Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

TẾ HANH: ĐỜI TÔI THỰC HAY MỘNG, ĐỜI TÔI BUỒN HAY VUI

Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, Tế Hanh có dáng vẻ của một thi sĩ hơn cả, không phải chỉ bởi “đôi mắt nồng nàn lạ” (Hoài Thanh-Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam) mà còn là, hay chính là, bởi vẻ buồn ngơ ngác của ông, không phải chỉ trên vẻ mặt mà cả trong cách hành xử, ứng đối của ông với mọi người, mọi sự.
Nhà thơ Tế Hanh và bút tích của ông

Quan lộ của ông hanh thông. Những việc, những địa vị nhiều người thèm muốn, cạy cục chạy vạy lại đến với ông hoàn toàn tự nhiên.

Có lẽ, một phần do uy tín văn chương của ông, đức độ của ông, phần khác, do ông không âm mưu, không phe phái, không khiến bất cứ ai phải dè chừng. Ông là một trong những ủy viên Ban chấp hành “chuyên nghiệp”, có lúc là Ủy viên thường vụ, có lúc là Trưởng ban Đối ngoại, có lúc tham gia lãnh đạo báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học… Tôi không biết, không hình dung được, con người “dư một ít lời thơ”, “dư thương sớm, sẵn ngơ ngẩn chiều”, con người “Gặp em câu cuối cùng chưa nói/ buổi sớm qua rồi, sắp hết trưa” ấy đã hoàn tất những công việc quan trọng đó như thế nào. Có lẽ, một cách cũng …: “Vừa thực lại vừa mộng/Vừa gần lại vừa xa” mà thôi. (Mùa thu Yanta).

Tế Hanh rất hiền. Rất thật thà. Rất giàu yêu thương. Nhiều bạn văn chương như Quách Tạo, Chế Lan Viên, Khương Hữu Dụng, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Đình, Tịnh Hà, Hà Minh Đức, Phạm Hổ, Nguyễn Đình Thi, Võ Văn Trực, Mã Giang Lân, Vũ Quần Phương… nhận được lời đề tặng trước các bài thơ của ông. Trong số bạn văn nghệ, hình như ông gần gũi, thân thiết hơn với Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên. Giữa họ có sự khăng khít của mối tình bè bạn từ nhiều năm tháng của cuộc đời. Bài thơ ông viết sau khi Xuân Diệu mất thấm thía chân tình:

Mọi khi đến nhà anh/ Tôi gọi to: Diệu ơi/ Nghe anh trả lời:/ Hanh đó hả// Hôm nay đến nhà anh/ Tôi gọi thầm: Diệu ơi/ Và chỉ nghe tiếng tôi: Diệu ơi. Cái tiếng vọng thiệt thà, âm thầm mà da diết này chính là Tế Hanh, là thơ Tế Hanh. Nhưng ông thân với Chế Lan Viên hơn cả. Chế Lan Viên là nhà thơ sắc sảo nhất của làng thơ Việt. Tôi có cảm giác Chế Lan Viên cần sự hồn hậu ở bạn và Tế Hanh thì “nương tựa” vào sự mạnh mẽ, quyết đoán của Chế Lan Viên. Tôi được một chị bạn làm việc tại văn phòng Hội Nhà văn kể lại câu chuyện sau: Một hôm, có cuộc họp gay cấn về một vấn đề nào đó của Đảng đoàn Hội. Giữa chừng, Chế Lan Viên có điện thoại, ông phải xuống văn phòng để nghe (hồi đó chưa có di động mà máy cố định cũng rất ít). Chế Lan Viên đang nói chuyện thì thấy Tế Hanh chạy từ tầng trên xuống, giọng lo lắng: Hoan ơi, nhanh lên, họ phản công rồi. Chế Lan Viên vội vã theo chân bạn trở lại cuộc họp.

Có vẻ như những cuộc họp kiểu đó, những gay gắt, những đối đầu đều không chút thích hợp với Tế Hanh. Ông không muốn tham dự nhưng lại không thể né tránh. Những khi nghe ông thầm thì các câu chuyện tưởng là thâm cung bí sử của giới lãnh đạo nhà nước, giới lãnh đạo văn nghệ mà hầu như ai ai cũng đã biết, mới thấy hết sự mơ màng thi sĩ của ông. Những lúc như vậy, tôi có cảm giác ông đang bước lạc vào một thế giới xa lạ và lại nhớ tới nhận xét “người rụt rè, ngượng nghịu như một chàng rể mới” của Hoài Thanh.

***

Nhưng Hoài Thanh cũng từng viết về con người rụt rè, ngượng nghịu ấy: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm”. Vâng, Tế Hanh là một người tinh lắm trong cõi Thơ của mình. Hoài Thanh cũng viết: “Tế Hanh sở dĩ nhìn đời một cách sâu sắc như thế là vì người có sẵn một tâm hồn tha thiết.” Vâng, Tế Hanh có một tâm hồn tha thiết với những nơi chốn, những tình cảnh, những con người ông yêu mến, xót thương. Chế Lan Viên đã viết rất hay, rất chính xác về cái tạng của Tế Hanh, về bầu khí nuôi dưỡng thơ Tế Hanh: “Dù anh viết khá hay vể biển, biển trong bão dữ, nghĩ đến anh, tôi vẫn nghĩ đến cái êm đềm của những dòng sông. Chim anh viết hay, không phải hải âu mà là chim én. Anh có thể tả mùa hè rực rỡ nhưng hình như anh xúc động nhất mùa thu... Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào các trái hồng lẫn trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó sẽ hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc”(Tế Hanh hay Thơ và Cách mạng - Tuyển tập Tế Hanh, NXB Văn học, 1987). Nhưng dường như chưa thỏa, vài lần khác trong bài viết, Chế Lan Viên nhấn lại ý trên: “Và giữa bao nhiêu cái rộn ràng ấy, thì cái lõi, cái thực chất Tế Hanh, người tình nhân (Tôi nhấn mạnh), vẫn còn lại đó” (s đ d). Sở dĩ tôi trích Chế Lan Viên nhiều như vậy, một phần bởi ông là người bạn tri âm tri kỷ của Tế Hanh, ông là người yêu và hiểu Tế Hanh, yêu và hiểu thơ Tế Hanh hơn bất cứ ai. Phần khác, tôi có cùng cảm nhận như ông khi đọc Tế Hanh, khi gặp Tế Hanh, ngoại trừ việc ông cho rằng, nếu cách mạng không đến, có khi Tế Hanh: “thành nhà thơ trừu tượng cũng nên” (s đ d). Chính Tế Hanh đã chẳng từng khẳng định: Tôi muốn viết những dòng thơ dễ hiểu/ Như những lời mộc mạc trong ca dao” đó thôi. Có thể, những lời đó được viết trong một cảnh ngộ cụ thể nào đó, một trạng thái tình cảm nào đó nhưng từ trong bản chất, thơ Tế Hanh thuộc dòng thơ tình cảm, hơn thế, trực cảm. Những câu thơ hay của Tế Hanh như món quà bất ngờ trời đất ban tặng, như một bông hoa quý hiếm chợt hiện ra trên đường, ngay trước mắt và trong tầm tay.

Trong bài thơ Viết sinh nhật 60, Tế Hanh đã rất thành thật khi nói rằng: Khi tôi hai mươi tuổi người ta đọc thơ tôi/ Khi tôi ba mươi tuổi, người ta quên thơ tôi/Khi tôi bốn mươi tuổi, người ta lại đọc thơ tôi/ Khi tôi năm mươi tuổi, người ta còn đọc thơ tôi.

Thực ra thì khó có một thời điểm dứt khoát, rạch ròi đến vậy. Ta chỉ có thể nói đến một khoảng thời gian nào đó mà thôi. Khi Tế Hanh ở độ tuổi đôi mươi, ông có Quê hương, Lời con đường quê, Những ngày nghỉ học, Phơi phới, Dễ thương, Vườn cũ, Hoàng hôn… những bài thơ sau hơn 70 năm vẫn còn in dấu trong tâm tưởng người đọc. Những câu thơ như Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không chạy khắp làng” (Lời con đường quê); “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/Lòng buồn đau xót nỗi chia xa/ Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/Có chi vương vấn trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau… Lẽo đẽo tôi về theo bước họ/ Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương (Những ngày nghỉ học); Cảm giác êm êm khẽ động vừa/ Lan từ bóng lá ủ ê đưa/ Âm thầm cửa hé trông xa vắng/ Như lúc đầu thu những buổi trưa (Dễ thương);Nhà người yêu mến ngang qua đấy/ Vắng mặt nên lòng thấy biệt ly” (Có những con đường); Nắng nhớ rưng rưng chớp lệ mờ/ Mây buồn đôi mảnh vẩn lơ thơ/ Cỏ cây im lặng như từ thưở/ Đôi lứa xa nhau vẫn đợi chờ (Vườn cũ); Lẻ loi cho đến cả bên chân/ Cái bóng trung trinh cũng chẳng quầng (Hoàng hôn)… đã lặm vào, đã ẩn sâu trong tâm hồn nhiều thế hệ yêu văn chương Việt Nam.

Khi Tế Hanh ở độ tuổi 40- 50 người đọc thường nhắc đến Nhớ con sông quê hương, Chiêm bao, Liễu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Bão, Vườn xưa, Cha ngồi ở giữa, Mặt quê hương, Mặt mùa xuân, Gặp xuân ở ngoại thành, Chăn con, Tiếng sóng, Gửi miền Bắc, Rét nàng Bân, Điệu quê hương, Mùa thu Yanta, Phạm Thái, Tình yêu của sách, Cái nhìn, Kinh nghiệm làm thơ, Tặng, Sóng, Hà Nội vắng em… của ông. Đây là khoảng thời gian hồi sinh của Tế Hanh, sau thời gian “người ta quên thơ tôi” (trong thực tế, thời gian ở độ tuổi 30, Tế Hanh viết rất ít hay có thể nói, ông gần như không viết được. Và không chỉ riêng Tế Hanh. Nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới như Huy Cận, Xuân diệu, Chế Lan Viên đều hăng hái tham gia cách mạng tháng 8 và kháng chiến giải phóng dân tộc nhưng cũng viết ít và không để lại dấu ấn. Và, không chỉ các nhà thơ. Tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng này là một công việc đòi hỏi nhiều công phu và xin bàn vào dịp khác).

Bài thơ tình ở Hàng Châu được viết trong một chuyến thăm Trung Quốc, vào những ngày hòa bình đầu tiên sau cuộc kháng chiến 9 năm. Cảnh trí thanh bình, “bốn bề êm ái”, trăng “vời vợi thâu đêm” và Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ… chính là bầu khí, là đất sống của thơ Tế Hanh. Một ít buồn, một ít nhớ nhung, một ít xót xa, thương cảm, một ít day dứt: Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa và Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui/ Những ngày vui sao lại thấy bùi ngùi… là Tế Hanh, nhà thơ tình cảm, nhà thơ của mùa thu, của ánh trăng, của dòng sông êm, của cánh lá xanh, của ánh vàng sót lại sau thu, của “hoa bắt đầu thưa thớt cuối đường xuân” của “sợi gió đến se cùng sợi liễu”… Cố nhiên, Tế Hanh lúc này không còn là cậu học trò trốn học “tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương” nữa. Nỗi nhớ của ông đã có địa chỉ: nhớ mẹ, nhớ Vườn xưa, Nhớ miền Bắc, ông đã lắng nghe “Điệu quê hương”, lắng nghe “Tiếng sóng”, cái tiếng sóng “đã bao lần vang động giữa thơ tôi”, ông đã nhìn thấy một dòng Hiền Lương: “Nước chảy xuôi dòng bỗng chảy ngang” bởi nỗi đau chia cắt đôi bờ… Và, ông đã yêu:

“Ta đã yêu em/ Như yêu sự sống/ Ngày hiện trong đêm/ Thực hòa với mộng”, ông nhìn thấy quê hương thương yêu, trìu mến qua khuôn mặt người con gái: “mặt em như tấm gương/ Anh nhìn thấy quê hương… Ơi miền Nam yêu dấu/ Trên mặt em yêu dấu/ Ơi tháng năm nhớ thương/ Mặt em là quê hương”. Ông hân hoan cùng cảnh trí: “Tôi từ nội thành ra ngoại thành/ Vừa gặp mùa xuân đi ngược lại”… Và, trong tâm hồn hiền hậu của Tế Hanh đã có một cơn bão: Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em/ Cùng qua đường cho khỏi ngã// Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ và cơn bão lòng ta thổi mãi”… Cơn bão, chính là một chỉ dấu sự thay đổi của Tế Hanh trong giai đoạn này.

Trong vài ba mươi năm Tế Hanh đã xuất bản hàng chục tập thơ: Gửi miền Bắc, Tiếng sóng, Hai nửa yêu thương, Khúc ca mới, Đi suốt bài ca, Câu chuyện quê hương, Theo nhịp tháng ngày, Giữa những ngày xuân, Con đường và Dòng sông. Đây là giai đoạn Tế Hanh viết nhiều và có nhiều bài thơ hay. Tuy nhiên, như Tế Hanh từng viết, một cách khiêm tốn: “Đem bày tỏ nỗi lòng/ Trong câu thơ cảm khái/ Có đôi khi thành công/Và nhiều khi thất bại”, ông chỉ thực sự thành công ở những bài thơ tình cảm, hợp tạng của mình.

Trong một bài viết về Tế Hanh, Thanh Thảo cho rằng: “Thơ Tế Hanh có lẽ gần nhất với âm nhạc đồng quê, gần nhất với những khúc ca quê mà người ở đầu sông hay cuối bãi vẫn thầm hát cho chính mình. Không hề cố gắng, không tỉa tót hay triết luận, thơ Tế Hanh đến ngay người đọc theo con đường thẳng, như cách của một người bạn thật thà, chân thành và đôn hậu, thuyết phục ta bằng sự hồn nhiên bẩm sinh, bằng tiếng nói nguyên thủy của con người khi yêu thương, bằng sự dễ dàng còn lại sau mọi phức tạp đã qua (Từ Hoa niên tới mãi mãi -Tưởng nhớ nhà thơ Tế Hanh, NXB Hội Nhà văn, 2009). Thanh Thảo cũng cho rằng, dù đọc rất nhiều thơ nước ngoài, am hiểu thơ hiện đại phương Tây, yêu thích Aragon, Eluard, Rene Char, Saint-John-Perse…và dịch nhiều thơ, Tế Hanh “vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu (s đ d.). Nhận xét này của Thanh Thảo làm tôi nhớ tới những lần được nghe Tế Hanh trò chuyện, nhận xét về thơ Ta, thơ Tây. Tế Hanh cũng là người “tinh lắm” trong việc thẩm định thơ.
Nhà thơ Việt Phương kể với tôi, vào năm 1963 ông đem mấy bài thơ tình nhờ Tế Hanh đọc. Ít lâu sau, Tế Hanh nói với Việt Phương: “Phương viết những bài nghĩ về tình yêu chứ không phải những bài thơ tình”. Đến hôm nay Việt Phương vẫn còn nhớ lời nhận xét ấy hẳn vì nó vừa chân tình vừa xác đáng. Lại nhớ, trong bài Kinh nghiệm làm thơ, Tế Hanh có một đoạn thơ so sánh thâm thúy giữa việc làm thơ/ bài thơ và tình yêu/ người yêu: “Mỗi lần làm thơ tôi lại như bắt đầu/ Hơn mười năm làm thơ, tôi chưa rút ra kinh nghiệm/ Như một người đang yêu, tôi chỉ biết/ Tôi yêu. Tình yêu có kinh nghiệm gì đâu” và “Một bài thơ hay như bóng dáng người yêu/ Càng lâu càng mơ, càng xa càng nhớ”.

Tế Hanh tự hỏi: Tôi phải làm thế nào/ Khi tôi bảy, tám mươi tuổi người ta vẫn còn đọc thơ tôi.
Có lẽ không ít người nghĩ đến điều đó nhưng chỉ duy nhất Tế Hanh thổ lộ trước chúng ta. Sự chân thành này nuôi sống thơ Tế Hanh. Hàng trăm năm sau người đọc vẫn sẽ nhớ đến những dòng thơ chân tình tha thiết, những nỗi buồn thương của Tế Hanh. Cái ánh ngọc dịu dàng ấy sẽ mãi lặng thầm tỏa sáng trong tâm hồn chúng ta. “Ta sẽ giã từ đời. Thơ vẫn ở/ Trong mùa xuân vĩnh viễn góp vui chung”.

* * *

Các bác, các chú Khương Hữu Dụng, Yến Lan, Trinh Đường, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn Bổng, Tế Hanh là bạn của ba tôi từ hồi còn ở Văn Nghệ Liên khu 5. Khi tập kết ra Bắc, mối quan hệ này vẫn tiếp nối, thân tình, gần gũi. Ba tôi chuyên ngành Sân khấu, con của các bác các chú lại ít ai theo nghiệp cha. Vì vậy, tôi được các bác các chú để tâm dìu dắt. Bác Khương Hữu Dụng, chú Trinh Đường và chú Tế Hanh thường gặp gỡ, trò chuyện với tôi về Thơ, như với một người đồng nghiệp trẻ. Em trai của chú Tế Hanh, nhạc sĩ Thế Bảo là bạn thân của nhà tôi từ ngày nhỏ ở quê Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mối quan hệ nhiều riềng mối này khiến chú cháu thân nhau hơn. Có lần chú đến nhà tôi ở khu tập thể Đại học Tổng hợp, phố Lò Đúc tặng tập Thơ thiếu nhi cho các con tôi. Tiếc là tập thơ đã bị thất lạc, trong tủ sách của chúng tôi chỉ còn lại Tuyển tập Tế Hanh in năm 1987 với lời đề tặng: Tặng Ý Nhi, gửi Nguyễn Lộc của chú. Năm 1974, sau một thời gian làm thơ, có thơ in nơi này nơi khác, tôi được chú Tế Hanh nhắn chọn thơ đưa tới nhà xuất bản Văn học- nơi chú đang làm việc. Sau này, thơ tôi và Lâm Thị Mỹ Dạ được in chung trong tập Trái tim - Nỗi nhớ. Nếu không có lời nhắn của chú, hẳn tôi không dám đem thơ đến một nhà xuất bản lớn như vậy. Tôi hiểu, ngoài sự quan tâm đến thơ trẻ nói chung, chú còn quan tâm đến đứa cháu cùng tên với người con gái đầu lòng, do hoàn cảnh chiến tranh, chú chưa được gặp. Sau ngày thống nhất đất nước, chú vào Đà Nẵng. Vốn rụt rè, chú nhờ ba tôi đưa đến thăm gia đình cô Phụng và Ý Nhi. Ba tôi kể, suốt cuộc gặp gỡ, chú rất xúc động, gần như không nói được điều gì. Dịp khác, chú cùng vợ chồng Ý Nhi đến thăm ba mẹ tôi. Ý Nhi có đôi mắt đẹp giống chú.

Sau 1975, tôi về làm việc tại Nhà xuất bản Tác Phẩm mới, cùng ở trong số nhà 65 Nguyễn Du của Hội Nhà văn. Nhà chú ở Nguyễn Thượng Hiền, cùng khối nhà với cơ quan nên chú thường đi bộ đến Hội. Thỉnh thoảng chú lại ghé lên Nhà xuất bản, khi thì trò chuyện với Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, khi thì trò chuyện với Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê, khi ghé vào phòng giám đốc, gặp Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên và thường ghé vào Phòng biên tập Thơ của tôi.

Câu chuyện của chú chỉ xoay quanh chuyện văn chương, mặc dù ở Hội Nhà văn lúc ấy có khối chuyện để người ta thì thầm to nhỏ. Có lần, chú đến chơi gặp lúc Nhà xuất bản đang họp (NXB thời kỳ này tập hợp được một số anh chị em xuất sắc trong các lĩnh vực. Ai cũng lo làm việc, chẳng màng chuyện địa vị, chức tước…nên không khí rất vui). Tế Hanh kéo ghế ngồi cạnh Xuân Quỳnh và tôi - 2 tên đến trễ, ngồi bên ngoài, đang mải mê tán chuyện. Như mọi khi, chú chỉ ghé chơi, chẳng để tâm đến việc người ta đang bàn luận và biết vậy, mọi người vẫn tiếp tục bàn soạn công việc, tranh cãi, thảo luận, không ngần ngại. Tế Hanh là vậy, thực thà, hiền hậu, mơ màng. Có lúc yêu một ai đó, Tế Hanh cũng chỉ biết làm thơ: “Em biết không giữa anh và em/ Không nói được nhiều hơn là nói được”, cũng chỉ biết: “Cùng đi một quãng nói bằng lặng im”, cũng chỉ có thể Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”. Mà nếu muốn tặng quà thì cũng chỉ có thể tặng em: “Mây nổi trên ngàn/ Trăng phơi đầu bến, biển vang cuối bờ… Tặng em thế kỷ chúng ta/ Nỗi vui nỗi khổ đều qua vội vàng”. Chẳng may, em bỏ ta mà đi thì đành tự an ủi: “Mất người yêu ta còn lại tình yêu”.

...
Nhưng chú đọc thơ thì thật tinh ý, thật nhạy cảm. Năm 1981, sau chuyến đi Tiệp Khắc, tôi in hai bài thơ trên báo Văn Nghệ. Gặp tôi trước cổng Hội Nhà văn, chú bảo: Hai bài đều khá nhưng chú thích bài Một buổi chiều ở Praha hơn. Chú bảo, chú cũng có viết về Praha nhưng đó là một Praha khác. Nghĩ một chút, chú nói thêm:

Mà cháu cũng khác rồi. Mãi sau này, khi đã qua một thời gian viết và chuẩn bị cho xuất bản Người đàn bà ngồi đan, tôi mới hiểu hết ý của chú. Quả thật, Một buổi chiều ở Praha là bài thơ mở đầu cho một giai đoạn khác của thơ tôi. Nhà xuất bản nhờ chú đọc giám định tập Người đàn bà ngồi đan.Chú gặp tôi, bàn bạc kỹ cách chọn bài và đề nghị rút bài Nguyễn Du, 1813 ra khỏi tập. Tôi tiếc lắm nhưng vẫn làm theo vì biết chú lo cho tôi. Quả nhiên, khi bài thơ in trên Tạp chí Sông Hương, có người đã gọi bài thơ là, Ý Nhi, 1983, có ý cho rằng tôi có tâm trạng không tích cực… Khi tập thơ được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn, với tư cách ủy viên Hội đồng Thơ, chú đã có bài viết nhận xét, đăng trên báo Văn nghệ, có tiêu đề Sự hình thành một bản lĩnh thơ. Chú cho rằng: “sự phản ảnh thực tại ở đây là tâm trạng của nhà thơ… tất cả là độc thoại…những cảm xúc nội tâm ấy được nâng lên trong một lối diễn tả mới mẻ. Ý Nhi thuộc vào lớp những nhà thơ đã đi xa cách diễn tả sẵn có từ phong trào thơ mới”.

Hồi chú Tế Hanh bị đau mắt, tôi thường ghé qua nhà thăm cô chú. Chú buồn lắm vì đi lại khó khăn, và nhất là vì không được đọc sách. Tôi nhớ, ít nhất chú có 3 bài thơ liên quan đến sách: Tình yêu của sách, Câu chuyện đọc sách, Cái tủ sách của cha tôi. Chú từng viết: Có tập thơ dính đầy bụi bặm/ Thời gian toan phủ một màu quên/ Có tập bị chuột ăn, gián gặm/ Tôi tưởng chừng da thịt tôi rên… Chỉ có sách: một niềm chung thủy/ Sách chẳng bao giờ nỡ bỏ ta… Vậy mà, oái oăm thay, đôi mắt đẹp của chú cứ ngày một mờ đi: Mắt anh không được như xưa/ Nhìn đêm bỡ ngỡ, nhìn trưa bàng hoàng… Mắt em ngày trước hồ trong/ Anh nhìn đôi lúc ngỡ vòng sương rơi/ Nói sao hết được em ơi/ Anh không thể bắt cuộc đời đứng yên.

Không thể đọc sách, không thể đi xa, chú thường đi quanh hồ Thiền Quang, cái hồ rất đẹp chỉ cách nhà chú vài trăm mét. Nếu như ngày trước Tôi đi quanh hồ hàng nghìn cây số/ Bước tôi đi đo thử bước thời gian/ Trong đời tôi những vui buồn sướng khổ/ Hồ biết không, hỡi hồ Thiền Quang… Thì sau này: Đi dò dẫm bên hồ từng bước/ Tôi thấy hồ như một khối mơ hồ/ Tôi biết hồ nhờ nghe qua hơi nước/ Đi bên hồ như bước giữa hư vô… Trên đường đến nơi làm việc, tôi thường nhìn thấy Tế Hanh bước chậm rãi quanh hồ, dáng phân vân, nghĩ ngợi. Hình ảnh đó đã gợi cho tôi viết bài thơ Nhà thơ và cái hồ nhỏ. Tôi muốn dùng bài thơ để kết thúc bài viết về Tế Hanh, người từng đặt câu hỏi: Đời tôi thực hay mộng/ Đời tôi buồn hay vui.

NHÀ THƠ VÀ CÁI HỒ NHỎ

Khi đời đã trụi trần, đối diện với mình đây
(Mùa thu-E. Evtusenko)

Mặt hồ quen từ buổi thiếu thời
chợt sáng lên như mảnh gương
trong mùa đông của tuổi sáu mươi
và cái ánh mới mẻ ấy
vừa đẩy ông ra xa
vừa vẫy gọi ông
tìm đến soi nhìn.

Những cuốn sách mang tên ông
những phần thưởng
những diễn đàn
những bài viết ngợi khen
những chào mời vồ vập
những bức ảnh in to và rõ nét
những chương trình phát thanh và vô tuyến truyền hình

Phải chăng
đó là cuộc đời ông

Giọt nước mắt ràn rụa qua gương mặt
hạnh phúc
nụ cười cay đắng trước trò đùa nghiệt ngã của số phận
cái giá của tự do
mặt trái của quyền lực
sự nhân nhượng của con người trước cái ác
ranh giới giữa cái đẹp và sự phù phiếm
bao ý nghĩ từng giày vò ông
và như một chứng bệnh
chúng không thể chữa khỏi bằng thứ vinh quang ông có được

Phải chăng
đó là cuộc đời ông

Lòng đố kỵ giấu kín dưới từ ngữ đẹp đẽ
sự phản trắc được giải thích bằng những lý lẽ sắc sảo
ham muốn tầm thường
được che đậy bằng câu chuyện bông đùa
và nỗi sợ hãi
hầu như vô nguyên cớ
suốt đời đè nặng ông bằng sức nặng vô hình
suốt đờ trói buộc ông bằng dây nhợ vô hình

Phải chăng
đó là cuộc đời ông

Trong những chiều
Nhà thơ thường đi quanh cái hồ quen
vẻ như khách lạ.

4/1987
Ý NHI

Nguồn: Tiền Phong


Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

BÙI GIÁNG TRONG CÁI NHÌN CỦA CÁC NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC MIỀN NAM TRƯỚC 1975

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước…
Nhà thơ Bùi Giáng

1. Nói đến Bùi Giáng, người ta thường nghĩ đến một nhà thơ vừa quen lại vừa lạ. Quen vì thơ ông vốn mang âm hưởng lục bát của ca dao, của Truyện Kiều, dễ thuộc, dễ nhớ, được nhiều người yêu mến, tìm đọc. Nhưng lạ, vì để hiểu đời và thơ Bùi Giáng là điều không đơn giản. Vì vậy, Bùi Giáng luôn là một hiện tượng thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả cũng như các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong và ngoài nước từ khi ông còn hiện hữu trên cõi đời cho đến lúc ông đi ra ngoài cõi sống.

Trong văn học miền Nam 1954 - 1975, đời và thơ Bùi Giáng luôn được các nhà phê bình văn học chủ tâm nghiên cứu. Bùi Giáng đã hiện diện trong các công trình phê bình, nghiên cứu văn học ở miền Nam như: Những nhà thơ hôm nay (Nhà văn Việt Nam xb, Sài Gòn, 1957) của Nguyễn Đình Tuyến; Văn học hiện đại, thi ca và thi nhân (Quần Chúng xuất bản, Sài Gòn, 1969) của Cao Thế Dung; Những Khuynh hương trong thi ca Việt Nam (Khai Trí xb, Sài Gòn, 1962) của Minh Huy; Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960 (Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn, 1969) của Uyên Thao; Tác giả tác phẩm (Tác giả Xb. Sài Gòn, 1973) của Trần Tuấn Kiệt... Đặc biệt cùng với Trịnh Công Sơn, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Thế Uyên, Thế Phong, Võ Hồng, Bùi Giáng là một trong mười khuôn mặt văn nghệ được Tạ Tỵ nói đến trong tác phẩm chân dung văn nghệ có tên Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay nổi tiếng của mình do Lá Bối xuất bản, Sài Gòn, 1972.

Và càng đặc biệt hơn khi Tạp chí Văn, một trong những tạp chí nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín trong đời sống văn học miền Nam trước 1975 đã dành hẳn số 11 ra ngày 18/5/1973 để giới thiệu về Bùi Giáng với các bài: “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” của Thanh Tâm Tuyền; “Thi ca và tư tưởng” của Tuệ Sỹ; “Bùi Giáng, về cố quận” của Nam Chữ; “Bùi Giáng, cải lương ca” của Cao Huy Khanh; “Bùi Giáng trên đường về cố hương” của Trần Hữu Cư; “Ẩn ngữ, cung bậc thi ca” của Thục Khưu; “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng” của Trần Tuấn Kiệt; “Thư từ” trao đổi giữa Nguyễn Xuân Hoàng và Bùi Giáng và một số sáng tác thơ, văn của ông…

Ngoài ra Bùi Giáng còn xuất hiện trên nhiều báo, tạp chí, công trình nghiên cứu khác ở miền Nam trước 1975 mà do điều kiện khó khăn về việc tìm kiếm tư liệu, người viết bài này chưa có thể sưu tập được. Tuy nhiên qua những gì hiện có, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng Bùi Giáng là một trong những hiện tượng văn học khá nổi bật thu hút ngòi bút của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975. Và nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng là một hiện tượng, người yêu thơ phải nhìn Bùi Giáng qua phong cách độc đáo, ở đấy, mỗi dòng, mỗi chữ, mỗi ý, được viết ra là máu thịt của thi nhân dâng hiến cho đời. Thơ Bùi Giáng không thuộc trường phái nào hết. Nó không cũ, chẳng mới. Nó có thể là thơ, là tư tưởng, đôi khi thơ và tư tưởng lẫn lộn giao hòa tạo thành một vùng “mờ mịt thức mây”. Thơ Bùi Giáng như cơn đau chưa dứt, như nỗi bàng hoàng chiêm bao chợt tỉnh, để rồi lại chìm vào chiêm bao khác. Nó bâng khuâng ở mỗi vần, mỗi chữ. Có lúc, nó buồn bả như niềm tuyệt vọng! Người yêu thơ cứ phải men lần theo, như đi trên một hành lang trú ngụ. Nhiều điều bí mật. Mỗi khúc quanh lại mở ra những kỳ dị phi thường”(1)

Nhận định trên đây của Tạ Tỵ về Bùi Giáng có lẽ cũng là cảm thức chung của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975  khi nghiên cứu về đời và thơ Bùi Giáng.

           
2. Buffon nói “Văn là người”. Điều đó rất đúng với Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi người của Bùi Giáng. Mà cuộc đời Bùi Giáng thì phiêu bồng như thơ ông. Vì vậy, để hiểu đời và thơ Bùi Giáng có lẽ người đọc cũng phải để hồn mình bồng bềnh phiêu lãng trong cõi thơ của ông. Bởi Bùi Giáng đã từng quan niệm “Cõi thơ là cõi bồng phiêu ”. Đi vào cõi thơ Bùi Giáng tức là đi vào cõi bồng phiêu của đời Ông. Vì vậy khi tìm hiểu các bài nghiên cứu, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 viết về Bùi Giáng, chúng tôi đều thấy chất phiêu bồng này đan xen trong tâm thức và cảm quan của người viết. Thế nên, để hiểu Bùi Giáng, các nhà phê bình, nghiên cứu phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn, nhiều hệ quy chiếu khác nhau thì may ra mới chạm đến cõi thơ và cõi đời Bùi Giáng. Bởi theo Tạ Tỵ, Bùi Giáng là người “đã đi vào chiêm bao giữa cuộc sống vì cuộc sống vừa khủng khiếp vừa nên thơ, con người không thể dùng lý luận để biện minh phải trái. Nhưng dù nói gì mặc lòng, đích thực thơ Bùi Giáng bị cái hàng rào triết học bủa vây thật chặt chẽ” (2). Và theo chúng tôi, đây chính là một yếu tính trong đời và thơ Bùi Giáng.

Nói đến thơ và đời Bùi Giáng là nói đến sự hợp hôn diệu kỳ giữa thi ca và triết học. Chính vì vậy đi vào cõi thơ Bùi Giáng, người đọc cần có một tầm đón đợi phù hợp, phải xuất phát từ nhiều điểm nhìn khác nhau cùng với một vốn sống, vốn văn hóa phong phú may ra mới thấu cảm được với hồn thơ của thi sĩ. Đây cũng là điều mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 tập trung lý giải. Bởi theo Nguyễn Đình Tuyến “Thơ Bùi Giáng được rất nhiều ca tụng nhưng đồng thời cũng gặp nhiều ngộ nhận. Đó là hiện tượng không thể tránh được đối với các thi tài lớn. Từ lâu, nhà thơ đã linh cảm những bất trắc trên đường sự nghiệp, nhưng với một khát vọng thiết tha và mãnh liệt khởi sự từ mưa nguồn chớp bể, nhà thơ vẫn đi theo tiếng gọi của nàng thơ và không thể chiều ý tất cả chúng ta” (3)

Tuy nhiên với sự đồng cảm và tri âm sâu sắc của những tâm hồn đồng điệu, các nhà phê bình văn học ở miền Nam đã đến với đời và thơ Bùi Giáng bằng một sự trân quí, sẻ chia. Chính vì vậy, trước bao nhiêu câu hỏi của người đời về hiện tượng điên hay không điên của Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền trong bài viết “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn” với tất cả sự cảm nhận, tinh tế của một thi sĩ và trách nhiệm của một nhà phê bình đã xác tín “Không. Bùi Giáng không điên, ông là một nhà thơ sáng suốt cực kỳ. Ông là một nhà thơ “ngộ”. Đừng hiểu chữ “ngộ” trong cái nghĩa đơn giản của Đạo giáo…” (4). Và chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định này của Thanh Tâm Tuyền.

Quả thật, Bùi Giáng không phải là một nhà thơ điên như có người nhầm lẫn. Trạng thái điên “nếu có” ở Bùi Giáng chính là sự phóng chiếu của những ẩn ức, đam mê trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Và nếu nhìn từ lý thuyết phân tâm học của Freud chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề này. Chính vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học miền Nam trước 1975, Bùi Giáng là một thi nhân luôn gắn với cuộc sống con người và hồn thơ của ông luôn neo đậu trong cõi người. Nếu có phiêu bồng thì đó chỉ là sự phiêu bồng của những phút thăng hoa trong sáng tạo. Nói như Cao Thế Dung: “Đọc thơ Bùi Giáng ai cũng nhận thấy có cái độc đáo từ chiều sâu thẳm trong cõi tiềm thức. Chiều sâu ấy như chiều sâu của vô cùng với khắc khoải của khát vọng từ xa vắng người mà rất người” (5). Và cũng theo Cao Thế Dung, tìm vào cõi thơ Bùi Giáng: “người ta chợt nhớ ra cái bóng dáng xa xăm của Verlaine khi bắt đầu dấn thân vào cuộc đời. Nỗi buồn của thơ Bùi Giáng tựa như âm thừa của trận mưa nguồn, của cỏ nội. Nỗi buồn dâng thiệt cao trong cơn say rồi thoát giữa hư vô để tìm lại bóng con người. Nỗi buồn ấy thấm sâu rồi lan nhẹ theo từng mảnh tâm tư trước cơn dao động của ý thức” (6)

Song cõi thơ Bùi Giáng không chỉ đậm đặc nỗi buồn mà còn chất đầy nỗi cô đơn của thân phận trước những dâu bể cuộc đời. Nỗi cô đơn ấy nhiều khi ám ảnh cả đời người  mà nếu không “vịn” vào một cái gì đó để “đứng dậy” thì con người cũng dễ bị gục ngã trước cuộc sống. Trong cõi thơ Bùi Giáng nỗi cô đơn là một căn tính mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 đều nhận thấy. Vì vậy, khi nhận định về vũ trụ thơ Bùi Giáng, Tạ Tỵ đã thốt lên một cách xa xót: “Bùi Giáng thường gặp mình giữa hồn mình. Cô đơn và cô đơn trước bạt ngàn vướng mắc” (7). Còn Trần Hữu Cư thì cho rằng: “Bùi Giáng vẫn còn đó, có lẽ Bùi Giáng chỉ nhận những lời ngợi khen hay thống trách, nhưng có lẽ quá hiếm người hiểu ông muốn làm gì trên cõi đời này… Cho nên Bùi Giáng vẫn sống cô độc” (8)

Quả thật những suy nghĩ của Tạ Tỵ và Trần Hữu Cư về nỗi cô đơn trong đời và thơ Bùi Giáng thật đúng với cõi đời và cõi thơ của ông. Cô đơn vốn là một căn tính trong bản thể. Tùy theo thân phận / nhân vị của mỗi người mà nỗi cô đơn đó hiện hữu như thế nào!? Ở Bùi Giáng, theo chúng tôi, nỗi cô đơn của ông là nổi cô đơn của định mệnh, của duyên nghiệp. Ông không chỉ cô đơn trong đời mà còn cô đơn trong thơ, cô đơn trong tư tưởng của mình. Sự cô đơn ở Bùi Giáng như một hệ lụy tất yếu của số phận, không thể lý giải. Vì thế, đã lâu rồi, người ta vẫn cứ đặt nhiều câu hỏi về đời và thơ của ông. Và từ những góc nhìn, những suy tưởng riêng của mình mà mỗi người có cách lý giải khác nhau. Nhưng nếu bảo rằng chúng ta đã hiểu và chia sẻ hết những gì hiện hữu trong đời và thơ Bùi Giáng, thì đó là điều không thể !? Nói như Trần Hữu Cư: “Bùi Giáng vẫn sống trong cô độc”. Bởi theo Tạ Tỵ: “Thơ với Bùi Giáng đích thị không phải là cứu cánh, chỉ được thực hiện nhằm giải tỏa ám ảnh về thân phận trong vòng đai cuộc sống nhiều băn khoăn với ý thức siêu hình”. (9) 

Vì vậy, trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam, thơ Bùi Giáng là “cuộc hội thoại giữa thi ca và tưởng…”. Nó “luôn luôn là những tương ứng của chung và riêng” (10). Và cuộc hội thoại nầy chính là một đặc điểm trong thi pháp thơ Bùi Giáng mà theo Cao Huy Khanh trong bài tiểu luận “Bùi Giáng, cải lương ca” thì “Văn chương Bùi Giáng là một nỗ lực giải quyết và thực hiện tư tưởng triết lý tồn sinh một cách sống động và thơ mộng” (11). Tính chất triết lý này chi phối rất sâu sắc cõi sống và cõi thơ của Bùi Giáng. Vì vậy, Tạ Tỵ cho rằng: “Bùi Giáng đi vào cõi thơ luôn đeo bên mình niềm ám ảnh của triết học” (12). Và chính vì thế “Bùi Giáng làm thơ nhưng chẳng bao giờ thừa nhận thi ca là lẽ sống duy nhất của đời mình. Người thơ coi kiếp sống như một hiện hữu bất đắc dĩ, nên làm thơ cho khuây khỏa ám ảnh, cái ám ảnh thực sâu đậm bi thương giữa cõi đời hỗn mang và suy tưởng thuần khiết” (13). Và cũng theo Tạ Tỵ: “Bùi Giáng thoát hồn vào ảo giác để nhận ra sự thật” (14). Nhận xét nầy có thể xem là một gợi mở, là chìa khóa để giải mã hành trình sáng tạo thơ của Bùi Giáng cũng như sự hiện hữu khá dị thường của ông trong cuộc đời mà hiện nay vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp!?

Một điều lý thú mà hầu hết các nhà phê bình ở miền Nam trước 1975 đều tập trung nghiên cứu với những nhận định khá sâu sắc và xác đáng đó là lĩnh vực ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn từ trong thơ bao giờ cũng là một trong những giá trị đặc biệt làm nên phong cách nhà thơ. Ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là một vũ trụ ngôn ngữ mà ở đó cuộc hôn phối diệu kỳ giữa thi ca và tư tưởng được thể hiện một cách sâu sắc. Vũ trụ ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là vũ trụ của những tiếng nói vang vọng từ trong chiều sâu tâm thức và tâm cảm cho nên nó là một thứ ngôn ngữ phi / siêu logic, ngôn ngữ nghệ thuật phi / siêu nghệ thuật. Vì vậy trong cái nhìn của Cao Thế Dung “Thơ Bùi Giáng vốn là sự khó hiểu vì ông đã phá cái trật tự của ngôn ngữ, ông đã đảo lộn cái cơ cấu tạo hình ngôn ngữ. Ngôn ngữ qua thơ ông chỉ còn là một thứ trò chơi. Ông dỡn với từng chữ, đùa cợt với âm thanh thơ” (15) . Còn Tạ Tỵ lại cho rằng: “Thơ Bùi Giáng mang nhiều ẩn dụ ở chiều sâu ngôn ngữ” (16). Và theo Nam Chữ: “Mặc dầu có khi trái ngược nhau đến cực độ, ngôn ngữ thi ca của ông (Bùi Giáng - THA) ngụ ý một cách sâu xa. Người ta biết rõ ràng những dung từ khó khăn nhất, những âm vận ngắn củn nhất, đôi lúc đến quá liều lĩnh, khi đi vào trong cung cách lập ngôn của ông đều trở nên linh hoạt dị thường, đều trở nên nhẹ nhàng và âm điệu réo rắc như nhịp tấu của một tay gảy đàn tài tử, không còn câu nệ ở hình thức cây đàn nữa”. (17)

Mặt khác, từ góc nhìn truyền thống Cao Huy Khanh cho rằng: “Thơ Bùi Giáng cốt yếu là một hiện tượng ngôn ngữ độc đáo tựu thành từ mối đam mê nguồn thơ lục bát (đặc biệt truyện Kiều) phối hợp với âm điệu ca dao thuần túy dân tộc” (18). Song phải chăng, ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa thi ca và tư tưởng, giữa nghệ thuật và triết học. Và điều nầy đã tạo nên một phẩm chất riêng có trong thơ ông, nên khi nhận định về ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, Nguyễn Đình Tuyến cho rằng: “lời thơ rộng rãi luôn luôn thay đổi bình diện, thâm trầm trang nhã mà không xa lời ca nơi đồng ruộng, thôn trang, bình dị mà tân kỳ, đó là tính chất của thơ Bùi Giáng” (19)

Tuy nhiên khi nói đến ngôn ngữ thơ Bùi Giáng, các nhà phê bình văn học không chỉ nói đến mặt sáng tạo, mặt thành tựu mà còn chỉ ra những mặt hạn chế. Đó là sự dễ dãi, đùa cợt, sáo rỗng trong ngôn ngữ ở một số bài thơ của Bùi Giáng mà theo Cao Thế Dung là kỹ thuật thơ của Bùi Giáng “chưa phải là điêu luyện vì cách sử dụng ngôn ngữ của ông còn nhiều điểm đáng chê vì nó không thể hiện được phần yếu tính của thơ”. (20) Không những thế, Cao Thế Dung còn cho rằng có lúc Bùi Giáng sử dụng những “ngôn từ quá cũ, sáo rỗng, chẳng hạn như “Nữ Chúa Nương” và nhiều khi còn dùng những ngôn ngữ mà với thi ca nó sẽ tầm thường như con chuồn chuồn, con kiến” (21) 

Theo chúng tôi, ý kiến nầy tuy có phần xác đáng nhưng cực đoan. Vì không nhất thiết cứ là thơ thì ngôn ngữ phải là những “lời có cánh” bay bỗng, sang trọng, xa cách cuộc sống đời thường. Và nếu cho rằng dùng những ngôn từ trong cuộc sống làng quê như chuồn chuồn, con kiến sẽ làm tầm thường hóa thơ ca thì đây là ý nghĩ có phần hàm hồ . Bởi vì, ngôn ngữ thơ, suy cho cùng cũng là ngôn ngữ từ đời sống được nhà thơ chưng cất lên mà thôi. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, là nghệ thuật và kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ như thế nào trong quá trình sáng tạo thơ ca, chứ không phải là việc dùng từ “bình dân” hay “bác học”. Bởi lẽ, nói như Rimbaud: “Tiếng nói kia của nhà thơ sẽ là hồn của tâm hồn, thu gom hết sự vật, hương, thanh sắc, nó sẽ là ý tưởng móc vào ý tưởng mà lôi kéo đi”. (22)

Một bình diện khác trong thế giới nghệ thuật thơ Bùi Giáng mà các nhà phê bình văn học ở miền Nam cũng đề cập đến đó là giọng điệu mà theo Uyên Thao: “Bùi Giáng cũng tạo được một cái lạ” đó là “cái ngang” và chính “cái ngang” này đã làm cho “Bùi Giáng có cái giọng bạt đó và cái giọng bạt đã ảnh hưởng vào âm vận của thơ Giáng” (23). Và trong cái nhìn của Uyên Thao thì Bùi Giáng là một trong không nhiều gương mặt thơ tiêu biểu của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Thục Khưu trong bài Ấn ngữ, cung bậc thi ca Bùi Giáng, đã cảm nhận vẻ đẹp trong giọng điệu thơ Bùi Giáng bằng những cảm xúc rất tinh tế và sâu sắc. Theo Thục Khưu cái ngân nga trong thơ điệu Bùi Giáng “là một bức thông điệp mỹ miều đồ sộ của tâm hồn” (24). Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Giọng điệu trong thơ bao giờ cũng là giọng điệu của tâm hồn thi nhân. Đây là một trong những yếu tố thi pháp làm nên nét riêng trong phong cách của mỗi thi nhân. Giọng điệu ấy bao giờ cũng là phương thức hữu hiệu nhất chuyển tải tâm thức và tâm cảm của thi nhân đến người tiếp nhận. Vì thế, Tạ Tỵ cho rằng: “Thơ Bùi Giáng súc tích chứa đựng nhiều u uẩn. Cái khung trời sáng láng hồn hậu chan hòa mơ ước, phiêu bồng của buổi nào xa xôi, vẫn thấp thoáng hiện về trong thi nhân qua những vần điệu” (25).

Không chỉ lạ lẫm trong giọng điệu, thơ Bùi Giáng cũng khám phá nhiều lĩnh vực của hiện thực và đó là một hiện thực luôn vận động: từ truyền thống đến hiện đại, từ thế giới hữu hình đến vô hình, từ hiện thực cuộc đời đến hiện thực tâm linh... Sự vận động này vô cùng linh hoạt và biến sinh theo sự biến đổi của đời sống. Nó phiêu bồng và chuyển dịch như cuộc đời của thi nhân. Chính vì lẽ đó, Nam Chữ cho rằng: “Phần lớn, đề tài trong thi ca Bùi Giáng còn phức tạp hơn cả người ta tưởng tượng được. Nó còn đảo lộn hơn cả cái người ta hiểu. Nghĩa là đã có một sức cảm quan như vượt qua sự rung động thuận lợi của một cá nhân hơn là một con người” (26). Vì vậy, cũng theo Nam Chữ hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng cũng là một hành trình đi từ chối bỏ đến tham dự, từ ngoại vi đến trung tâm... Và đây là một hành trình lâu dài.

Ta hãy nghe Nam Chữ giãi bày hết sức thành thực về hành trình tiếp nhận thơ Bùi Giáng trong đời sống văn học lúc bấy giờ: “Một trường hợp rất bi đát nhưng có thực trong đất nước Việt Nam này, chúng ta có ngờ nỗi đâu một người suốt đời tận tụy với nghệ thuật, đã có hơn mấy chục tác phẩm được in ra (tiểu luận, phê bình, dịch, thi ca…) giờ đây lại thêm một mớ tóc trắng phất phơ về chiều, trừ một số rất ít chịu thần phục, thơ ông, lại gần như không có độc giả… Một vài tác phẩm, nhất là về thi ca cái giá trị đúng mức của nó, lần đầu tiên xuất hiện đã không được đón nhận rộn rịp như một số thi sĩ trước ông và sau ông vài năm. Thực ra phải đợi đến nhiều năm, gần 10 năm sau tác phẩm thơ ca của ông ra đời người ta mới hốt hoảng và tìm đọc lại những tác phẩm trước kia của ông” (27). Phải chăng, đây cũng là qui luật hằng thường trong tiếp nhận các hiện tượng văn học của người đời. Đến nỗi, một thiên tài như Nguyễn Du mà còn phải thở than: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như... nghe sao mà chua chát thế!

Và cũng theo Nam Chữ cách lập ngôn của Bùi Giáng “là cách ông muốn im lặng đến cùng. Ông muốn nói một thứ tiếng nói im lặng, chẳng ai hiểu ông cả. Trừ phi một người nào đó trong chúng ta cùng đứng trên vực thẳm lặng lờ như ông, cùng nhìn xuống đáy sâu không đáy kia.” (28) Theo chúng tôi cái im lặng của Bùi Giáng là im lặng của một người đã đốn ngộ. Và ông dùng thơ ca để chuyển tải sự im lặng của mình như một ứng phó trước những nhiễu nhương của cuộc đời mà ông chỉ dự phần như một kẻ bên lề.
Song, cuộc đời đã không để Bùi Giáng sống trong lặng im. Bởi càng ngày, người yêu thơ Bùi Giáng, người quí mến, kính trọng văn tài của Bùi Giáng càng nhiều và luôn có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đây có phải là niềm hạnh phúc với ông chăng?! Bởi như Trần Tuấn Kiệt trong bài viết chung quanh vấn đề Bùi Giáng đã xác quyết: “Ta có thể so sánh con người Bùi Giáng ngày nay với Đức Phật thời Ngài mới bắt đầu thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển. Trong khi đó ma vương quỉ sứ và môn đệ Bà La Môn giáo đến châm chích đủ điều. Nhưng Đức Phật vẫn là Đức Phật và ma quỉ gì đó vẫn là ma quỉ”. (29)

3. Có thể nói, Bùi Giáng hiện hữu giữa đời như một ngôi sao lạ, mà theo thời gian, hào quang của nó chắc chắn sẽ còn mãi tỏa sáng. Cuộc đời và văn nghiệp của ông có thể còn những uẩn khúc, những bí mật cần được giải mã. Song một điều, ai cũng phải thừa nhận đó là tài năng của ông.  Những tháng năm còn “làm kiếp con người” (từ dùng của TCS), Bùi Giáng chẳng có gì cả: học vị, học hàm, địa vị xã hội, tài sản... nghĩa là ông không có một chút lợi danh gì cả ngoài những ngày tháng phiêu bồng. Ông là một người “vô sản” đúng nghĩa chứ không phải là những người “vô sản” chỉ được phủ một lớp vỏ danh từ. Nhưng tài sản mà ông để lại cho đời thật vô giá nhất là sự nghiệp thơ ca của ông mà nói như Tạ Tỵ: “Bùi Giáng không nói gì cả, nhưng toàn bộ thi phẩm của Bùi Giáng đã khơi động một trời thơ rộng rinh, bát ngát. Thi nhân không dấn thân vào đâu hết, coi cuộc đời như cõi dong chơi tạm bợ. Làm thơ cũng là đi vào thơ như đi vào cõi vô định. Không có chọn lựa hay thử thách chỉ có xúc cảm và ngôn ngữ giao thoa, diễn đạt những gì ám ảnh trong hồn” (30)

Văn nghiệp của ông dù trải qua những biến thiên của cuộc sống nhưng nó vẫn vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản của đời sống chính trị xã hội để tồn sinh với cuộc đời. Bởi lẽ, cái làm nên giá trị văn chương của Bùi Giáng không chỉ có ở tài năng của ông mà còn ở tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước. Và theo Trần Hữu Cư cảm hứng “tư cố hương” là một niềm khắc khoải không nguôi trong thơ Bùi Giáng. Vì vậy “Tất cả những gì ông làm trong thơ, viết lách, dịch thuật…v…v… tất cả đều làm một cuộc lên đường tìm lại một “màu hoa trên ngàn”, một “tình yêu quê hương” cho thời hiện tại, thời mà chúng ta đang sống trong nỗi mất quê hương” (31) Phải chăng đây là cái gốc tạo nên hệ giá trị nhân bản của mọi sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng trong đó có thơ ca mà theo Cao Thế Dung đó là “biết yêu sự thực, biết quí trọng những gì cao đẹp trong con người, tình yêu, nghệ thuật” (32)

Chính giá trị nhân bản này là bệ phóng chắp cánh cho hành trình sáng tạo của ông và nó cũng là nhân tố kết nối ông với cuộc đời, với con người, làm cho văn nghiệp của ông nói chung và thơ ca nói riêng sẽ vượt lên mọi giới hạn để mãi mãi tỏa hương trong  cuộc đời. Và có thể nói, Bùi Giáng là người đã vượt qua giới hạn của vận mệnh con người và định mệnh nghệ thuật để vươn đến sự bất tử thường hằng như những câu thơ giản dị mà đầy tính triết luận của ông:

                                   Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
                              Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.
                                  Gọi tên rằng một, hai, ba
                            Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp: 16/8/2013
TRẦN HOÀI ANH
 (Bài viết nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất nhà thơ Bùi Giáng)

Chú thích:

(1) (2) (7) (9) (12) (13) (14) (16) (25) (30) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá Bối xuất bản, Sài Gòn 1973, tr.583 – 584, tr. 563, tr.557, tr.568, tr.571, tr.575, tr.575, tr.579, tr.563, tr. 587.    
(3) (19) Nguyễn Đình Tuyến, Những nhà thơ hôm nay, Nhà văn Việt Nam xuất bản, Sài Gòn 1967, tr.18, tr.17.
(4) Thanh Tâm Tuyền,  “Bùi Giáng, hồn thơ bị vây khổn”, Văn số 11, ra ngày 18 /5/ 1973,  tr.8
(5) (6) (15) (20) (21) (32) Cao Thế Dung, Văn học hiện đại thi ca và thi nhân, Quần chúng xuất bản, Sài Gòn 1969, tr. 42; 42, tr.44,  tr.48, tr.48, tr.48
(8) (31) Trần Hữu Cư, “Bùi Giáng trên đường về cố hương”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.69, tr.56
(10) Tuệ Sỹ,  “Thi ca và tư tưởng”, Văn số 11 ra ngày 18/5/1973, tr.27
(11) (18) Cao Huy Khanh “Bùi Giáng, cải lương ca” Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973 tr.60, tr.65
(17) (26) (27) (28) Nam Chữ, “Bùi Giáng, về cố quận”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973  tr.45, tr.43, tr.43, tr.48
(22) Trần Hoài Anh, Thơ - Quan niệm và cảm nhận, Nxb. Thanh niên, H, 2010, tr. 280
(23) Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960, Hồng Lĩnh xb, Sài Gòn 1969, tr.455
(24) Thục Khưu, “Ẫn ngữ, cung bậc thi ca”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr.74
(29) Trần Tuấn Kiệt, “Chung quanh vấn đề Bùi Giáng”, Văn 11, ra ngày 18 /5/ 1973, tr. 79



NHÀ VĂN TRẺ NGÔ THUÝ NGA: LẶNG IM VÀ THA THỨ ĐỂ YÊU THƯƠNG

Nghe tin Ngô Thuý Nga ra mắt tập truyện ngắn đầu tay, niềm vui của tôi vỡ òa. Thế là, những khó khăn của cuộc sống, những gánh nặng của một người chị vừa ra trường phải nuôi hai đứa em ăn học và những mất mát của một cô gái tuổi hai mươi vừa mất mẹ đã không đánh gục được Ngô Thúy Nga…
Nhà văn Ngô Thuý Nga (ngoài cùng bên trái)

Người ta thường nói, muốn hiểu một người viết văn, trước hết hãy đọc văn của họ. Điều này có lẽ không sai với Ngô Thúy Nga. Đọc văn Ngô Thúy Nga, sẽ nhận thấy đây đó trong từng nét chữ thấp thoáng bóng dáng và cuộc đời của một cô gái tuổi hai mươi nhiều bất hạnh. 15 truyện ngắn trong tập truyện Nước mưa của chàng câm là 15 cung bậc cảm xúc khác nhau, va chạm vào nhiều ngõ ngách của đời thường và mảnh tâm hồn cứ ngỡ như tờ giấy mỏng tang hay một giọt mưa sắp vỡ òa. Ám ảnh một cách nhẹ nhàng, mỏng manh mà vô cùng sâu sắc, Ngô Thúy Nga đóng vai người vạch ra những nỗi đau và cả người băng bó những vết thương.

Những câu chuyện trong văn Ngô Thúy Nga thường xoay quanh các nhân vật có tâm lý không bình thường. Họ là những “gã”, những “hắn”, những “ả”, những “nàng”, những “em” và “anh”. Họ không có tên, hoặc giả nếu có cũng chỉ là những cái tên mơ hồ như chính cuộc đời họ. Họ suy nghĩ, suy nghĩ, dằn vặt, rồi lại suy nghĩ về cuộc sống, về những lỗi lầm, và cả định mệnh. Trong văn Ngô Thúy Nga, đôi khi, những câu nói đùa, những cái nguýt dài chua ngoa hay một cái tát như trời giáng cũng trở thành âm thanh của nỗi “buồn dài, buồn lặng, buồn lâu” không sao dứt ra được. Những cuộc gặp gỡ, những tình yêu khắc khoải, tồn tại đấy mà như không tồn tại, chẳng trắc trở mà vẫn cứ không thành, nhiều khi ở trong nhau mà lòng vẫn thấy cô đơn. Cái sự cô đơn chiếm lĩnh từng chữ trong văn Ngô Thúy Nga, ngay cả khi cô miêu tả một đám đông, một bữa tiệc hay những cuộc cãi vã thường như cơm bữa trong một gia đình đông con túng quẫn. Song khác với những sự lạnh lùng, hằn học, văn Ngô Thúy Nga nói về mọi góc cạnh bẩn thỉu nhất của đời với thái độ bao dung đáng để cho mọi tội lỗi phải cúi đầu hổ thẹn.
Bìa tập truyện Nước mưa của chàng câm

Ở ngoài đời, Ngô Thúy Nga cũng vậy. Tha thứ, im lặng, và mỉm cười, và nghĩ về người khác một cách vô điều kiện dường như đã là lẽ sống của cô gái nhỏ. Cũng như văn chương, cuộc sống với Ngô Thúy Nga luôn là một hành trình tìm kiếm sự khoan dung, tha thứ cho nhau giữa những con người, những cuộc đời, để trên hết, vẫn là một tình yêu rộng lớn, thánh thiện bao trùm lên tất cả.

Hầu hết chúng ta, những người viết văn, với cái bản ngã rất lớn của mình thường luôn nghĩ về những điều vĩ đại, luôn mong muốn một tác phẩm để đời “thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người, phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi,…, ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...”. Điều đó chẳng có gì sai, thậm chí đáng được cổ vũ. Song, vô tình trên hành trình đi tìm kiếm những câu chuyện vĩ đại, chúng ta đã bỏ quên những mảnh vỡ của bộ mặt cuộc sống đang nứt ra từng ngày, từng giờ, trong những góc tối và trong chính lòng mình. Như một con ong cần mẫn hút những nhụy hoa còn sót lại trong khi những con ong khác đã vội vàng bỏ đi sau mật ngọt đầu mùa, Ngô Thúy Nga đã cho chúng ta thấy đủ ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống thông qua giọt mật chắt chiu từ những mùa hoa đời bỏ lại.

Nghe tin Ngô Thúy Nga ra mắt tập truyện ngắn đầu tay, niềm vui của tôi vỡ òa. Thế là, những khó khăn của cuộc sống, những gánh nặng của một người chị vừa ra trường phải nuôi hai đứa em ăn học và những mất mát của một cô gái tuổi hai mươi vừa mất mẹ đã không đánh gục được Ngô Thúy Nga, và chắc chắn, Ngô Thúy Nga sẽ còn đi xa hơn, bền hơn trong nghiệp viết. Cứ như một bụi cỏ dại mọc giữa đường đời, dù bao bước chân dẫm lên vẫn hiên ngang sống, văn chương chính là lẽ sống, là người tình của Ngô Thúy Nga, giúp cô gái mong manh ấy trở nên mạnh mẽ một cách kiên cường giữa những lần vùi dập của bão tố cuộc đời.

Âu đó cũng là một duyên phận!

NGUYỄN VÂN
Nguồn: NVTPHCM





Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

NHÀ VĂN NAM HÀ: “ÔI, TỔ QUỐC MÀ TA YÊU QUÝ NHẤT”

Nhà văn Nam Hà (1933 - 2018) tên khai sinh là Nguyễn Anh Công quê ở xã Bắc Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Ông xuất hiện trên văn đàn những năm sau hòa bình ở miền Bắc với bút danh Trúc Hà; sau đi chiến trường B. dùng bút danh Nam Hà. Ông mất ngày 19 tháng 5 năm 2018 tại Hà Nội.
Nhà văn Nam Hà (bên phải) cùng nhà văn Võ Trần Nhã một thời chung một chiến hào đánh giặc.

Nhà văn Nam Hà đã đi xa, là người “láng giềng”, là nhà văn đàn em sống chung một con phố; lại cũng cùng ông cùng ở một cơ quan (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhiều năm. Không hiểu sao, khi được tin ông mất nhớ ông, tôi lại nhớ về một bức thư. Thư của bạn tôi, một thanh niên trẻ, học giỏi từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước có may mắn được cử đi du học ở nước ngoài. Từ xứ tuyết trắng xa xôi và thanh bình, anh đã viết thư về cho chúng tôi. Thư kể: anh và bạn bè lưu học sinh Việt Nam đã khóc, đã tỏ ra “ghen tị” với chúng tôi – những người có “may mắn” được sống trong những ngày gian khổ của dân tộc trong cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, khi được nghe nghệ sĩ Linh Nhâm ngâm nhiều lần bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi!” của tác giả Nam Hà truyền đi trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam…. Bây giờ nói ra, lớp trẻ chẳng thể tin, những cái sự “phát ghen” và những giọt nước mắt của những người xa xứ thời ấy, nhưng chúng tôi tin đó là những chuyện rất thật, rất chân thành của bạn mình.

Một chi tiết mà ít ai tường thuở ấy là tác giả của bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” là ai, đang làm gì? Là Nam Hà, hẳn rồi. Nam Hà là Trúc Hà - tác giả của những truyện ngắn được Văn Nghệ, và Văn nghệ Quân đội trao giải sáng tác “trẻ” những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60. Từ Hà Nội, Trúc Hà đi B, với bút danh mới: Nam Hà (có lẽ là mang ý nghĩa Trúc Hà ở phương Nam, ở chiến trường), làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Anh sáng tác bài thơ trên mặt trận khu VI gian khổ, ác liệt, trên mảnh đất Bình Thuận yêu thương vào “mùa rẫy” năm 1966. Bài thơ được viết sau một trận chống càn, giữa cơn sốt rét rừng…

Nam Hà nhớ lại như thế và kể rằng, anh vốn là người của “văn xuôi” - văn xuôi chiến trận. Nhưng lúc đó không hiểu sao “hồn thơ” của anh cứ trỗi dậy, không chịu, không đánh được… Và anh làm bài thơ “Chúng con chiến đấu!”… để giãi bày tình cảm và lý tưởng của mình. Bài thơ được in trên báo mặt trận và theo đường giao liên ra bắc với cái “mũ” quen thuộc và luôn làm xao xuyến bạn viết, bạn đọc thời bấy giờ. “Từ miền Nam gửi ra “. Nam Hà nói thêm rằng, bài thơ là kỷ niệm một thời tuổi trẻ đánh giặc của anh. Anh nghĩ sao, viết vậy, đơn giản có thể. Khi viết bài “Chúng con chiến đấu…” anh không có ý định trở thành nhà thơ và càng không có ý định giã từ văn xuôi. Sau bài này, Nam Hà còn viết nhiều bài thơ khác nữa và in thành tập mang tên bài thơ ấy vào năm 1990, nhưng sự nghiệp chính của nhà văn – chiến sĩ này vẫn là văn xuôi với những tập tiểu thuyết “Đất miền Đông”, “Đường về Sài Gòn”, “Trong vùng tam giác sắt” những bộ sách đồ sộ viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc hoặc “Dặm dài đất nước” viết về công cuộc phục hưng, hiện đại hoá đất nước hôm nay. Nhưng văn nghiệp của ông phải kể đến tác phẩm “Đất miền Đông”.

“Đất miền Đông”  là bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ gồm 3 tập, tồng cộng 2.218 trang của nhà văn Nam Hà. Bộ sách được tác giả viết trong 10 năm, từ 1978 đến 1987 và  được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in trọn bộ năm 2014. “Đất miền Đông” là tác phẩm đã được Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 5 năm (2004 -2009) và Giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử trong những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh 1972-1975; là sự tái hiện một cách trung thực nhất, rõ nét nhất những diễn biến trong tháng 4/1975 ở trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Đất miền Đông”  bộ tiều thuyểt khắc họa lại chiến tranh theo kiểu sử thi. Những trang viết của tác giả đã làm sống lại những năm tháng chưa xa của lịch sử với những bước ngoặt trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước thời gian và không gian được mở rộng dần. Từ những chuyện xảy ra trong chiến tranh ở một đơn vị, rồi rộng ra đến cả một vùng chiến sự, cả một vùng đất, một mặt trận... dần lên tầm bao quát cả một thời chiến trận bi hùng của dân tộc của đất nước.

Là người trong cuộc, từng hoạt động nhiều năm ở chiến trường miền Đông Nam bộ “gian lao và anh dũng”  suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ nên trong “Đất miền Đông” cách nhìn của tác giả rất đa chiều. Ông không dừng lại ở sự mô tả;  cũng không chỉ quan tâm  đến việc “tả trận” mà quan tâm nhiều hơn đến quá trình vận động của chiến tranh; đến tính cách, số phận nhân vật, kể cả những nhân vật phản diện, nhân vật phía bên kia; đặc biệt là những người lính ở đại đội 111 của Lê Cam ở Trung đoàn 29 – đơn vị  tham gia chiến dịch F, giải phóng  Sài Gòn và kết thúc chiến tranh. “Đất miền Đông” xét về mặt văn học, về “chất”  tiểu thuyết tuy chưa thật xuất sắc, nhưng nó có sự bề bộn của tư liệu; ở tính chân thật cùng những câu hỏi, những vấn đề mà tác giả đặt ra như vấn đề thời cơ, vấn đề nhân dân, vấn đề thắng thua trong chiến tranh... Nam Hà đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, vấn đề đạo đức, chất nhân văn và tinh thần khoan dung trong chiến tranh. Tôi nói, đấy là vấn đề căn bản làm nên giá trị của bộ sách.

Trong những ngày này, đọc lại “ Đất miền Đông” của Đại tá – nhà văn chiến sĩ Nam Hà, tôi đặc biệt tâm đắc với những trang viết trong tập 3 – tập có tựa đề “Đường về Sài Gòn”. Trong tập 3 này, người đọc cũng đặc biệt quan tâm đến những trang dòng tác giả viết về phía đối phương – phía bên kia, trong đó nổi bật là những nhân vật “cộm cán” ở bộ tham mưu tối cao Mỹ - Ngụy trong “cơn ác mộng” của những ngày cuối cùng trước khi kết thúc chiến tranh (tháng 4- 1975). Giá trị của những trang viết này nằm ở sự bộn bề, sinh động của những dòng tư liệu, nhất là tư liệu của “bên thua cuộc”; ở không khí, ở cách nhìn chân thực sinh động, công bằng và nhân văn của tác giả.

Nhưng cảm động nhất rưng rưng nhất là những trang cuối cùng của bộ sách – những trang viết về “sáng tháng Tư” năm ấy... Trong ngày vui đại thắng, Nam Hà không chỉ cho bạn đọc hôm nay thấy những rừng cờ, rừng hoa cùng những nụ cười, những giọt nước mắt vui mà còn thấy cả những nỗi day dứt của những người lính trận... Là người lính được đi phép ra Bắc trong đợt đầu tiên khi tiếng súng vừa im, tiểu đoàn trưởng Lê Cam cảm thấy như đôi mắt mình nhòe đi. Anh đã khóc. Khóc không phải vì niềm vui sắp được trở về sau những ngày dài chờ đợi, mà khóc vì những dòng thư viết trên trang giấy đã ố vàng bởi đất đỏ nơi rừng miền Đông, của cả mồ hôi và máu của Bình – người bạn từng chiến đấu cùng trung đội đã không có mặt trong ngày vui lớn!

Thư có đoạn viết: “Hoàn ơi!.. Ngày mai, có thể là ngày cuối cùng cuộc đời 26 tuổi của tao, có thể là trận đánh cuối cùng trong đời lính của tao... Tao chỉ có một nguyện vọng thổ lộ riêng với mày là, tình cảnh gia đình tao mày biết rồi đấy, mẹ tao già rồi, mấy năm tao không viết thư về. Cái thư tao vừa viết cho mẹ, mày nhớ gửi giùm tao, còn cái thư cho Loan thì tùy mày. Trong ngày mai, nếu tao chết, nếu mày may mắn sống được đến ngày Sài Gòn giải phóng thì trong đợt đi phép đầu tiên, mày nhớ lên Tàu Ô mang tao về nhé...”. Và lá thư viết tiếp: “Với tao, thì có nằm lại trên vùng đất nào ở miền Nam này cũng được thôi... nhưng với một bà mẹ già chỉ có đứa con trai độc nhất, thì nắm xương tàn của đứa con được đem về lại là niềm an ủi không gì thay thế được... Thôi vĩnh biệt mày, vĩnh biệt các đồng chí! Hãy tiếp tục chiến đấu và chiến thắng!”... Người lính trong “Đất miền Đông” của Nam Hà là vậy. Chiến đấu thật ngoan cường, hy sinh thật vô bờ bến, nhưng cũng thật rất người!

Năm 1984, nhân Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội có gửi tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng một bộ sách tiêu biểu viết về chiến tranh cách mạng và người lính, trong đó có tiểu thuyết “Đất miền Đông” vừa được in lần đầu. Ngày 20 tháng 5 năm ấy, Thủ tướng có thư gửi cho nhà văn Nam Hà. Thư viết:

“Đồng chí Nam Hà thân mến!

Tôi đã đọc cuốn sách của đồng chí về cuộc kháng chiến ở miền Đông.

Tôi chắc đồng chí đã mất nhiều công sức để sưu tầm tài liệu và và viết tác phẩm này. Tôi nghĩ rằng người đọc sẽ vui lòng hoan nghênh tác giả đã cố gắng nhiều trong việc này.

Tôi chúc đồng chí tiếp tục những cố gắng đáng quý này, tiếp tục phấn đấu để có những tác phẩm xứng đáng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta.

Thân ái.
Phạm Văn Đồng”

Nhắc về những năm tháng thai nghén ra bộ “ Đất miền Đông”, nhà văn Nam Hà cho biết: Mười năm ấy là mười năm đói nghèo chồng chất của đất nước, nhưng cũng là những năm những người lính trở về, những người “từ trong rừng ra” như ông đầy vơi trăn trở, trăn trở về những năm tháng trận mạc chưa xa, về những người ngã xuống và về tương lai của dân tộc.

Có giai thoại kể rằng: Quãng những năm 1978-1979, nhà văn Nam Hà tất bật lo khẩn trương hoàn thành bộ tiểu thuyết Đất miền Đông. Tập một vừa ra lò, nhà xuất bản đã giục đưa bản thảo tập hai. Gấp rút quá, ông bèn “trốn” vào trại an dưỡng của Quân đoàn 4 nằm ở bờ nam sông Sài Gòn để viết. Ngôi nhà mà đơn vị bố trí cho ông làm việc vốn là nhà nghỉ cuối ngày của Nguyễn Văn Thiệu. Không khí ở đây thật tuyệt vời cho người viết văn. Là thế nên Nam Hà thường ngồi lỳ bên bàn, ngồi suốt từ sáng đến đêm, quên giờ quên giấc. Chỉ khi nào cảm thấy thật đói, ông mới xuống nhà ăn. Nhiều hôm, cả nhà ăn tập thể không còn một ai. Dù xuất ăn đã nguội ngắt, nhà văn vẫn đánh sạch. Hơn thế, sau khi ăn hết tiêu chuẩn, ông còn đi đến các bàn khác xem còn thức gì ăn được để... ăn thêm.

Chuyện đến tai các sĩ quan an dưỡng khiến ai cũng ái ngại cho ông. Rồi không ai bảo ai, cả tuần, cả tháng sau đó, trước khi ăn người phần Nam Hà miếng thịt, người khác xẻ cho nhà văn lưng cơm, muỗng canh. Cảm động trước tấm lòng đồng đội trong thời buổi bao cấp “gạo sổ”, “thịt đậu tem” nhà văn chỉ còn biết cách trả nghĩa bằng việc viết, viết say đắm, viết hết mình. Và khi bản thảo đã xong, dấu chấm hết đã được tác giả hạ xuống một cách nhẹ nhàng, anh em mới kéo đến phòng Nam Hà chúc mừng. Trong câu chuyện đượm tình đồng đội, nhà văn có ý trách rằng mình đã vào đây làm khó dễ cho anh em, rằng vì mình mà anh em nhiều phen phải đói... Một đồng chí trung tá không chịu nổi những lời phân bua của nhà văn bèn cắt ngang. “Rồi, rồi, có chi đâu anh Hai. Tụi tui làm vầy cũng là cách để sớm được coi tác phẩm của anh Hai thôi mà”. Nghe lại câu chuyện, tác giả của bộ trường thiên tiểu thuyết chỉ cười hiền và bảo: “Với tôi, mãi về sau mỗi lần nhớ lại, trong lòng đều trào lên nỗi xúc động, bởi chính tôi mới là người cần phải cảm ơn những người lính, những bạn đọc đặc biệt ấy. Họ - những chiến sĩ, đã cho tôi hiểu được một cách sâu sắc ý nghĩa của văn chương đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân và quân đội ta trong những năm tháng  máu lửa chưa xa.” 

Thập Tam trại, những ngày hè, năm 2018
NGÔ VĨNH BÌNH
Nguồn: VNQĐ


Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2018

THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG THƠ NGUYỄN VỸ

Góp mặt vào làng thơ Tiền chiến từ năm 1934 - thời điểm thơ Mới phát triển mạnh mẽ nhất, không ồn ào, chạy theo tâm lý đám đông lấy chuyện ái tình lãng mạn làm chủ đề chính cho thơ, Nguyễn Vỹ đã lặng lẽ theo tiếng gọi thao thiết của con tim viết những vần thơ gửi gắm tâm sự uất ức, dồn nén, bi phẫn của ông trước cuộc sống đầy phi lý và những kiếp người bị đày đọa trong bể khổ khôn cùng…
Nhà thơ Nguyễn Vỹ

1. Tự bao đời, phẩm tính cao cả nhất làm nên hệ giá trị của một nền văn học không có gì khác đó là sự quan tâm đến thân phận con người với tất cả những vui buồn, được mất, hạnh phúc, khổ đau, vinh quang,  cay đắng trong kiếp nhân sinh đầy biến đổi và bất an này. Vì vậy, trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (quyển thượng), Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng khi nghiên cứu về thơ Nguyễn Vỹ đã chia sẻ: “Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ Mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca… Nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt”(1). Nhận định trên đã xác quyết một sự lựa chọn riêng của đời thơ Nguyễn Vỹ, một sự lựa chọn vừa như định mệnh, vừa như hệ quả của cuộc sống với nhiều phong ba bão táp suốt đời cầm bút của thi nhân. Vậy “đường nét độc đáo riêng biệt” đó của thơ Nguyễn Vỹ là gì và được thể hiện ra sao? Đó là câu hỏi đặt ra cần một sự luận giải thấu đáo để làm sáng tỏ các giá trị nhân văn trong thơ Nguyễn Vỹ, ghi nhận những đóng góp của ông cho thi ca nói riêng và văn học nước nhà nói chung. Điều này rất cần thiết đối với một con người mà số phận đã đặt để ông trong rất nhiều khúc quanh của cuộc sống, với nhiều biến cố xã hội mà một nhà thơ, nhà báo luôn quan tâm đến thân phận con người như ông phải chọn lựa.
   
2. Thơ Nguyễn Vỹ, vì thế, theo chúng tôi là thơ mang nặng nỗi đau về phận số con người và điều này có thể thấy trong nhiều bài thơ như: Sương rơi, Hoàng hôn, Tiếng chuông chùa, Hai con chó, Hai người điên, Trăng, chó, tù…, Gửi Trương Tửu, Một mình, Tiếng súng đêm xuân, Giấc mơ bom nguyên tử, Chim hấp hối, Đêm sầu về, Cũng thế thôi, Sài Gòn đêm khuya, Đêm trinh, Hoa lệ, Hài nhi lai Mẽo vứt trôi sông…  
     
Qua những bài thơ này, người đọc ở mọi thời đều nhận thấy, ẩn sau câu chữ là tiếng thở dài chua chát, mỉa mai, là nỗi dồn nén uất ức, nỗi xót xa, đau đắng và khát vọng muốn phá vỡ những rào cản đang bủa vây để hướng đến tự do, giải thoát nỗi thống khổ của kiếp người trong xã hội mà sự phi lý, bất công, hoành hành đến ngột ngạt… Đây là những giá trị cốt lõi, là một hằng số văn hóa trong thơ Nguyễn Vỹ, bởi nó đã chạm đến tư tưởng nhân văn của thi ca dân tộc và nhân loại. Và để thể hiện những điều này, bằng tài năng của mình, Nguyễn Vỹ đã tạo nên những diễn ngôn thi ca đầy tính ẩn dụ qua hình tượng độc đáo mà Bàng Bá Lân đã nhận xét khá xác đáng:  “Nguyễn Vỹ là nhà thơ Việt Nam có cảm tình với chó nhiều nhất, và lần nào anh đưa con vật đó vào trong thơ cũng đều xúc cảm được người đọc”(2). Đúng như vậy, trong tâm thức của người Việt, chó là vật nuôi gần gũi, gắn bó, trung thành với con người. Nhưng chó cũng là giống loài chịu nhiều khổ cực nên trong dân gian mới có câu nói ví von: “khổ như chó!”. Trong các bài thơ Hai con chó, Trăngchó, tù…, Gửi Trương Tửu đều xuất hiện hình ảnh con chó. Vậy dùng hình ảnh “chó” trong thơ phải chăng là một dụng ý nghệ thuật để Nguyễn Vỹ muốn gửi gắm những suy tư về thân phận con người nổi chìm trong cõi nhân sinh, trong đó có chính thân phận mình?     
      
Sống trong thời nước nhà tao loạn bởi ngoại xâm, do bất bình với hiện thực đương thời, Nguyễn Vỹ viết hai tác phẩm Cái hoạ Nhật Bản và Kẻ thù là Nhật Bản, sau đó ông bị quân đội Nhật ở Hà Nội bắt giam chiều 30 Tết nhốt trong hầm kín của Sở Hiến binh Nhật, Kampetai. Nguyễn Vỹ cùng bị giam với bốn người Việt khác. Bài thơ Hai con chó làm trong phòng ngục tử hình, thấp và chật, như cái chuồng chó đúng đêm giao thừa Nhâm Ngọ, 1942. Cả bài thơ tái hiện tình cảnh khốn cùng của cảnh tù đày. Điều đặc biệt là vần “o” được gieo khắp bài thơ tạo cảm giác về một không gian bức bối, ngột ngạt:  Chuồng ngục tối om, kìa bốn xó / Bốn thằng bơ bơ như bốn chó/ Chẳng được nói năng, chẳng được cười/ Hai chân chồm hỗm ngồi co ró/ Lưng rít mồ hôi, không dám cọ / Ngứa ngáy tay chân không rậy rọ/ Rệp bò lên cổ, leo lên đầu/ Muỗi bay khiêu vũ, kêu ó ó.
       
Ngoài kia là “Hà Nội đón mừng xuân Nhâm Ngọ/ Pháo nổ tưng bừng, đèn sáng tỏ”, còn trong này là những người tù chịu cực hình tra tấn liên tiếp của lính Nhật tàn bạo, hắn vừa uống rượu “như uống máu tươi trong cái sọ” vừa dùng roi da “quất lên bốn đầu sỏ”, “sả ba roi lên đỉnh đầu” những tù nhân. Hình ảnh những tù nhân hiện lên dưới ngòi bút đặc tả của Nguyễn Vỹ thật thảm hại, họ như đang bị nhốt trong tầng sâu địa ngục với ma quỷ chứ không phải ở cõi người. Nguyễn Vỹ khắc họa chân dung những người tù dưới cơn mưa roi da của tên lính Nhật bằng nhiều động từ và tính từ gợi hình, gợi cảm: rụt vai, mặt mếu mó/ nhăn nhó/ tay run cầm cập, răng gỏ mỏ/ sốt rét lên cơn, không dám nằm/ cúi đầu lạy lạy như xin xỏ/ da mặt xanh lè, mắt tho lỏ/ giờ như cái xác con  ma xó/ thằng tôi chờ chết, ngồi co ró 
   
Tính chất bi hài của bài thơ khiến người đọc có thể cười rơi nước mắt chính là sự xuất hiện bất ngờ của con chó Nhật ngoài song sắt. Song con chó cũng bị khủng bố, tên lính Nhật “đạp giày lên lưng”, chó Nhật ẳng ẳng chạy gần đó…/ rồi tôi nhìn nó, nó nhìn tôi/ thông cảm cùng nhau hai đứa chó!
    
Hai đứa chó - Thật là cay đắng, chua chát, phũ phàng! Kiếp người và kiếp chó có gì khác nhau đâu? Thậm chí con chó còn được tự do ngoài song sắt, còn con người chỉ ngồi “co ró” đợi chết mà thôi! Khi bạo tàn ngự trị khắp nơi thì cả người và chó đều bị tước đoạt quyền sống và quyền tự do, dân chủ. Câu kết của bài thơ neo lại trong lòng người một dư âm nhức nhối, ngậm ngùi: Ôi tôi ôi, tôi ôi là tôi! Ôi chó ôi, chó ôi là chó.
   
Và cũng tiếp nối dòng cảm xúc trên, trong bài thơ “Trăng, chó, tù…”, Nguyễn Vỹ đã so sánh ba hoàn cảnh và khát thèm sự tự do của trăng và của chó - một nỗi khát thèm đến nhức nhối tâm can, tái tê tim óc đặt trong hoàn cảnh bi đát tưởng chừng tuyệt vọng mà đến hôm nay đọc thơ Nguyễn Vỹ chúng ta không thể không rưng rưng, xúc động và cảm thông:

Bỗng dưng đôi mắt lệ hoen mờ/ tôi gục xuống sàn tre, nằm thổn thức/ trăng với chó tự do ngoài sân ngục/ tôi bị giam sau bốn bức tường cao/ Ôi! Tự Do mi quý biết nhường bao!
   
Hơn ai hết, Nguyễn Vỹ-người tù-thi sĩ thấm thía và thấu hiểu giá trị quý giá của hai tiếng Tự do đối với con người: Có tự do là có cả thần tiên/ không có nó, trần gian là ngục thẳm. Vậy mà, thân phận con người bị giam cầm, tù ngục, bị đối xử tàn nhẫn còn không bằng con vật- đó là nỗi đau đớn, tức tưởi, buồn tủi đè nặng tâm tư, chiếm trọn tâm hồn khiến thi nhân đã khóc rất nhiều, khóc thâu đêm: Tù Trà – Khê say mê trong giấc đắm/ Trên giường tù ai lệ đẫm thâu đêm!
     
Nguyễn Vỹ đã trải lòng mình một cách thành thực, hồn nhiên, tế nhị…và có lẽ chính vì vậy mà những ví von có tính đối lập của ông giữa hình ảnh con người mất tự do trong nhà ngục với con chó tự do ngoài sân ngục trở nên thuyết phục, bởi người đọc không thấy sự khiên cưỡng, gượng ép. Hình ảnh thơ gợi cho người đọc những suy tư sâu sắc về kiếp người khốn cùng trong một đất nước đang sống trong kiếp nô lệ, lầm than.
         
Tồn tại với thân phận “ đầu thai nhầm thế kỷ” (từ dùng của Vũ Hoàng Chương), Nguyễn Vỹ phải chứng kiến bao cảnh đời bi thảm, bất công xảy ra trên chính quê hương. Ông bất bình với thời thế và muốn làm cái gì đó để phản kháng cho nguôi nỗi uất ức trong lòng. Nhưng khát vọng của Nguyễn Vỹ bị trả giá bằng những năm tháng tù đày, cùng cực,  điều này giúp chúng ta hiểu hơn vì sao trong thơ Nguyễn Vỹ nhiều khi ta bắt gặp những tiếng thở dài ảo não như muốn nối dài sang tận thế kỷ sau: “Ôi! Buồn lắm! Lòng ta buồn da diết!”…
    
“Con người Nguyễn Vỹ là con người đã sống, đã nếm mùi tân khổ, gian lao của kiếp “nhân sinh”… Kiếp “nhân sinh” ấy lại ở vào cảnh giao thời của hai thế hệ, trong một tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế… để đi đến tâm trạng căm hờn, biếm nhạo, khắt khe, chua chát… gần như điên dại”(3).  Dùng ngòi bút của mình như một phương tiện dấn thân để rồi chấp nhận tù tội và những thăng trầm trong cuộc sống của một thân phận lưu đày, cho nên nỗi khắc khoải phận người trong thơ Nguyễn Vỹ được thể hiện da diết, thành thực nhất lại chính là trong những vần thơ ông viết về nghiệp cầm bút.
        
Không giống như Tản Đà chủ trương lối sống hưởng lạc, yếm thế “chơi là lãi” để trốn tránh cuộc đời. Nguyễn Vĩ dẫu có “chán mớ đời” trong cái xã hội “mục, nát, thối” lúc đương thời thì ông vẫn tha thiết với nghiệp văn chương. Song, càng tha thiết với nghiệp văn chương ông càng đau buồn, chua xót bởi nhận thức rõ thân phận nghèo hèn, sự tồn tại vô nghĩa của những kẻ cầm bút mang nhiều khát vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử thi ca văn học dân tộc, có một thi sĩ đã dũng cảm nhìn thẳng vào bi kịch của thân phận người cầm bút và cay đắng, xót xa đến tột cùng: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ nhà văn An-nam khổ như chó/ mỗi lần cầm bút viết văn chương/ nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ rồi nhìn chúng mình hì hục viết/ suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/ mà thương cho tôi, thương cho anh/đã rụng bao nhiêu mái tóc xanh” (Gửi Trương Tửu).
    
Hình ảnh so sánh của những câu thơ viết từ năm 1937 của thế kỷ trước, diễn tả thực trạng bi đát, tủi cực, khốn cùng của nhà văn An-Nam nhưng đến hôm nay bất cứ ai, đặc biệt là những người làm nghề cầm bút đọc lại vẫn thấy nhói đau sâu thẳm trái tim mình…Hoài Thanh dù khắt khe với Nguyễn Vỹ đến mức khó hiểu nhưng vẫn phải thừa nhận: “Lời thơ thống thiết, uất ức, để giãi bày nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho họ không có gì xuất chúng đi thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt họ bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố thí”(4).
      
Không phải ngẫu nhiên “khi Tản Đà say rượu trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”. Nguyễn Vĩ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?” (5). Câu trả lời của Nguyễn Vĩ đã chứng tỏ cách ví von trong  thơ ông tiềm ẩn những thông điệp thâm thúy, sâu sắc mà bất cứ thời nào ngẫm nghĩ, suy tư về thân phận của nhà văn nói riêng và nghệ sĩ - những người cầm bút nói chung chúng ta vẫn thấy nhiều ý nghĩa. Lối chơi chữ hai mặt theo cách riêng của Nguyễn Vĩ khiến câu thơ vừa mang tính triết luận vừa như sự đúc kết một hiện tượng đời sống thấm thía nhiều ngậm ngùi, đắng đót, xót xa…!
      
Nguyễn Tấn Long đã khẳng định văn tài và nhân cách của Nguyễn Vỹ khi ông xác quyết: “Nguyễn Vỹ có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa, hòa lẫn vào đấy tình yêu thương đồng loại, tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương” (6). Quả đúng như vậy! Đọc thơ Nguyễn Vỹ, có thể nhận thấy bức tranh hiện thực được tái hiện đa dạng, nhiều sắc màu đậm nhạt khác nhau. Trung tâm của bức tranh là thân phận bèo bọt, chìm nổi của con người trong cơn binh lửa được Nguyễn Vỹ tái hiện một cách chân thực nhất khiến chúng ta giật mình xa xót: Kế tiếp nhau ngã gục những bóng người/ lẫn tiếng súng, tiếng kêu gào: “giết giết!”/ Ai say máu, chém đâm nhau ác liệt? Ai rên la thảm thiết khóc kêu vang?...Trời đất hỡi lại bao nhiêu xác chết…Ai thân yêu, nhắn nhủ lúc chia lìa/ Đang quằn quại rỉ rên bên vũng máu!...Một lớp trẻ chôn vùi ngoài chiến trận/ đã đem xương đem máu đắp xây mồ/ Một lớp sau còn sống sót bơ vơ/ Khóc cũng dở mà cười càng thêm dở (Tiếng súng đêm xuân). Và đây là cảnh tượng hoang tàn trong bài thơ “Giấc mơ bom nguyên tử”: Rớt chìm trong đáy bề khơi/ muôn muôn triệu xác nổi trôi dật dờ/ Hình như cả loài người chết cả/ Khắp bao la đầy mả mồ hoang…  
     
Với tất cả sự tủi hờn của dân tộc chìm đắm trong thảm họa chiến tranh. Nguyễn Vỹ đã đổ lệ cho những phận người mong manh còn “đầu xanh tuổi trẻ”. Trong mạch ngầm của những câu chữ diễn tả tang tóc, đau thương là tinh thần phản đối chiến tranh và khát vọng về một ngày hòa bình “ để cho muôn muôn đời dân tộc/ hết đói rét lầm than tang tóc” (Gửi Trương Tửu). 
  
Chiến tranh và cái chết tàn nhẫn không từ bất cứ một ai, lứa tuổi nào. Nguyễn Vỹ đã tố cáo tội ác kinh hoàng “do chiến tranh đó mới là thủ phạm” gây nên: Một hài nhi lai Mẽo vứt sơ sanh/ bị vứt bỏ, trôi bập bềnh trên sông rạch/ tội xác bé máu me chưa sạch/một đùm nhau chưa cắt, dính tùm lum!   Hài nhi là con lai, con hoang,  kết quả của lối sống ô hợp bừa bãi của những người lính Mỹ khi đến Việt Nam đã bị vứt bỏ không thương tiếc - một hiện tượng đau lòng nhưng không phải ai cũng quan tâm trong bối cảnh xã hội nhiều nhiễu nhương mạnh ai nấy sống lúc đương thời. Kiếp lưu đày và số phận bất hạnh của những hài nhi “quốc tế đủ các sắc, các màu” ngay từ lúc chào đời đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của tác giả, khiến lòng ông như tan nát: Mượn đất Việt để chôn nhau cắt rún/ chúng đang sống hàng bà làng, hổ lốn/ vì chiến tranh, cha của chúng, là tên/ Và chiến tranh là thủ phạm, cho nên… (Hài nhi lai Mẽo vứt trôi sông).
    
Có thể khẳng định Nguyễn Vỹ là một trong không nhiều những nhà thơ Việt Nam khắc họa hiện thực chiến tranh ấn tượng nhất: chiến tranh gắn liền cùng những cái chết bi thảm, thương tâm, và cái chết cũng như một sự mặc định đối với thân phận con người nếu xảy ra chiến tranh ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào. Có lẽ đây là thông điệp nhân văn mà đương thời ít thi sĩ đề cập đến...
    
Chiến tranh là chết chóc đau thương…song, không dừng lại ở đó, hệ lụy chiến tranh mà con người phải gánh chịu là khôn lường, nó tàn phá văn hóa,  và làm băng hoại những gì thuộc về giá trị nhân văn. Con người không còn được đối xử như là con người nữa, họ phải sống cuộc đời vất vưởng như con vật thậm chí không được bằng con vật.  Nguyễn Vỹ “mang một trái tim/ đìu hiu tan tác/ nặng sầu vết thương” (Chim hấp hối) để chia sẻ cùng những mảnh đời bất hạnh hơn mình. Đó là cảnh Sài Gòn đêm khuya với những con người “không cửa nhà, không một chiếc giường rơm…những đàn bà, con trẻ, kẻ già nua/ rách tàn tạ, áo quần gần không có/ nằm đầu đường dãi nắng với dầm mưa…những hành khất xác xơ, đầu ủ rũ/ngày ngồi xin góc chợ khách đi qua/ bạn biết tối họ nằm đâu để ngủ?Bên bìa thành, trong những bãi tha ma!...Tôi đã thấy một người cha đói rách/Ôm con ngồi trong xó tối hoang vu…” (Sài Gòn đêm khuya).
  
Lẽ ra trong mắt người trẻ tuổi, lãng mạn như thi nhân thuở ấy xuân phải là “xuân thanh trinh bát ngát đẹp vô ngần” nhưng với tâm hồn nhạy cảm và “mang trong tim một khối nặng tình thương ” Nguyễn Vỹ lại chỉ nhìn thấy trong khung cảnh mùa xuân những cảnh đời éo le, ngang trái, bao lần thi nhân đã nhỏ lệ xót thương: “Những thiếu nữ đêm xuân nằm trằn trọc/buồn cô đơn, tủi phận, khóc hờn duyên/ những chàng trai thất nghiệp, túi không tiền/ đi thất thểu chiều xuân trên vỉa phố…/ những đoàn người trí thức, dáng dịu hiền/ gương mặt sáng, đôi mắt ngời rực rỡ/ phải lam lũ làm quanh năm khổ sở/ không đủ nuôi cha, mẹ, vợ, con, em/ những công nhân quần áo rách cũ mèm/ mấy ngày Tết đâu có nem với gỏi?/ Ở túp lá bị mưa dầm nắng dọi/ ăn, cà, dưa, nhiều bữa đói không cơm/ kẻ đi xin, như những xác không hồn/ nằm hấp hối đêm giao thừa góc phố” (Hoa lệ). Trước mắt nhà thơ hiện thực cuộc sống không thể thêu dệt bằng ảo mộng, đó là hiện thực phũ phàng khiến trong suy tư của tác giả chỉ ngập tràn nỗi “xuân đau khổ”, “xuân nghẹn ngào trong cổ, ứ trong tim…/ xuân âm thầm của vô số sinh linh/ xuân đìu hiu của muôn vạn gia đình/ xuân tang tóc của những nàng quả phụ/ xuân lạnh lẽo trên những mồ vô chủ…”
    
Đói nghèo, tàn tạ, mông muội… những kiếp người vật vờ, sờ soạng như bóng ma trong bóng đêm dày đặc, mịt mù - ấn tượng đó chúng ta gặp không ít trong thơ Nguyễn Vỹ. Thi nhân đã lưu lại cho hậu thế một bức tranh chân thực về đời sống đương thời mà chính ông là chứng nhân lịch sử. Nguyễn Vỹ đã chủ ý tô đậm gam màu u tối trên bức tranh - đó cũng chính là gam màu mang đến cho người đọc mọi thời nhiều ưu tư về thời thế và thân phận con người  đã, đang và sẽ sống kiếp đọa đày giữa cõi trần gian đầy bất trắc. Và những điều này không thể không làm ta suy nghĩ truy tìm câu trả lời đặt ra cho nhân loại mà sinh thời chính Nguyễn Vỹ đã luôn trăn trở: Phải làm sao cho hết người đói lạnh/ phải làm sao cho hết kẻ bần hàn/ và làm sao những tâm hồn hiu quạnh/ được niềm vui trong an ủi hân hoan…” (Sài Gòn đêm khuya).

3. Góp mặt vào làng thơ Tiền chiến từ năm 1934 - thời điểm thơ Mới phát triển mạnh mẽ nhất, không ồn ào, chạy theo tâm lý đám đông lấy chuyện ái tình lãng mạn làm chủ đề chính cho thơ, Nguyễn Vỹ đã lặng lẽ theo tiếng gọi thao thiết của con tim viết những vần thơ gửi gắm tâm sự uất ức, dồn nén, bi phẫn của ông trước cuộc sống đầy phi lý và những kiếp người bị đày đọa trong bể khổ khôn cùng. Sinh thời, Nguyễn Vỹ cùng thơ ông đã tạo sự hấp dẫn và quan tâm đối với người tiếp nhận của nhiều thế hệ qua mọi thời đại. Cho dù Hoài Thanh đã từng chê thơ Nguyễn Vỹ là mắc “tật lòe đời”, Thế Phong đã từng khẳng định “sự nghiệp của Nguyễn Vỹ chỉ được một câu thơ trong bài gửi cho Trương Tửu khiến cho người đời còn nhắc đến tên ông: Thi sĩ Việt Nam khổ như chó(7) thì cho đến hôm nay theo thời gian, hồn thơ Nguyễn Vỹ đã và đang tiếp tục khẳng định giá trị trường tồn của nó, bởi một lẽ giản dị: tự thân nội hàm thơ Nguyễn Vỹ đã mang tư tưởng vượt thời đại ông sống, chạm đến những vấn đề mang giá trị trường cửu của thi ca nhân loại, hàm ẩn những giá trị nhân văn tiến bộ sâu sắc mà độ lùi thời gian càng lớn nó càng phát lộ hào quang - đó là vấn đề thân phận con người!
     
Nguyễn Vỹ đã sống và viết như một thi sĩ dám dấn thân để chia sẻ với nhân quần những đau khổ về phận người với những trang viết đầy ắp nỗi niềm trăn trở. Ông sống như một kẻ “cô phương” (chữ dùng của Nguyễn Vỹ) suốt những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời mà nhiều khi không có nổi “chốn nương thân”. Song, ông đã can trường chấp nhận, đối diện, đương đầu với những trầm luân đau khổ của cuộc đời và như một định mênh mà số phận đặt để. Và chính cuộc đời nghệ sĩ “ba nổi bảy chìm” của Nguyễn Vỹ trong cõi nhân sinh cũng là một bài thơ thống thiết, ẩn chứa nhiều thông điệp đầy tính nhân văn gửi đến các thế hệ mai sau. Bài viết này, vì thế, xin được coi như một nén tâm hương tưởng nhớ, tri ân Nguyễn Vỹ - người con tài hoa của quê hương Quảng Ngãi về những gì ông đã làm cho thơ và cho đất nước trong phận số của một Con Người đúng nghĩa… Xin được ngược dòng thời gian, chia sẻ cùng thi nhân nỗi cô đơn của trái tim nghệ sĩ luôn đau đáu niềm đau về thân phận con người với những mảnh đời bé nhỏ, mong manh, như thi nhân từng bộc bạch: Một trời, một biển bao la/ một mây, một gió, một ta, một mình/ trần ai một kiếp lênh đênh/ trăm thương, nghìn nhớ, một mình, một ta...

TS. CAO THỊ HỒNG 
Nguồn: NVTPHCM
                                                                                       
CHÚ THÍCH:

(1),(3),(6),(7). Nguyễn Tấn Long-Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển  thượng), tr.438,449,446,460.
 (2). Nhiều tác giả, Văn thi sĩ hiện đại, Nxb. Xây dựng, Sài Gòn, 1962, tr.153
 (4),(5). Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2003(tái bản), tr. 107,108.


NHÀ VĂN THÙY DƯƠNG: TRĂN TRỞ VỚI MỖI THÂN PHẬN NGƯỜI

Nếu không biết Thùy Dương sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, sẽ đoán   chắc nàng là người Hà Nội gốc. Gọi là nàng v ì nàng không chỉ xinh đẹp, ...

BÀI ĐỌC NHIỀU