem đặt trên bàn, tôi đã hơi sờ sợ, đang nói thao thao liền ấp úng ngay. Nhưng ông rất ý tứ, cứ sau một khoản thời gian thì rờ-tua lại công khai cho cả bàn cùng nghe. Thấy vậy ai nấy cười hả hê, yên tâm bình… loạn tiếp.
Khi các “diễn giả” no say được ăn được nói ra về, họ để lại một mình ông bên bãi “chiến trường” không phải do mình tạo ra, lặng lẽ dọn dẹp. Và ngay trong đêm đó, ông lại ngồi vào bàn viết, “thực hành” sáng tạo sau khi nghe đã nghe đã tai một hợp xướng “lý thuyết”… hỗn tạp!
Ông đã luôn đóng trọn vai một thính giả hiền lành. Để rồi sau đó, với tư thế một “hiền giả”, ông cho ra những bài viết, bài thơ dữ dội. Trong khi những nhà “lập thuyết” kia, đa phần tôi thấy, họ lại không có những “thực hành” gì mới cho tác phẩm của mình cả. Của đáng tội!
ĐOÀN VỊ THƯỢNG
Nguồn: Tài Hoa Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét