Tìm hiểu
sự nghiệp báo chí của bà Đạm Phương, thật khó tách bạch tân văn với biên khảo.
Nhiều cuốn sách bà tập hợp theo chủ đề những bài báo đã in, hoặc phát triển tư duy từng trình bày trên báo chí.
Nhiều ý tưởng của bà được mang ra giảng
dạy, thực hành, kiểm nghiệm.
Đạm Phương nữ sử
Quãng đời làm báo của bà Đạm Phương không dài, khởi đầu
năm 1918 và ngưng lại năm 1930. Trong hơn một thập niên, Đạm Phương nữ sử đã chứng
tỏ là cây bút sung sức, tự tin, có mặt đều đặn với năng suất cao. Bà cộng tác với
nhiều tờ báo nổi tiếng thời bấy giờ tại cả ba trung tâm là Hà Nội, Sài Gòn và
Huế. Cùng lúc, bà giữ chuyên mục “Lời đàn bà”của nhật báo Trung Bắc tân
văn, lại góp bài đều đặn cho mục “Văn đàn bà” tạp chí Hữu
thanh, trong khi vẫn cộng tác đều đều với một số cơ quan khác nữa. Sức làm
việc của bà thời gian này thật đáng kính phục.
Làm báo hằng ngày vất vả. Đã đảm nhận “chuyên mục” thì kỳ
nào cũng phải có bài. Bà Đạm Phương lại không làm việc ngay tại tòa soạn mà sống
ở Huế. Bảo đảm đủ và kịp thời bài vở cùng một lúc cho nhiều tờ báo, trong hoàn
thành giao thông bưu điện nước ta đầu thế kỷ 20, rõ ràng cường độ lao động lớn,
nhất là đối với một phụ nữ. Bà tiến nhanh trên trường báo chí. So sánh những
bài đầu tiên ký Đạm Phương đăng tạp chí Nam phong (1918) với
những bài bà viết về sau, vào những năm 1929-1930 trên báoPhụ nữ tân văn chẳng
hạn, có thể nhận rõ bước tiến của tác giả cả về nội dung lẫn hình thức. Nếu các
bài văn xuôi đăng tạp chí Nam phong nặng hơi văn biền ngẫu,
thi thoảng điểm xuyết mấy vần thơ cảm hoài, thì các bài viết đăng báo Trung
Bắc tân văn và đặc biệt báo Phụ nữ tân văn, đề cập nhiều vấn
đề xã hội, văn chương mạch lạc, sắc sảo - nhất là khi bà tham gia luận chiến.
Nói cách khác, tư tưởng và văn phong của theo thời gian ngày một “hiện đại”
lên, hiểu theo mặt bằng báo chí hồi bấy giờ.
Có thể nói, từ cây bút tài tử, Đạm Phương nữ sử mau chóng
trở thành nhà báo chuyên nghiệp có bản lĩnh, có tay nghề. Từ nhà thơ tài hoa,
bà trở thành nhà giáo dục học tâm huyết, tác giả nhiều bài báo, cuốn sách có
hàm lượng khoa học.
Con người sống trong thời đại, khó có mấy ai thoát hẳn sự
chi phối của hoàn cảnh xã hội, điều kiện giáo dục, vv... Trường hợp bà Đạm
Phương, bên cạnh sự gò bó của chế độ và luật pháp đầu thế kỷ 20, bà còn chịu
nhiều ràng buộc khác. Đó là đẳng cấp xuất thân, là gia thế nhà chồng, là ý thức
hệ phong kiến đã thấm vào xương tủy từ tuổi ấu thơ, cùng bao nhiêu tập tục lễ
giáo cung đình, vọng tộc. Từ tấm bé, bà được dạy dỗ theo lễ giáo phong kiến. Bà
không tiếp cận trực tiếp và có hệ thống tư tưởng Âu Tây từ tuổi nhỏ tại học đường.
Vì vậy, dễ hiểu vì sao phương pháp tư duy của bà không bằng các thế hệ sau - mà
một điển hình nổi bật chính là con trai bà: cây bút chính luận Hải Triều.
Vượt qua vô vàn ràng buộc, Đạm Phương nữ sử có đủ nghị lực
và ý chí vươn lên, thoát dần hoàn cảnh, đẳng cấp cũng như một phần hệ ý thức phong
kiến. Bà quan tâm tự bồi bổ kiến thức, thay đổi cách nghĩ, kế thừa tinh túy của
nền giáo dục truyền thống, từ đó tiếp cận các quan điểm tiến bộ của phương Tây.
Noi gương các chí sĩ cách mạng, bà hướng tới cái chân, cái thiện. Từ lòng
thương người và thiện chí có ích cho nhân quần, bà trở thành nhà hoạt động xã hội
mang tư tưởng dân chủ, dân quyền. Đọc một số tác phẩm của bà, chúng tôi có cảm
tưởng dường như nhà báo Đạm Phương sẵn sàng tiếp cận hệ tư tưởng tiên tiến của
thời đại.
Cùng với bà Sương Nguyệt Anh, bà Đạm Phương là một trong
hai nhà báo nữ đầu tiên lên tiếng đấu tranh vì nữ quyền và bình đẳng giới ở nước
ta. Tuy nhiên, bà không trình bày có hệ thống ngay từ đầu quan điểm của mình về
vấn đề rộng lớn là nữ giới, nữ quyền, dân chủ, bình đẳng giới và bình đẳng xã hội
nói chung. Qua các tác phẩm bà để lại, theo nhận thức của chúng tôi, có thể
phác họa lộ trình tư duy của Đạm Phương nữ sử về vấn đề ấyđại thể như sau:
Con người, nữ cũng như nam, sinh ra trên đời ai cũng đều
có thể chất và tâm hồn, không ai là cây cỏ, không ai là thú vật. Về thể chất,
phụ nữ không mạnh mẽ bằng nam giới song lại có thiên chức làm vợ, làm mẹ, giáo
dục con cái từ thuở nằm nôi, thậm chí từ khi cái thai còn trong bụng mẹ. “Cái
thiên chức ấy tùy theo thời thế hoàn cảnh mà cải tạo gia đình dính liền với xã
hội, để gây hạnh phước cho quần chúng” (Báo Phụ nữ tân văn,
ngày 6-3-1930). Sở dĩ phụ nữ phải chịu đè nén ngay từ trong gia đình và bị
áp bức khi ra xã hội, chủ yếu do họ ít được học - nhược điểm này bắt nguồn từ
quan điểm lạc hậu về sự học của nữ giới của xã hội phong kiến. Muốn tiến lên
ngang bằng nam giới, phụ nữ cần có học thức rộng. Mục tiêu cao cả của giáo dục
là đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cần phải thay đổi “quan niệm hủ lậu” cản trở
phụ nữ tiến xa trên đường học vấn. “Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhơn
loại... Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức, thì một nữa nhân loại có
lẽ là thú cả”. Sự học thời nào cũng đi từ thấp tới cao, từ gia đình đến học
đường, xã hội. Phải học suốt đời, học đi đôi với hành. Nói bình đẳng xã hội là
có bình đẳng giới trong đó. Bà tâm đắc ý của Lương Khải Siêu, nhà cách tân
Trung Quốc: “Cuộc vận động nhân quyền theo nghĩa rộng tức là vận động nữ quyền”
(Báo Trung Bắc tân văn, ngày 25-9-1926).
Về hoạt động thực tiễn, thời gian đầu Đạm Phương nữ sử nặng
về giáo dục các em nữ theo mô hình gia đình nền nếp công, dung, ngôn, hạnh(nhưng
bà đặt ngôn và hạnh trước dung). Các em gái nên học thêu thùa, may vá, làm việc
nội trợ, ai có điều kiện thì thêm cầm, thi, họa… Dần dà cái nhìn của tác giả cởi
mở hơn, tiến bộ hơn, sát cuộc sống hơn. Bà quan tâm đến toàn thể nhi đồng, nam
cũng như nữ, đến giáo dục gia đình nói chung. Bà coi trọng các ngành nghề thủ
công, kể cả nghề chân tay vất vả như nuôi tằm ươm tơ, miễn là làm ra thu nhập.
Bà cổ vũ phụ nữ tham gia công tác xã hội. “Nữ công chẳng những giúp cho đàn
bà về đường tự lập, mà lại về đường sinh kế, và thứ nữa là cái mầm mống của sự
công nghệ thực nghiệp nước nhà sau này” (Báo Trung Bắc tân văn,
21-6-1926). “Để bước lên cái bước thành nam nữ bình quyền, nữ giới cần có học
thức rộng” (6-3-1930). Nói cách khác, tư duy và hành động của bà Đạm
Phương càng về sau càng mang tính xã hội rõ rệt.
Trong mọi trước tác của mình, Đạm Phương nữ sử đều đặt vấn
đề giáo dục lên đầu, coi là khâu then chốt. Nhà phê bình văn học Thiếu Sơn từ
những năm 30 đã nhận xét: “Đứng về phương diện nghệ thuật mà nói thì hai bộ
tiểu thuyết (Kim tú cầu, 1928 và Hồng phấn tương tri, 1929) còn
nhiều khuyết điểm lắm. Song nếu lấy nó để khảo thêm về tâm chí tác
giả, thì ta sẽ thấy Đạm Phương nữ sử là một bậcnữ sử tiên giác đã biết rõ cái
hoàn cảnh mình, cái xã hội mình,muốn kiếm những phương thuốc để sửa đổi lấy nó,
và muốn nêu ra những lý tưởng hoàn thiện làm mục đích cho sự cải cách này”.
Từ gia đình phong kiến khép kín bước ra xã hội rộng mở, Đạm
Phương nữ sử sớm khẳng định là một nhà hoạt động có tài tổ chức. Có thể coi là
kỳ công cuộc vận động khéo léo của bà nhằm dựng lên “Nữ công học hội” (1926), tổ
chức giáo dục tư nhân đầu tiên dành cho phụ nữ ở nước ta, mở tại kinh đô phong
kiến dưới ách thực dân, mà vẫn tranh thủ được sự công nhận của nhà cầm quyền. Tổ
chức tạo thanh thế cho bà mở rộng giao lưu, liên kết với trí thức trong Nam
ngoài Bắc.
Do điều kiện xuất thân cũng như hoàn cảnh xã hội thời bấy
giờ, bà Đạm Phương không công khai bài bác chế độ phong kiến. Tuy nhiên, khách
quan mà xét, nhiều quan điểm của bà về giáo dục và xã hội, đi dần từ thấp tới
cao, kết hợp lý thuyết với thực hành, là sự phủ định gián tiếp khá nhiều nguyên
lý và quan điểm vốn được coi là nền tảng của hệ ý thức phong kiến.
Tư tưởng chống thực dân, vạch trần tính đồi bại của chế độ
cũ ở bà Đạm Phương có khả năng đi xa tới đâu? Theo các tác giả Nguyễn Khoa Diệu
Biên và Cửu Thọ, Đạm Phương nữ sử còn có tác phẩm Năm mươi năm về trước,
“một cuốn tiểu thuyết vạch trần những xấu xa thối nát của cuộc sống trong cung
đình”. Cuốn sách bị Sở kiểm duyệt Pháp tiêu hủy ngay bản thảo xin giấy phép xuất
bản (1944). Từ thông tin trên, chúng tôi suy luận: Nếu tiểu thuyết của bà Đạm
Phương đơn thuần vạch trần những xấu xa thối nát của cuộc sống cung đình, chưa
chắc nó bị nhà cầm quyền Pháp đi tới mức thiêu hủy bản thảo. Ngược lại, họ còn
có thể khuyến khích là khác, bởi người Pháp luôn tìm cách làm mất mặt hoàng triều
trước dư luận nhân dân ta để họ càng dễ bề thao túng hơn và làm giảm thiểu khả
năng một ngày nào đó từ cung đình biết đâu chẳng đột ngột xuất hiện một nhân vật
như Hàm Nghi, Thành Thái hay Duy Tân chẳng hạn.
Cuốn tiểu thuyết được viết cuối những năm 1940 về những
câu chuyện thuộc “50 năm về trước”, tức là cuối thế kỷ 19, thời gian thực dân
Pháp dùng mọi thủ đoạn áp đặt guồng máy thống trị của họ lên toàn cõi Việt Nam.
Họ rất quan tâm đến Trung Kỳ, “nơi ấn náu cuối cùng của vua quan nhà Nguyễn” -
nói theo chữ của chính họ. Vậy thì, phải chăng cuốn tiểu thuyết bị hủy bản thảo
ấy, bên cạnh việc “bóc trần những xấu xa thối nát trong cung đình”, còn có phần
tố cáo tội ác thực dân gây nên cho đất nước ta, bao gồm triều đình trong đó, mà
nhờ nhân thân đặc biệt của mình, tác giả biết rõ ràng, cụ thể hơn những gì người
đương thời và chúng ta ngày nay được biết? Xem xét tác động của thời cuộc đến
toàn bộ cuộc đời bà Đạm Phương, chúng tôi nghĩ cái làm cho bà đau xót là những
xấu xa thối nát trong cuộc sống cung đình đã đành, mà bên cạnh nó và bức xúc
hơn chắc chắn là tội ác thực dân, do đó suy luận như trên không hẳn không có
cái lôgíc của nó.
Với toàn bộ hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục, báo chí
của Đạm Phương nữ sử, sinh thời bà đã được dư luận đánh giá cao. Ngày nay, sau
hơn nửa thế kỷ bà qua đời, qua những tư liệu tiếp cận được, thiết nghĩ có đủ
căn cứ để khẳng định: Đạm Phương nữ sử là một ngôi sao sáng của Việt
Nam đầu thế kỷ 20. Bà là một trong số nhà báo được nhiều người biết nhất, bất
luận nam hay nữ, thời bấy giờ. Bà là cây bút nữ thành danh cả trên văn đàn và
báo chí. Bằng tài năng, nghị lực và cống hiến của mình, Đạm Phương nữ sử tự khẳng
định làmột trong số hiếm hoi những nhà văn, nhà báo lớn thuộc phái nữ nước ta
trước Cách mạng tháng Tám 1945.
__________________
Đạm Phương nữ
sử, tên thật Tôn Nữ Đồng Canh, là nhà báo, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa, xã hội nổi tiếng
đầu thế kỷ 20. Bà sinh ngày 3-6-1881 tại Huế, mất ngày 10-12-1947 tại Thanh
Hóa. Là cây bút kiên quyết đấu tranh vì nữ quyền, cộng tác với nhiều tờ báo nổi
tiếng thời bấy giờ như Nam
phong, Hữu thanh, Tiếng dân, Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Phụ nữ tân
văn… là tác giả của nhiều sách, được biết nhiều hơn cả là cuốn Giáo
dục nhi đồng (1942). Bà làm Hội trưởng Nữ công học Hội Huế, tổ chức
giáo dục tư nhân đầu tiên ở nước ta dành cho các em gái (từ 1926). Năm 1928, bà
bị thực dân Pháp bắt giam vì chúng nghi bà có liên quan đến Đảng Tân Việt.
PHAN QUANG
Nguồn: Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét